Phóng Sự

Chuyện của bà Mến Vũ (kỳ cuối)

Sunday, 06/12/2015 - 10:32:52

Người viết hỏi trước những điều không may cứ lần lượt đến với bà và gia đình mình, vậy nghị lực nào giúp bà vực dậy đã không buông xuôi suốt bao năm qua. Phải chăng chính là niềm tin vào Chúa toàn năng?

Bài BĂNG HUYỀN

Nỗi đau chồng lên nỗi đau

Những tưởng sau những biến cố trên, cuộc sống của gia đình bà sẽ bình yên, nhưng rồi những điều không may lại đến.
Bà Mến Vũ chia sẻ, “Khi tôi đi làm tại nha lộ vận DMV, một hôm tôi không thể cầm được ly uống nước, đi khám thì phát hiện cột sống ở cổ của tôi đốt C3 và C4 bị lòi ra. Bác sĩ đề nghị tôi phải đi tập vật lý trị liệu và đề nghị tôi nên chuyển công việc. Vì tôi bị bệnh như vậy mà cứ ngồi làm việc gặp gỡ khách tại Field Office visit DMV, khách đến ghi danh thi lấy bằng lái, tôi cứ ngước lên nói chuyện với khách rồi cúi xuống computer để điền thông tin cho khách. Một ngày tám tiếng như vậy suốt thì bệnh sẽ càng nặng hơn.

Bà Mến Vũ giúp ca sỹ Vũ Anh mở hộp CD để ký cho thính giả trong đêm nhạc ra mắt CD Hương Xưa.
(Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Tôi đã xin bác sĩ ghi giấy để nộp vào sở làm DMV cho tôi được đi tập vật lý trị liệu. Lúc đó sếp đã kỳ thị tìm cách đuổi việc tôi, họ làm khó tôi, chèn ép tôi khiến tôi bị khủng hoảng, tôi đã phải nghỉ làm khoảng ba tháng và sau đó xin làm ít giờ. Tôi rất sợ mất việc, và với nhiều lo lắng nên trí nhớ của tôi lúc đó bị mất trí nhớ tạm thời, mỗi ngày tôi phải biên nhật ký, vì nếu không tôi không thể nhớ được.

“Tôi nghĩ nếu tôi không có một gia đình đạo hạnh, bạn bè chung quanh giúp đỡ, chắc tôi đã ở trong nhà thương điên rồi và đã không có những lời chia sẻ này đến quý vị.”

“Đây là lúc tôi mới nhận định được stress là gì , và tôi mới cảm thấy thương cho những người khi đi làm mà bị sếp không thích, rồi bị đuổi việc, hoặc bị chèn ép, để rồi dẫn đến những hành động mù quáng. Vì họ ở con đường cùng không có chỗ nào bám víu nên đã có những hành vi như sát hại bản thân hoặc sát hại những người bạn đồng nghiệp.”

Bà Mến cho biết cũng nhờ bà có tham gia trong union (thành viên của công đoàn), và tìm luật sư bảo vệ, nên họ đã không đuổi việc bà được.

Sau 13 năm làm việc tại Field Office visit DMV thì bà được đổi qua làm tại Phone Center. Lúc đầu bà cũng lo lắng lắm. Vì không biết tiếng Anh mình trả lời qua phone khách có hiểu không hay sẽ bị khách hàng mắng.

Nhưng nhờ kinh nghiệm làm lâu năm trước đó tại Field Office visit DMV, vì vậy khi khách hàng gọi điện đến bà có thể trả lời khách hàng dễ dàng, có những câu hỏi không liên quan gì đến DMV mà bà vẫn trả lời được không ấp úng.

Bảy năm bà làm việc tại Phone Center rất thoải mái, hai năm sau cùng trước khi nghỉ hưu non, bà có một cuốn kinh thánh mở ra để trước mặt, mà không bị trở ngại bắt cất đi.

Bà Mến kể, “Năm 2010 là một năm có nhiều biến cố xảy đến với gia đình tôi. Thầy tôi vốn từ lâu đã bị bệnh mất trí nhớ Alzheimer, khi đó thầy và mẹ sống chung với gia đình cậu em trai của tôi, thầy đi lại bằng cái walker, một lần thầy đã bị té gãy xương hông, và đại gia đình quyết định cho thầy vào viện dưỡng lão, vì mẹ tôi cũng già yếu rồi không thể chăm sóc thầy được. Bản thân tôi đã từng tham gia trong cộng đoàn Công Giáo, thường đi thăm các cụ trong viện dưỡng lão, nhìn thấy cảnh những người già sống trong đó, tôi rất đau lòng và xót xa, không muốn thầy vào nằm trong Viện Dưỡng Lão.

“Vì vậy tôi đã xin mẹ tôi cho phép tôi mang thầy về ở với chúng tôi, mặc dù lúc đó tôi vẫn còn đi làm toàn thời gian. Nhưng may mắn lúc ấy tôi có người anh trai bằng lòng giúp tôi, anh đến nhà tôi chăm bố từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều anh về lại nhà anh, khi đó tôi đã đi làm về. Cuối tuần thì anh đến chăm sóc bố nửa buổi sáng để vợ chồng tôi đi lễ nhà thờ. Trước khi đi làm tôi đã nấu đồ ăn xay nhuyễn cho bố để anh giúp hâm lại cho bố ăn. Thầy tôi về ở với chúng tôi đầu tháng 8 năm 2010 thì một tháng sau anh Vũ Anh phải vào cấp cứu trong nhà thương. Anh bị hai ca mổ trong một tháng, vì sợi dây đeo trong đầu bị đứt ra, cần thay sợi dây mới và anh có một cái bướu cũng ở trong đầu phải mổ để lấy cục bướu ra.
“Lúc bấy giờ tinh thần tôi khủng hoảng vô cùng, đâu có còn tâm trí mà làm việc. Cũng may là Sở Nha Lộ vận có chương trình giúp cho những nhân viên của họ khi ở trong tình trạng hoạn nạn, họ đã email cho tất cả nhân viên trong sở làm tặng giờ nghỉ của mình cho tôi. Vậy là tôi đã được bạn bè đồng nghiệp, có nhiều người tôi không quen, họ cũng không quen tôi nhưng đã tặng cho tôi ngày phép của họ để tôi có được ba tháng nghỉ ở nhà chăm sóc chồng và bố, mà vẫn có lương. Tôi rất xúc động trước tấm lòng mà những đồng nghiệp đã dành cho tôi và biết ơn họ vô cùng.”

Đàn bà sinh ra để quan tâm, chăm sóc yêu thương người khác như một nhu cầu, niềm vui, ý nghĩa của đời mình hơn là một trách nhiệm và nghĩa vụ phải cắn răng hoàn thành. Đây cũng chính là quan niệm sống của bà Mến. Với bà, bệnh tật là điều không ai mong muốn nhưng đã xảy ra với chồng. Bản thân bà đã không được chăm sóc chiều chuộng lại còn phải thức khuya dậy sớm chạy vạy lo cho chồng, vừa gánh vác việc mưu sinh vừa phải làm nội tướng, không còn thì giờ nghỉ ngơi giải trí mà chỉ còn gánh nặng lo âu, nợ nần. Nhưng bà không một lời oán than, vì vợ chồng ngoài “tình” còn “nghĩa”. Bạn bè còn không bỏ mặc nhau lúc khó khăn, huống hồ vợ chồng.

Còn việc nhận bố về nhà chăm sóc, với bà đó là lẽ đương nhiên của một người con, vì bố là người thân, là máu mủ, ruột thịt nên những vất vả mà bà phải trãi qua không có gì đáng nói. “Thầy tôi hiền và vui tính lắm, về ở với chúng tôi được khoảng 6 tháng sau thì thầy tôi đã không còn nhìn thấy ánh sáng, và vài tháng sau đó ông cũng không còn đi được nữa. Nhưng tinh thần thầy tôi luôn vui vẻ vì có chúng tôi trò chuyện với ông. Hầu như cuối tuần nào nhà tôi cũng mở tiệc mời bạn bè đến ca hát, sum vầy với nhau, thầy tôi hay pha trò với mọi người, rất vui!”

Là người đạo Công Giáo gốc, từ nhỏ đến giờ bà thường đi lễ hàng tuần và những ngày lễ buộc, bà luôn cầu nguyện những lúc gặp khó khăn. Bà tham gia nhiều cộng đoàn, làm việc rất hăng say khi còn trẻ, nhưng có bao giờ mở cuốn kinh thánh ra đọc và suy ngẫm đâu. Nhưng vào năm 2012 khi anh trai bà vì có chuyện xích mích nhỏ, đã không đến giúp bà trông bố nữa, thay vì phải đưa bố vào viện dưỡng lão, vì bà vẫn còn đi làm toàn thời gian tại DMV. Nhưng bà không nỡ đưa bố vào viện, nen việc chăm bố ban ngày phải nhờ đến chồng bà. Cũng may lúc này sức khỏe của chồng bà đã ổn định, ông chẳng than van gì hết, mà nhiệt tình giúp vợ chăm sóc nhạc gia của mình.

“Lúc đó tôi buồn lắm, tôi có hai người ban rất thân, họ gởi tặng tôi một cuốn kinh thánh, máy CD để nghe những bài giảng của các linh mục, và họ khuyên tôi đọc kinh thánh.

Rồi có một ngày tôi mở cuốn kinh thánh ra đọc, tôi đã được đánh động, và tôi bắt đầu đọc mỗi ngày, đoạn nào tôi cảm thấy hay tôi viết ra, và bắt đầu mê như đọc truyện tiểu thuyết, tôi cầu nguyện, nói chuyện với Chúa như một người bạn của tôi.

“Lời Chúa hay quá có những mẫu chuyện tôi cảm nghiệm tôi là nhân vật ấy, cô bạn tôi nói, Mến ơi bây giờ mới đọc cũng chưa muộn vì có những người đến chết cũng chưa hề đọc bible để hiểu được lời Chúa dạy mình.

“Đến năm 2014 sau khi đủ 20 năm làm cho DMV và có được bảo hiểm sức khỏe cho tôi và người phối ngẫu 100 phần trăm, lúc này đã 60 tuổi, nên tôi xin nghỉ hưu sớm để ở nhà chăm sóc thầy tôi. Khi tôi xin nghỉ việc tôi phải làm giấy ba tháng trước, tôi nộp đơn xin nghỉ tháng 9 thì tháng 10 thầy tôi ra đi về với Chúa. Dù rất buồn, nhưng tôi vẫn an ủi là những năm cuối đời của thầy, tôi luôn ở cạnh cận kề phụng dưỡng.”

Người viết hỏi trước những điều không may cứ lần lượt đến với bà và gia đình mình, vậy nghị lực nào giúp bà vực dậy đã không buông xuôi suốt bao năm qua. Phải chăng chính là niềm tin vào Chúa toàn năng?

Bà Mến chân thành bày tỏ, “Đúng vậy, chính niềm tin tưởng tuyệt đối vào một Thiên Chúa toàn năng, luôn yêu thương các con chiên của Ngài, nên tôi không ngừng cầu nguyện và không bao giờ buông xuôi, tuyệt vọng. Trước những thử thách tôi luôn cậy trông phó thác vào Chúa. Đức Kitô chính là niềm hy vọng, chính là sức sống trong cuộc đời, đã giúp tôi có thêm sức mạnh để đối diện với những nghịch cảnh xảy đến với mình và gia đình.

“Theo tôi, mình hãy sống đúng, sống phải, thì ơn trên sẽ lo cho mình. Khi mình sống tốt, có đạo đưc thì mình sẽ hưởng được ngay ở đời sống hiện tại chứ không phải đợi đến đời sau đâu. Tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, những điều không may đến với tôi và gia đình vẫn chẳng thấm tháp gì so với nhiều hoàn cảnh bất hạnh khác. Vì vậy tôi luôn bằng lòng với điều mình đang có để vui và luôn vâng theo những lời dạy của Chúa. “

Bà Mến chia sẻ, “Bên đạo Công giáo có câu Hãy tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa, không có gì mà Chúa không làm được. Ngồi ôn lại cuộc đời mình, tôi nhận thấy Chúa đã ban phúc lành cho tôi và gia đình rất nhiều. Anh Vũ Anh, nay đã 73 tuổi rồi, bị sáu lần giải phẫu trên đầu, nhưng may mắn là anh không bị tật nguyền mà giọng hát của anh vẫn còn vang, đẹp và hay lắm. Những người bên Công giáo chúng tôi gọi đây là ơn lạ do Chúa ban cho, có mấy ai bị bể mạch máu trong đầu như anh mà vẫn hát tốt, lên được những nốt cao chót vót, dù đã ngoài 70 rồi. Gia đình chúng tôi tin rằng nếu mà Chúa không ban cho tiếng hát này, thì chắc chắn không thể có được CD Hương Xưa và chắc chắn cũng không thể có được chương trình ra mắt vừa qua.

“Với hai con Daniel Vũ và Christine Thùy Hương của chúng tôi, từ trước đến nay tôi luôn cầu nguyện Chúa hai điều là cho con của tôi nghe được tiếng Chúa để sống đời sống đạo đức, và mong hai con khi đến tuổi lập gia đình, có được người vợ, người chồng tốt, đạo hạnh.

“Nếu không có sự hướng dẫn và tình yêu của Ngài thì các con tôi khó có được thành công như ngày hôm nay. Vì từ khi các cháu bước vào tuổi teen, tôi vì phải đi làm nhiều giờ để kiếm tiền lo cho gia đình, đâu có ở cạnh dạy dỗ con nhiều, bố ở nhà với con, nhưng bố đâu có giúp con được trong việc học hành. Nhưng hai con tôi rất ngoan, chăm học. Để hôm nay cả hai đều thành công, có việc làm tốt tự lo cho bản thân mình.”

Con là niềm tự hào lớn nhất

Với bà Mến, hai con chính là niềm tự hào lớn nhất của vợ chồng bà.
Con trai lớn Daniel Vũ đã tốt nghiệp cử nhân âm nhạc Magna Cum Laude và cao học âm nhạc của đại học California State University, Fullerton. Là thành viên ban giảng huấn về âm nhạc và là Music Director Vocal Jazz của trường trung học Santa Margarita, anh còn là trợ giảng tại Đại học Condordia, Irvine và Biola University chuyên về nhạc Jazz.

Ngoài thời gian dạy học, Daniel Vũ thường xuất hiện trong các chương trình ca nhạc nhiều thể loại như Jazz, Pop. Anh còn giữ chức vụ nhạc trưởng ban thánh nhạc của thánh đường Holy Spirit, Giáo Phận Orange cũng như phụ trách phần nhạc đệm cho ca đoàn Salem Lutheran Church.

Con gái út Christine Thùy Hương là ca sĩ trẻ của trung tâm Asia, có bằng Master về Nursing. Cô cho biết bên cạnh đam mê âm nhạc, cô đã theo học Y tá, vì cô cũng muốn giúp đỡ người bệnh, giống như bố của cô đã từng được giúp đỡ. Hiện nay, cô vừa đi làm tại phòng cấp cứu ở bệnh viện Hope (làm từ năm 2010) và nhà thương Hoag ở Newport Beach và Kaiser Permanente ở Irvine. Song song đó cô đang học tiếp tại trường Rush University để lấy hai bằng Family Nurse Practitioner và Doctorate in Nursing Practice. Có thời gian cô vẫn dành đi hát và sáng tác nhạc, CD nhạc Chistine Thùy Hương hát và sáng tác bằng tiếng Anh đã ra mắt khán giả trong đêm nhạc của bố vào ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa năm 2015.

Hạnh phúc phía cuối con đường

Bà bảo bà rất vui vì nay chỉ mới 60 tuổi mà bà đã được nghỉ hưu, để có nhiều thời gian bên cạnh chồng cùng an hưởng tuổi già, và là chổ dựa tinh thần cho hai con.

Niềm vui của bà và chồng hiện nay rất giản dị, đi đâu cũng có đôi với nhau, cả hai cùng tham gia những sinh hoạt tại các cộng đoàn công giáo như những buổi lắng nghe lời Chúa, đi tĩnh tâm, đọc kinh cho nhóm chống phá thai…

Chủ Nhật thì ca sĩ Vũ Anh giúp tập hát ở nhà thờ Sain Columbun lúc 5 giờ chiều, tham gia hát thánh lễ lúc 7 giờ tối. Những buổi sáng ngày thường ở nhà thì cả hai vợ chồng cùng đi bộ tập thể dục, ca sĩ Vũ Anh tập luyện giọng cho mình và cho vợ.
Bà nói bây giờ bà mới có thời gian học hát để hát trong ca đoàn.

Bà Mến tâm sự, “Anh Vũ Anh rất đam mê âm nhạc. Ngoài giọng ca thiên phú, anh còn sử dụng thành thạo các nhạc cụ: dương cầm, guitar, clarinet. Ngay khi còn ở Việt Nam, Vũ Anh đã được luyện giọng với giáo sư Lê An, và đã theo học hoà âm tại đại học Minh Đức. Định cư tại Mỹ, Vũ Anh dùng thời giờ rảnh rỗi tiếp tục học thêm các lớp luyện giọng ở Đại Học Cal-State Fullerton, California. Từ những kiến thức thu thập được trong đại học Mỹ và với những kinh nghiệm bản thân, anh luôn sẵn sàng truyền lại kinh nghiệm cho những ai muốn học hát. Bảo đảm người học sẽ giữ được làn hơi đúng cách, tiếng hát sẽ điêu luyện. Vì muốn anh truyền kinh nghiệm cho người khác và tìm niềm vui cho bản thân nên chúng tôi quyết định sẽ mở lớp dạy hát để anh giúp mọi người. Nếu ai muốn học xin hãy liên lạc với Vũ Anh 714-262-5554. Hoặc Email Menvu80@yahoo.com.”

Suốt 38 năm gắn bó bên nhau, vợ chồng bà Mến- Vũ Anh đã cùng nhau giữ trọn lời thề mà họ đã long trọng hứa với nhau trước bàn thờ Chúa. Bà đã giữ lòng thủy chung với chồng khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày cho đến cuối đời.

Giờ đây có thể nói cuộc đời bà “sau cơn mưa, trời lại sáng.” Trải qua biết bao thử thách để bà nghiệm ra một điều, chính những nghịch cảnh là một kho báu trong cuộc sống này.

Vì đời sống không thể thiếu những thử thách. Những thử thách, khó khăn xảy đến đã rèn luyện cho nghị lực và đức tin của bà thêm vững mạnh.

Thử thách rồi cũng qua đi. Nhưng kinh nghiệm và cách mà bà đối diện trước thử thách đã ở lại, biến thành cơ hội cho bà được thêm lòng cậy và lòng mến Chúa!
(bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT