Phóng Sự

Buôn người: hình thức nô lệ mới thời hiện đại (kỳ 1)

Sunday, 13/12/2015 - 09:17:19

Mặt khác, phụ nữ và trẻ em Việt Nam là đối tượng của nạn buôn người vào đường mãi dâm. Nấp dưới hình thức xuất khẩu lao động, đã có nhiều phụ nữ và gái vị thành niên Việt Nam bị bán vào các động mãi dâm ở Nam Hàn, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Đài Loan…

Bài BĂNG HUYỀN

Buôn bán nô lệ đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người

Chế độ nô lệ đã có từ thời Trung Cổ. Từ mấy ngàn năm trước công nguyên, các kim tự tháp tại Ai Cập là do xương máu của các nô lệ xây lên. Tại Roma vào thế kỷ I đã có 1 triệu nô lệ sinh sống, và rất nhiều đền đài dinh thự là do các nô lệ xây dựng, điển hình nhất là Hý trường Colosseo do Hoàng đế Tito khánh thành năm 80 sau Công nguyên.

Hình của hội chống buôn người Help Abolish Human Slavery.



Ngay tại Hoa Kỳ, người ta ước đoán vào thế kỷ 16-18, có đến hàng chục triệu người Phi châu bị bắt và bán làm nô lệ sang Mỹ. Không thể tả hết được các ngược đãi và khổ đau mà người nô lệ phải gánh chịu trong cuộc sống, từ khi bị bắt, bị xiềng xích mang xuống tàu, rồi bán cho các đại điền chủ da trắng khi đến Mỹ châu. Thuyền buôn đến châu Mỹ, bọn buôn nô lệ giao bán cho các chủ trang trại, chủ mỏ, sau đó chất đầy hàng hoá do nô lệ làm ra chuyển về châu Âu.

Có tài liệu cho rằng trong hơn 300 năm từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, châu Âu đã cướp đi từ châu Phi 15 triệu người, chưa kể số người bị chết trong khi bị săn đuổi hoặc vận chuyển. Nếu kể cả số người da đen bị đem đến châu Âu, châu Đại Dương và các đảo ở Thái Bình Dương, châu Phi tổn thất khoảng 100 triệu người.

Vào năm 1770, sau một loạt canh tân trên thế giới tại Pháp, Đan Mạch và Anh quốc đã diễn ra các phong trào bài trừ nô lệ, đòi thay đổi các luật hình sự, bỏ luật treo cổ và thay đổi cách đối xử với các người bị bệnh tâm thần. Các nhà trí thức như Voltaire, Wesley và Rousseau đã góp phần đáng kể vào kiểu suy tư mới này.

Thế giới cùng đấu tranh chống lại hình thức nô lệ thời hiện đại

Vào thế kỷ 19 nhiều nước đã thành công trong việc giành độc lập. Brazil xóa bỏ chế độ nô lệ vào năm 1822, Bolivia năm 1825, Anh quốc năm 1833 [Ngày 25/3/1807, Vương quốc Anh đã thông qua một đạo luật cấm buôn bán người da đen, theo đó những kẻ vi phạm sẽ bị phạt 100 bảng Anh cho mỗi nô lệ bị tìm thấy trên các con tàu của Anh. Tuy nhiên mãi đến năm 1833 nạn buôn bán nô lệ mới bị xóa bỏ hoàn toàn], Pháp năm 1848 và sau cùng Hoa Kỳ năm 1865.

Năm 1948 Liên Hiệp Quốc công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền, nạn nô lệ cũng như việc buôn người mới bị bãi bỏ trên toàn thế giới. Năm 2006, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết lấy ngày 25-3 hàng năm là ngày Quốc Tế Kỷ Niệm Ngày Bãi Bỏ Nạn Buôn Bán Nô Lệ Xuyên Đại Tây Dương.

Năm 2000, Hoa Kỳ đã ban hành Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Của Nạn Buôn Người, Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị Định Thư về ngăn chặn, đẩy lùi và trừng phạt nạn buôn người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em, hay còn gọi là Nghị Định Thư Palermo.

Nghị Định Thư Palermo thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới tới việc chống lại nạn buôn người. Lần đầu tiên có một văn kiện quốc tế kêu gọi hình sự hóa tất cả các hành vi buôn bán người – bao gồm cả lao động cưỡng bức, nô lệ và các hành vi tương tự như nô lệ, đồng thời kêu gọi các động thái của chính phủ cần gắn kết chặt chẽ với mô hình “3P”: Ngăn chặn (Prevention), Truy tố hình sự (Prosecution) và Bảo vệ nạn nhân (Protection).

Nô lệ trong thời đại mới với hình thức buôn người tinh vi

Những tưởng trong thế kỷ 21 này, thế giới đã dẹp được hình thức buôn người, bóc lột tột bậc này. Thế nhưng sự tinh vi của hành động buôn người, một hiện tượng tưởng như đã lùi xa vào quá khứ, với việc hủy bỏ chế độ nô lệ về mặt pháp lý, vậy mà ngày nay vẫn là một hiện thực phổ biến với vô vàn phương thức. Ngày nay, vấn nạn buôn người gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển xã hội nói chung và từng cá nhân nói riêng. Bao gồm hầu hết các hình thức nô dịch con người tàn bạo nhất trong xã hội, từ nạn buôn người, nạn cưỡng bức lao động dưới các hình thức khác nhau, như lao động trong các xí nghiệp, làm việc đồng áng, nô lệ tình dục hay giúp việc tại gia… cho đến nạn tảo hôn, làm thuê để trả nợ...

Theo Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), “Có khoảng 20.9 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức hoặc bóc lột tình dục trên toàn thế giới, trong số đó có khoảng 11.4 triệu là phụ nữ, trẻ em gái và khoảng 5.5 triệu người là nạn nhân của nạn buôn người. Phụ nữ và trẻ em là đối tượng bị buôn bán để làm mại dâm, bóc lột tình dục, cưỡng ép hôn nhân, buộc phải lao động trong điều kiện tồi tệ. Họ bị bóc lột tình dục, sức lao động hoặc bị sử dụng vào những mục đích thương mại, vô nhân đạo khác.”

Trong báo cáo mới nhất về nạn buôn người trên toàn thế giới trong năm 2014, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về phòng chống tội phạm và ma túy (UNODC) nhận định trên thế giới có khoảng 510 đường dây buôn bán người và ít nhất 152 quốc gia có nạn nhân rơi vào tay các nhóm tội phạm buôn người.

Nhật báo Washington Post dẫn lời ông Robert Crepinko, lãnh đạo đơn vị chống tội phạm có tổ chức của Europol, cho biết có nhiều băng đảng tội phạm đang chuyển từ hoạt động buôn ma túy sang buôn người vì lợi nhuận quá lớn.

Bởi theo ước tính của ILO ước tính năm 2005, hoạt động buôn người mang về doanh thu là $31.6 tỷ USD. Năm 2008, Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính khoảng gần 2.5 triệu người từ 127 quốc gia khác nhau đã được bán vào 137 quốc gia trên thế giới và năm 2013, hoạt động buôn người mang về doanh thu $32 tỷ USD.

Buôn người tại Việt Nam

Riêng tại Việt Nam, hiện là một trong những quốc gia đang trở thành điểm nóng của tệ nạn buôn người.
Vào trung tuần tháng 10, 2013, tổ chức phi chính phủ Walk Free Foundation (WFF) do Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton (nhiệm kỳ 2009-2013), cựu Thủ Tướng Anh Tony Blair và tỷ phú Bill Gates đồng sáng lập, có trụ sở tại Úc, công bố một bản báo cáo về thực trạng “nô lệ hiện đại” toàn cầu với bảng xếp hạng 162 quốc gia (Global Slavery Index) cho biết hiện nay ước tính vẫn còn 29.8 triệu người nô lệ trên thế giới (trong số 162 quốc gia), chiếm tỷ lệ 0.4% so với tổng số dân trên thế giới hiện nay vào khoảng 7 tỷ người, trong đó 76% tập trung tại 10 quốc gia: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Nigeria, Ethiopia, Nga, Thái Lan, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Miến Điện và Bangladesh.

Việt Nam có khoảng 248,705 người được xem là nô lệ, tỷ lệ 0.28% dân số, đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng về số lượng người phải sống trong cảnh nô lệ và đứng thứ 64, nếu căn cứ theo tỷ lệ phần trăm người bị ép làm nô lệ trên tổng dân số. Những nạn nhân buôn người là người Việt có mặt ở nhiều nước ngoại quốc, trong vùng châu Á cũng như trên thế giới, ngay cả tại những nước có chỉ số nô lệ hiện đại thấp nhất như Anh và Phần Lan, cũng có nạn nhân là người Việt Nam.

Còn trong bản “Báo Cáo Tình Hình Buôn Người Năm 2014” được công bố ngày 20-06-2014, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiếp tục xếp Việt Nam vào danh sách Loại 2 ( TIER 2 ), vì chính phủ Việt Nam “chưa tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu, tuy nhiên cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm xóa bỏ nạn mua bán người.”

Theo phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ “Việt Nam từ lâu được coi là nơi có rất nhiều lao động nam nữ, hoặc tự ý hoặc thông qua các công ty môi giới nhà nước và tư nhân, đi qua các quốc gia trên thế giới, làm đủ các ngành nghề như xây cất, đánh cá, trồng trọt, phu mỏ, đốn cây. Khá hơn một chút, vẫn theo báo cáo, nhiều người vào được các hãng xưởng ở Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Lào, Nam Hàn, Nhật Bản, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Anh Quốc, Thụy Sĩ, chưa kể các quốc gia Đông Âu hay các nước thuộc khối Ả Rập Thống Nhất và cả các xứ Châu Phi.

Mặt khác, phụ nữ và trẻ em Việt Nam là đối tượng của nạn buôn người vào đường mãi dâm. Nấp dưới hình thức xuất khẩu lao động, đã có nhiều phụ nữ và gái vị thành niên Việt Nam bị bán vào các động mãi dâm ở Nam Hàn, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Đài Loan…

Còn theo số liệu của Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm tại Việt Nam cho biết trong giai đoạn 2011-2015, các địa phương đã phát hiện gần 2.000 vụ buôn bán người với hơn 3.800 nạn nhân. Trong đó, trên 85% số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.

Các đối tượng dễ bị bọn tội phạm mua bán người dụ dỗ và đem bán chủ yếu là phụ nữ 18 – 35 tuổi, trẻ em trong độ tuổi vị thành niên. Những đối tượng này chủ yếu thường sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, trình độ văn hoá thấp, thiếu hiểu biết, cả tin, muốn có nhiều tiền,... Trẻ em bị buôn bán thường là những trẻ em lang thang, thiếu sự quan tâm, giáo dục, quản lý của gia đình hoặc bị bỏ rơi, bị bắt cóc, dụ dỗ lừa đảo đem đi bán…
(còn tiếp)
(bh)


Đính chánh
Trong bài phóng sự “Chuyện của bà Mến Vũ (kỳ cuối)” của Băng Huyền đăng thứ Hai, ngày 7 tháng 12, 2015, dòng chú thích của bức hình đi kèm với bài đáng lý phải là “Bà Mến Vũ giúp ca sỹ Vũ Anh mở hộp CD để ký cho thính giả trong đêm nhạc ra mắt CD Hương Xưa.” Thành thật cáo lỗi quí độc giả, bà Mến Vũ, cũng như tác giả của bài viết về sơ sót này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT