Đời Sống Việt

Dịch vụ cho các em chậm phát triển và khuyết tật

Sunday, 11/01/2009 - 02:02:40

Từ mặc cảm thua thiệt, các em trở thành những con người có lòng tự trọng, yêu đời và tự hào có thể giúp ích cho gia đình và xã ...

Thanh Phong/Viễn Đông

 

WESTMINSTER (California) - Nhiều gia đình trong cộng đồng Việt Nam tại Orange County có con em khuyết tật, chậm phát triển, nhưng vì bận lo sinh kế, chưa tìm hiểu nên chưa biết ngay tại Trung tâm Little Sàigòn có một nơi rất đáng tin cậy giúp con em mình có thể thay đổi cuộc sống.



Từ mặc cảm thua thiệt, các em trở thành những con người có lòng tự trọng, yêu đời và tự hào có thể giúp ích cho gia đình và xã hội. Trưa ngày thứ Năm, 8 tháng Giêng 2009, chúng tôi đã đến Trung tâm Westview, số 8295 Westminster Blvd, Suite 130, để tìm hiểu về Trung tâm huấn nghệ và tìm việc cho mọi thành phần sắc dân, còn gọi là Chương trình Đa Văn Hóa.

 

Căn phòng mang số 130 là văn phòng làm việc của Trung tâm rất ngăn nắp, sạch sẽ. Cạnh đó là một lớp ESL do Thầy  Định phụ trách, một căn phòng khác cũng là nơi có bốn, năm em đang được các cô phụ trách dạy tô màu, viết tên trên giấy... Ngoài ra còn có phòng ăn, và một  phòng họp khá rộng trên lầu cùng nhiều tiện nghi khác. Trong phòng làm việc, một cô thư ký đang bận rộn coi hồ sơ và trả lời điện thoại. Phóng viên Viễn Đông được ôngHà Nam Hương tiếp rất niềm nở và giới thiệu về Trung tâm Westview như sau: “Trung tâm Westview là một Trung tâm huấn nghệ được thành lập từ năm 1986, đây là tổ chức xã hội tư nhân thiện nguyện bất vụ lợi mở ra nhằm mục đích giúp đỡ các em khuyết tật, huấn luyện kỹ năng cho người chậm phát triển thuộc mọi sắc dân, để tạo cho họ đời sống bình thường, tự trọng, không mặc cảm và nhờ đó giúp họ yêu đời hơn. Trung tâm chúng tôi hiện có khoảng 100 em nhưng có đến 60-70% là người Việt Nam, các sắc dân khác là Đại Hàn, Nhật bản, Thái Lan, Mễ Tây Cơ và Mỹ.”

 

Viễn Đông: Các em muốn được nhận vào đây phải có điều kiện thế nào?

Ông Hương: Các em bị khuyết tật bẩm sinh, chậm phát  triển  trước 18 tuổi đang theo học tại các trường đặc biệt như trường Anderson, Jordan... thì đến năm 21 tuổi, Trung tâm sẽ thu nhận các em vào đây cho đến 60, 70 tuổi. Thường mỗi năm, khi gần lễ ra trường, các em học chương trình đặc biệt sẽ được nhà trường đưa đến đây quan sát, tìm hiểu trước...

 

Viễn Đông: Các em được nhận vào đây, cha mẹ có phải đóng góp tài chánh không?

Ông Hương: Hoàn toàn không. Tất cả các em chậm phát triển hay khuyết tật đều được chính phủ trợ cấp tiền SSI, mỗi em khoảng tám trăm hơn, nhưng cha mẹ các em giữ lo cho các em, Trung tâm không bắt đóng  một đồng nào cả.

 

Viễn Đông: Xin Ông cho biết các em vào đây được Trung tâm huấn luyện như thế nào?

Ông Hương: Ở đây có gần hai chục nhân viên, trong đó có các cô phụ trách, mỗi cô lo cho bốn em. Sáng các cô đến gia đình chở các em vào lúc 7 giờ 30. Chiều các cô chở các em về gia đình vào lúc 2 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu. Thời gian ở đây được chia thành ba phần: (1) Học ESL, học tiếng Việt; (2) Làm công việc nhẹ độ 1 tiếng; (3) Sinh hoạt ngoài trời như tập thể dục, hướng dẫn đi Wal-mart để nhận định hàng hóa, tập đi xe bus v.v..

 

Viễn Đông: Thưa Ông, Ngoài các sinh hoạt như vừa kể, các em còn có những sinh hoạt nào khác không?

Ông Hương: Mỗi tháng chúng tôi tổ chức sinh nhật một lần cho một số em, như tháng này có 4 em thì làm cho 4 em vui nhưng các em khác đều tham dự, có cắt bánh sinh nhật... Nếu vào các dịp lễ lớn như Quốc Khánh, Noel chẳng hạn, Trung tâm tổ chức lớn hơn. Mỗi năm các em được đưa di chơi Disneyland một lần, và dự Hội chợ Orange County một lần. Mỗi lần đi như thế, cứ một cô lo cho 4 em chu đáo.

 

Viễn Đông: Như Ông cho biết, Trung tâm huấn nghệ và giúp các em đi làm, các em có làm được không và các cơ quan hay công ty có dễ dàng thu nhận các em không?

Ông Hương: Trung tâm đã huấn luyện cho nhiều em, lúc đầu vào đây có khi không nói được hay chỉ nói được chút ít nhưng sau đó một thời gian, các em biết cách đi xe bus, biết tuyến đường, biết phân biệt  và biết cách sử dụng tiền, rồi chúng tôi đưa các em đến các công ty hay chợ Wal-mart cho các em xem và học hỏi cách thức nhân viên họ làm, nên khi các em vô làm là làm được và làm rất siêng. Còn các công ty hay cơ quan của Mỹ họ rất dễ dàng thu nhận các em. Họ giúp các em tận tình lắm.

 

Viễn Đông: Thế còn các chợ, cơ xưởng của người Việt thì sao?

Ông Hương: Thật tình mà nói, người Việt mình còn hơi e ngại, cũng chả trách họ được, vì người mình vốn tin dị đoan, cho rằng nhận những em như vậy vô sẽ xui xẻo, có khi họ không tin vào khả năng các em hoặc sợ trách nhiệm.

 

Viễn Đông: Thưa Ông, Trung tâm không nhận học phí, cũng không lấy tiền SSI của các em vậy nguồn tài chánh do đâu mà có để điều hành Trung tâm với những sinh hoạt lớn lao như thế này?

Ông Hương: Westview được các cơ quan Tiểu bang và Liên Bang tài trợ tài chánh, và được sự tặng giúp của các tổ chức cộng đồng và tư nhân, nên ngay đến tiền các em đi làm nếu quá 80 dollars thì SSI họ trừ chút đỉnh, còn bao nhiêu gia đình vẫn hưởng.

 

Chúng tôi xin phép bà Hương phỏng vấn một số nhân viên Trung tâm. Trước hết là ông Võ Thiện Trung.

 

Viễn Đông: Thưa Ông, với các em thuộc nhiều sắc tộc, nhiều ngôn ngữ khác nhau, khi giúp các em sinh hoạt, ông gặp điều gì trở ngại nhất?

Ông Trung: Kể ra thì có rất nhiều trở ngại, vì các em là những người bất hạnh nên thấy các em, mình thương lắm, và đã thương các em thì có khó khăn, trở ngại gì cũng cho qua. Vả lại, anh chị em chúng tôi làm ở đây cũng đã học qua các khóa huấn luyện về chuyên môn rồi.

Cô Nancy: Nếu có gì  trở ngại thì ở trên họ giải quyết, cháu tuy làm ở đây 8 năm rồi nhưng cũng là người đi sau, được các bác đi trước hướng dẫn. Lúc trước cháu làm ở  trường câm điếc trên Buena Park, sau xin về đây vì ở đây cũng có các em như vậy. Cháu coi bốn em Thái, Nhật, Hàn, Mễ. Lúc đầu các em cũng hơi khó khăn nhưng dần dần hài hòa cả.

Cô Christine: Em lo cho các cháu ba năm rồi, không thấy có điều gì trở ngại, thấy các cháu tiến triển và mạnh khỏe là em vui rồi, quên cả vất vả, mệt nhọc.

 

Chúng tôi vừa được cô Christine trả lời xong thì có một phụ huynh đến xin đón con về sớm đi bác sĩ.

 

Chị cho biết: “Cháu tên Nguyễn Gia Hiếu, lúc sanh cháu bị thiếu oxy não nên bị vậy. Từ ngày cháu vào đây đến nay, cháu tiến bộ nhiều lắm. Em phải công nhận cô Giám đốc ở đây rất khéo, cô nhìn cháu,  biết cháu siêng hay lười. Hôm trước một cán sự còn trẻ, hiền quá nên cháu nhõng nhẽo, không chịu học. Cô Giám đốc thấy vậy đổi cháu sang người cán sự khác ngay”.

 

Bước qua phòng học, chúng tôi gặp một em đang viết tên mình trên giấy, em tên Hà, em nói: “Lúc trước cháu  không biết chữ, vô đây các thầy, cô dạy, cháu biết viết tên rồi đó, đẹp hông?”.

 

Tôi cười, trả lời: “Đẹp, nhưng chưa đẹp lắm, cần ráng viết nhiều nữa cho đẹp hơn nghe”. Em cười đáp: “Dạ!”.

 

Quay trở lại văn phòng với ông Hà Nam Hương. Ông nói, “Các em vào đây đa số thuộc gia đình HO, sinh sau năm 1975. Xem lý lịch, chúng tôi biết nhiều khi cha mẹ đi cải tạo, vợ ở nhà không kiếm đủ tiền nuôi con, khó khăn, thiếu thốn, các em thiếu dinh dưỡng, có em sinh thiếu tháng, v.v., nên ra nông nỗi. Khi qua đây, nhiều gia đình có mặc cảm, cứ để các em ở nhà, không cho giao tiếp với ai, nhiều khi ở nhà cũng ít nói chuyện, an ủi, vỗ về, nâng đỡ các em, nên dần dần các em mặc cảm, không nói được. Đôi khi cha mẹ không kiểm soát việc ăn uống của các em, khiến nhiều em thì mập phì, nhiều em ốm tong teo. Vào đây, trước hết cha mẹ đỡ phải lo cho các em mỗi ngày bảy tiếng đồng hồ. Các em được học, sinh hoạt, làm quen với bạn mới, giao tiếp với nhiều người. Nhiều em lúc vào đây không nói được câu nào, nay nói líu lo suốt ngày. Chúng tôi cứ khuyến khích các em, nói sai, nói đúng cứ nói, nên dần dần các em nói nhiều. Có nhiều em đi làm có tiền, vui lắm. Trước đây cha mẹ hay người trong nhà coi thường các em, nghĩ rằng em rửa cái chén không xong, bây giờ chỉ trong một thời gian, các em làm được mọi việc, nên chính gia đình cũng khỏe mà các cháu cũng hết mặc cảm, thấy mình được tôn trọng nên yêu cuộc sống hơn”.

 

Ông Hương còn cho biết, thỉnh thoảng có em có bệnh động kinh cũng hay nóng giận bất thường, nên chúng tôi lâu lâu phải họp để rút kinh nghiệm, dần dần săn sóc kết hợp với thuốc men, các em hết nóng giận.

 

Ông Hương rất vui vẻ nói: “Giám đốc Trung tâm này là cô Angie Fisher, tên Việt Nam của cô là Tuyết. Hôm nay cô bận công tác nên không có mặt. Cô điều hành Trung tâm rất giỏi nên tất cả các nhân viên người Mễ, Nhật, Thái, Hàn, Việt đều vui vẻ cộng tác. Nói về mục đích và những lợi ích do Trung tâm đem lại thì rất nhiều, Trung tâm chủ trương: Nâng cao lòng tự trọng cho học viên; Tăng cường tinh thần trách nhiệm; Nâng cao giá trị cuộc sống qua chương trình huấn nghệ; Phát triển giá trị cá nhân trong tập thể; Thêm bạn mới, đào tạo nghề, huấn luyện di chuyển và an toàn.

 

Các học viên được học ESL nói và viết tiếng Anh, computer, thể dục, lớp đặc biệt trường đại học cộng đồng, huấn luyện cách thức mua bán và sử dụng tiền bạc, khuyến khích các em làm thiện nguyện...”.

 

Với những điều mắt thấy, tai nghe, chúng tôi thấy rằng Chương trình Đa Văn Hóa của Trung tâm Westview tạo rất nhiều lợi ích cho gia đình và các em chẳng may bị khuyết tật. Tất cả những nhân viên của Trung Tâm đều có một tấm lòng nhân ái, thương người, nên họ hết lòng thương yêu, săn sóc các em. Mỗi cô chỉ lo cho bốn em nên các em được săn sóc chu đáo. Thiết nghĩ, các gia đình có con em khuyết tật nên đến Trung tâm một lần để nhìn thấy sự tiến bộ của các em khi được thu nhận vào Trung tâm.

 

Vì đến giờ ăn trưa của các em (11 giờ 30), nên chúng tôi cám ơn ông Hà Nam Hương, các nhân viên Trung tâm và ra về trong một tâm trạng vui vui, vì tuy một số em bị khuyết tật nhưng nhờ có những tấm lòng thương yêu chân thật như những vị ở đây, không những các em mà gia đình các em cũng cảm thấy được an ủi và yên tâm lo cho cuộc sống hàng ngày.

 

Độc giả nào cần liên lạc với Trung tâm Westview, xin gọi số (714) 799-0211, hay email về cho cô Angie Fisher: afisher@westviewservices.org, hoặc vào website: www.westviewservices.org

 

 

Vien Dong Daily News

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT