Thế Giới

Venezuela: Tối Cao Pháp Viện bị ném lựu đạn

Wednesday, 28/06/2017 - 07:46:08

Từ nhiều tháng qua, các cuộc biểu tình dữ dội chống chính phủ Venezuela khiến trên 70 người chết và ít nhất 1,000 người khác bị thương.

Một phi cơ trực thăng của cảnh sát đã thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ vào Tối Cao Pháp Viện của Venezuela. Một sĩ quan trong biệt đội đặc nhiệm là Oscar Perez đã lái chiếc trực thăng và tung ra cuộc tấn công. Khi trực thăng bay qua khu vực của Tối Cao Pháp Viện và Bộ Nội Vụ ở Caracas, viên phi công bắn khoảng 15 phát đạn và ném 4 quả lựu đạn xuống.
Tổng thống Nicolas Maduro cho vụ này như một “âm mưu đảo chính” và cho “những tên khủng bố đã đứng đàng sau vụ tấn công.”
Chính phủ Venezuela đã tung ra cuộc điều tra nhằm bắt các thủ phạm trong vụ nổi loạn này, vốn được giới truyền thông gọi là “Chopper Coupster” (đảo chính bằng trực thăng).
Nếu đây là “cú đảo chính” thì rõ ràng đã thất bại vì không ai bị thương và một quả lựu đạn lại không phát nổ, theo lời các viên chức chính phủ cho hay.
Từ nhiều tháng qua, các cuộc biểu tình dữ dội chống chính phủ Venezuela khiến trên 70 người chết và ít nhất 1,000 người khác bị thương.

Trung Quốc ngưng bán dầu cho Bắc Hàn
Cơ quan quốc doanh về dầu hỏa của Trung Quốc (CNPC) đã ra lệnh ngưng buôn bán dầu hỏa cho Bắc Hàn, với lý do là Bắc Hàn có thể không thanh toán tiền nong, theo các nguồn tin cho hãng tin Reuters hay hôm thứ Tư. Tuy nhiên người ta không rõ là lệnh cấm bán dầu như thế sẽ kéo dài trong bao lâu. Một sự kéo dài sẽ làm Bình Nhưỡng lúng túng và bắt buộc phải tìm các nguồn cung ứng khác.
Hoa Kỳ gây áp lực rất mạnh lên Trung Quốc đòi Bắc Kinh phải có các biện pháp thích ứng trước thái độ ngang ngược và hiếu chiến của dàn em. Hiện cả Bộ Năng Lượng Trung Quốc lẩn cơ quan CNPC không trả lời yêu cầu của các nhà báo đòi giải thich thêm và Tòa Đại Sứ Bắc Hàn ở Bắc Kinh cũng từ chối bình luận tin này.
Một nguồn tin khác cho hay quyết định đình chỉ bán dầu cho Bình Nhưỡng sẽ kéo dài tứ 1 dến 2 tháng và “chỉ có tính cách thương mại mà thôi.”

Chiến hạm thế hệ mới của Trung Quốc
Tân Hoa Xã loan tin Hải Quân Trung Quốc đã giới thiệu một thế hệ khu trục hạm mới hoàn toàn do Trung Quốc sản xuất trong nước, một dấu hiệu cho thấy Hải Quân Trung Quốc tích cực bành trướng thêm, trong bầu không khí căng thẳng ở Biển Đông như hiện nay. Chiến hạm này trọng tải 10,000 tấn ra mắt ở xưởng đóng tàu ở Thượng Hải. Tân Hoa Xã cho hay đây là chiến hạm đầu tiên do Hải Quân Trung Quốc đóng, với vũ khí loại mới như hỏa tiễn chống hỏa tiễn, hỏa tiễn chống tàu ngầm và chống chiến hạm.
Hoàn Cầu Thời Báo thì bảo chiến hạm này là kiểu đầu tiên của thế hệ khu trục hạm 005, nó to hơn so với loại khu trục hạm Type 052D có gắn hỏa tiễn tầm du trước đó. Được biết chiếc khu trục hạm 005 này sẽ trải qua nhiều cuộc trắc nghiệm trước khi đi vào hoạt động chính thức. Các quan sát viên cho là Bắc Kinh hiện đang sản xuất các chiến hạm và canh tân lực lượng Hải Quân của họ với tốc độ nhanh. Vào tháng 4 năm nay, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc đóng cũng đã được trình bày.

Pháp cải tổ luật lao động
Chính phủ của Tổng Thống Emmanuel Macron tung ra một nỗ lực nhằm thay đổi luật lao động hiện hành của Pháp, một trong các lời hứa quan trọng nhất, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất trong lúc ông vận động tranh cử. Bộ Trưởng Bộ Lao Động Muriel Penicaud cho báo chí hay hôm thứ Tư là “luật mới sẽ góp phần cải thiện tình trạng mất việc làm ở Pháp, hiện lên đến gần 10%.”
Tuy nhiên các Liên Đoàn Lao Động của Pháp bày tỏ lo lắng là luật mới sẽ “tước đi các quyền được bảo vệ của người nhân viên Pháp.”
Trong các biện pháp được chính phủ Macron đưa ra, có chuyện trừng phạt tài chính các công ty nào bị thưa kiện vì đuổi việc các nhân viên chưa thỏa đáng, nhưng lại cho các công ty có quyền uyển chuyển hơn khi ban bố luật lệ riêng của từng công ty.
Chính phủ Pháp muốn áp dụng một cách thức đặc biệt thông qua các thay đổi trong mùa hè năm nay mà không cần ra Quốc Hội bàn cãi thêm.

Ý dọa sẽ đóng cửa các bến cảng
Trong năm nay, hơn 73,000 di dân đã dến Ý tính đến tháng 6 năm 2017, tăng 14% so với cùng thời kỳ năm 2016. Trong số này Liên Hiệp Quốc báo động có khoảng 2,000 thuyền nhân đã tử nạn hay mất tích trên biển. Vì thế chính phủ Ý đe dọa sẽ cấm tàu bè từ các quốc gia khác không được mang thuyền nhân đến các bến cảng của Ý nữa.
Ông Maurizio Massari, đại diện thường trực của chính phủ Ý ở Châu Âu, tuyên bố trong một lá thư gửi ra là “tình trạng hiện nay khiến chúng tôi không làm sao chịu nổi nữa.” Quả thực từ bốn ngày qua, số người đổ đến bờ biển của Ý từ Bắc Phi lên đến 10,000 người.
Thủ Tướng Ý Paolo Gentiloni tố các chính phủ châu Âu khác đã làm ngơ không còn để ý dến tình trạng di dân tiếp tục tràn dến Châu Âu nữa. Libya được xem là cửa ngõ đón thuyền nhân vào Châu Âu, nhất là từ các quốc gia thuộc vùng hạ sa mạc Sahara và từ Ai Cập, Syria và Bangladesh.

Vụ xử án thảm họa trên sân Hillsborough
Các công tố viên Anh quốc đã truy tố sáu người, trong số này có bốn cựu lãnh đạo cảnh sát, trong vụ án thảm họa trên sân bóng đá Hilsborough vào năm 1989 làm 96 người chết, trong số này có 37 thanh thiếu niên. Trận đấu diễn ra vào ngày 15 tháng 4, 1989 tranh bán kết cúp FA giữa đội Liverpool và Nottingham Forest.
Do lượng khán giả quá đông bên ngoài, cảnh sát mở thêm 1 cánh cửa cho họ tràn vào sân, hậu quả là một cảnh tượng giẫm đạp kinh hoàng diễn ra, ngoài số người chết còn có thêm trên 700 người khác bị thương. Thoạt đầu ai nấy tưởng đâu do cổ động viên say sưa và bất trị gây ra thảm trạng, nhưng một thập niên diều tra sau đó cho thấy cảnh sát mới là lực lượng phải chịu trách nhiệm.
Cuộc điều tra mới khởi sự từ năm 2014 và trong số 6 bị cáo, có ông David Duckenfeld, Giám Đốc Sở Cảnh Sát South Yorkshire hôm đó, bị truy tố tội sát nhân. Gia đình các nạn nhân bày tỏ sự nhẹ nhõm khi nghe phán quyết của tòa án hôm thứ Tư.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT