Đạo và Đời

Ước vọng & tâm xuân

Thursday, 19/01/2017 - 08:24:09

Từ bến bờ nhân ảnh ấy, không phải đột nhiên mà con người dễ nhận ra từng khúc đoạn đường trần...


Hình ảnh trong lễ khánh thành Chùa Kỳ Viên tại Sioux Falls, South Dakota, tháng Năm 2014. (Chùa Kỳ Viên Facebook)

Bài MẶC PHƯƠNG TỬ

L.T.S: Bài này được trích đăng từ trang Thư Viện Hoa Sen đăng ngày 17 tháng Giêng, 2017. Tác giả Mặc Phương Tử ký viết bài từ Chùa Kỳ Viên, một ngôi chùa thuộc phái khất sĩ được thành lập tại tiểu bang lạnh giá South Dakota năm 2013 và khánh thành năm 2014. Đây cũng là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại South Dakota. Trụ trì hiện nay là Thượng Tọa Thích Minh Hoa. Qua bài viết này, báo Viễn Đông xin giới thiệu Chùa Kỳ Viên đến quí độc giả. Địa chỉ chùa là 2601 S Marion Rd, Sioux Falls, SD 57106. Điện thoại: 770-572-9658

Với đà vận tốc phát triển mọi mặt của xã hội hôm nay, con người luôn lao vào bao ước muốn, tìm cầu những nhu cầu phục vụ để thoã mãn bao ước vọng.v.v.. Thế nhưng, những khát vọng phù phiếm ấy, nó luôn vỗ lên từng điệp khúc quay cuồng không lối ra, không điểm dừng lại ấy... tuồng như bị cuốn rối theo dòng thời gian bất tận muôn trùng, hay đã bị đốt cháy dần theo bao nỗi tàn phai của những thất vọng, chán chường, buồn vui, hờn giận, để rồi quên lãng sau những ngậm ngùi của cuộc bể dâu.

Từ bến bờ nhân ảnh ấy, không phải đột nhiên mà con người dễ nhận ra từng khúc đoạn đường trần, nên có một thi nhân đã buông lời than thở :

 “Rồi một ngày kia hương sắc tàn

Tuổi đời chôn lấp bụi thời gian

Tới lui mấy độ quan san ấy...

Thầm gởi cho đời một tiếng than !”

Bao hạnh phúc, bình yên, những sắc màu, ý tưởng mùa Xuân của đất trời nay đã qua đi trong từng chập quãng đời của chúng ta, có những điều vừa lòng thích ý ngay trong hiện tại, thế nhưng lại có những ước vọng xa xôi... đeo đẳng bao hoài niệm, rồi đợi đến bao giờ !

Vẫn không ít con người đã phải bao phen nhọc nhằn ước mơ, tìm kiếm để lao vào hố thẳm bất an, bởi những lo toan, thù hận và sợ hải.v.v.. Cuối cùng đưa đến cạnh tranh, đấu tranh, làm nên bao tàn hại nhiệt não, cuồng nộ, khổ đau cho mình cho người và triền miên trong cuộc sống từ muôn trùng ngàn xưa những đến muôn trùng ngàn sau trong dòng tử sinh vô tận.

Cứ mong cầu, vái nguyện van xin đến Phật, Trời, Thánh, Thần.v.v. tuồng như bao nhiêu hướng vọng thiết tha thành khẩn hơn bao giờ hết. Thế rồi, nếu có chút phước mọn nào đó chăng, chỉ để thoả mãn chút vị ngọt dục cảm, dục tầm cầu bọt bèo của tâm hồn ích kỷ tư riêng, để rồi có còn lại được những gì sau cuộc truy hoan lạc thú bởi những ảo giác giả dối, thường tình thấp kém nơi cuộc sống phàm trần.

Sự ẩn hiện trong ánh mắt chở chuyên bao nỗi sầu đau, những u uất trầm tư trên nét mặt tuôn gầy cơn gió bấc, thể như có bao vết xước trầy trụa từ trái tim, những hoang mang mơ hồ, những hốt hoảng tìm cầu vô vọng đâu đâu. Bởi đường đời có muôn ngã, song cũng có muôn nỗi lòng buồn vui, hạnh phúc và khổ đau, được thua, còn mất, nhục vinh.v.v.. Và cũng chính vì thế, nên có một thi nhân lại phải bật lên tiếng thở than trong đêm giao thừa:

 “Lòng tôi đã bạc theo màu áo

Phong pháo giao thừa cũng tã tơi

Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống

Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi !”

Trong khi phước nghiệp để đưa đến sự an lành quá mỏng manh, hay không hề có được, thì trái lại gây tạo những ác nghiệp không ít điều tội lỗi, sai lầm từ nơi lời nói, việc làm, và những ý niệm bất thiện luôn chất chồng, mỗi lúc càng thêm nhiều cho gánh nặng đoạ đày, để rồi kéo lê kiếp người giữa cõi tử sinh vô thường tạm bợ nầy.

Phải đâu chỉ có lời cầu nguyện suông đuột, hay một khi ngang qua sự nắn nót mấp máy ở bờ môi để cho chúng ta được những gì.? Thế nhưng, những điều ước vọng ấy, nó phải được thể hiện qua hành động đích thực của chính mỗi bản thân con người và do con người. Ở đây, Đức Phật luôn giúp cho chúng ta có được sự nhận thức ấy qua giáo pháp mà Ngài đã chứng ngộ. Một khi người đệ tử muốn có được 5 pháp khả lạc, khả ý, khả hỷ khó tìm được ở đời, như : Tuổi thọ, Dung sắc, Tiếng đồn tốt đẹp, Sự An lạc, và Thọ sanh cõi Trời... Với 5 điều trên đây, Đức Phật tuyên bố:

“Không phải do nhân cầu xin, không phải do nhân ước vọng mà có được. Nếu do nhân cầu xin, do nhân ước vọng mà có được, thời ai ở đời nầy lại héo mòn vì một lẽ gì ?” Đến đây, Đức Phật chỉ thẳng vào trọng tâm của lời dạy trên như sau : “... Vị Thánh đệ tử muốn có Thọ mạng, cần phải được thực hành con đường dẫn đến Thọ mạng, sự thực hành ấy, đưa vị ấy nhận lãnh Thọ mạng...Dung sắc... Tiếng đồn tốt đẹp, Sự An lạc, Thọ sanh cõi Trời cũng như vậy.” (Kinh Tăng Chi II,  43, 379).

Từ ý nghĩa thiết thực qua lời dạy trên của bậc Đạo sư, chúng ta sẽ phải thấy những gì, nghĩ gì và làm những gì nơi chính mỗi chúng ta ngay trong cuộc sống hiện tại? Bao nhiêu điều ấy, tưởng chừng như chúng ta không đối diện, hay đang ẩn khuất nơi đâu. Nhưng không, chúng ta đang có mặt trong thế gian, đang thọ dụng và duy trì cuộc sống nơi thế gian cho đến tận bây giờ. Có điều khi phàm tâm vẫn còn dong ruỗi,  thì biết bao giờ với lấy, nắm bắt, an trú được hạnh phúc thật sự?

Đến đây, bậc Đạo sư khai phóng cho chúng ta một sinh lộ cuộc đời, mà ngàn đời không dễ gì có được. Trong khi đó, lại có rất nhiều con đường dẫn vào đời, nhưng không ít bao nỗi gập ghềnh, không ít sự hiễm nguy, bất an... Bởi do con người  vô tình hay cố ý đã tạo ra nhiều khổ pháp, để phải nhiều sầu ưu, và nhiều não hại.

Có một sinh lộ XUÂN quang ấy, nơi đó chính là mỗi ngày chúng ta có một buổi sáng thật tốt đẹp, có một buổi trưa thật tốt đẹp, và có một buổi chiều thật tốt đẹp, điều nầy được Đức Phật giới thiệu một ý nghĩa thâm thuý như sau:

“Các loài hữu tình nào, nầy các tỷ kheo,vào buổi sáng, Thân làm việc Thiện, Nói lời nói Thiện, Ý nghĩ đến điều Thiện. Các loài hữu tình ấy, nầy các tỷ kheo,có một buổi sáng, trưa, chiều thật tốt đẹp...” (Kinh Tăng Chi I, 150, 540).

Đối với buổi sáng, buổi trưa, và đối với buổi chiều, hay đối với mọi thời khắc trong mỗi ngày cũng đều là như thế... Thời như vậy, chúng ta có cần tìm cầu sự bình an, hạnh phúc ở nơi đâu?

Một khi chúng ta đến các Pháp tháp, Tôn tượng Phật, Bồ tát, các bậc chấp trì Thánh giới, thành tựu Thánh đức, các Tôn miếu, những nơi lễ lạy, cầu nguyện chiêm bái.v.v... là để nhắc nhớ tâm mình luôn hướng đến và thực hành những lời dạy của Phật, biết lắng nghe và tu tập pháp các bậc Thánh để trở nên lành tốt, hiền thiện, tăng trưởng thêm nhiều công đức phước lạc, an tịnh, thì mùa Xuân có đến đi bao giờ ? Và bao giờ chúng ta có trải lòng chân thật, an hoà đến mọi người trong cuộc sống, đến muôn hoa cỏ, thì chính nơi ấy Xuân đã về, Xuân đã đến.

Mặc dầu trong khoảnh khắc thời gian gần đến nầy, đối với cộng đồng người Việt chúng ta đang ở trong nước, hay lưu lạc khắp trời châu lục xa xôi, đang chuẩn bị lễ đón Giao Thừa “Tống Cựu Nghinh Tân” môt lễ hội cổ truyền Tết Nguyên Đán của dân tộc, một thời khắc thiêng liêng, một tập tục lành mạnh của người Việt trước đây, với bao ước vọng cầu xin, với mong muốn có được những Điềm Lành trong năm mới.

Thì đây, cũng chính là cơ hội đến với những ai có lòng kính tin, biết hướng thiện, và hướng thượng qua lời kệ pháp mà Đức Phật đã nói về Điềm Lành :

“Vầng sao lành, điều lành

Rạng đong lành, dậy lành

Sát na lành, thời lành

Cúng dường bậc phạm hạnh...”

(Kinh Tăng Chi I, 150, 540)

Và cuối cùng, chúng ta cùng có một dòng cảm nhận  tuyệt vời từ lời dạy của Đức Phật từ ngàn xưa và miên viễn đến ngàn sau, để mang lại nguồn an vui, phước lạc cho chúng sanh, chư thiên và loài người qua một bài kệ pháp khuyến tấn như sau :

 “Bố thí, hành đúng pháp

Làm nghiệp không lỗi lầm

Chấm dứt từ bỏ ác

Là Điềm Lành tối thượng”

(Kinh Tiểu Bộ I)


Tranh Vũ Thái Hòa

Thiết nghĩ, chừng ấy điều, chừng ấy ý niệm, để chúng ta luôn có mãi một mùa Xuân hạnh phúc, an tịnh ngay trong cuộc sống bể dâu nầy.

Chùa Kỳ Viên, South Dakota, cuối đông 2016

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT