Đời Sống Việt

Hoa Hoàng: “Cơm sôi nhỏ lửa” để giữ hạnh phúc gia đình

Thursday, 22/01/2009 - 12:36:18

Bà nhớ lại, 5 tháng đầu trên đất Mỹ vừa đi học trường Orange County College vừa chật vật kiếm tiền để sống, lặn lội qua nhiều tiệm may, nhà ...

Hoa-Hoang.jpgBài và ảnh: Phụng Linh/Viễn Đông

Suốt 17 năm trên quê hương mới, Hoa Hoàng đã tự tạo cho mình một vị trí không dễ tìm: giám đốc điều hành khu nhà ở của công ty Park Court, thành phố Santa Ana, Quận Cam.

[Bà Hoa Hoàng tại văn phòng làm việc]



Bà nhớ lại, 5 tháng đầu trên đất Mỹ vừa đi học trường Orange County College vừa chật vật kiếm tiền để sống, lặn lội qua nhiều tiệm may, nhà hàng, văn phòng bác sĩ cho tới khi chuyển sang Cal State Fullerton học về quản trị kinh doanh, tình cờ xin vào làm việc tại một công ty cần người lo việc cho mướn nhà. Công việc của bà lúc đó là show nhà, làm hồ sơ cho người thuê. Ban ngày đi làm, ban đêm đi học, giờ nghỉ trưa làm giờ học ở trường, Hoa không thể tưởng tượng được làm thế nào mà bà đã vượt qua được những năm tháng gian nan, vất vả đó. Vậy mà thời gian thoáng vụt qua, Hoa Hoàng nay đã trở thành một quản trị viên cao cấp ở một công ty cho thuê nhà.

 

Trong đợt suy thoái trước đây, ban điều hành khu nhà ở 5 người đã phải ra đi, chỉ một mình Hoa Hoàng ở lại. Đợt suy thoái lần này đang thử thách bản lĩnh của nhà quản trị cao cấp Hoa Hoàng. Bà đang tất bật với đầy ắp công việc giữ nhịp độ cho thuê trong khi khách hàng bị mất việc ngày càng tăng chứ không giảm.

 

Viễn Đông: Theo bà thì yếu tố nào là quyết định nhất sự thành bại của một con người trong công việc quản trị một công ty thương mại?

Hoa Hoàng: Khu nhà này trải qua nhiều đời chủ, đời chủ lúc tôi mới bước vào làm là người Đại Hàn, họ coi mình như con cháu nên sẵn lòng cho về sớm một chút để đi học. Lấy lớp vào giờ nghỉ trưa, đi về sớm một chút họ cũng để cho đi. Đến giai đoạn kinh tế xuống dạo đó, ông chủ Đại Hàn khai phá sản, tòa án giữ tôi lại làm việc. Công ty mua lại sau đó đã cho đi một người đợt đầu; đợt thứ hai cho nghỉ hết, khoảng 5 người, chỉ giữ tôi lại. Tôi nghĩ lý do được giữ lại, có thể vì mình có một căn bản kiến thức cần thiết cho công việc, và hơn nữa trong khu vực cũng cần người sắc tộc có hai ngoại ngữ – nhưng lý do này cũng phụ thôi. Từ tháng Hai, năm 1998, tôi được chỉ định làm giám đốc điều hành khu nhà, lo việc quản trị tài chính, thẩm định giá trị, điều kiện, tiêu chuẩn ăn ở... toàn bộ khu nhà.

Đây là công việc phải thương lượng với con người, mà con người thì không ai giống ai. Cho nên phải hiểu rõ yêu cầu của mỗi người, hiểu người ta cần gì để mình đem tới cái người ta cần, chứ không phải đưa ra cái mình có. Tôi đang làm công việc quan hệ với khách hàng và nhân viên cộng sự. Tôi nghĩ rằng thái độ làm việc có trách nhiệm, tận tụy, có lương tâm, biết tin cậy cộng sự để tạo uy tín với hãng quyết định sự thành công của công việc này.

 

Viễn Đông: Trong thời kỳ suy thoái kinh tế hiện nay, bà phải làm gì để duy trì công năng cho thuê phòng của khu nhà?

Hoa Hoàng: Chúng tôi đã và đang áp dụng giá thuê đặc biệt cho mùa tết, giảm tới $100 tiền cho thuê phòng, năm nào cũng vậy, dọn liền trước tết 1,020 đồng đối với nhà một phòng.

 

Viễn Đông: Kinh nghiệm mà thu thập được có phải từ sách vở?

Hoa Hoàng: Sách vở chỉ cho mình những kiến thức chung chung. Kinh nghiệm thông qua việc học hỏi trong việc làm thực tế mới thật sự quý báu. Trong thực tế, đôi khi cái mình muốn và cái mình cần hoàn toàn khác nhau. Nhu cầu của khách hàng rất khác nhau, cao - thấp, xa – gần mình phải tìm hiểu căn kẽ để biết được điều họ cần mà đáp ứng.

 

Viễn Đông: Có khi nào chúng ta biết rõ nhu cầu đó mà không tài nào đáp ứng được?

Hoa Hoàng: Cũng có, vì đâu thể cái gì mình cũng có. Trong trường hợp đó, tôi sẽ đề nghị người khách đến một nơi khác, chứ không bỏ rơi họ.

 

Viễn Đông: Bà có nghĩ rằng người điều hành trong lĩnh vực thương mại cũng cần có một bản lĩnh vững vàng?

Hoa Hoàng: Trong tất cả mọi lĩnh vực chứ không riêng một lĩnh vực nào, tôi nghĩ bản lĩnh cần thiết nhất ở một nhà quản trị là phải đối xử công bằng khi làm việc với cộng sự, không đòi hỏi người ta phải làm một việc gì mà mình không làm được. Hơn nữa, khen thưởng cũng phải kèm với xử phạt một cách công minh. Nói căn bản thì như vậy, nhưng thực tế có nhiều qui định hướng dẫn liên quan đến pháp luật, phải bảo đảm rằng việc hành sử công việc phải qua một tiến trình, thủ tục hợp lệ. Mình có quyền nhưng phải theo đúng sự hướng dẫn, qui định.

 

Viễn Đông: Có khi nào cần phải uyển chuyển, mềm dẻo trong các biện pháp chỉ huy?

Hoa Hoàng: Có chứ. Ai cũng là người, ai cũng có lúc vui buồn theo thời tiết, hoàn cảnh. Cho nên không thể nào quá cứng ngắc khi giải quyết các công việc có tính nguyên tắc.

 

Viễn Đông: Trong tình huống hiện nay, bà phải đương đầu với những khó khăn nào?

Hoa Hoàng: Khó khăn khách quan, chủ quan đều có. Có những buổi sáng tôi vừa đến sở làm, trông thấy một bức thư của người khách đang ở, nói vì mất job nên phải dọn ra. Cũng có người lợi tức không đủ gấp 3 lần tiền thuê nhà nên không thuê được. Tình hình kinh tế suy thoái kéo dài, người thất nghiệp đông sẽ làm khó khăn kéo dài. Nhiều người lâm vào khó khăn, có khuynh hướng thu hẹp căn hộ, hoặc dọn về ở chung với gia đình để tiết kiệm tiền thuê nhà. Người ta thường đi tìm chỗ giá rẻ mà bất chấp phẩm chất chỗ ở thay vì tìm một chỗ ở có nhiều tiện nghi. Công ty chúng tôi lớn, cung cấp tất cả dịch vụ, tiện nghi cần thiết với tiêu chuẩn cao cấp cho nên không thể giảm giá như bên ngoài. Vì vậy mà cái khó của chúng tôi hiện nay là làm sao để khỏi mất khách vì người ta có thể so sánh mình với những chỗ khác.

 

Viễn Đông: Và bà đã phải làm gì, thưa bà?

Hoa Hoàng: Hôm nay tôi phải đi một vòng quan sát thị trường, xem giá cả của các công ty đối thủ, phân tích những lợi điểm hay những điểm yếu mà mình hơn, hay thua trên thị trường. Tôi nghĩ nếu cần thiết cũng phải giảm giá nhà cho thuê ở một mức nào đó.

 

Viễn Đông: Có khi nào bà đề nghị cấp trên áp dụng một biện pháp kinh doanh nào đó và liệu họ có đồng ý không?

Hoa Hoàng: Hãng tôi luôn lắng nghe ý kiến của nhân viên. Hàng năm họ mướn một hãng khác thu thập ý kiến nhân viên và cư dân để xem họ nghĩ gì, xem cư dân có sẵn sàng bỏ thêm tiền để hưởng thêm tiện ích hay không.

 

Viễn Đông: Bà nghĩ rằng có nhiều điều để học chính trong công việc của mình?

Hoa Hoàng: Công việc mỗi ngày, không ngày nào giống ngày nào; chuyện lớn, chuyện nhỏ đều có, với nhiều tính chất khác nhau trong từng góc cạnh công việc. Khi vắt óc để nghĩ và cách giải quyết vấn đề một cách đắc lực tức là đã học hỏi được rất nhiều.

 

Viễn Đông: Có khi nào bà gặp quá nhiều điều phiền muộn?

Hoa Hoàng: Có chứ. Cũng có những vấn đề mà mình không mong muốn xảy ra trong cuộc sống, hoặc từ sếp lớn, có khi từ người cộng sự, có khi từ các cư dân, từ người bên ngoài. Mỗi tôi thấy có 5 người khách tới xem phòng mà không người nào mướn thì lập tức phải đặt câu hỏi: phải chăng sản phẩm của mình không đạt, không đúng với cái người ta tìm, hay vì chúng ta làm việc chưa đầy đủ.

 

Viễn Đông: Trước những tình huống đó, bà làm sao?

Hoa Hoàng: Phản ứng nhanh, kịp thời, phải điều chỉnh liền mọi vấn đề chứ không để kéo dài.

 

Viễn Đông: Có thể nói để đạt được độ thành công, qua kinh nghiệm của chính mình, theo bà thì người trẻ Việt chúng ta cần phải như thế nào?

Hoa Hoàng: Phải có nghị lực, phải xác định mục tiêu và phải có ý chí đạt tới.

 

Viễn Đông: Mặc dù rất bận rộn trong công việc của một giám đốc điều hành, nhưng suốt 15 năm qua dưới mái gia đình riêng, với một chồng và hai cậu nhóc 13, và 12 tuổi, bà làm cách nào để chăm sóc con?

Hoa Hoàng: Vì cả hai vợ chồng phải đi làm nên chúng tôi gửi con ở nhà ngoại, chiều ghé đón con về. Các cháu nói tiếng Việt tốt lắm nhưng viết và đọc thì kém. Biết vậy nhưng nhà xa quá không đưa đón con đi học ở trường Việt ngữ được.

 

Viễn Đông: Các cháu thương ba và mẹ, ai nhiều hơn, thưa bà?

Hoa Hoàng: Khi hỏi thì nó nói thương ba mẹ bằng nhau. Nhưng tôi biết các con tôi gần gũi ba nhiều hơn vì là con trai chơi được với ba. Và có lẽ cũng sợ ba hơn.

 

Viễn Đông: Chuyện chăm sóc con có đòi hỏi nhiều hy sinh lắm không, và bà nghĩ các con cần gì nhất ở người mẹ?

Hoa Hoàng: Mỗi thời điểm, cha mẹ có nỗi cực khác nhau. Hồi nhỏ cực thể xác nhưng nó lớn thì cực tinh thần nhiều. Con cần mình dành thời gian để chuyện trò, vui chơi với nó. Đáng ngại nhất là không có thời gian.

 

Viễn Đông: Trong hoàn cảnh quá bận rộn trong công việc như bà, thời gian nào bà dành cho con?

Hoa Hoàng: Buổi sáng trước khi đi làm, lấy quần áo cho đi tắm, chải đầu, cho ăn. Buổi tối, sau bữa cơm thì ngồi lại với nhau, coi TV chung, đọc sách chung...

 

Viễn Đông: Cách chăm con của cha mẹ ở đây và trong nước khác nhau. Hình như ở đây sự thắm thiết giữa tình mẹ con, hoặc cha con không “thắm thiết” bằng người trong nước, bà có nghĩ vậy không?

Hoa Hoàng: Tôi nghĩ ngược lại. Tôi chưa bao giờ ôm hôn ba mẹ mình. Ở VN hình như trẻ con không được dạy cách bày tỏ tình thương. Nhiều khi mình thấy thương má quá mà không dám ôm hôn. Còn ở đây thì cha mẹ ôm hôn con rất bình thường. Mới hôm Giáng Sinh, ông bà ngoại đến thăm, trước khi về thì ôm hôn cháu ngoại một cái. Cháu lớn đột ngột hỏi tôi: “Sao mẹ không ôm bà ngoại hôn?” Tôi phải giải thích rằng hồi xưa mẹ không được dạy như vậy, và không làm cho nên không quen.

 

Viễn Đông: Theo bà thì cha và mẹ đối với con, ai quan trọng hơn?

Hoa Hoàng: Mẹ và cha quan trọng như nhau nhưng tính chất quan trọng khác nhau, khác về chiều hướng và khác tùy theo tính ý của đứa con. Hai đứa con của tôi tính ý khác nhau hoàn toàn: thằng lớn dễ tính, bảo gì làm nấy, còn anh nhỏ thì lý sự, không phải bảo là làm ngay. Cho nên đối với “cậu nhỏ” này đôi lúc phải cứng rắn, nhưng cũng có lúc phải mềm mỏng.

 

Viễn Đông: Bà có nghĩ rằng mình không được phép sai lầm trong cách giáo dục, đối xử với con?

Hoa Hoàng: Cũng có khi mình lầm lỗi với con, và tôi thấy phải nói thật với cháu điều đó, rằng “có lúc bực mình, mẹ nói những điều không đúng, vì không kiểm soát được bản thân mình, vì vậy cho nên mẹ con đều phải cố gắng đối xử với nhau cho tốt”. Nhưng tôi nghĩ người làm cha mẹ cũng cần đặt ra những nguyên tắc, sự giới hạn không thể vượt qua vì trẻ con không biết đúng, sai, phải quấy, mình phải có giới hạn và giải thích. Trẻ con ở đây phải giải thích tại sao làm như thế, chứ không thể áp đặt như bọn mình hồi còn bé ở Việt Nam đã từng bị áp đặt.

 

Viễn Đông: Bà làm gì vào dịp cuối tuần?

Hoa Hoàng: Cuối tuần phải dành cho gia đình 100%, đưa đón anh lớn tới sân bóng rổ rồi tới anh nhỏ. Anh này nuôi mộng làm lực sĩ bóng rổ vì lý do VN chưa có người trở thành lực sĩ môn bóng rổ, và anh muốn trở thành một sự kiện lịch sử.

 

Viễn Đông: Qua tính cách con người, hình như ông có vẻ chịu lép trước bà?

Hoa Hoàng: Thấy vậy mà không phải vậy. Cái chính là hai bên tôn trọng nhau. Có lúc tôi chịu lép, có lúc thì ổng, nhưng có lẽ ổng... chịu lép nhiều hơn.

 

Viễn Đông: Bà có bí quyết nào giữ hạnh phúc gia đình?

Hoa Hoàng: Tôi nhớ người xưa có câu “cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”. Đó là bí quyết duy nhất của tôi để giữ hạnh phúc gia đình.

 

Viễn Đông: Ai nhỏ lửa?

Hoa Hoàng: Người nào cũng có thể làm cơm sôi, và người nào cũng có thể làm nhỏ lửa được hết. Nếu thấy ông xã đang “sôi” thì mình nhỏ lửa. Biển còn có sóng, bão tố, nói chi con người. Nếu một người giận, một người nhẹ lời thì người kia không giận lâu được. Khi thấy ổng giận lên thì tôi lẳng lặng im, không nói gì, rồi mọi chuyện vui trở lại.

 

Viễn Đông: Người vợ sống ngoài xã hội nhiều, có khi nào đó là điều bất lợi cho hạnh phúc gia đình?

Hoa Hoàng: Tôi nghĩ rằng nếu thật lòng yêu thương nhau, tôn trọng và tin tưởng nhau thì không sao hết. Ở đây hiếm xảy ra chuyện bồ bịch lăng nhăng vì ai cũng bận rộn với công việc, gia đình. Nếu gia đình tan vỡ tôi nghĩ phần nhiều vì người ta tôn trọng đời sống cá nhân nhiều hơn cuộc sống lứa đôi. Nếu chỉ nghĩ về cái riêng của mình thôi thì dễ đổ vỡ lắm.

Viễn Đông: Cám ơn bà và mến chúc bà cùng gia đình một mùa xuân hạnh phúc, gặt hái nhiều thành công trong công việc.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT