Đời Sống Việt

Đảng viên Cộng Hòa gốc Việt thắng cử ở New Orleans (1)

Friday, 26/12/2008 - 01:35:25

Nhóm người trên xe tải, dẫn đầu bởi một người đàn ông mà tôi nghĩ là ông Cao – mặc dù nhìn từ xa thì không thể đoan chắc được ...

*Obama chẳng phải người duy nhất thăng tiến trong kỳ chạy đua không màng sắc tộc vào mùa thu này.

 

Douglas McCollam (Wall Street Journal)*

 

NEW ORLEANS – Vào khoảng giữa trưa một ngày thứ Bảy hồi đầu tháng, tôi nghe có tiếng động huyên náo bên ngoài cửa sổ căn chung cư lầu ba của tôi ở mạn trên thị trấn New Orleans. Một chiếc xe tải lớn màu đỏ đậu bên kia đường; trên xe, một nhóm đông người nhảy múa và chơi nhạc. Thì ra đó là chiếc xe diễu hành vận động cho Ánh “Joseph” Cao, ứng cử viên Cộng Hòa có ít hy vọng thắng cử đang chạy đua vào Quốc Hội trong Địa hạt 2 ở Louisiana, bao gồm hầu hết thành phố và một phần khu vực lân cận.



Nhóm người trên xe tải, dẫn đầu bởi một người đàn ông mà tôi nghĩ là ông Cao – mặc dù nhìn từ xa thì không thể đoan chắc được – không nhảy múa mà vẫy tay chào những tài xế lái xe qua lại trên đường, tuy có ít người đáp trả bằng cách bấm còi tán thưởng. Phía đầu khu phố, người ta xếp hàng tại một phòng phiếu địa phương để bỏ phiếu cho một trong những kỳ bầu cử quốc hội ít được ngó ngàng nhất trong ký ức người dân tại đây. Cuộc vận động kéo dài đến tận đầu tháng Chạp vì những trì hoãn bởi cơn bão Gustav, chẳng có sức lôi cuốn cho lắm. New Orleans, cũng như phần lớn những nơi khác ở Hoa Kỳ, đã mệt mỏi trong cuộc chạy đua đường trường “Obamathon” vừa kết thúc (2). Bên cạnh đó, có cơ hội nào để một luật sư vô danh chuyên về di trú gốc Việt từng học đạo trong dòng Tên lật nhào William Jefferson, một đảng viên Dân chủ tại chức kỳ cựu với 9 nhiệm kỳ thâm niên?

 

Thì cứ cho là cuộc vận động của ông Jefferson đã bị trở ngại vì ông sắp phải hầu tòa đầu năm tới với 16 tội danh tham nhũng – những tội trạng cáo buộc đến từ $90,000 tiền mặt tịch thu trong tủ lạnh của ông qua một cuộc càn quét cấp liên bang mấy năm trước. Nhưng ông vẫn là một trong những chính trị gia da đen nhiều quyền lực nhất tiểu bang, lãnh đạo một địa hạt có gần hai phần ba người Mỹ gốc Phi châu và chưa từng bầu một đảng viên Cộng Hoà nào lên Washington từ thế kỷ thứ 19.

 

Nhìn chiếc xe tải đỏ vui nhộn lái đi, tôi lắc đầu tội nghiệp cho sự lầm tưởng về một sứ mệnh đã khiến những người như ông Cao phí thời gian và tiền của vô bổ cho chính trị.

 

Tối hôm đó, tôi đến trụ sở đêm bầu cử của ông Jefferson, dự tính phỏng vấn những ủng hộ viên của ông xem bằng cách nào ông đã thắng được một loạt những người tranh cử và thắng trong kỳ tái tranh cử mặc dù có rất nhiều vấn đề đối với chính quyền liên bang (hai người anh em của Jefferson và một người cháu gái cũng đang bị kết tội). Nhiều người cho rằng khả năng ông Jefferson trở lại Quốc Hội là một vết nhơ thêm vào chính trị nổi tiếng ô danh ở Louisiana. Chuyện ông sẽ được bầu lại là đương nhiên theo sau chiến thắng của ông trong kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ.

 

Ánh Cao ấy hả? Thôi đi!

 

Nhưng khi kết quả ra thì ông Cao đã dẫn trước từ sớm và mãi mãi. Ngay sau 10 giờ 30 tối, ông Jefferson, trong dáng điệu mệt mỏi, hơi khòm lưng, lên bục và giải thích một cách khó khăn những gì đã xảy ra cho những ủng hộ viên đang ngạc nhiên: “Tôi nghĩ người ta đã hết sức sau một đua kéo dài để tiếp tục ra tay vào phút chót.”

 

Trong vòng hai tuần kể từ khi ông Cao đoạt chiến thắng không ngờ, các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa bu vào, “gáy” lên về tính quan trọng của việc đổi ngôi. “Chiến thắng của ông Cao là một biểu tượng về những gì có thể đạt tới khi chúng ta tính lớn,” lãnh tụ đảng Cộng Hoà thuộc phe thiểu số tại Hạ Viện, ông John Boehner ở Ohio, lên tiếng.

 

Có lẽ vậy. Nhưng nhìn kỹ hơn sẽ thấy kết quả bầu cử là sản phẩm của thời cơ may mắn hơn là từ bài tính lớn của đảng Cộng Hòa. Đầu tiên, các đảng viên Cộng Hòa phải cám ơn cơ quan lập pháp của Louisiana, đã thông qua đạo luật cho phép hệ thống bầu cử sơ bộ đóng kịp thời cho mùa bầu cử năm nay. Nghĩa là, trong khi ông Jefferson phải vượt qua một cuộc tranh cử sơ bộ gay gắt chỉ để được đảng Dân Chủ đề cử, thì ông Cao, ứng cử viên duy nhất của đảng Cộng Hòa, lướt qua dễ dàng không đối thủ để lọt vào cuộc tổng tuyển cử. Cũng có nghĩa là, khi cơn bão Gustav buộc khối lớn cư dân phải di tản ở vùng phía dưới tiểu bang vào tháng Chín, cuộc tổng tuyển cử phải đình lại đến tháng Chạp. Vì vậy, trong khi một số lượng lớn những cử tri người Mỹ gốc Phi châu từng giúp ông Jefferson thắng cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ, đi bầu tổng thống vào tháng Mười Một, khối ủng hộ đó tan biến trong kỳ bầu cử vào tháng Chạp khi chỉ còn 18% cử tri đi bầu.      

 

Số người đi bầu tuột dốc thê thảm trong những khu vực bỏ phiếu có đông cử tri da đen. Vào đêm bầu cử, ông Jefferson nói là đã cảm thấy bất ổn trong thời gian vận động vì có những ủng hộ viên hỏi ông tại sao cứ tiếp tục vận động dù đã thắng cử vào tháng Mười Một rồi kia mà.

 

Dù sao chăng nữa, cuộc bầu cử ông Cao, và cuộc bầu cử Thống đốc Bobby Jindal (3) năm ngoái, đánh dấu sự thay đổi chính trường ở tiểu bang mạn Nam này. Chỉ 17 năm trước thôi, đa số cử tri da trắng ở Louisiana đã bỏ phiếu cho David Duke, một cựu thành viên đảng KKK, trở thành thống đốc. Bây giờ ông Cao (4) trở thành công dân gốc Việt đầu tiên vào Quốc Hội, cũng như ông Jindal là người Mỹ gốc Ấn Độ đầu tiên được bầu vào chức vị thống đốc. Những chiến thắng của họ nhắn nhủ cùng một thông điệp của Barack Obama trong cuộc chạy đua vào chức vụ tổng thống: Chúng ta cuối cùng đã tới thời điểm mà năng lực có thể vượt qua màu da trong chính trị.

 

Chắc chắn, câu chuyện cá nhân đầy tính thuyết phục của ông Cao giúp phần nào trong việc ông thắng cử. Ông chạy trốn từ Saigon khi Cộng Sản chiếm đất nước ông vào năm 1975, đến xứ sở này năm lên 8 và không nói được tiếng Anh. Giờ đây, ông nắm trong tay văn bằng vật lý, triết học, và luật khoa. Một yếu tố chính nữa là sự ủng hộ của cộng đồng người Việt sống động ở New Orleans. Nhiều người trong cộng đồng đã định cư ở đây sau chiến tranh, chung sống trong khu vực ven biển có khí hậu ẩm ướt và đông người theo đạo Công giáo, một nơi làm cho họ liên tưởng đến quê nhà.

 

Và sau vài thập niên, họ đã bén rễ tại tiểu bang này. Sau khi cơn bão Katrina quét sạch những khu phố của người Việt ở phía Đông thành phố, họ đã hăng hái xây dựng lại, không rời bỏ nơi chốn đã cưu mang. Chính vì sự tàn phá của Katrina và sự thất bại của chính phủ trong việc trợ giúp đã khiến ông Cao đi vào chính trị - ông cảm thấy mình có trách nhiệm lãnh đạo để tái thiết New Orleans.

 

Dĩ nhiên, chiến thắng lịch sử của nhóm này tương đương với sự thất bại lịch sử của nhóm khác. Địa hạt 2 được thành lập phần lớn để bảo đảm cử tri da đen tại Louisiana, vốn chiếm một phần ba dân số tiểu bang, có tiếng nói ở Washington. Ông Jefferson thua cuộc thì không còn người Mỹ gốc Phi châu nào trong thành phần đại biểu quốc hội từ tiểu bang nữa. Nhiều người tin rằng tình hình này chỉ là tạm thời và tình thế sẽ đảo ngược kỳ bầu cử tới.

 

Còn số phận của ông Cao đang nằm trong tay ông ấy. Vì muốn chứng tỏ rằng thành viên của họ có thể đại diện thành công một địa hạt “đa số-thiểu số” (5), các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa ở Quốc Hội sẽ có thể giúp ông trở nên một nhà lập pháp có hiệu quả. Tùy ông Cao có nắm lấy cơ hội này để tạo dựng sự nghiệp và chuẩn bị để tái tranh cử trong hai năm tới dựa trên những thành quả đạt được. Nếu ông thực hiện điều đó và thắng cử, sự thành công của ông sẽ nói lên rất nhiều điều về tương lai của các quan hệ sắc tộc không chỉ ở New Orleans mà còn ở trong thế kỷ 21 tại Hoa Kỳ.

 

 

* Tác giả Douglas McCollam, cộng tác viên cho tờ Wall Street Journal, hiện sống tại New Orleans. Trước đây, ông viết cho tạp chí BusinessWeek và The American Lawyer.

 

Bài viết “A Vietnamese Republican wins in the Big Easy – Obama wasn’t the only advance in race blindness this fall” bằng Anh ngữ của tác giả đã đăng trên tờ Wall Street Journal số thứ Bảy, 20-12-2008. Tác giả và tờ Wall Street Journal đã cho phép ban biên tập Nhật báo Viễn Đông dịch lại bài viết sang tiếng Việt hầu rộng đường dư luận. Quý độc giả có thể tham khảo nguyên tác Anh ngữ tại trang nhà Wall Street Journal tại [link].

 

Reprinted from The Wall Street Journal © 2008 Dow Jones & Company. All rights reserved.

 

Chú thích của biên tập:

 

(1) Nguyên văn Anh ngữ là “Big Easy”, tên gọi thân mật của thành phố New Orleans từ thập niên 1970, nói lên tính dễ dãi, thoải mái của người dân nơi đây.

(2) “Obamathon” là cách chơi chữ của tác giả, ghép từ họ của tổng thống tân cử Obama và chữ “marathon” tức một cuộc chạy đua đường trường.

(3) Ông Bobby Jindal trở thành thống đốc gốc Ấn Độ đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 2007.

(4) Tại đây, tác giả mở ngoặc “phát âm là ‘Gow’” theo cách phiên âm tiếng Hoa (phụ âm “c” thành “g”). Đây là cách phát âm sai của đa số những phóng viên và xướng ngôn viên không nói được tiếng Việt.

(5) Nguyên văn “majority-minority”, tính từ chỉ một khu vực có tỷ lệ đa số dân chúng thuộc thành phần sắc tộc khác với tỷ lệ dân số toàn quốc. Trong địa hạt 2 của tiểu bang Louisiana, người Mỹ gốc Phi châu chiếm đa số với gần hai phần ba dân số, tức là thành phần sắc tộc ở đây khác với tỷ lệ người Mỹ gốc Phi châu trên toàn quốc. 

 

Vien Dong Daily News

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT