Đời Sống Việt

Diễn văn nhậm chức của Tổng Thống Barack Obama

Wednesday, 21/01/2009 - 05:51:08

Kính thưa Quốc Dân Đồng Bào,   Ngày hôm nay tôi đứng nơi đây, khiêm cung đối với nhiệm vụ trước mặt, tri ân lòng tín nhiệm quý vị đặt vào nơi ...

LTS: Sau đây là bản dịch Việt Ngữ bài diễn văn nhậm chức của ông Barack Obama, tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, do biên tập viên nhật báo Viễn Đông thực hiện.



Kính thưa Quốc Dân Đồng Bào,

 

Ngày hôm nay tôi đứng nơi đây, khiêm cung đối với nhiệm vụ trước mặt, tri ân lòng tín nhiệm quý vị đặt vào nơi tôi, ghi nhớ những hy sinh mà tổ tiên chúng ta đã chịu đựng. Tôi xin cảm tạ Tổng Thống Bush vì công lao phục vụ ông dành cho đất nước chúng ta, cũng như vì tấm lòng quảng đại và tinh thần hợp tác mà ông bày tỏ trong thời gian chuyển tiếp này.

 

Bốn mươi bốn người Mỹ đã lên tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Những lời thề hứa đã được đọc lên giữa lúc sóng thịnh vượng dâng cao và mặt nước hòa bình yên lắng. Thế nhưng cũng có nhiều khi lời tuyên thệ cất vang giữa cảnh mây dồn bão dữ. Trong những khoảnh khắc ấy, Hoa Kỳ vẫn cứ tiếp tục tiến bước, không phải chỉ nhờ tài năng và viễn kiến của những người quyền cao chức trọng, mà còn là vì Toàn Dân Chúng Ta vẫn cứ trung thành với những lý tưởng của cha ông, và trung kiên với những văn kiện lập quốc của chúng ta.

 

Sự thể là như vậy. Thế hệ hôm nay của Hoa Kỳ cũng phải như thế.

 

Mọi người thừa hiểu rằng chúng ta đang lâm cơn khủng hoảng. Đất nước chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh, chống lại một mạng lưới bạo hành và thù hận vươn rộng lan xa. Nền kinh tế của chúng ta bị suy yếu trầm trọng, một đàng là hậu quả của lòng tham lam và thiếu tinh thần trách nhiệm nơi một số người, nhưng đồng thời cũng là nỗi thất bại chung của chúng ta trong việc thực hiện những sự lựa chọn khó khăn và chuẩn bị cho quốc gia bước sang một thời kỳ mới. Nhà cửa bị mất mát, việc làm bị cắt giảm, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Việc chăm sóc sức khỏe quá tốn kém. Trường học không lo được cho nhiều người. Ngày nào cũng có thêm bằng chứng cho thấy rằng những cách thức chúng ta sử dụng năng lượng đã làm gia tăng sức mạnh của những kẻ đối địch với chúng ta và đe dọa hành tinh của chúng ta.

 

Trên đây là những chỉ báo của tình trạng khủng hoảng, căn cứ theo các dữ liệu và thống kê. Một điều khó đo đạc hơn nhưng không kém phần sâu sắc, đó là sự xoi mòn lòng tín nhiệm trên khắp đất nước – một nỗi sợ hãi dai dẳng về sự xuống dốc mà Hoa Kỳ không thể nào tránh được, cũng như về chuyện thế hệ kế tiếp bị hạ thấp tầm nhìn.

 

Ngày hôm nay tôi xin nói với quý vị rằng những mối thách thức mà chúng ta đang đối mặt là có thực. Thách đố nghiêm trọng và rất nhiều. Không dễ gì đối phó với những thách thức như thế trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng nước Mỹ hãy biết cho rằng những mối thách đố ấy sẽ được đáp trả.

 

Hôm nay chúng ta tề tựu với nhau vì chúng ta lựa chọn hy vọng thay vì khiếp hãi, thống nhất mục đích thay cho xung đột và bất hòa.

 

Hôm nay là ngày chúng ta tới tuyên xưng sự kết thúc của những điều ta thán nhỏ nhặt và những lời hứa hẹn giả dối, những lời trách cứ và những giáo điều lỗi thời, đã quá lâu bóp nghẹt nền chính trị của chúng ta.

 

Chúng ta vẫn là một quốc gia trẻ trung, nhưng theo lời Thánh Kinh thì đã đến lúc phải gác qua một bên những chuyện ấu trĩ. Đã tới lúc tái khẳng định tinh thần bền bỉ của chúng ta; đã tới lúc chọn cho mình một lịch sử tốt đẹp hơn, tiếp tục phát huy tặng phẩm quý báu ấy, ý tưởng cao thượng ấy, được truyền lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác: đó là lời hứa được Thượng Đế trao ban nói rằng tất cả mọi người đều bình đẳng, tất cả mọi người đều tự do và tất cả đều xứng đáng có được một cơ hội mưu cầu hạnh phúc trọn vẹn.

 

Khi tái khẳng định sự vĩ đại của quốc gia chúng ta, chúng ta hiểu rằng tính cách vĩ đại không bao giờ là điều được cho không, mà là một điều chúng ta phải khổ công tìm kiếm được. Hành trình của chúng ta không bao giờ là một trong những đường băng ngõ tắt hoặc được chăng hay chớ. Nó không phải là con đường cho những kẻ cầu an vô tư – cho những kẻ thích nhàn cư hơn là làm việc, hoặc chỉ đi tìm lạc thú của danh vọng giàu sang. Đúng ra, chính những người dám chấp nhận rủi ro, những người thích hành động và những người làm nên công nên việc, trong đó một số nổi tiếng, nhưng cũng có những người nam cũng như nữ vô danh tiểu tốt trong công việc khổ cực họ làm, chính những người này đưa chúng ta đi lên con đường khúc khuỷu dặm dài tiến tới thịnh vượng và tự do.

 

Vì chúng ta, họ đã gói ghém số của cải trần gian ít ỏi của mình và trẩy bước lên đường vượt đại dương đi tìm một đời sống mới.

 

Vì chúng ta, họ đã làm lụng vất vả trong những xưởng thợ tồi tàn và định cư lập nghiệp ở miền Tây, chịu đòn vọt đánh đập và đi cày bừa vỡ đất hoang cứng.

 

Vì chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh mạng sống, ở những nơi như Concord và Gettysburg, như Normandy và Khe Sanh.

 

Những người nam người nữ ấy không ngừng tranh đấu và hy sinh, làm việc cho tới khi nào bàn tay của họ tướt máu, để cho chúng ta có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ thấy Hoa Kỳ lớn lao hơn tổng số những tham vọng cá nhân của họ, vĩ đại hơn mọi sự dị biệt về xuất thân, về tài sản hoặc phe phái.

 

Đây chính là cuộc hành trình mà ngày nay chúng ta tiếp tục. Chúng ta vẫn là quốc gia phồn thịnh hùng mạnh nhất trên địa cầu. Mức sản xuất của các công nhân của ta không kém đi so với lúc bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng. Trí óc chúng ta không bớt sức sáng tạo, hàng hóa và các ngành dịch vụ của chúng ta vẫn vẫn được cần đến y như trong tuần qua, trong tháng vừa qua hoặc trong năm ngoái.

 

Khả năng của chúng ta vẫn không suy giảm. Tuy nhiên khoảng thời gian mà chúng ta cứ đứng yên không thay đổi, bảo vệ những lợi ích hẹp hòi và trì hoãn những quyết định gian nan – khoảng thời gian ấy dứt khoát đã qua đi rồi. Bắt đầu từ ngày hôm nay, chúng ta phải chỗi dậy, phủi hết bụi bặm đi và bắt đầu lại cộng cuộc tái tạo cục diện nước Mỹ.

 

Nhìn bất cứ nơi đâu chúng ta cũng đều thấy công việc phải làm. Tình trạng kinh tế đòi phải hành động, một cách can đảm và nhanh nhẹn, và chúng ta sẽ hành động – không những để tạo ra những việc làm mới, mà còn để đặt nền móng mới cho sự tăng trưởng. Chúng ta sẽ xây đường sá cầu cống, lập những mạng lưới điện lực và đựng các đường dây kỹ thuật số cung cấp phương tiện cho nền thương mại của chúng ta và nối kết chúng ta lại với nhau. Chúng ta sẽ đặt khoa học trở lại vào đúng vị trí của nó và sử dụng những điều kỳ diệu của kỹ thuật để nâng cao phẩm chất của việc chăm sóc y tế và giảm bớt chi phí dành cho công tác này. Chúng ta sẽ chế ngự năng lượng mặt trời, sức gió và đất đai để để cung cấp nhiên liệu chạy xe hơi và vận hành các nhà máy của chúng ta. Và chúng ta sẽ thay hình đổi dạng các trường tiểu học, trung học và đại học để đáp ứng những nhu cầu của thời đại. Tất cả những điều ấy chúng ta có thể làm. Tất cả những việc ấy chúng ta sẽ thực hiện.

 

Bây giờ đây có một số người đặt nghi vấn về tầm vóc của những tham vọng chúng ta đang mang. Những người này gợi ý rằng hệ thống của chúng ta không thể kham nổi quá nhiều kế hoạch lớn lao như vậy. Trí nhớ của họ không dai, vì họ quên bẵng đi những gì đất nước này đã làm được, những thành tựu mà những người nam cũng như nữ đã đạt được khi trí tưởng tượng đi đôi với mục đích chung, và nhu cầu sánh vai với lòng dũng cảm.

 

Điều mà những người hoài nghi không thể nào hiểu ra được là mặt đất dưới chân họ đã đổi dời, những lối lập luận chính trị hủ lậu lâu nay làm cho chúng ta hao tâm tổn khí không còn đem ra áp dụng được nữa. Vấn đề mà hôm nay chúng ta thắc mắc không phải là liệu chính phủ của chúng ta có kích thước quá lớn hoặc quá bé, mà là liệu chính phủ ấy hoạt động có hiệu năng hay không – có giúp được hay không cho các gia đình kiếm ra việc làm với đồng lương tương xứng, với sự chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền của họ, và được sống tuổi hưu một cách đàng hoàng tử tế. Nếu câu trả lời là ‘có’, chúng ta quyết chí bước tới. Nhược bằng câu đáp là ‘không’, các chương trình sẽ kết thúc. Những người nào trong chúng ta nắm quyền quản trị công quỹ sẽ phải mang trách nhiệm, tức phải chi tiêu một cách khôn ngoan, tu chỉnh những thói hư tật xấu, và làm công việc của chúng ta một cách quang minh chính đại, bởi vì có như vậy chúng ta mới khôi phục lại được lòng tin của dân chúng đối với chính phủ của họ.

 

Vấn đề trước mắt chúng ta cũng không phải là liệu thị trường là một sức mạnh cho sự thiện hay là cho sự ác. Năng lực của thị trường sản xuất của cải và mở rộng tự do là một sức mạnh vô song, nhưng cuộc khủng hoảng này nhắc cho chúng ta nhớ rằng nếu không có con mắt cảnh giác tỉnh táo, thị trường có thể vuột ra khỏi vòng kiểm soát, và một quốc gia không thể nào phồn vinh được bền lâu khi nó chỉ biệt đãi những người giàu có mà thôi.

 

Thành công của nền kinh tế chúng ta luôn luôn tùy thuộc không những vào Tổng Sản Lượng Quốc Nội, mà còn tùy vào cương vực của nền phồn thịnh, tùy thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc mở rộng cơ hội ra cho tất cả mọi kẻ sẵn lòng – không phải do bác ái, mà vì đó là con đường chắc chắn nhất dẫn tới công ích.

 

Về vấn đề quốc phòng chung, chúng ta bác bỏ việc lựa chọn giữa sự an toàn của chúng ta và các lý tưởng của chúng ta, vì đó là một điều không đúng. Khi đối diện với những nguy cơ mà chúng ta khó có thể hình dung ra được, các bậc Tiền Bối Lập Quốc của chúng ta đã soạn thảo một bản hiến pháp để bảo đảm sự thượng tôn pháp luật và nhân quyền, một bản hiến chương được mở rộng bằng máu của nhiều thế hệ. Những lý tưởng này vẫn soi sáng cho toàn thế giới, và chúng ta sẽ không vì động lực cá nhân mà từ bỏ các lý tưởng ấy. Làm như vậy là để cho tất cả các dân tộc và các chính phủ khác ngày nay đang để mắt theo dõi, từ những thủ đô kỳ vĩ nhất cho tới ngôi làng bé nhỏ nơi thân phụ tôi chào đời, biết rằng Hoa Kỳ là bạn của từng nước và từng người, nam phụ lão ấu, đang tìm kiếm một tương lai có hòa bình và phẩm giá, và biết rằng một lần nữa chúng ta sẵn sàng đi hàng đầu.

 

Hãy nhớ rằng các thế hệ trước đây đã từng giáp mặt chủ nghĩa phát xít và cộng sản, chứ không phải là chỉ đối diện với hỏa tiễn và xe tăng mà thôi, nhưng họ đã đương đầu bằng những mối liên minh vững vàng và những niềm xác tín bền bỉ. Họ hiểu được rằng một mình sức mạnh của chúng ta mà thôi không thể nào bảo vệ cho chúng ta được, cũng không cho phép chúng ta làm những gì chúng ta thích. Thay vì vậy, họ nhận biết rằng sức mạnh của chúng ta tăng trưởng lên được là nhờ biết sử dụng nó một cách khôn ngoan; an ninh của chúng ta phát sinh từ chính nghĩa của chúng ta, từ sức mạnh của gương tốt chúng ta làm, từ lòng khiêm nhượng và sự tự chế, hai phẩm chất đã tôi luyện nên chúng ta.

 

Chúng ta là những người gìn giữ di sản này. Một lần nữa được các nguyên tắc ấy dẫn dắt, chúng ta có thể ứng phó với những mối đe dọa mới, đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa, thậm chí còn đòi phải có sự hợp tác với nhau và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn giữa các quốc gia. Chúng ta sẽ bắt đầu giao Iraq lại cho nhân dân nước này, và tạo lập một nền hòa bình mất nhiều công phu mới có được tại Afghanistan. Với những nước cố tri và cựu thù, chúng ta sẽ làm việc không biết mệt mỏi để giảm thiểu nguy cơ hạch tâm và đẩy lùi bóng ma của tình trạng địa cầu tăng nhiệt. Chúng ta sẽ không xin lỗi về lối sống của chúng ta, cũng không do dự trong việc bênh vực cho lối sống ấy.  Còn đối với những kẻ tìm cách xúc tiến thực hiện những mục tiêu của mình bằng cách gây ra khủng bố và tàn sát những người vô tội, chúng tôi giờ đây nói với các người rằng tinh thần chúng tôi mạnh mẽ hơn và không thể nào bị bẻ gãy. Các người không thể tồn tại lâu hơn chúng tôi, và chúng tôi sẽ đánh bại các người.

 

Lý do là chúng ta biết rằng di sản hỗn hợp của chúng ta là một sức mạnh, chứ không phải là một nhược điểm. Chúng ta là một quốc gia gồm tín đồ Ki Tô Giáo và Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Ấn Độ Giáo, và cả những người không tin theo đạo nào. Chúng ta được hình thành bởi từng ngôn ngữ và văn hóa, rút ra từ mọi ngõ ngách của trái đất này; và vì chúng ta từng nếm mùi đau khổ của nội chiến và chia tách chủng tộc, và từ chương lịch sử đen tối ấy chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và đoàn kết hơn, chúng ta chỉ còn biết tin tưởng rằng rồi có ngày những mối thù hận cũ sẽ qua đi, những ranh giới bộ tộc sẽ sớm phai nhòa, tin rằng vì thế giới trở nên nhỏ bé hơn, nhân tính chung của chúng ta sẽ tự bộc lộ, và nước Mỹ phải đóng vai trò của mình trong việc đem lại một kỷ nguyên hòa bình  mới.

 

Đối với thế giới Hồi Giáo, chúng ta tìm kiếm một con đường đi tới, dựa trên ích lợi hỗ tương và sự tôn trọng lẫn nhau. Đối với những nhà lãnh đạo nào trên địa cầu tìm cách gieo rắc xung đột hoặc đổ lỗi cho Tây phương về những tệ nạn trong xã hội của họ, những người ấy nên biết rằng dân chúng trong nước quý vị sẽ xét xử quý vị căn cứ theo những gì quý vị có thể xây dựng, chứ không phải những gì quý vị phá hủy. Những người nào bám víu vào quyền lực bằng tham nhũng, gian lận và bịt miệng những người bất đồng chính kiến, hãy biết rằng mình đang đi lầm đường lịch sử. Tuy nhiên chúng ta sẽ đưa tay ra nếu quý vị sẵn sàng buông lơi bàn tay đang nắm chặt lại của mình.

 

Đối với dân chúng các nước nghèo, chúng tôi cam kết hợp tác cùng quý vị để làm cho ruộng vườn xanh tươi và nước sạch tuôn trào, để nuôi sống những tấm thân đói khát và dinh dưỡng những tâm trí cơ hàn. Còn đối với các quốc gia giống như nước chúng tôi đang được hưởng cảnh tương đối dư dật, chúng tôi nói rằng chúng tôi không thể vô tâm dửng dưng được nửa trước nỗi thống khổ bên ngoài biên giới chúng tôi, cũng như không thể tiêu thụ tài nguyên thế giới mà không đếm xỉa gì đến hậu quả xảy ra. Vì thế giới đã đổi thay, chúng ta phải thay đổi cùng với thế giới.

 

Khi chúng ta xem xét con đường mở ra trước mặt, với lòng khiêm tốn tri ân, chúng ta nhớ đến những người Mỹ anh dũng mà ngay giây phút này đây đang đi tuần tra trên những vùng sa mạc xa xôi và núi non cách trở. Hôm nay họ có điều để nói với chúng ta, cũng như những vị anh hùng ngã xuống đang yên nghỉ trong nghĩa trang Arlington vẫn thì thầm suốt bao thời đại. Chúng ta vinh danh họ, không những vì họ là những bậc hộ thủ canh giữ nền tự do của chúng ta, mà còn vì họ là hiện thân của tinh thần phục vụ; sẵn sàng tìm thấy ý nghĩa nơi điều lớn lao hơn chính bản thân của họ. Và ngay chính lúc này – một khoảnh khắc sẽ định hình cho cả một thế hệ, chính tinh thần ấy phải thấm nhuần trong tất cả chúng ta.

 

Đối với những gì chính phủ có thể làm và phải làm, suy cho cùng cũng là tùy thuộc vào niềm tin và quyết tâm của toàn dân Mỹ, trên đó quốc gia này cậy dựa.  Chúng ta vượt qua được những giờ phút đen tối chính là nhờ tấm lòng tử tế đón nhận một người lạ vào nhà mình khi đê điều bị vỡ, nhờ lòng xả kỷ vị tha của những công nhân thà bị cắt bớt số giờ làm việc của mình còn hơn là chứng kiến cảnh một người bạn bị mất việc làm. Chính lòng can đảm của nhân viên cứu hỏa dám xông lên cầu thang đang mù mịt khói, cũng như thái độ của một người mẹ, một người cha sẵn lòng nuôi nấng một đứa trẻ, rốt cuộc sẽ quyết định vận mạng của chúng ta.

 

Những điều thách thức chúng ta có thể là mới. Những công cụ chúng ta dùng để phản đáp có thể cũng mới mẻ. Nhưng các giá trị chúng ta dựa vào để đạt được thành công, như cần cù siêng năng và lương thiện, can đảm và sòng phẳng công bằng, khoan dung và hiếu tri, trung thành và ái quốc, những điều ấy là cố cựu. Những điều ấy là đúng. Đó là sức mạnh thầm lặng của tiến bộ suốt dòng lịch sử của chúng ta. Như thế việc cần phải làm là quay trở về với những chân lý này. Điều được đòi hỏi nơi chúng ta là một kỷ nguyên mới của trách nhiệm – một sự công nhận về phía mỗi người Mỹ rằng chúng ta có bổn phận đối với bản thân, quốc gia và thế giới, những nghĩa vụ mà chúng ta không chấp nhận một cách miễn cưỡng, nhưng đảm nhận một cách vui mừng, vững chắc trong nhận thức rằng không có gì thỏa mãn tinh thần chúng ta, định hình tâm tính của chúng ta được cho bằng việc toàn thân toàn ý thi hành một nhiệm vụ khó khăn.

 

Đây là cái giá và lời hứa của quyền công dân.

 

Đây là nguồn cội của lòng tin tưởng của chúng ta – ý thức rằng Thượng Đế kêu gọi chúng ta tạo ra hình dạng cho một vận mạng bất trắc.

 

Đây chính là ý nghĩa và niềm tin của chúng ta - là lý do tại sao những người đàn ông, đàn bà và trẻ em thuộc mọi chủng tộc và mọi tín ngưỡng đều có thể cùng nhau tham gia khánh chúc tại khu National Mall tráng lệ này, cũng như tại sao một người, mà cha của ông cách đây gần sáu mươi năm có thể đã không được người ta phục vụ tại một nhà hàng địa phương, giờ đây lại đứng trước mặt quý vị để đọc lên một lời thề nguyền thiêng liêng nhất.

 

Vì thế chúng ta hãy đánh dấu ngày này bằng sự hồi tưởng lại chúng ta là ai và chúng ta đã đi được bao xa. Trong năm khai sinh nước Mỹ, vào một tháng tiết trời lạnh nhất, một nhóm nhỏ gồm những nhà ái quốc xúm lại quây quần bên đống lửa sắp tàn trên bờ một dòng sông băng giá. Thủ đô đã bị bỏ lại. Kẻ thù đang tiến tới. Tuyết loang máu người. Vào một thời điểm khi cuộc cách mạng của chúng ta rốt cuộc ra sao phần lớn vẫn còn trong vòng hồ nghi, thì quốc phụ của chúng ta đã ra lệnh đọc cho dân chúng nghe những lời này: “Hãy nói cho thế giới tương lai... rằng giữa trời giá rét mùa đông, chỉ có hy vọng và đức hạnh là còn sống sót... rằng thành thị và thôn quê sau khi được báo động về một hiểm họa đã cùng nhau tiến lên để đối phó.”

 

Hoa Kỳ. Đối diện với những nguy hiểm chung, trong mùa đông năm nay giữa hồi gian nan chúng ta gặp phải, chúng ta hãy nhớ lại những lời nói bất hủ ấy. Với hy vọng và đức hạnh, chúng ta một lần nữa hãy bất chấp những dòng nước giá băng và hãy chịu đựng bất cứ trận bão nào có thể ập đến. Hãy để cho con cháu mai sau nói rằng khi chúng ta gặp thử thách, chúng ta đã từ chối, không chịu để cho cuộc hành trình này kết thúc, nói rằng chúng ta đã không quay gót trở lui, cũng không ngập ngừng chao đảo, và với đôi mắt chăm chú nhìn về phía chân trời và nhờ ơn Thượng Đế thương ban, chúng ta tiến bước mang đi tặng phẩm vĩ đại là tự do và trao nó lại một cách an toàn cho các thế hệ tương lai.

 

(Bản dịch của HGK/ViễnĐông)

 

Vien Dong Daily News

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT