Người Việt Khắp Nơi

Tưởng Niệm Quân, Dân, Cán Chính VNCH tử thương trong cuộc di tản trên Tỉnh Lộ 7 B 44 năm trước

Tuesday, 19/03/2019 - 05:35:07

Bốn-mươi bốn năm trước đây, một cuộc di tản chiến thuật trên Tỉnh Lộ 7 B từ Tiểu Khu Pleiku về Phú Bổn thuộc Quân Đoàn II, Quân Khu II là cuộc di tản đẫm máu nhất, bi thương nhất với hàng ngàn quân, cán chính VNCH và những người dân lành

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER – Bốn-mươi bốn năm trước đây, một cuộc di tản chiến thuật trên Tỉnh Lộ 7 B từ Tiểu Khu Pleiku về Phú Bổn thuộc Quân Đoàn II, Quân Khu II là cuộc di tản đẫm máu nhất, bi thương nhất với hàng ngàn quân, cán chính VNCH và những người dân lành trong đó rất nhiều trẻ em vô tội chết la liệt, chết không toàn thây trên Tỉnh Lộ 7B vì đạn pháo kích của Việt Cộng.

Ngày 17 tháng 3, 2019, một số người còn may mắn sống sót thuộc Liên Trường Pleiku, Tiểu Khu Pleiku đang cư ngụ tại Nam California không thể nào quên đồng đội và đồng bào vô tội đã nằm xuống trên Tỉnh Lộ 7B vào ngày này 44 năm về trước. Họ đã tổ chức một buổi lễ Tưởng Niệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở Westminster, tuy đơn giản nhưng trang nghiêm và đầy xúc động!

Khoảng 30 người tham dự, hầu hết là những người đã có mặt trong cuộc di tản hoặc đã từng làm việc, chiến đấu chống quân Việt Cộng tại Tiểu Khu Pleiku, tại Quân Đoàn II, Quân Khu II, trong đó có Bác Sĩ Nguyễn Chí Vỹ và phu nhân, chị Mỹ Hường và Thu Đào thuộc Liên Trường Pleiku, các ông Nguyễn Trọng Khiêm, Phan Bực… và đặc biệt nhà văn Lê Anh Dũng, sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị tại Tiểu Khu Pleiku là người đã đề xướng việc tổ chức Lễ Tưởng Niệm. Có lẽ một trong số vài người duy nhất không thuộc Tiểu khu Pleiku có mặt trong buổi lễ là Thiếu Tá Phan Tấn Ngưu, Tổng Hội Trưởng Tổng Hội CSQG/VNCH.

Mọi người cúi đầu tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào đã tử nạn trên tỉnh lộ 7B ngày 17 tháng 3, 1975. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Những người có mặt đứng thành hàng ngang trước Tượng Đài cử hành lễ chào cờ và mặc niệm. Sau đó, hai vòng hoa lớn được mang lên đặt hai bên đỉnh hương đang cháy sáng và  nhà văn Lê Anh Dũng (Lê Tâm Anh) mời niên trưởng Nguyễn Văn Thắng thay mặt ban tổ chức gửi lời chào và cám ơn các vị có mặt. Tiếp theo, ông Lê Anh Dũng  đọc một bài văn tế do ông soạn thật cảm động:

“Hỡi những anh hùng tử sĩ vị quốc vong thân, Hỡi những oan linh của đồng bào thuộc Quân Đoàn II & Quân Khu II, Tiểu khu Pleiku, Kontum, Phú Bổn, Darlac! Nước Việt ta: Mấy nghìn năm lập quốc, bao thế kỷ yên bờ Thái Bình Dương. Trải bao phen chống giặc gìn giữ cơ đồ. Suốt lịch sử khơi ngòi mở mang đất Tổ. Nhưng than ôi! Đất bằng dậy sóng, bọn Cộng nô xé hiệp định Ba Lê, đánh chiếm Banmêthuột ngày 10 tháng 3, 1975. Dân tình hoảng loạn, quân lệnh truyền ban rút bỏ Cao Nguyên về miền Xuôi theo Tỉnh Lộ 7B từ ngày 17.3.1975. Biết bao cảnh tượng hãi hùng tang thương không sao kể xiết: Trẻ thơ lạc mẹ, vợ yếu khiêng chồng, trên đường ngập đầy xác chết, đủ cả già trẻ, trai gái, chiến sĩ, đồng bào nằm nơi ven rừng, bờ suối không ai chôn cất, chẳng có mộ phần! Tiếng than khóc xé lòng. Trời đất phải âu sầu, thánh thần cũng sa sầm rơi lệ!

“Bốn mươi bốn năm trường vắng bóng người thân, chẳng hề hương khói, hồn ma bóng quế vất vưởng đó đây. Ôi thảm thương thay nước mất nhà tan, kẻ chết không mồ, biết đâu nương tựa!!! Hỡi những anh hồn tử sĩ, Hỡi những hương linh đồng bào! Cùng bị chết oan trên đường vượt thoát tìm tự do. Trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ Westminster, California, Chúng tôi đại diện Quân, Dân, Cán Chính thuộc tỉnh Pleiku và các vị khách từ những binh chủng trấn đóng Pleiku còn sống sót. Đốt nén hương vọng về cố quốc. Nhớ linh xưa cùng gìn giữ Quốc Gia. Nghiêng mình tưởng vọng người nằm xuống, Với vòng hoa kính viếng để gọi là. Xin đồng bái tạ - Thượng Hưởng!”

Sau bài văn tế, mọi người tuần tự lên thắp hương, nguyện cầu cho những người đã nằm xuống trong cuộc di tản ngày 17.3.1975 được sớm về miền viên miễn. Nhà báo Thanh Huy cũng từng là sĩ quan QL/VNCH phục vụ tại Pleiku đã đọc bài thơ do ông sáng tác “Pleiku Ngày trở Lại” để nhớ về một Phố Núi Pleiku ngày nào.


Niên trưởng Nguyễn Văn Thắng thay mặt ban tổ chức ngỏ lời, cạnh bên ông là hai vòng hoa tưởng niệm. (Thanh Phong/Viễn Đông

Trong dịp này, Viễn Đông phỏng vấn một số vị có mặt và ghi nhận:

Trung Úy Phan Văn Bực: “Cuộc di tản tháng 3 năm 1975 tại Pleiku rất là khủng khiếp! Tôi là người phải rời bỏ đơn vị sau cùng, lúc đó tôi là Đại Đội Trưởng tôi dắt đoàn quân về thị xã Pleiku và thấy quang cảnh thành phố vô cùng tiêu điều, ti vi, gạo thóc bỏ ra đường chẳng ai muốn lấy, mọi người ngao ngán, lo sợ và tìm đường thoát thân. Tôi mới nói với anh em binh sĩ, tình hình này anh em hãy vứt bỏ vũ khí xuống sông rồi tìm cách tự lo cho mình, chúng ta không thể làm gì hơn, tôi và một số anh em binh sĩ nước mắt lưng tròng. Sau đó tôi được một anh xe ôm chở đi theo hướng đoàn xe di tản, về tới Ban Mê Thuột.

“Trên đường, người chết nằm la liệt chồng chất lên nhau. Tôi chạy về gần Phú Bổn thì đụng Cộng quân, và tôi bị thương ở mắt. Sau đó tôi đi bảy ngày đêm ròng rã trong rừng, mệt quá năm ven đường lịm đi, tôi nghe đoàn quân Việt Cộng di chuyển rầm rộ trên đường, một tên lính Bắc Việt thấy tôi mặc quân phục, mặt mày đầy máu me, nó vừa chửi thề, vừa lấy chân đá vào tôi vừa nói ‘Để mày nằm đấy cho máy bay nó bắn chết mẹ mày luôn.’ Tôi thấy không có cảnh nào kinh hoàng hơn cảnh di tản trên tình lộ này.

“Tôi đi về tới sông Ba thì đoàn xe bị kẹt không qua sông được, quân, dân ngổn ngang, đột nhiên có chiếc trực thăng 504 bay tới và sà xuống, tôi thấy rõ viên Thiếu Tá mới tới thanh tra đơn vị tôi tháng trước, tôi nói to: ‘Thiếu Tá bỏ tôi sao?’ ông chỉ tay về phía bãi đất trống, tôi chạy tới và ông kéo tôi lên trực thăng cùng ba anh lính BĐQ và máy bay bay về Biên Hòa.”

Chị Nguyễn Thị Thảo, vợ Trung Úy Quý: “Ngày 17 tháng 3, 75 gia đình tôi chạy trên Tỉnh Lộ 7, lúc đó chồng tôi là Đại Đội Trưởng chiến đấu ở vùng Thăng Bình, sau khi đơn vị tan hàng, ông chạy về đưa ông bà nội và gia đình tôi đi lúc đó đang ở phía sau nhà thờ Đức An, Pleiku, chồng tôi lấy chiếc xe Honda dam của tôi chở theo 5 mẹ con chạy theo Tỉnh Lộ 7 về Phú Bổn.

“Trên đường đi, đủ loại xe lớn nhỏ, người thì kêu khóc, người năm chết bên vệ đường, đạn Việt Cộng và đạn hai bên bắn nhau trúng đoàn người di tản, chết không biết bao nhiêu mà kể, có những xác người chỉ con từng phần, mất đầu, mất chân, tay, vô cùng ghê rợn và nhiều người bị thương nằm rên la mà không có ai cứu giúp, ai cũng lo chạy thoát thân.

“Gia đình tôi may mắn khi chiếc Honda dam bị hư thì có một người thấy gia đình con đông mà ông xã mặc quân phục nên họ cho quá giang, còn cho ông xã tôi bộ đồ dân sự để cùng với ông chạy thóat về vùng an toàn. Tóm lại, cuộc di tản này là vô cùng bi đát, tôi chưa hề chứng kiến cảnh nào đau khổ hơn!

Nhà văn Lê Anh Dũng, người đề xướng buổi tưởng niệm, đang đọc văn tế. Người đứng che dù gần đó là ông bà bác sĩ Nguyễn Chí Vỹ. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Nhà văn Lê Anh Dũng: “Đầu tiên có cuộc họp tại Cam Ranh, trong đó Tổng Thống Thiệu ra lệnh bỏ Quân Đoàn II để bảo toàn lực lượng, coi như bỏ vùng II sau khi mất Ban Mê Thuột. Lệnh di tản đó là bí mật nhưng thật ra, binh lính biết nên về nói với vợ con thành ra cả thành phố Pleiku náo loạn cho nên dân cả thành phố bỏ nhà cửa, tài sản đi theo đoàn quân, dọc đường bị Cộng quân phục kích thì không thể nào chiến đấu được vì có vợ con bên cạnh, có hàng ngàn người dân đi theo nên chỉ còn cách tránh đạn và chạy đi thôi.

“ Là một quân nhân, nói theo chiến lược thì đây là cuộc di tản tắc trách, vì mất cao nguyên, mà cao nguyên được coi như cái nóc nhà của miền Nam, nhà mà mất nóc thì còn gì nữa. Hôm nay đúng ngày này 44 năm về trước, tôi nhớ lại và tôi la làng lên để anh chị em về đây làm cái buổi tưởng niệm này cho những người đã khuất; ít ra ở một nơi nào đó, các oan hồn tử sĩ và đồng bào đã mất cũng còn chút an ủi vì có người vẫn còn thương tưởng đến họ.”

 

 

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT