Thế Giới

Xung đột với người Hồi ở nam Thái Lan, khiến chủ nghĩa dân tộc Phật Giáo gia tăng

Monday, 14/08/2017 - 10:44:17

Bất chấp sự gia tăng căng thẳng, các quan sát viên nói rằng tình cảm chống Hồi Giáo ở Thái Lan vẫn còn tương đối được kiềm chế, so với nước Miến Điện láng giềng.


Vị Sư trụ trì của chùa Wat Nerancharawat in Bannang Sata ở Yala, Nam Thái Lan. (CNA)


YALA - Cuộc nổi dậy kéo dài ở miền nam Thái Lan đang gây tổn hại cho những mối liên hệ giữa các Phật tử và các tín đồ Hồi Giáo.

Cuộc xung đột bắt nguồn từ một cuộc tranh đấu giành độc lập bởi những người Mã Lai theo chủ nghĩa dân tộc chống lại chính phủ Thái Lan. Tuy vậy tình trạng bạo động liên tục trong 13 năm qua đang mở đường cho sự vươn lên của một chủ nghĩa dân tộc Phật giáo mới ở Thái Lan.

Từ năm 2004, những người chủ trương ly khai đã nhắm mục tiêu cho những cuộc tấn công của họ vào các nhà sư và giáo viên theo Phật Giáo, cũng như vào các viên chức chính phủ.

Những cuộc tấn công này khiến cho nhiều Phật tử ở miền nam cảm thấy không được an toàn. Nhiều tín đồ Phật Giáo sống trong các vùng nông thôn của ba tỉnh cực nam đã di cư đến các trung tâm thị trấn. Thậm chí một số người dời hẳn ra khỏi vùng ấy.

Theo cuộc kiểm kê dân số toàn quốc của Thái Lan cho thấy, số lượng Phật tử trong khu vực ấy đã giảm dần trong hai chục năm qua.

Văn Phòng Quốc Gia Đặc Trách Phật Giáo cho biết rằng số lượng sư sãi trong khu vực cũng giảm bớt. Mặc dù đây là một xu hướng chung trên toàn quốc, nhưng đối với một số người, điều này cho thấy một viễn tượng là rốt cuộc Phật Giáo có thể biến mất khỏi khu vực miền nam Thái Lan.

Đây là một yếu tố được nhấn mạnh bởi phong trào Dhammakaya. Phong trào hùng mạnh này đang nhiệt liệt ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Phật Giáo ở Thái Lan.

Trước khi gặp xung khắc với quân đội chính phủ hiện nay, phong trào Dhammakaya đã tìm cách phát triển ở miền cực nam. Trong 13 năm qua, phong trào Dhammakaya đã lập ra các chi nhánh mới trong khu vực này, cũng như tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo quy tụ nhiều Phật tử ở ba tỉnh cực nam.
Những người theo Dhammakaya trong khu vực nói rằng điều này giúp cho họ cảm thấy họ thuộc về một cộng đồng mang trong đó họ được chia sẻ những mối quan tâm giống nhau.

Trong khi đó, chính phủ Thái Lan dù có thay đổi các thủ tướng trong mấy năm qua, đã cung cấp ngân quỹ và sự hỗ trợ cho các cộng đồng Hồi Giáo ở các tỉnh phía nam, để tránh biến cuộc xung đột dành quyền ly khai thành xung đột tôn giáo.

Sự hỗ trợ cho người Hồi đã khiến nhiều người Phật Giáo ở đây cảm thấy họ bị bỏ rơi bởi chính phủ. Từ cuối năm 2016, để tự vệ, một nhóm đã lập ra “Mạng Lưới Các Phật Tử Bảo Vệ Phật Giáo,” đặt trụ sở chính tại tỉnh Yala.

Theo chủ tịch Somnuk Rakang của nhóm này cho biết, mạng lưới này sẽ sớm trở thành một tổ chức xã hội dân sự hoạt động tích cực, nhằm giúp đỡ những Phật Tử bị thiệt hại do cuộc nổi dậy.

Trong quá khứ các tín đồ Phật Giáo và Hồi Giáo ở miền nam đã sống chung hòa bình với nhau, đặc biệt ở các cộng đồng đô thị. Thế nhưng mọi sự đã thay đổi.

Sư Phra Ratchamonkol Wuttajarn, 86 tuổi, nhà sư đứng đầu của quận Muang ở Yala, nói với Channel NewsAsia, “Tôi đã lắng nghe các bậc trưởng lão, cả Phật tử lẫn người Hồi giáo, và họ nói rằng trước đây mọi sự đều rất khác. Tôi không nghĩ mọi thứ sẽ trở lại giống như trước. Một số người xem các Phật tử là nạn nhân, và giải thích các biến cố bạo động liên quan với đạo Hồi. Hoặc họ nghĩ rằng các tín đồ Hồi Giáo đã ủng hộ những người đứng đằng sau tình trạng bạo động. Người ta không còn tin tưởng ở nhau nữa.”

Bất chấp sự gia tăng căng thẳng, các quan sát viên nói rằng tình cảm chống Hồi Giáo ở Thái Lan vẫn còn tương đối được kiềm chế, so với nước Miến Điện láng giềng.

Ông Don Pathan, một người lâu năm quan sát theo dõi tình hình ở miền nam Thái Lan, nói rằng những mối căng thẳng phe phái gia tăng đang là mối quan tâm lớn đới với những người hoạch định chính sách Thái Lan.

Ông nói, “Nhiều Phật tử đang nhìn vào cuộc nổi dậy ở miền nam qua lăng kính tôn giáo, và kết quả là có một sự thù ghét Hồi Giáo đang tăng lên ở một số vùng của Thái Lan. Nhưng xét về căn bản, cuộc xung đột ở đây không phải là về Hồi Giáo, đó là một cuộc xung đột sắc dân-dân tộc. Tôi nghĩ rằng xã hội dân sự và chính phủ cần phải làm việc tốt hơn, để giải thích bản chất của cuộc xung đột ở đây cho những vùng khác của đất nước.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT