Đời Sống Việt

Giấc mơ có thể thành hiện thực

Tuesday, 30/12/2008 - 03:01:54

Ông cảm thấy niềm tin rúng động bởi câu hỏi làm sao Chúa có thể để cho sự khổ đau của con người tồn tại đến vậy, ông tâm sự ...

*Tân dân biểu làm nên lịch sử của Louisiana có vẻ làm cho mọi người, trừ chính ông, ngạc nhiên.

 

Neely Tucker (Washington Post)*

NEW ORLEANS – Ánh “Joseph” Cao – “hàng” mới, nóng hổi trong Quốc Hội, Người Lật Tung Mọi Việc (1), người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Quốc Hội hay Thượng Viện, đảng viên Cộng Hòa đầu tiên thắng cử Địa hạt 2 của Louisiana kể từ trước khi Louis Armstrong chào đời – đang lèo lái qua nhánh sông Công giáo hoang sơ Hoa Kỳ. Ông đang nói về thời điểm gần 20 năm trước khi còn là một nhà truyền giáo dòng Tên ở những khu nhà nghèo bên Mễ Tây Cơ, khi ông gặp phải một cơn khủng hoảng niềm tin.



Ông cảm thấy niềm tin rúng động bởi câu hỏi làm sao Chúa có thể để cho sự khổ đau của con người tồn tại đến vậy, ông tâm sự với tôi đến đó và ngừng lại.

 

“Ông có bao giờ đọc Kierkegaard?” Ông ấy hỏi tôi.

 

Ừ thì tên của triết gia người Đan Mạch thế kỷ 19 có trong trí nhớ chúng ta, nhưng tác phẩm “Nỗi Sợ và Sự Run Rẩy” đã không nằm trên bàn cà phê chúng ta từ lâu rồi.

 

“Kierkegaard kể câu chuyện về một người đàn ông đang trải nghiệm cuộc sống. Người này đến bên bờ một vực thẳm. Ông ấy phải làm cái việc mà Kierkegaard gọi là sự đột biến đức tin. Trong hành trình cuộc sống, bạn có khi hoang mang ở mức độ phải thực hiện sự đột biến đó.

 

“Điều này đã xảy ra cho tôi ở Mễ Tây Cơ. Tôi đang làm việc trong môi trường rất nghèo khó, và tôi muốn thúc đẩy sự thay đổi về xã hội. Tôi bắt đầu tin tưởng, sau khoảng hai, ba năm làm việc, rằng cách tốt nhất để làm điều đó là bước vào công sở. Cách này cũng cho phép tôi lập gia đình – cuộc sống chay tịnh có thể khá là cô đơn. Cho nên tôi họach định chương trình hành động cho chính mình để đi vào chính trị. Nhưng điều nhận thức này làm cho tôi khá là đau đớn. Điều này có nghĩa là tôi sẽ phải rời chủng viện. Tôi sẽ phải bắt đầu một cuộc sống mới từ đầu. Tôi sẽ phải có sự biến đổi niềm tin.”

 

Ông Cao năm nay 41 tuổi. Ông ăn nói nhỏ nhẹ, với mái tóc đen, dày, chải gọn gàng. Nghề của ông, cho đến lúc gần đây, là luật sư chuyên về di trú và thương tích cá nhân. Ông cao chưa tới 5 feet 2. Nếu ướt sũng từ đầu đến chân thì ông có thể nặng đến 125 pounds. Ông lắng nghe người đối diện rất kỹ. Thỉnh thoảng, ông mỉm cười. Ông chạy bộ 5 dặm mỗi ngày trước khi mặt trời mọc.

 

Ông trò chuyện với tôi bằng tiếng Anh có pha chút giọng ngoại quốc, một dấu hiệu nhắc nhở người nghe rằng, thủa nhỏ, ông đã rời khỏi Sài Gòn “hai hay ba ngày” trước khi thành phố rơi vào tay Cộng Sản.

 

Ông nói thoáng qua về những khó khăn khác: một cậu bé 8 tuổi đầy sợ hãi đến tiểu bang Indiana không cha không mẹ, không nói được tiếng Anh; năm 1996, rời chủng viện bằng chiếc xe Honda Accord tồi tàn, lái lên nhà người chị ở Falls Church; đến nơi chỉ với $20 và không có chút hy vọng gì ngoài đức tin, sự quyết tâm, và tri thức. (Trong hoạt cảnh này thì việc cơn bão Katrina, với nước dâng cao 8 feet, cuốn trôi căn nhà New Orleans của ông vào năm 2005 không có gì đáng bàn cho lắm.)

 

Vì thế - ông trở lại câu chuyện đang kể - chiến thắng bất ngờ của ông hồi đầu tháng, qua mặt dân biểu kỳ cựu William “Tiền Tươi” Jefferson (2), người đang chịu nhiều tội danh cấp liên bang với $90,000 làm chứng trong tủ lạnh. Chiến thắng này chẳng làm cho ông Cao ngạc nhiên chút nào.

 

Ông đã bắt đầu hành trình chính trị cả 10 năm nay. Chỉ trong mấy tuần qua người ta mới để ý.

 

“Chẳng ai cho ông ấy cơ hội, và tự dưng – bùm! – ông ấy vọt lên,” Eddie White, một người thợ điện về hưu có chiếc lều câu cá ở con kênh đào phía dưới nhà ông Cao không xa ở vùng sông lạch mạn Đông New Orleans, sôi nổi thố lộ. “Cứ như là một giấc mơ Hoa Kỳ.”

 

Hình thành nhân cách

 

Nếu Hoa Kỳ là đất nước của những ước mơ vào năm 1975, đối với cậu bé Việt Nam chỉ biết đèn sách vừa bước xuống máy bay thì có lẽ đất nước này hiện lên như một ảo ảnh.

 

Quê hương của cậu đã sụp đổ, gia đình ly tán. Khi quân Cộng Sản chiếm Sài Gòn, mẹ của cậu đưa cậu, một em trai, và một chị gái đến phi trường và giao cho một người dì, và bà đã đưa cả ba đến đảo Guam. Người em trai ở lại với người dì tại đó, và người chị được gửi cho một gia đình người Mỹ nuôi ở Florida. Cậu bé họ Cao thì đến tỉnh Goshen, Indiana, sống với một người chú độc thân.

 

Thân phụ của ông Cao, một sĩ quan miền Nam, bị chế độ mới bắt vào trại học tập cải tạo thô bạo mất 7 năm. Thân mẫu của ông và 5 người anh em khác ở lại Việt Nam. (Một người em gái ở Việt Nam sau này bị xe đụng chết; phải mất nhiều năm sau hầu hết gia đình mới đoàn tụ tại Hoa Kỳ.)

 

“Chúng tôi không có một tuổi thơ đẹp, cứ cho là như vậy,” bà Thanh Trần, người chị được nhận về Florida và bây giờ đang sống ở Falls Church, nhận xét.

 

Ở tỉnh Goshen, người chú của ông Cao làm ca đêm ở một tiệm McDonald’s. Họ sống trong một căn chung cư ở tầng hầm, với cửa sổ chỉ ló khỏi mặt đất một chút xíu. Vào mùa đông, tuyết rơi phủ trùm tất cả. Gió thổi, những nhánh cây xào xạc, bão tố, và bóng đêm: tất cả như hiện ra trong những truyện ma Việt Nam và ám ảnh cậu bé kinh hoàng.

 

“Thật khiếp đảm,” ông Cao nhớ lại.

 

Không có lớp học nào dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, nên nhà trường đưa cậu bé vào lớp một để học Anh văn chung với các em nhỏ. Cậu đã cầu nguyện và mơ ước trở thành một linh mục Công giáo. Cậu chọn con đường học vấn để kiếm sống. Cậu bắt đầu có bạn bè và khám phá ra là mình cũng thích tuyết.

 

Sau khi người chú lập gia đình, họ dọn về Houston với họ hàng, và hầu hết gia đình ông cũng đã đoàn tụ. Ông Cao tốt nghiệp đại học Baylor University với văn bằng vật lý trước khi gia nhập dòng Tên năm 1990. Dòng Tên là một tổ chức tôn giáo hiện hữu đã 468 năm, bắt buộc người theo phải dâng lời thề sống cuộc đời nghèo khó, không lập gia đình, và tuân thủ theo tín điều. “Điều kiện tuyệt đối” là việc “phát huy công lý.”

 

Năm ông Cao 24 tuổi, các cha dòng Tên gửi ông sang làm việc cho những vùng nghèo khó ở Mễ Tây Cơ. Tại đấy, rực lửa tuổi trẻ và đức tin, ông bắt đầu suy tư xem một cuộc đời tu hành có đủ cơ hội hành động, và một đức tin vào Chúa không thôi có đủ để giải quyết những vấn đề nan giải trên thế giới. Ông tiếp tục đi học và làm việc ở New Orleans, Montgomery (tiểu bang Alabama) và Washington. Ông đi truyền giáo ở Hồng Kông và Trung Quốc. Ông lấy bằng cao học tại đại học dòng Tên Fordham University ở New York. Ông trở lại New Orleans để giảng dạy tại đại học Loyola University – thành lập bởi các cha dòng Tên. Đi đâu chăng nữa, ông vẫn cứ vật lộn mãi với “một biển ngờ vực” trong lòng.

 

Năm 1996, ông soạn thảo một kế hoạch hành động để thay đổi nếp sống: Ông sẽ rời chủng viện nhưng vẫn giữ đức tin. Ông sẽ gầy dựng một gia đình. Ông sẽ tiếp tục đi tìm sự công bằng xã hội như các cha dòng Tên đã kêu gọi, nhưng qua con đường chính trị.

 

Ông rời khỏi chủng viện và đối mặt với vực thẳm của Kierkegaard với một cái khúc quanh thực tế: “Điều đầu tiên trong kế hoạch này là tìm việc làm. Tôi chẳng có một xu dính túi.”

 

Qua sống với người chị ở Falls Church, ông dạy giáo lý và văn học cho học sinh trung học tại trường St. Agnes ở Arlington (3) khoảng một năm trong khi chuẩn bị vào trường luật. Ông làm thiện nguyện cho tổ chức từ thiện Boat People SOS, một nơi tranh đấu cho quyền lợi người Việt tị nạn.

 

“Cậu ấy biết mình muốn làm gì đó giúp cho những người nghèo khó,” người chị của ông nhớ lại.

 

Sau một năm, ông Cao trở về Loyola học luật. Ông đi nhà thờ Nữ Vương Maria Việt Nam, điểm tựa của cộng đồng người Việt phía Đông New Orleans. Ông gặp cô Hiếu “Kate” Hoàng, một sinh viên dược khoa ông đã từng dạy trong một lớp giáo lý. Cô đang theo học tại đại học Louisiana State University ở Baton Rouge, cách đó khoảng 90 phút.

 

“Anh ấy lái xe lên thăm vào cuối tuần, rồi chúng tôi đi nhà thờ và ăn trưa chung,” Cô Hiếu kể lại.

 

Ông bà làm đám cưới năm 2001, nhưng bà không lấy họ chồng. Họ “Cao” dịch ra là “cao,” mà “chúng tôi không được cao,” bà Hoàng mỉm cười, nói.

 

Họ mua một căn nhà ở Venetian Isles, một khu gia cư nhìn ra sông cách khu phố thị New Orleans gần 20 dặm. Ông Cao bắt đầu hành nghề luật, nhanh chóng mở văn phòng riêng. Bà Hoàng làm dược sĩ tại một tiệm Walgreens. Cô con gái Sophia sinh năm 2003; cô thứ nhì, Betsy, sinh sau đó một năm.

 

Ông Cao chưa theo đuổi nghiệp chính trị. Nếu ông bắt đầu leo những nấc thang nghề nghiệp hay danh vọng, không ai ở New Orleans hay những tổ chức dân sự của người Mỹ gốc Việt trên toàn quốc biết gì về ông.

 

Rồi gió bắt đầu thổi.

 

Cơn bão quan trọng

 

Ở New Orleans, thời gian gần như được chia ra làm hai thời kỳ trước và sau Katrina.

 

Trước Katrina, biểu tượng cuộc sống là khoảng thời gian vui vẻ ở thành phố “lè phè” New Orleans (4), một thành phố nhộn nhịp nhạc jazz, funk, những quán bar rượu phục vụ tại xe (5), và phòng trà kiểu “cabaret” ở Phố Tây (một tấm biển quảng cáo trên xa lộ Interstate-10 có hàng chữ “Không chỉ là những vũ điệu khỏa thân” (6)). Về phần chính trị, dường như cuộc vui tham nhũng, bòn rút chẳng bao giờ dứt.

 

Sau Katrina, dân số thành phố giảm từ 460,000 xuống có lúc thấp nhất chỉ còn 190,000 (bây giờ có khoảng 320,000 dân đang sống trong thành phố). Viện trưởng đại học University of New Orleans cho biết sĩ số sinh viên giảm từ 18,000 trước cơn bão 2005 xuống còn 11,500, và đại học đang thâm hụt hơn $20 triệu mỗi năm. Số nhân viên làm việc trong phi trường giảm từ 9,250 xuống còn 4,968.

 

Tuy nhiên, khoảng 15,000 cư dân Việt Nam, ở trong khu vực hoang tàn phía Đông New Orleans, đã trở về hàng loạt, đến khoảng 95 phần trăm. Họ sửa chữa lại những căn nhà kiểu đồng quê của họ và thay tượng Đức Mẹ Đồng Trinh trước sân nhà. Họ mở lại cửa tiệm, giữa mùi khói sulfur bốc lên từ những nhà máy gần đó và giữa sương mù dày đặc kéo vào từ các nhánh sông ngòi.

 

Vì vậy, khi thành phố đặt một bãi rác ngay trong khu gia cư của họ vào tháng Hai 2006, ông Cao và các cư dân địa phương hết sức bất bình. Họ thành lập những hội đoàn dân sự để đấu tranh. Ông Cao nhảy vào cuộc chiến, giúp hướng dẫn và lập chiến thuật qua ngả pháp luật để chống trả. Khoảng thời gian này, dân biểu Mike Honda (Dân Chủ - California), chủ tịch Nhóm chuyên trách Á châu Thái Bình Dương tại Quốc Hội, đến tham dự một buổi họp tại một nhà thờ địa phương. Ông nhắn nhủ cộng đồng Việt Nam phải tham gia vào chính trị nhiều hơn nữa.

 

“Anh Joseph giơ tay lên và nói anh sẽ ra ứng cử ghế dân biểu tiêu bang,” Linh mục Viện Thế Nguyễn của nhà thờ nhớ lại. “Trước Katrina, điều này có lẽ làm cho chúng tôi hơi hoảng. Nhưng sau Katrina, chúng tôi thấy những cơ hội mới, không chỉ cho người Việt, mà cho mọi người ở Louisiana. Ông Bobby Jindal [một người Mỹ gốc Ấn] lên làm thống đốc. Hơn nữa, chúng tôi đã chán tới tận cổ tình trạng luôn luôn bị chèn ép. Anh Joseph tiến vào với ý định chấn chỉnh những gì sai trái.”

 

Cuộc đấu tranh có kết quả - bãi rác bị đóng cửa – nhưng cuộc vận động tranh cử thua. Ông Cao tranh cử độc lập và về hạng năm trong số sáu ứng cử viên. Bà Hoàng nhớ cảnh chồng bà một mình đi gõ cửa từng nhà, và ông Cao cùng người em trai tự làm trang mạng.

 

“Anh ấy không có ai ủng hộ,” bà nhớ lại.

 

Nhưng cuộc vận động của ông Cao đã được Bryan Wagner, một đảng viên Cộng Hòa và cựu nghị viên thành phố, để ý đến. Ông Wagner – một người bệ vệ, nhã nhặn, tóc bạc trắng, đúng điệu người miền Nam như món trà ngọt vùng này – đã nhận thấy ông Cao như một nhân cách mới cho tinh thần công dân trung tín sau cơn bão Katrina.

 

Ông thuyết phục ông Cao gia nhập Đảng Cộng Hòa, rồi giúp ông Cao ngồi vào những chi bộ đảng cấp địa phương và tiểu bang. Mùa hè vừa qua, ông tận tình giúp đỡ ông Cao nắm được sự đề cử của đảng để thách đấu với ông Jefferson vốn đã nhiều tai tiếng. Ông Wagner giới thiệu ông Cao với các nhà lãnh đạo đại hội đảng Cộng Hòa hồi tháng Chín và giúp gây quỹ hơn $200,000 cho cuộc vận động tranh cử.

 

Mặc dù vậy, ông Jefferson vẫn là một “đứa con cưng khó qua mặt,” như tờ báo chính của thành phố đã viết. Ông đã giữ chức 18 năm. Ông là ứng cử viên da đen đầu tiên thắng chiếc ghế đó từ thời kỳ Tái Thiết (7), một sự thực quý giá cho thành phố có hơn 60 phần trăm cư dân da đen. Và ông ấy là một đảng viên Dân Chủ, đảng phái đã nắm giữ chiếc ghế hơn một thế kỷ qua.

 

Ông Jefferson về nhất trong tất cả những ứng cử viên Dân Chủ trong kỳ bầu cử sơ bộ và thắng dễ dàng trong kỳ bầu lại vào tháng Mười Một.

 

Nhưng bão Gustav đã làm chậm chu kỳ bầu cử lại một tháng. Ông Jefferson thất thế nặng vì những vụ tai tiếng và cũng cạn tiền.

 

Trong kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ, ông Cao và ông Wagner hầu như không vận động gì cả, ru ngủ đối phương. Bây giờ họ mới nhảy vào cuộc. Họ đổ tiền quảng cáo, dán bảng hiệu khắp tỉnh nhà, đi vận động cùng khắp. Ông Cao thuyết giảng về cách điều hành chính quyền tốt và việc xây đập chống lũ. Ông nói về sự thành thật. Ông được nhiều tờ báo ủng hộ. Ông có cả sự ủng hộ của những đảng viên Dân Chủ như bà Helena Moreno, từng là đối thủ của ông Jefferson trong kỳ bầu lại, và chủ tịch hội đồng thành phố Jacquelyn Brechtel Clarkson, một thành viên uy tín trong chính quyền thành phố.

 

Theo lời ông Wagner, số đông cư dân thuộc thành phần bảo thủ và đảng Cộng Hòa sống ở ngoại ô New Orleans trong địa hạt 2 cũng là một lợi thế, vì ông Jefferson được xem như “chỉ đứng sau [kẻ sát nhân hàng loạt] Jeffrey Dahmer về tai tiếng.”

 

Kết quả kiểm phiếu sau cùng: Ông Cao 33,122 phiếu, ông Jefferson 31,296.

 

Người tu sĩ rời chủng viện để theo đuổi ý Chúa đã vượt qua khỏi vực thẳm.

 

Cả tỉnh ăn mừng

 

Một buổi sáng gần đây, ông Cao và ông Murray Nelson, cố vấn cho cuộc vận động tranh cử, đang ở trong phòng họp ở văn phòng tầng 30 của công ty của ông Nelson, một tổ hợp mang tên Fowler Rodriguez Valdes-Fauli. Ở bên ngoài cửa sổ, sương mù dày đặc như món súp gumbo, không nhìn thấy được thành phố bên dưới. Ông Cao đang giải thích với ông Timothy P. Ryan, viện trưởng đại học Univesity of New Orleans, đến gặp để mong được Quốc Hội trợ giúp, rằng họ phải làm việc nhanh chóng.

 

“Lãnh đạo đảng Cộng Hòa... đang vui mừng tột độ” về chiến thắng của mình, ông Cao nói. “Tôi là một đảng viên Cộng Hòa trong một địa hạt Dân Chủ. Chính phủ Bush không bao lâu nữa sẽ ra đi. Tôi không biết mình sẽ làm được bao nhiêu việc, nhưng hãy bắt tay vào việc ngay lập tức trong khi sự ủng hộ còn đang nồng nhiệt.”

 

Ông cho tay vào túi áo tìm một tấm danh thiếp đưa cho ông Ryan. Té ra, ông còn chưa có danh thiếp.

 

“Chúng ta thật sự cần làm danh thiếp,” ông Nelson nói.

 

“Chúng ta thật sự cần có một văn phòng,” ông Cao vui vẻ đáp trả.

 

Người ta vẫn còn đang làm quen với ý niệm là ông Cao thật sự đã thắng cử.

 

Thị trưởng C. Ray Nagin, một người da đen, đã từng nói rằng ông muốn giữ thành phố “lè phè” New Orleans “màu sô-cô-la” sau cơn bão Katrina. Trong một cuộc phỏng vấn tại Tòa Thị Chính gần đây, ông mô tả việc ông Cao đắc cử là một “đòn giáng may mắn và thông minh.” Ông thừa nhận là có một “nỗi niềm thua trận” trong số những cư dân da đen tại nơi ông Cao đã đánh bại ông Jefferson. “Nhưng nếu ông ấy thực hiện được những điều cần làm sau cơn bão Katrina – thật sự thực hiện được – thì tôi nghĩ ông ấy có thể khó mà đánh bại,” ông Nagin nhận định.

 

Ông thị trưởng nói vậy là còn nhẹ.

 

Hầu hết đều nghĩ là ông Cao chỉ được một lần rồi thôi. Lý luận của họ là, khi đảng viên Dân Chủ đoàn kết ủng hộ một ứng cử viên mới, họ sẽ giành lại chiến thắng.

 

“Người ta đã sẵn sàng xếp hàng để tranh cử với ông ấy,” ông John “Spud” McConnell, một diễn viên và chủ biên chương trình phát thanh “Talk Gumbo” rất nổi tiếng của đài WWL, cho biết. “Ông ấy sẽ phải mang được nhiều chiến lợi phẩm về cho địa hạt 2 quận nhà để có khả năng thắng cử trong hai năm tới.”

 

Bà Barbara Lacen Keller là một trong những cử tri da đen mà ông Cao sẽ phải thuyết phục.

 

Bà là một nhà hoạt động trong chính trường thành phố 40 năm nay và đã bầu cho ông Jefferson, người đi nhà thờ chung với bà, bởi vì ông ấy đã vượt lên, đứng vững trong hàng ngũ đảng Dân Chủ và biết cư dân da đen ở đây cần gì, bà nói.

 

Nhưng bà sống ở phía Đông New Orleans, không xa nhà ông Cao cho lắm. Khu vực này vẫn là một trong những nơi nghèo nhất vùng. Những đường dây điện cao thế và xa lộ đều ở cách đó khá xa. Có những khu mua sắm nhỏ với bảng hiệu tiếng Việt trên mỗi cửa tiệm. Có những bãi phế liệu và những cửa hàng sửa hộp số và Dịch vụ Cần cẩu Xe ủi đất của Gill (8).

 

“Đây là thành phố của tôi. Tôi yêu nó. Tôi muốn nó được những gì tốt đẹp nhất,” bà nói. Tôi nhìn thấy sự vượt khó mà Joe đã trải nghiệm, đến một đất nước mà anh ấy hoàn toàn lạc lõng và phải tự kiếm sống. Anh ấy đã phải học một thứ tiếng mới và một văn hóa mới, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà ở New Orleans, một nơi chốn rất đặc biệt. Sự thành công của anh ấy rõ ràng nói lên được điều gì đó.”

 

Đâu đó, giữa bạt ngàn đồng mía, đầm lầy, kênh lạch, và những chiếc lều câu cá đóng cọc, có ông Joseph Cao đang chạy bộ 5 dặm trước hừng đông, với niềm tin vượt cả đức tin rằng ông có khả năng đại diện thành phố này và người dân tại đây, những người còn chưa phát âm đúng tên của ông, chỉ cần ông chạy thật dữ.

 

*Tác giả Neely Tucker là biên tập viên của tờ Washington Post.

 

Bài viết “The Possible Dream – Louisiana’s Historic New Congressman Seems to Surprise Everyone but Himself” bằng Anh ngữ của tác giả đã đăng trên tờ Washington Post số thứ Ba, 30-12-2008, trang C-01. Ban biên tập Nhật báo Viễn Đông được phép dịch lại bài viết sang tiếng Việt hầu rộng đường dư luận. Quý độc giả có thể tham khảo nguyên tác Anh ngữ tại trang nhà Washington Post tại [link].

 

 

Chú thích của biên tập:      

 

(1) Nguyên văn: Mr. Upset, ý nhắc đến chuyện ông Cao đảo lộn tình thế và lật đổ ông Jefferson.

(2) Nguyên văn: William “Cold Cash” Jefferson, cách chơi chữ ám chỉ việc ông này có $90,000 tiền mặt trong tủ lạnh.   

(3) Trung học lớp 7-8 (middle school)

(4) Nguyên văn: Big Easy, một tên thân mật dành cho thành phố New Orleans từ thập niên 1970, nói lên cá tính dễ dãi, thoải mái của người dân nơi đây.

(5) Nguyên văn: drive-through daiquiri bar, một loại quán bán các thức uống có cồn có cắm sẵn ống hút; người mua chỉ cần lái xe qua mua, như những dịch vụ thức ăn nhanh.

(6) Nguyên văn: Not Just the Same Old Thong and Dance.

(7) Nguyên văn: Reconstruction, thời kỳ hậu Nội chiến tại Hoa Kỳ (1865-1877), đánh dấu cuộc giải phóng nô lệ.

(8) Nguyên văn: Gill’s Crane and Dozer Services.

 

Vien Dong Daily News

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT