Đời Sống Việt

Vài ý nghĩ khi đọc Hồ Biểu Chánh muộn

Wednesday, 09/12/2015 - 08:28:12

Tuy nhiên, tiểu thuyết của ông mới là phần chính mà tôi đọc miệt mài vài tuần qua để có một vài ý nghĩ dưới đây. Trước hết, xin nhắc lại tiểu sử Hồ Biểu Chánh

Bài TRÂN HƯƠNG

Học hết bậc trung học ở Sài Gòn những năm 1960, tôi chưa hề được nghe trong trường nhắc đến nhà văn Hồ Biểu Chánh. Hình như trước 75 tôi có đọc một cuốn truyện nào đó của ông nhưng cũng không nhớ rõ là truyện gì. Nói chung là thế hệ của tôi lớn lên mà không cần đọc Hồ Biểu Chánh, theo các ông lớn soạn chương trình văn chương Việt Nam cho học sinh những năm ấy. Hồ Biểu Chánh, cũng như các nhà văn viết truyện có tính cách Nam Kỳ đặc biệt, hầu như bị coi thường, bỏ qua.

Qua Mỹ, nhờ các sách in lại, tôi được đọc vài cuốn truyện của họ Hồ. Rồi đến thời gian gần đây, người ta đã “tái khám phá” Hồ Biểu Chánh và 50 năm sau ngày mất, ông có riêng một web site rất đầy đủ những sáng tác và có được rất nhiều người vào xem, trong đó có tôi, khi tôi tình cờ đến thăm web site ấy. Và lấy làm khá thú vị. Ở cái tuổi bây giờ, đã qua mức “tri thiên mệnh” từ lâu, tôi rất sợ những cuốn sách đầy những tư tưởng quá cao siêu thâm thúy đến nỗi không hiểu tác giả nói gì. Vì vậy những cuốn truyện của Hồ Biểu Chánh là một thú giải trí vô song cho tôi. Tôi trở thành một “fan” của ông và ngạc nhiên trước sự nghiệp đồ sộ của Hồ Biểu Chánh: 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 2 truyện dịch, 12 tác phẩm hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu-phê bình và nhiều bài diễn thuyết. Tuy nhiên, tiểu thuyết của ông mới là phần chính mà tôi đọc miệt mài vài tuần qua để có một vài ý nghĩ dưới đây. Trước hết, xin nhắc lại tiểu sử Hồ Biểu Chánh

Tiểu sử nhà văn Hồ Biểu Chánh
(trích từ web site www.hobieuchanh.com)

Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Ông sinh năm 1884 (trong khai sanh ghi ngày 01/10/1885) tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công. Khi viết văn, ông lấy tên tự ghép với họ thành Hồ Biểu Chánh, trở nên một bút danh bất hủ, được nhiều người biết đến và quí mến hơn tên tộc Hồ Văn Trung của ông.

Ông xuất thân làm ký lục, thông ngôn, thăng dần đến đốc phủ sứ, từng giữ chức chủ quận (quận trưởng) ở nhiều nơi, vốn có tiếng thanh liêm, yêu dân, thương người nghèo khổ. Cuối năm 1946, ông từ giã chánh trường, thật sự sống cuộc đời hưu nhàn, dành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương.

Ông sáng tác văn học rất nhiều và để lại hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác, như: nghiên cứu, phê bình văn học, sáng tác tuồng hát cùng các bản dịch văn học cổ điển Trung Quốc như Tình sử, Kim cổ kỳ quan... Các nhà phê bình, không ai phủ nhận công sức đóng góp văn học của nhà văn Hồ Biểu Chánh.

Hồ Biểu Chánh sở trường về viết văn xuôi tự sự. Đề tài phần lớn là cuộc sống Nam bộ từ nông thôn đến thành thị những năm đầu thế kỷ XX với những xáo trộn xã hội do cuộc đấu tranh giữa mới và cũ, với cách diễn đạt nôm na, bình dị. Ông đã có những đóng góp to lớn vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết vào chặng đường phôi thai. Ông để lại một khối lượng sáng tác không nhỏ: 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu-phê bình. Ngoài ra, còn có các bài diễn thuyết và 2 tác phẩm dịch.

Ông mất ngày 04/09/1958 tại Phú Nhuận, Gia Định, thọ 74 tuổi. Nhà thơ Đông Hồ có câu đối điếu ông, ghép toàn các nhan sách tiểu thuyết của ông.

“Cay đắng mùi đời, Con nhà nghèo, Con nhà giàu, tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, Vì nghĩa vì tình, Ngọn cỏ gió đùa, Tỉnh mộng, mấy Ai làm được?

Cang thường nặng gánh, cơn Khóc thầm, cơn Cười gượng, thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, Thiệt giả giả thiệt, Vườn văn xưa ghé mắt, Đoạn tình còn Ở theo thời”.

Cốt truyện và nhân vật của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh
Số người “sợ” những cuốn sách cao siêu giống tôi, Việt cũng như Mỹ, có lẽ cũng không ít. Tất cả những sách best seller của Mỹ, có hằng chục triệu người đọc, đều là những cuốn có cốt truyện ly kỳ, hành văn trôi chảy dễ hiểu mà chẳng có tư tưởng gì cao siêu cả. Một buổi sáng, tôi đứng ở Costco đọc cọp cuốn sách “New Moon” của cô Stephenie Meyers thì thấy cách hành văn rất dễ hiểu, con nít lớp 5 đọc cũng được. Cô bây giờ thành triệu phú nhờ 4 cuốn sách có đề tài ma cà rồng hút máu nhưng lại “ăn chay” (có nghĩa là chỉ hút máu thú vật thay vì người) của cô. Cuốn đầu tiên là “Twightlight” đã được quay thành phim và có số thu kỷ lục, đưa hai tài tử chính trẻ măng là Robert Pattinson và Kristen Stewart lên hàng sao, thần tượng của giới trẻ và người lớn. Một năm sau cuốn phim đầu, ai nấy đều nôn nóng chờ cuốn phim thứ hai là “New Moon” ra đời. Đang ở trong sự nôn nóng ấy, tôi tò mò muốn coi cho biết cốt truyện nhưng chưa muốn mua cuốn New Moon nên phải đứng coi “cọp”.

Trước bộ 4 cuốn truyện ma cà rồng của cô Meyers, không ai không biết đến sự thành công của 7 cuốn sách thế giới phù thủy Harry Potter với cốt truyện quá ly kỳ, đã đem đến cho tác giả của chúng là bà J.K Rowling hằng tỷ đô la. Chưa kể đến nhà văn Dan Brown với những cuốn sách chuyên khai thác đề tài hình tượng mật ngữ trong tôn giáo, cũng có lợi nhuận mấy chục triệu đô la hằng năm nhờ số độc giả khổng lồ mua sách của ông.

Những điều này chứng tỏ cốt truyện là phần thật quan trọng của một cuốn tiểu thuyết ăn khách. Hồ Biểu Chánh tuy không được chính thức trọng vọng khi ông còn sống nhưng có lẽ là một nhà văn hiểu tâm lý người đọc hơn ai hết. Hơn 60 cuốn tiểu thuyết ông viết, cuốn nào cũng có cốt truyện ly kỳ, nhiều tình tiết éo le gay cấn. Vài cuốn truyện của ông là phóng tác những cuốn truyện nổi danh của Pháp: “Le Comte de Monte Cristo” biến thành “Chúa Tàu Kim Quy”, “Les Miserables” biến thành “Ngọn Cỏ Gió Đùa”, “Sans Famille” biến thành “Cay Đắng Mùi Đời”... (theo tôi, truyện phóng tác của ông có phần hay hơn nguyên tác, nhất là cuốn Chúa Tàu Kim Quy tả rõ ràng Lê Thủ Nghĩa ân đền oán trả cách nào trong khi Le Comte de Monte Cristo thì có lúc hơi bí hiểm). Hồ Biểu Chánh đặt những nhân vật của văn chương Pháp vào khung cảnh đồng quê miền Nam Việt Nam một cách tài tình. Có lẽ dân quê nước Pháp thế kỷ 17, 18 khá giống dân quê Việt thế kỷ 19, 20 chăng? Cũng nghèo khổ, làm việc quần quật mà không đủ ăn, bị chèn ép vì dốt nát... Cốt truyện của ông quá đa dạng, thay đổi theo thời với những truyện “tân thời”, lại thêm những truyện đề cao gương chiến đấu chống ngoại xâm của những anh hùng liệt nữ. Qua hơn 60 cuốn tiểu thuyết, phải nói chưa một đề tài nào mà Hồ Biểu Chánh chưa từng khai thác qua, mà cốt truyện nào cũng rất trọn vẹn và gay cấn, xứng đáng làm cho độc giả phải theo dõi cho đến hết, không bỏ cuốn sách xuống được.

Là một ông quan, nhiệm sở tại nhiều vùng Nam Kỳ, Hồ Biểu Chánh có cơ hội sống ở rất nhiều vùng khác nhau, thành thị cũng như thôn quê. Do đó ông có hiểu biết sâu sắc về địa thế, cách sinh hoạt và tâm tình của người dân. Chẳng lạ mà đa số tiểu thuyết của ông có khung cảnh là vùng quê nước Việt, có những nhân vật từ những người nghèo khổ xơ xác nhất đến những người giàu có nhất. Ngoài ra, với một đoạn đời sáng tác rất dài, từ cuốn tiểu thuyết đầu tay năm 1912 tới những quyển cuối cùng trong thập niên 1950, càng về sau nhân vật của ông càng mới hơn, gồm cả những nhân vật nữ lưu tân tiến và cao thượng, những thanh niên tân học và phóng khoáng. Điều này chứng tỏ họ Hồ thấm nhuần tây học và có đầu óc tiến bộ hợp thời.

Nhờ những cuốn truyện của Hồ Biểu Chánh, độc giả có thể hình dung cuộc sống của dân Việt miền Nam vào những năm đầu thế kỷ 20, một cuộc sống khác hẳn ngoài Bắc và Trung, thường được tả trong những tác phẩm văn chương “chính thống” được giảng dậy tại các trường trung học. Cuộc sống ấy có những nông dân nghèo khổ thất học, những ông bà phú hộ nhà quê, mà cũng có lớp lao động bần cùng nơi thành thị, những người giàu có ăn chơi xài tiền như rác, và những thanh niên thiếu nữ tây học tân thời. Nói chung Hồ Biểu Chánh vẽ lên một bức tranh miền Nam nước Việt toàn diện, không chừa bỏ một nét chấm phá nào qua cốt truyện và nhân vật của ông.

Cách hành văn của Hồ Biểu Chánh
Phải nói là văn của Hồ Biểu Chánh rặc ròng miền Nam và không hề có ý định giả dạng văn chương hoa hòe hoa sói. Hình như ông cố tình viết như vậy để lộ rõ cái tính chất “Nam kỳ” của ông. Văn của ông như lời nói, như những câu kể chuyện hằng đêm của một ông già Những cuốn đầu tiên ông viết (khoảng thập niên 1910) thường có lối văn biền ngẫu ảnh hưởng của văn học Tàu mà ông đã hấp thụ từ nhỏ. Tuy nhiên, càng về sau lối văn ấy càng biến mất, trở thành trong sáng tự nhiên hơn nhưng cũng vẫn là những lời kể chuyện nhiều hơn là những lời làm văn.

Hãy đọc một bài văn trong sách giảng văn đệ thất (lớp 6 hiện nay) thời thập niên 60:

Tôi tới một miền quê kề bên một trận địa vào một buổi chiều hoe nắng. Ở đây cánh đồng loáng nước nằm dài, vắng bóng người nông phu cần mẫn. Nhìn vào thôn xóm không một bóng người, khóm tre xơ xác mái tranh im lìm.

Qua một đêm ngủ đỗ, sáng hôm sau tôi trở dậy lên đường. Trong ánh nắng ban mai, đố ai biết có gì đổi khác?

Nhìn vào thôn xóm không một bóng người, vẫn khóm tre xơ xác, mái tranh im lìm. Nhưng giải đồng loáng nước chiều qua nay đã xanh rì ngọn mạ.

Tôi nghĩ tới bóng trăng đêm trước, đến những đoàn người lũ lượt trở về đây, đến những bàn tay cấy từng hàng mạ trên giải đồng rộng mênh mông.

Trong lúc bom đạn cứ tơi bời trên các đô thành làng mạc, trong lúc chiến tranh cứ tiếp tục gieo rắc tang tóc và đổ nát thì ở đây người dân quê thản nhiên gieo nguồn sống. Nhành lúa mới như một tuổi xuân vùng trỗi dậy tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của cả một dân tộc.

Văn bài này du dương nhiều nhạc điệu nhưng về ý nghĩa, ngẫm lại thì rất ước lệ, không có vẻ hiện thực. Dù vậy, nhạc điệu của bài văn, những chữ dùng thanh thoát trầm bổng đã theo tôi suốt mấy chục năm qua, nằm nguyên trong trí nhớ.

Trong lúc đó, văn Hồ Biểu Chánh:

Cai tuần Bưởi làm bạn với Thị Tố đã tám năm rồi, sanh được năm đứa con, ba trai hai gái. Thuở nay anh ta mướn hai dây ruộng của bà Cai Hiếu mà làm, mỗi năm phải đong lúa mướn ba trăm giạ, năm nào lúa trúng thì té ra chừng một trăm giạ đủ nuôi vợ nuôi con và em, năm nào lúa thất, đong lúa ruộng rồi không còn dư hột nào, thì phải lo làm mướn đặng lấy tiền độ nhựt. Mùa mới rồi, lúa cấy xong, lúa vừa mới bén, kế bị trời hạn, nắng cháy đọt, nước nóng gốc, lúa nở không được. Cai Tuần Bưởi đi thăm ruộng về, mặt mày buồn hiu, ngồi khoanh tay thở dài mà than rằng: “Trời muốn giết con nhà nghèo”. Chẳng hiểu trời sợ con nhà nghèo chết, hay là sợ chủ điền góp lúa không đặng, mà Cai tuần Bưởi than như vậy. Rồi cách vài bữa trời mưa một đám thật lớn trong cánh đồng Đập Ông Canh. Lúa nhờ mưa mát mẻ nên đâm đọt bén lại, nhưng vì bị hạn đã mất sức rồi, bởi vậy chừng trổ bông vắn vắn mà hột lại thưa thớt nữa. Thương cho Cai tuần Bưởi khi đến gặt, thì số lúa bó coi không thất bao nhiêu mà đến chừng đạp rồi, lường lúa hột thì chỉ có ba trăm hai chục giạ. Số lúa ruộng mướn của chủ điền bề nào cũng phải đong cho đủ ba trăm giạ. Thế thì cực nhọc trót một năm trường dang nắng cầm cày, dầm mưa nhổ mạ chỉ còn lời có hai mươi giạ mà thôi! Mà trong đó còn phải đong lúa mướn trâu, còn phải trả tiền công cấy thì dư nỗi gì.
(Con Nhà Nghèo)

Hồ Biểu Chánh kể chuyện, không làm văn chương. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân các nhà giáo dục của miền Nam Việt Nam trước 75 không cho đem văn của ông vào học đường. Ngẫm lại thì cũng có rất nhiều các nhà văn khác bị đối xử tương tự, không riêng gì Hồ Biểu Chánh hay các nhà văn miền Nam: Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Ngô Tất Tố, Tam Lang... Tất cả cũng vì những quan niệm và nhận định khác nhau về đạo đức và văn chương.

Những cái “tân thời” trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh

Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, ngoài chuyện đa dạng và hấp dẫn, còn có những nét tân thời mà khá nhiều những tác phẩm văn chương thời ấy chưa có được.

Tả chân
Người ta thường nói đàn bà diện chỉ để cho nhau nhìn ngó và phẩm bình ganh tị hay ước ao, còn đàn ông chẳng hề biết chi đến những cái áo cái quần, nói chi đến nữ trang. Nhưng Hồ Biểu Chánh không vậy. Trong rất nhiều truyện, ông tả các bà các cô rất tỉ mỉ, từ chân mày đến tóc tai quần áo. Nhưng cái hay nhất là ông cũng tả những món nữ trang rất chính xác. Trong truyện Mẹ Ghẻ Con Ghẻ, kỹ sư Phan Văn Quí khi lên Sài Gòn mua sắm vật dụng làm đám cưới, ngoài những quần áo, anh ta còn mua đủ món nữ trang và biết so sánh hột lớn hột nhỏ, mua cho vợ đôi vàng lớn hơn một chút còn đôi bông thì cũng một cỡ với món nữ trang mua cho chị. Tưởng tượng ông quan Hồ Văn Trung (ông làm tới chức Tri Huyện) săm soi những đôi bông đôi vàng hột xoàn này mà tức cười.

Tâm lý nhân vật
Tâm lý các nhân vật của Hồ Biểu Chánh được chú trọng và phân tích theo kiểu tây phương khiến cho nhân vật của ông có hồn và cốt truyện của ông có lý hơn. Đây là một cảnh trong truyện “Vợ già chồng trẻ”:

Đêm nay cô Xuyến thổn thức hoài, cô ngủ không được, nằm nhớ những lời Giao hỏi cô, thì cô cứ hỏi đi hỏi lại trong trí vậy chớ Giao muốn cái gì đây? Có phải Giao muốn đánh ụp với cô mà vì sợ cô không chịu nên không dám nói thiệt, cứ nói xa nói gần đặng dọ ý cô hay không? Cô cứ hỏi thầm như vậy mà cô không dám trả lời. Cô nhớ những lời Giao nói, nhớ cử chỉ, nhớ cách đứng ngồi, nhớ cách liếc ngó, nhớ sắc ái ngại, nhớ bộ lơ lửng, vừa muốn nói mà lại ngừng, thì cô biết Giao muốn cô, biết mà không dám nói ra.
Cô biết mà cô không dám nói tới là vì sự phải với sự quấy chàng ràng ngăn đón làm cho cô cũng ái ngại, cũng lơ lửng như Giao. Cô trông có dịp gặp Giao trong khoảng thanh tịnh đặng to nhỏ cô tỏ bày tâm sự của cô cho Giao nghe hoặc may nhẹ bớt túi sầu mà hăng hái bước qua cảnh đời mới. Cô chưa kịp nói thì Giao quậy phá, làm lộn xộn trí cô, làm cho cô ngơ ngẩn không biết đường nào là đường phải, đường nào là đường quấy, khi cô để chân vào cảnh đời mới.

Cô biết Giao muốn cô, nhưng có một lý do là tuổi chinh lịch làm cho cô không dám nói cô biết chắc. Nếu sự nhận định của cô trúng sự thật, thì cô phải đối phó cùng Giao với thái độ nào? Phải xuôi thuận hay là phải chống cự? Xuôi thuận sẽ bị tiếng thị phi chê cười hay không? Còn nếu sự nhận định của cô có sai lầm, thì cô sẽ hổ thẹn với Giao, nó là em út, trước kia nó biết tội nghiệp về số phận của mình, sau nầy nó còn biết lo lắng về đời sống tương lai của mẹ con mình, sợ mình thiếu hụt phải vất vả cực khổ.

Suy tới nghĩ lui mệt trí rồi cô Xuyến ngủ quên. Mà mơ màng một vài canh rồi cô thức dậy mà suy nghĩ nữa. Khi trước mỗi lần cô bị chồng say đánh chửi thì Giao chạy lại can gián liền, can cho tới bị nhục, bị đòn cũng không nệ. Can thiệp là tại tội nghiệp cho phận đàn bà vô phước hay là vì nặng tình u ẩn ngấm ngầm? Đám ma xong rồi, Giao lại mà tỏ ý lo lắng cho đời tương lai của cô, hỏi thăm cô lấy tiền đâu mà độ nhựt, tính làm nghề gì mà sống, rồi hứa sẵn lòng giúp đỡ mọi phương diện. Có lòng lo lắng đó là tại tội nghiệp hay là tại ái tình? Rồi bữa hổm hứa lại chơi mà cứ lánh mặt luôn tới năm sáu bữa có phải cũng là tại ái tình làm cho Giao ngần ngại nên Giao không dám gần cô chăng? Hồi hôm cô không trông mà Giao lại, có phải tại ái tình xô đẩy, Giao muốn dang ra xa mà dang không được chăng?

Khôi hài
Trong truyện Từ Hôn, nhân vật Châu Tất Đắc là người theo chủ nghĩa “Bất Cần Lao” chủ trương không làm gì hết, đả kích đủ mọi thói đời, cho là “mất công”. Nhờ có chủ nghĩa này, anh ta ăn nói tửng tửng, “nghe lộn ruột”. Những lời đối thoại Hồ Biểu Chánh viết lột tả được nét khôi hài của Châu Tất Đắc:

“Cô Bạch Yến nãy giờ thấy Tất Đắc không thèm để ý đến mình thì lấy làm kỳ, bây giờ nghe những lời cậu nói trặc trẹo như vầy nữa thì cô không thể nín được, nên cô cười và hỏi cậu rằng:
-Xin ông cho phép em hỏi ông …

-Cô muốn nói chuyện thì cứ nói khỏi xin phép ai hết. Tôi có quyền gì cấm cô hay sao mà cô phải xin phép.
-Vì em chưa quen biết với ông, nên theo lễ, em muốn nói với ông nên tự nhiên em phải xin phép trước.
-Người nào bày lễ nghi đó lại báo hại thiên hạ còn nặng hơn là người thêu thùa, bày làm bánh mứt đó nữa.

Bây giờ bà Huyện tức cười, mà ba cô học trò cũng không nín cười được, nên đồng ngó Tất Đắc mà chúm chím hết thảy.

Cô Bạch Yến dòm thấy ai nghe Tất Đắc nói cũng lấy làm kỳ, nên cô phấn chí mà hỏi cậu rằng:
-Tại sao ông nói lễ nghi là báo hại thiên hạ?

-Bày lễ nghi có hai điều hại: thứ nhứt làm cho loài người phải giả dối, thứ nhì làm cho loài người mất hết thì giờ. Cô nghĩ lại mà coi, theo lễ nghi hai người gặp nhau liền hỏi thăm nhau coi mạnh giỏi hay không. Ví như có người trả lời “Tôi không mạnh”. Người kia vì lễ nghĩa, nên phải hỏi tiếp: “Anh đau bịnh gì?”. Người nọ phải đáp. Ví như nói: “Tôi cảm gió nên nóng lạnh mấy bữa rày”. Người kia phải khuyên: “Anh phải kiếm thuốc mà uống, không nên để lây lất”. Vấn đáp như vậy rồi hoặc nói chuyện khác, hoặc không có chuyện gì để nói, thì từ giã nhau mà đi. Lễ nghi buộc hễ gặp nhau thì hỏi thăm mạnh giỏi, hỏi chi vậy? Hỏi rồi người ta nói người ta đau, mình không có thể làm cho người ta hết đau được thì lời hỏi giả dối quá, làm cho hai người mất mấy phút đồng hồ vô ích. Còn cô muốn nói chuyện với tôi, vì lễ nghi cô buộc lòng phải xin phép tôi. Tôi biết tôi không có quyền cấm cô nói, mà cô xin phép, thì lời xin phép ấy không thiệt mà lại mất thì giờ.”

Chí lý thay, lối lý luận của Châu Tất Đắc. Và cũng khôi hài thay, ông quan Hồ Văn Trung hay tiểu thuyết gia Hồ Biểu Chánh, khi đưa ra nhân vật này. Chuyện khôi hài trong văn chương Việt Nam cho đến nay cũng còn chưa được khai thác triệt để, huống gì những năm 20, 30, 40... Đây là một nét mới lạ chưa hề thấy trong văn chương Việt những năm ấy, thời mà truyện khôi hài tiếu lâm có thể đếm được trên đầu ngón tay. Nét khôi hài của họ Hồ không lộ liễu mà kín đáo, nó khiến người đọc phải mỉm cười thích thú.

Kết luận
Trên đây chỉ là một vài ý nghĩ nhỏ tôi tìm thấy trong khi đọc truyện Hồ Biểu Chánh. Họ Hồ làm tôi nhớ đến một nhà văn Pháp là Guy de Maupassant, người cũng có một sự nghiệp khá lớn (nhưng có lẽ thua Hồ Biểu Chánh vì chết sớm hơn) với những câu chuyện tả chân của xã hội Pháp thế kỷ 17,18, thời mà những khổ đau của con người còn phơi bày trọn vẹn, chưa được những cải cách xã hội làm cho vơi bớt. Tiếc thay, thế kỷ 19, 20, ngay cả 21 của Việt Nam vẫn còn là thế kỷ 17, 18 của Tây, đau thật.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT