Văn Nghệ

Xem tranh "Biển Đời" của Ann Phong, thưởng thức nhạc "Biển Là Lòng Tôi"

Friday, 12/05/2017 - 07:36:45

“Ann Phong và cô Lê Đình Y Sa trong hội Văn Học nghệ thuật Việt Mỹ vẫn làm, nhưng sức chúng tôi có hạn, thành ra vẫn chưa tới.

Bài BĂNG HUYỀN

Trong ba ngày từ thứ Sáu, ngày 5, đến Chủ Nhật, ngày 7 tháng 5, 2017 tuần qua, họa sĩ Ann Phong đã có buổi triển lãm tranh với chủ đề “Biển Đời” (Sea of Life) tại Việt Báo Gallery ở đường Moran Street, Westminster. Họa sĩ này đã tốt nghiệp cao học về hội họa tại đại học Cal State Fullerton, hiện là giảng viên hội họa tại đại học Cal Poly Pomona và là chủ tịch hội đồng quản trị của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA).


Ann Phong bên tác phẩm “Lifes Are Like Bubbles” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Khác với những lần triển lãm trước đây, thường là triển lãm chung với các đồng nghiệp khác, đây là lần đầu tiên triển lãm cá nhân trong cộng đồng của Ann Phong. Dù lần triển lãm này vẫn là các tranh thuộc đề tài về biển mà Ann Phong đã đào sâu trong nhiều chục năm qua, nhưng với “Biển Đời” lần này, chị đã mang đến 30 tác phẩm có nhiều kích cỡ, đều được sáng tác hoặc hoàn thành trong khoảng ba năm nay.


Khán phòng đêm nhạc “Biển Là Lòng Tôi” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Với đường nét khỏe khoắn, màu sắc sống động, được thể hiện bằng những phong cách và chất liệu khác nhau (phần lớn là tranh Mix Media và Acrylic), các tác phẩm không chỉ nhắc lại trang sử của những thuyền nhân Việt Nam và của chính tác giả (cũng là một thuyền nhân) đã đi tìm sự sống trong cái chết, đầy hiểm nguy nhưng cũng nhiều hy vọng, mà lần này, các tranh của chị có đề tài đa dạng hơn, như lời Ann Phong tâm sự:

“Mỗi tác phẩm của tôi, mỗi quãng thời gian tôi sống, tôi ghi lại như một dấu khắc trên mạn thuyền đời. Những dấu khắc về con người sống xa xứ, con người sống tại quê nhà, hay con người sống ở thế kỷ 21. Ann Phong đã sống ở Mỹ bao nhiêu năm nay rồi, nên biển của Ann Phong có đổi, không những về màu sắc đổi mà tâm trạng của người họa sĩ cũng đổi. Vì ngày hôm nay Ann Phong không còn sống trong thế kỷ 20 lúc Ann Phong đi vượt biên, mà đã sống trong thế kỷ 21, thì dù sao cũng có phần vật chất tại đất nước hùng mạnh này, nên Ann Phong lấy phần đó vô tranh luôn. Khi Ann Phong vẽ về biển và những người thuyền nhân, Ann Phong không chỉ vẽ cho mình nữa mà vẽ cho tất cả những người không phải người Việt Nam, họ cũng thấm được.”
Và trong triển lãm có một tác phẩm có phần chỉ dẫn để người xem tranh “nếu đã từng đi vượt biên, thì quý vị có thể cầm một cái bọt biển lên, Ann Phong có làm nhiều bọt biển để trên bàn ngay cạnh bức tranh. Trong đó mỗi cái bọt biển có hình ảnh chiếc thuyền. Quý vị có thể để bọt biển lên phía trên tranh, vì đằng sau bức tranh có bảng kẽm giúp nó dính lên tranh. Mà màn kẽm thì không có vững, có những bọt biển dính vào tranh, có những bọt biển không dính được vào tranh, vì nếu người gắn không để ý, không gắn chặt bọt biển thì nó sẽ rớt xuống đất. Ann Phong làm điều này là cố ý để khi nó rớt xuống, quý vị thấy được rằng có những bọt biển không đi đến nơi, nó đã bị bể giữa lòng đại dương, có những bọt biển đến nơi, vì nó dai sức hơn, may mắn hơn, tạo nên ý nghĩa cho bức tranh đó. Bức tranh này Ann Phong không làm cho mình nữa, mà tặng tất cả mọi người. Khi mọi người vừa xem tranh vừa đặt bọt biển lên tranh, giúp người xem là một phần tử sáng tác bức tranh chung với tác giả. Và mỗi khi người ta bỏ bọt biển lên tranh, bố cục tranh thay đổi, đó là một trong những bức tranh mà Ann Phong rất ưng ý.”


Hòa tấu dương cầm của Ngô Diễm Uyên với violon của Hoàng Công Luận trình diễn tác phẩm Meditation de Thais của nhà soạn nhạc Jules Massenet biên soạn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Triển lãm còn có tác phẩm mang tên “Khi Dòng Sông Biến Sắc” được họa sĩ Ann Phong vẽ khi nghe tin về thảm họa do công ty Formosa thải chất độc tại vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, khiến cá chết hàng loạt, ảnh hưởng đến du lịch biển và cuộc sống của người dân miền Trung.

Chị nói, “Màu xanh của biển đã biến mất, trở thành màu đỏ, nguyên cả phòng tranh, chỉ riêng bức tranh này màu đỏ, nước biển thành màu đỏ, màu đỏ không phải máu của mình mà là máu của đất nước chúng ta.”


Phần hòa tấu tiếng dương cầm Đỗ Bằng Lăng, tiếng kèm trumpet của James Sherry và tiếng cello của Anica Sherry, trình tấu tác phẩm Adagio from Concerto de Aranjuez- Joaquin Rodrigo. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Đêm nhạc 'Biển Là Lòng Tôi'

Mỗi ngày diễn ra triển lãm đều có những sự kiện đặc biệt kèm theo, ngày đầu tiên, chiều thứ Sáu, là buổi khai mạc phòng tranh, ngày cuối cùng, Chủ Nhật, trước giờ bế mạc, Ann Phong thực hiện buổi hướng dẫn và thực hành hội họa dành cho người lớn. Người ghi danh được học về mỹ thuật đương đại và sáng tác một bức tranh bằng acrylic ngay tại phòng tranh và đặc biệt là vào buổi triển lãm thứ nhì, 7 giờ 30 tối thứ Bảy, tại phòng tranh “Biển Đời” còn diễn ra chương trình nhạc chủ đề “Biển Là Lòng Tôi” do bác sĩ, ca sĩ Bích Liên (là Phó chủ tịch Hội đồng Quản Trị Hội Ung Thư Việt Mỹ) đảm nhận vai trò trưởng ban tổ chức.


Ban hợp ca Sóng Biển hát phần kết đêm nhạc với bảy tiểu khúc của trường ca “Mẹ Việt Nam” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Trong buổi tối thứ Bảy này, khán giả không chỉ được chiêm ngưỡng, suy nghiệm khi ngắm nhìn 30 tác phẩm của họa sĩ Ann Phong mà còn được thả mình chìm đắm vào những âm giai tuyệt diệu, sâu lắng của âm nhạc, của các tiếng hát Bích Liên, Thương Linh, Bùi Quỳnh Giao, ban hợp ca Sóng Biển, các tiếng đàn Đỗ Bằng Lăng (piano), Hoàng Công Luận (piano và violon), Ngô Diễm Uyên (piano), Bạch Đằng (piano), James Sherry (kèn trumpet), Anica Sherry (đàn cello), Hùng Lê (guitar) qua những nhạc phẩm Việt Nam và Tây Phương xoay quanh chủ đề về biển, cùng phần dẫn dắt nối kết các tiết mục rất ý nhị, sâu sắc của Lê Đình Y Sa (giám đốc của Hội VAALA), nhà báo Đinh Quang Anh Thái trong vai trò MC của đêm diễn.


Ca sĩ Bích Liên hát “Cần Nhau” với phần đệm guitar của Hùng Lê và dương cầm của Hoàng Công Luận. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vẻ đẹp của phần hợp ca và những tiếng hát đơn ca
Mở đầu chương trình, ban hợp ca Sóng Biển với những tiếng hát Ngọc Sương, Như An, Kim Liên, Thùy Dung, Thúy Hằng, Lệ Thanh, Ngọc Mai, Bích Liên, Phước Lộc, Duy Hiển, Vinh Tín, Kim Anh, Bùi Quỳnh Giao qua tác phẩm trường ca Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đã đem lại cho khán giả cảm giác say đắm khi lắng nghe tâm sự của ba dòng sông lớn tượng trưng cho ba miền đất Việt: Tiếng Sông Hồng (Bắc), Tiếng Sông Hương (Trung), và Tiếng Cửu Long (Nam), mỗi dòng sông cũng là tâm sự của người dân địa phương về dân sinh, về nỗi khó khăn trong sự khuất phục với thiên nhiên, về sự can trường tranh đấu với nạn ngoại xâm.
Ban hợp ca Sóng Biển đã thể hiện xuất sắc một trường ca khó cả về nội dung lẫn lời nhạc – với rất nhiều các trường đoạn khác nhau, khi mạnh mẽ, khi lại hiền hòa, sâu lắng, khi thì vút cao, lúc thật đằm thắm da diết, đem lại cho người nghe cảm xúc trào dâng như những nhịp sóng, khi cuồn cuộn dâng trào, lúc sâu lắng trầm tư, khi tự tình đắm say, lúc mênh mang phiêu bạt, vỗ dạt dào vào bến bờ tâm tưởng của người nghe, thấm sâu vào lòng người, neo đậu trong trái tim người nghe một cách tự nhiên và say đắm khôn cùng.
Chất giọng khàn, khỏe khoắn, âm vực sâu, quãng rộng của Thương Linh thật dìu dặt, tha thiết, dường như khó có gì khỏa lấp được cái bể buồn xa cách muôn trùng khi hát “Bên Ni, Bến Nớ” (Phạm Duy, thơ Cung Trầm Tưởng), “Thuyền Viễn Xứ” (Phạm Duy, thơ Huyền Chi), đã chạm sâu vào trái tim người nghe đầy nặng trĩu khi hát “Em Đi Với Con Thơ” và “Ném Con Cho Giông Tố” (Trần Dạ Từ).

 


Ban hợp ca Sóng Biển mở màn buổi diễn với trường ca “Hội Trùng Dương” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Mở đầu cho phần ba của chương trình, ca sĩ Bích Liên đã nâng niu từng câu chữ của ca từ, hòa nhịp với chất sâu lắng, dịu nhẹ, day dứt của ca khúc, đưa âm nhạc của các tác giả đi vào sâu tận cảm xúc người nghe qua các nhạc phẩm “Người Ở Với Người” (Trần Dạ Từ), “Cần Nhau” (Nguyễn Đức Quang), “Như Là Lòng Tôi” gợi lên nỗi buồn sâu thẳm trong khắc khoải, đã chinh phục người nghe với tất cả sự da diết, trĩu nặng, u hoài. 


Bức tranh “Khi Dòng Sông Biến Sắc” của Ann Phong (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Khi hát, ca sĩ Bích Liên đã hoàn toàn hòa tan cảm xúc của mình vào lời hát, nên có lúc chị đã nghẹn ngào khi cất lời “Cần nhau trong lúc gió mưa, cần nhau mang theo câu ca, thêm hương thêm hoa cho vơi đi hành lý. Cần nhau cho tim ra khơi, cần nhau trú chân cuộc đời, cần nhau trong khi hăng say hay khi bi ai có thêm nụ cười. Cơm hay dưa không ngọt bằng tình người, ta trao nhau hương vị ngọt bùi cho nhẹ vơi đi bao nhiêu u uất đời.” (Cần Nhau)


Ca sĩ Thương Linh hát Bên Ni Bên Nớ với phần đệm dương cầm của Hoàng Công Luận. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Trong phần hai chương trình gồm những tác phẩm phương Tây, tiếng hát ấm, vang của Bùi Quỳnh Giao đã khiến người nghe không khỏi xao xuyến, bâng khuâng như xuyên thấu vào chỗ thẳm sâu nhất trong mỗi con tim người nghe khi anh thể hiện nhạc phẩm Beau Soir (Beautiful Night) của nhà soạn nhạc Claude Debussy, phổ thơ của Paul Bourget.

Phần hòa tấu với những âm giai tuyệt vời
Ngoài tiếng hát Bùi Quỳnh Giao, phần hai chương trình chủ yếu là phần độc tấu dương cầm của Đỗ Bằng Lăng (tác phẩm Ondine from Gaspard de la nuite của Maurice Ravel), hòa tấu dương cầm của Ngô Diễm Uyên với violon của Hoàng Công Luận (tác phẩm Meditation de Thais của nhà soạn nhạc Jules Massenet biên soạn), hòa tấu dương cầm của Đỗ Bằng Lăng và tiếng kèn Trumpet của James Sherry (tác phẩm Silent Ocean của Karen Tanaka) và màn hòa tấu của tiếng dương cầm Đỗ Bằng Lăng, tiếng kèm trumpet của James Sherry và tiếng cello của Anica Sherry, trình tấu tác phẩm Adagio from Concerto de Aranjuez- Joaquin Rodrigo. Mỗi nghệ sĩ đã làm chủ với từng nhạc cụ của mình với trình độ kỹ thuật cao, điêu luyện cùng sự phối hợp nhịp nhàng, đã phô diễn được vẻ đẹp kì ảo trong từng tác phẩm, đưa người chơi và người nghe hòa chung cảm xúc qua nhiều cung bậc khác nhau.

Kết thúc của phần ba và cũng là phần cuối của đêm nhạc “Biển Là Lòng Tôi”, ban hợp ca Sóng Biển hát vang bảy tiểu khúc trong Trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy, phần Biển mẹ, gồm Mẹ Trùng Dương, Biển Đông Sóng Gợn, Thênh Thang Thuyền Về, Chớp Bể Mưa Nguồn, Phù Sa Lớp Lớp Mây Trời Cuộn Bay, Mẹ Việt Nam Ơi, chung khúc Việt Nam Việt Nam.

Từng lời ca vang bay bổng của các ca viên ban hợp ca Sóng Biển đưa người nghe đắm chìm trong không gian âm nhạc tuyệt diệu, dường như không còn “cách trở” không gian và thời gian, người hát và người nghe đã cùng giao hòa trong cảm xúc nghẹn ngào, trào dâng cùng một nhịp đập của trái tim, khơi lại tình cảm thiêng liêng cao vợi của những người Việt ly hương dành cho đất mẹ Việt Nam bên kia bờ đại dương. Đặc biệt là bài kết chung khúc Việt Nam Việt Nam của trường ca, các khán giả trong khán phòng Việt Báo Gallery hòa giọng cùng các ca viên của ban hợp ca Sóng Biển hát vang lời ca và giai điệu hào hùng, như thổi bùng thêm ngọn lửa yêu quê hương trong trái tim mỗi người có mặt trong đêm diễn, tạo nên những cảm xúc như dồn dập hơn, vỡ òa mãnh liệt:
Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời.”
Khép lại đêm nhạc với những dư âm vẫn còn đọng mãi nơi người nghe, nó đã để lại cho mọi người một nụ cười phảng phất trên môi và chút bình yên dịu nhẹ trong lòng.

Tâm tình của Ann Phong

Trong không khí xúc động của đêm nhạc, họa sĩ Ann Phong cũng đã nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển đến độc giả những tâm tình của chị, “Hôm khai mạc phòng tranh, chiều thứ Sáu ngày 5 tháng 5, không chỉ có bạn cũ của Ann Phong đến xem, mà có hơn 50 em đến từ hai trường trung học Westminster và La Quinta, các em này học lớp Việt ngữ do thầy Dzũng Bạch và cô Thảo Ly đưa các em đến từ lời mời của Ann Phong. Các em không có dịp xem tranh của họa sĩ gốc Việt nhiều, đây là dịp Ann Phong cố gắng bắt nhịp cầu cho các em đến với những người như chúng tôi (đã trưởng thành khi đến Mỹ). Các em rất thích thú khi xem tranh và đã hỏi Ann Phong nhiều câu thú vị lắm.
“Điều mà Ann Phong muốn nói qua triển lãm lần này, chúng ta sống ở đây, 42 năm nay, nói chung thế hệ thứ nhất thành đạt rất nhiều, nhà cao cửa rộng không thua gì người Mỹ đâu, học thức cũng không thua gì người Mỹ đâu. Con cái mình đã lớn cũng không thua gì người Mỹ đâu, nhưng đến hôm nay chúng ta vẫn không chung sức làm một bảo tàng nghệ thuật, không có một galary về nghệ thuật tạo hình. Vì đây chính là nơi để nối kết các em trẻ gốc Việt trở lại nguồn. Các em nhiều khi nói tiếng Việt không rành nhưng chính nhờ những nghệ thuật như vậy, các em thích, các em trở lại và các em cũng có những đề tài để nói chuyện với những em sắc dân khác, có một cái gì đó để các em hãnh diện.

“Ann Phong và cô Lê Đình Y Sa trong hội Văn Học nghệ thuật Việt Mỹ vẫn làm, nhưng sức chúng tôi có hạn, thành ra vẫn chưa tới.

“Rất mong quý vị hãy để tấm lòng và cùng làm chung với nhau, hãy giúp hội Valla, vì 2 bàn tay không làm được bao nhiêu, trong hội hiện có 9 em trong đó cũng không làm được bao nhiêu. Phải có thật đông nhiều người góp tay vào. Mình làm không phải cho VAALA, mà cho thế hệ sau, để các em có một nơi cố định, dài lâu để đến chiêm ngưỡng nghệ thuật. Đây là điều mong muốn của Ann Phong.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT