Thế Giới

Với tàu thuyền và hỏa tiễn nhiều hơn, Trung Cộng sẵn sàng đấu Mỹ ở Thái Bình Dương

Monday, 10/09/2018 - 08:24:31

Quân đội Trung Quốc trên mặt đất đã bị thu hẹp, để giải tỏa những nguồn lực cho một lực lượng chiến đấu hiện đại hơn trên không và trên biển. Từ năm 2015, quân đội đã cắt giảm 300,000 binh lính và sĩ quan, tỉa bớt quân đội xuống còn hai triệu người, so với 1.4 triệu người ở Mỹ.


Một cuộc tập trận đổ bộ lên đất liền của quân đội Trung Cộng. (Xinhua)

ĐẠI LIÊN - Trong tháng Tư, nhân dịp kỷ niệm 69 năm thành lập Hải Quân Trung Quốc, chiếc tàu hàng không mẫu hạm đầu tiên được làm trong nước, đã được Trung Cộng cho chạy thử, từ ụ tàu tại thành phố hải cảng Đại Liên trên bờ biển Bột Hải, được buộc vào những chiếc tàu kéo, để thử nghiệm khả năng đi biển của nó.
“Chiếc hàng không mẫu hạm nội địa đầu tiên của Trung Quốc vừa mới di chuyển một chút, mà Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ đã phải vặn vẹo mình mẫy,” một trang web tin tức quân sự của Bắc Kinh khoe như vậy, ám chỉ ba quốc gia mà Trung Quốc coi là những đối thủ chính của họ tại Á Châu hiện nay.

Cách đây không lâu, những lời khoe khoang như vậy bị xem thường, bị coi là sự múa môi qua đáng của một quân đội thuộc hàng dự bị. Nay các nước đối thủ không còn có thái độ như vậy nữa, theo nhận xét được ghi nhận trong một phân tích của nhật báo New York Times.

Một chương trình hiện đại hóa, tập trung vào các lực lượng hải quân và hỏa tiễn, đã làm thay đổi thế cân bằng quyền lực ở Thái Bình Dương, theo những cách thức mà Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ chỉ mới bắt đầu cảm nhận.

Trung Cộng đã chậm chạp trong việc tung hỏa lực trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, trong vùng Á Châu, quốc gia đông dân nhất thế giới này có thể thách thức vị thế tối thượng về quân sự của Mỹ, ở những nơi quan trọng nhất đối với Trung Cộng: vùng biển quanh Đài Loan và ở Biển Đông đang bị tranh chấp.
Điều đó có nghĩa là một phần của Thái Bình Dương - nơi Hoa Kỳ từng hoạt động mà không bị một nước nào thách thức từ khi xảy ra những trận hải chiến thời Đệ Nhị Thế Chiến – một lần nữa là lãnh thổ đang có gia tăng trong sự tranh chấp giữa các cường quốc. Các tàu chiến và máy bay Trung Cộng thường xuyên đụng độ với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ.

Để chiếm ưu thế trong các vùng biển này, Trung Cộng không cần một quân đội có thể đánh bại Mỹ hoàn toàn, mà chỉ cần một quân đội có thể làm cho việc can thiệp vào khu vực này trở nên tốn kém quá nhiều cho sự tính toán của Hoa Thịnh Đốn. Nhiều phân tích gia nói rằng Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu đó.
Để làm như vậy, Trung Quốc đã phát triển những khả năng “chống tiếp cận,” bằng cách sử dụng radar, vệ tinh, và hỏa tiễn, để vô hiệu hóa lợi thế quyết định mà các nhóm hàng không mẫu hạm tấn công hùng mạnh mẽ của Mỹ từng có. Bắc Kinh cũng nhanh chóng mở rộng lực lượng hải quân của họ, với mục tiêu là khai triển một lực lượng hải quân “đại dương,” cho phép họ bảo vệ những quyền lợi vượt ra ngoài vùng biển duyên hải của họ.

“Trung Quốc hiện giờ có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi kịch bản, trừ chiến tranh với Hoa Kỳ,” Đô Đốc Philip S. Davidson, vị chỉ huy mới của Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, thừa nhận như vậy, trong những văn bản của ông được đệ trình tại Thượng Viện, trong tiến trình chuẩn nhận chức vụ của ông hồi tháng Ba.

Ông mô tả Trung Cộng là “đối thủ cạnh tranh ngang hàng,” hơn Mỹ không phải bằng cách trang bị cho các lực lượng họ ngang sức với Mỹ theo từng thứ vũ khí, mà bằng cách xây dựng những “năng lực bất đối xứng” quan trọng, trong số đó có các hỏa tiễn chống tàu thủy, và trong chiến tranh tàu ngầm. Ông kết luận, “Không có gì bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ thắng một cuộc xung đột trong tương lai với Trung Quốc.”

Vào năm ngoái, Hải Quân Trung Quốc đã trở thành một lực hải quân lớn nhất thế giới, với chiến hạm và tàu ngầm nhiều hơn so với Hoa Kỳ, và tiếp tục đóng những chiếc tàu mới với mức đáng lo ngại. Mặc dù hạm đội Mỹ vẫn vượt trội hơn về phẩm chất, nhưng lực lượng Mỹ đang trải ra mỏng hơn nhiều trên khắp thế giới.
“Nhiệm vụ xây dựng một hải quân hùng mạnh chưa bao giờ là việc khẩn cấp như ngày nay,” Chủ Tịch Tập Cận Bình tuyên bố trong tháng Tư, khi ông chủ tọa một cuộc diễn hành hải quân ở ngoài khơi đảo Hải Nam của Trung Quốc, mở những cuộc thao dượt với 48 chiếc tàu và tiềm thủy đĩnh. Bộ Quốc Phòng nói rằng đây là cuộc thao dượt lớn nhất, tính từ khi nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.
Ngay cả khi Hoa Kỳ mở một cuộc chiến tranh mậu dịch chống Trung Quốc, các chiến hạm và phi cơ của Trung Quốc vẫn tăng tốc độ hoạt động trong các vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, Đài Loan, và các hòn đảo, bãi cạn và rạn san hô, mà họ đã tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và Phi Luật Tân.

Khi hai chiến hạm Mỹ - Higgins, một khu trục hạm, và Antietam, một tuần dương hạm - chạy vào trong vòng mấy dặm của những hòn đảo bị tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa trong tháng Năm, các tàu Trung Quốc vội vàng nghênh chiến trước một sự việc mà sau đó Bắc Kinh lên án là “một hành động khiêu khích.” Trung Quốc cũng hành động như vậy đối với ba chiếc tàu của Úc chạy qua Biển Đông trong tháng Tư.
Chỉ cách đây ba năm, Tập Cận Bình từng đứng bên cạnh Tổng Thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc, và hứa sẽ không quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo, mà Trung Quốc đã xây dựng xa hơn về phía nam trong vùng quần đảo Trường Sa. Từ đó các quan chức Trung Quốc thừa nhận việc lắp đặt các hỏa tiễn ở đó, nhưng lập luận rằng chúng cần thiết, vì những vụ “xâm nhập” của Mỹ ở vùng biển Trung Quốc.

Khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis đến thăm Bắc Kinh trong tháng Sáu, ông Tập thẳng thừng cảnh cáo ông Mattis rằng Trung Quốc sẽ không nhường “ngay cả một phân” lãnh thổ mà Bắc Kinh tuyên bố là của họ.
Việc mở rộng hải quân của Trung Quốc bắt đầu vào năm 2000, nhưng nhanh chóng tăng mạnh tốc độ sau khi Tập Cận Bình nắm quyền chỉ huy vào năm 2013. Ông đã chuyển trọng tâm quân sự sang hải quân, cũng như các lực lượng không quân và hỏa tiễn chiến lược. Trong lúc đó ông vẫn thanh trừng những cấp chỉ huy nào bị tố cáo tham nhũng, và cắt giảm các lực lượng bộ binh truyền thống.

Quân đội Trung Quốc trên mặt đất đã bị thu hẹp, để giải tỏa những nguồn lực cho một lực lượng chiến đấu hiện đại hơn trên không và trên biển. Từ năm 2015, quân đội đã cắt giảm 300,000 binh lính và sĩ quan, tỉa bớt quân đội xuống còn hai triệu người, so với 1.4 triệu người ở Mỹ.

Mọi binh chủng của quân đội Trung Quốc đều kém Hoa Kỳ, về mặt hỏa lực và kinh nghiệm. Tuy nhiên Trung Quốc đã đạt được những mức tăng đáng kể trong vũ khí bất đối xứng để đối lại lợi thế của Mỹ. Một trọng tâm là điều mà các nhà hoạch định quân đội Mỹ gọi là A2/AD, gọi tắt “anti-access” (chống tiếp cận)/area denial (từ chối khu vực), tức điều mà Trung Cộng gọi là “việc chống can thiệp.”

Một trọng tâm của chiến lược này là một kho vũ khí gồm những hỏa tiễn đạn đạo có tốc độ cao, được thiết kế để tấn công những chiếc tàu đang chạy. Hai phiên bản mới nhất, DF-21D và, từ năm 2016, DF-26, thường được gọi là “các sát thủ tàu thuyền,” vì chúng có thể đe dọa những chiếc tàu mạnh nhất trong hạm đội Mỹ, trước khi những chiếc tàu đó đến gần Trung Quốc.

DF-26, xuất hiện lần đầu trong một cuộc diễn binh ở Bắc Kinh trong năm 2015 và được thử nghiệm ở Biển Bột Hải trong năm ngoái, có một tầm bắn cho phép nó đe dọa các tàu và các căn cứ ở xa như Guam, theo bản báo cáo mới nhất của Ngũ Giác Đài về quân đội Trung Quốc, được công bố trong tháng này. Những hỏa tiễn đó hầu như không thể bị phát hiện và ngăn chặn, và được hướng vào những mục tiêu đang di chuyển, bởi một mạng lưới radar và vệ tinh càng ngày càng tinh vi của Trung Quốc.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT