Xe Hơi

Biện Pháp Phòng Ngừa 3: Kiểm tra Coolant và các ống dẫn

Friday, 09/05/2014 - 11:57:27

Bước kế tiếp trong tiến trình kiểm tra phòng ngừa là nước coolant và hệ thống ống dẫn. Nên biết Coolant cũng được gọi là Anti-freeze, nhưng nhớ rằng coolant không bao giờ là … nước lã, nước lạnh, hoặc nước từ vòi phông - tên cả. Chúng ta thường gọi nó là nước giải nhiệt, tức là nước làm mát máy. Nói như vậy là mới chỉ nói được

Hao Smith


Hệ thống giải nhiệt: (1) Radiator, (2) Reservoir, (3) Ống dẫn coolant


 
Bước kế tiếp trong tiến trình kiểm tra phòng ngừa là nước coolant và hệ thống ống dẫn. Nên biết Coolant cũng được gọi là Anti-freeze, nhưng nhớ rằng coolant không bao giờ là … nước lã, nước lạnh, hoặc nước từ vòi phông - tên cả. Chúng ta thường gọi nó là nước giải nhiệt, tức là nước làm mát máy. Nói như vậy là mới chỉ nói được một nửa nhiệm vụ, bởi vì Coolant vừa giải nhiệt khi đầu máy quá nóng, đồng thời giữ nhiệt cho đầu máy để nó không hạ xuống mức quá nguội. Như vậy, nhiệm vụ của coolant là điều hòa nhiệt độ của đầu máy, đó mới là cách mô tả đúng nhất. Vì thế hệ thống coolant cần phải ở trong tình trạng hoàn hảo để có thể luôn luôn thi hành nhiệm vụ quan trọng của mình.

Hệ thống coolant gồm có 3 thành phần như sau:

- Radiator (két nước): Là một “bình” chứa dẹp, gắn ở sát mặt trong của mũi xe. Đây là nơi Coolant tụ hội về để xả bớt nhiệt sau khi đã làm việc trong đầu máy.

- Reservoir (bình nước phụ): Là một bình mủ trong, nối với Radiator bằng một vòi cao su

- Và 2 ống dẫn nước lớn, một bắt vào phía trên, một bắt vào phía dưới của Radiator

Trước tiên, công việc kiểm tra coolant cần được làm lúc máy xe đã nguội hẳn, cụ thể là vào trước lúc khởi động máy xe. Vì bất cứ lý do gì cũng không được kiểm tra coolant trong lúc máy xe còn nóng. Công việc bao gồm các bước sau đây:

1. Kiểm tra Reservoir (bình nước phụ) để xem Coolant trong hệ thống còn đầy đủ không. Rất nhiều người cho rằng phải mở nắp Radiator để làm công việc kiểm tra đó, nhưng không phải, Resevoir mới là chỗ cần xem xét tới: Bởi vì Reservoir là một bình mủ trong nên chúng ta chỉ cần xem mực nước coolant có lên tới vạch “Full” không. Nếu không, phải đổ vào cho đủ. Hoặc nếu thấy bình cạn tới đáy, đó là dấu chỉ thiếu trầm trọng, hoặc rò rỉ nơi nào đó. Khi chế thêm nước coolant, phải nhớ chế nước cùng loại, và đừng bao giờ dùng nước lã đổ thêm vào. Vì thế, nên có sẵn một bình Coolant để trong thùng xe, để khi cần thì dùng ngay. Sau nữa, nên để ý là coolant là một dung dịch bao gồm 50% antifreeze, và 50% nước lã. Nên không bao giờ đổ Antifreeze nguyên chất vào hệ thống, mà phải hòa với nước lã theo tỷ lệ 50/50 trước đã. Tuy nhiên, bây giờ thị trường có bán sẵn những bình Coolant đã được pha chế trước, và ghi rõ chữ “Pre-mixed” trên thành bình. Trường hợp đó, chúng ta lại không cần pha chế thêm nước lã, kẻo làm loãng độ Antifreeze ra.

Tại sao lại cần kiểm tra Reservoir trước? Bởi vì, đây là nơi mà khi dòng coolant nóng lên, nó sẽ tăng thể tích, và tràn một chút từ Radiator sang bình phụ Reservoir. Rồi khi dòng coolant nguội dần, thể tích co lại, thì coolant từ Reservoir lại được hút trở về Radiator. Vì thế, coolant trong Reservoir lúc nào cũng phải có đủ ở mức Full, để được hút trở lại Radiator khi cần thiết.

2. Kiểm tra phẩm chất coolant: Cũng xuyên qua bình mủ, chúng ta có thể thấy được màu của nước Coolant. Nó phải là màu đỏ, xanh nước biển (blue), xanh lá cây (green) hoặc vàng. Nếu thấy nước nhợt nhạt, không màu sắc, hoặc thấy có vụn rác lợn cợn trong đó, cần phải xả bình và thay ngay coolant mới.

Nếu thấy trên mặt coolant có váng trông như dầu, mỡ…. đó rất có thể là dấu hiệu những miếng đệm đầu máy, gọi là Head Gasket đã bị rách, khiến nhớt tràn vào coolant. Gặp tình trạng này, chúng ta cần sớm đưa xe đến cho thợ chuyên môn xem xét.

3. Kiểm tra ống dẫn Coolant: Gồm 2 ống lớn, rất dễ nhận diện, một ở trên, đưa coolant nóng từ lòng máy trở về với Radiator, một ở dưới đưa coolant đã được giải nhiệt phần nào về lại lòng máy. Trong lúc kiểm tra ống dẫn, chúng ta cần phải xem chúng có bị rỉ, xì, phổng, nứt rạn … ở chỗ nào không. Nếu phát giác những khiếm khuyết đó, cần phải thay ngay, để coolant khỏi bị rò rỉ, dẫn đến tình trạng Overheat cho đầu máy.

4. Kiểm tra các ống dẫn khác: Ngoài 2 ống dẫn thuộc hệ thống giải nhiệt (cooling system) là những ống dẫn nước, chúng ta còn thấy có ống dẫn khí trời, và lại có ống chân không (vacuum), tức là chẳng dẫn cái gì bên trong cả….. Nhưng tất cả đều rất cần thiết, đòi hỏi phải ở trong tình trạng hoàn hảo. Nếu thấy rạn, nứt, đoạn to, đoạn nhỏ không đều…. chúng ta nên lo liệu thay trước, để khỏi rơi vào tình trạng kẹt lại giữa đường, và phát sinh nhiều tốn kém khác.

Tất cả mọi động tác mô tả ở trên có thể được hoàn tất trong 5, 10 phút. Nếu đã tạo thành thói quen, công việc có thể chỉ mất vài ba phút. Nhưng vài ba phút đó có thể là những phút cứu nguy, và bảo đảm cho chúng ta sự yên tâm thoải mái khi xe lăn bánh.

Haosmith@yahoo.com

Muốn giữ xe ở tình trạng hoàn hảo nhất, xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập I, II, và III do Phạm Đình và Hao Smith phát hành, mỗi tập $6.00+$2.00 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque cho Phạm Đình, 9800 Bolsa Ave # 86, Westminster, CA 92683. Tel: 714 675 8628. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT