Đạo và Đời

Lễ Lá, khởi đầu Tuần Thánh

Thursday, 07/04/2022 - 09:25:50

Sau gần 40 ngày chay tịnh, vào Chủ Nhật, 10 tháng Tư, 2022, Giáo Hội Công Giáo cử hành Lễ Lá,...


Sau khi linh mục làm phép lá, các thừa tác viên phân phát lá cho mọi giáo dân để cùng rước lá vào thánh đường (năm 2021) (Thanh Phong/Viễn Đông)


Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Sau gần 40 ngày chay tịnh, vào Chủ Nhật, 10 tháng Tư, 2022, Giáo Hội Công Giáo cử hành Lễ Lá, khởi đầu Tuần Thánh, tuần lễ quan trọng nhất của năm Phụng Vụ. Lễ Lá cũng là ngày cuối cùng của Mùa Chay Thánh.

Trong suốt Mùa Chay, Giáo Hội khuyên các tín hữu ăn chay cầu nguyện, sửa đổi tính hư tật xấu, làm hòa cùng Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải và làm việc bác ái để xứng đáng đón mừng ngày Chúa Phục Sinh.
Trong ngày Lễ Lá , nhiều bài Tin Mừng được công bố, trong đó có bài Tin Mừng của Thánh Luca (năm C) nói về việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại: “Khi đến gần làng Bết-pha-ghê và làng Betania, bên triền núi gọi là núi Oliu. Người sai hai môn đệ và bảo Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh tháo giây ra và dắt nó đi. Và nếu có ai hỏi “Tại sao các anh tháo lừa người ta ra?” thì cứ nói: “Chúa cần đến nó”. Hai người được sai ấy ra đi và thấy y như Người đã nói. Các ông đang tháo giây lừa thì những người chủ con lừa nói với các ông “Tại sao các anh lại tháo con lừa ra? Hai ông đáp “Chúa cần đến nó”. Các ông dắt lừa về cho Đức Giêsu, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và đặt Đức Giêsu lên. Người tới đâu, người ta cũng lấy áo mình và chặt cành lá trải xuống đường. Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Oliu, tất cả môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ đã được thấy. Họ hô lên “Chúc tụng Đức Vua – Đấng ngự đến nhân danh Chúa – Bình an trên cõi trời cao – Vinh quang trên các tầng trời”. Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Phariseu nói với Đức Giêsu” Thưa Thầy, Thầy quở trách môn đệ Thầy đi chứ”. Người đáp “Tôi bảo thật các ông : họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên.”

Biến cố Chúa vào thành Giêrusalem cho chúng ta thấy giờ của Ngài đã đến. Trước đó nhiều lần dân Do Thái đã tìm cách giết hại Ngài nhưng giờ Ngài chưa đến. Bây giờ mới đến giờ Chúa bước vào cuộc khổ nạn và chịu chết để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, như hạt lúa mì gieo xuống đất phải mục nát đi mới nẩy mầm và kết trái. Cuộc khải hoàn vào thành Gierusalem giữa tiếng tung hô vang dậy của dân chúng, họ phất cao cành lá và miệng “Hoan hô Con Vua Đavit” bề ngoài như một cuộc chiến thắng vang dội nhưng thật ra, đây là cuộc mở đầu cho sự Thương Khó của Chúa Giêsu; bởi vì chỉ ít ngày sau khi tung hô Ngài, dân chúng trở mặt phản bội Ngài khi Ngài bị điệu đến quan Tổng Trấn Philato, thì những người hôm trước hoan hô Chúa, nay gào to lên “Giết đi, giết đi, đóng đinh nó vào thập giá.”


Cộng Đoàn Westminster diễn lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm 2020 (Thanh Phong/Viễn Đông)

Trong thánh lễ tưởng niệm việc Chúa vào thành Gierusalem, giáo dân rước lá từ ngoài nhà thờ vào trong thánh đường. Sau lễ Lá là Tuần Thánh. Từ thứ Hai ngày 11 đến thứ Tư ngày 13.4.2022 các thánh lễ đều là Lễ Trọng. Qua ngày thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy là ba ngày cực thánh (Tam Nhật Thánh). Ngày thứ Năm Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể, truyền chức Linh Mục và dạy môn đệ bài học yêu thương qua việc Người rửa chân cho các ông. Tối thứ Bảy là lễ Vọng Phục Sinh và Chủ Nhật ngày 17.4.2022 là Đại Lễ Phục Sinh, mừng Chúa sống lại.

Trong ngày thứ Năm của Tam Nhật Thánh, các giáo xứ trên khắp thế giới đều cử hành nghi thức Rửa Chân cho 12 giáo dân, tượng trưng 12 môn đệ của Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxico cũng sẽ làm nghi thức rửa chân cho một số giáo dân tại giáo đô Roma. Ngày thứ Sáu, toàn thể Giáo Hội ăn chay, kiêng thịt, suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có truyền thống “Ngắm Đứng” và suy niệm 14 Chặng Đàng Thánh Giá suốt trong Mùa Chay và đặc biệt ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Một số Cộng Đoàn Việt Nam tại Nam California như Westminster, Đức Mẹ La Vang, còn tổ chức diễn lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và suy niệm sự đau đớn của Đức Mẹ qua 14 chặng đàng Thương Khó hết sức cảm động.

Trong thánh lễ Vọng Phục Sinh, các nhà thờ đều cử hành nghi thức Thắp Nến Phục Sinh, rước kiệu Chúa Phục Sinh, công bố các bài Tin Mừng, trong đó không được bỏ qua bài “Trích sách Xuất Hành” tả lại việc ông Môi Sen (Moses) dẫn người Do Thái vượt qua Biển Đỏ để trốn chạy quân Ai Cập một cách ngoạn mục. Cũng trong thánh lễ Vọng Phục Sinh, hầu hết các giáo xứ đều cửa hành bí tích khai tâm Kito giáo (Rửa tội, Thêm Sức và Thánh Thể) cho một số anh chị em tân tòng, sau khi họ đã học hỏi giáo lý để chính thức gia nhập Giáo Hội Công Giáo.


Dân chúng cầm nhành lá, cởi áo lót đường cho Chúa đi vào thành Giêrusalem (ảnh minh họa)

Ngày Chúa Nhật 17.4.2022 toàn thể Giáo Hội Công Giáo hân hoan mừng kỷ niệm ngày Chúa Phục Sinh vinh hiển, vì nếu Chúa không Phục Sinh thì đức tin của người Công Giáo ra vô nghĩa.

Tác giả Simon Hoa trong bài suy niệm Lễ Lá, ông kết luận: “Trong cuộc sống đời thường, chúng ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát ... nhưng suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa, trước hết chúng ta gặp được một tình yêu. Tình yêu vô cùng lớn lao của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và với nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ. Vậy chúng ta hãy cảm nếm thật sâu nỗi khổ đau thân xác và tinh thần của Chúa Giêsu, nhưng đừng quên nhận ra tình yêu bao dung nằm ẩn dưới từng phản ứng của Ngài. Ước gì chúng ta có thể đón nhận những gai góc của cuộc đời với thái độ của Chúa Giêsu. Càng suy nghĩ về cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ thấy mình càng yêu Thánh Giá của Chúa hơn, yêu thánh giá của mình hơn và kính trọng thánh giá của người khác hơn.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT