Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Tuần bản tiếng Việt và tiếng Anh: Chín chín mười mười

Anvi Hoàng/Viễn Đông Monday, 26/11/2012 - 04:09:39

Thiện Sĩ có nhắc đến chuyện Từ Thức khi xưa gặp và kết duyên với tiên. Người Việt Nam hầu như ai cũng biết chuyện Từ Thức nên P.Q. Phan giữ lại tích này, nhưng chỉ nhắc qua chứ không giải thích dài dòng trong tuần bản tiếng Anh.

Hành trình một vở opera (kỳ 7)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


Tuần bản của vở chèo "Quan Âm Thị Kính" là một tác phẩm văn học dân gian có giá trị của Việt Nam. Nhiều người lo ngại rằng việc dịch nó sang tiếng Anh sẽ làm hỏng giá trị của nó. Điều này đúng. Nhưng cần nhớ rằng, việc P.Q. Phan làm không phải là dịch tuần bản "Quan Âm Thị Kính" thành một tác phẩm văn học bởi vì không thể phổ nhạc cho một tác phẩm văn học như thế. Điều ông làm là vừa dịch vừa cải biên vừa dựng lại tuần bản "Quan Âm Thị Kính" thành tuần bản mới cho vở opera "Chuyện Bà Thị Kính" (The Tale of Lady Thị Kính), sao cho câu chuyện và bản sắc văn hóa Việt Nam được giữ nguyên. Một số thay đổi ông phải thực hiện trong quá trình này diễn ra như sau.

Vấn đề điệp âm, điệp vần

Người Việt Nam thích dùng các từ ngữ điệp âm, điệp vần. Ví dụ: khi Mãng Ông xuất hiện ở Cảnh 1, lão muốn khoe “giàu” và hát rằng “Nhà tôi giàu giảu giàu giau”. Trong tiếng Việt các từ gợi thanh này nghe hay và có thể gây cười cho khán giả Việt Nam, nhưng không dịch sang tiếng Anh được và không làm khán giả Mỹ cười được. Do đó, P.Q. Phan phải bỏ các từ điệp âm, điệp vần này đi và thay bằng một câu dịch đơn giản hơn để người Mỹ có thể hiểu được.

Điển tích văn chương

Lại nữa, văn chương Việt Nam xưa hay thích trích dẫn các điển tích. Người không nghiên cứu văn chương xưa thì đọc qua không hiểu gì cả. Đó là chưa nói đến chuyện các điển tích này không ăn nhập gì tới cốt truyện Thị Kính, có bỏ đi cũng không làm thay đổi câu chuyện tí nào. Trong những trường hợp như vậy, P.Q. Phan bỏ hẳn các điển tích này đi. Tuy nhiên, có những trường hợp ông cần giữ lại một phần điển tích. Ví dụ khi hát về sự lẻ loi của mình, Thiện Sĩ có nhắc đến chuyện Từ Thức khi xưa gặp và kết duyên với tiên. Người Việt Nam hầu như ai cũng biết chuyện Từ Thức nên P.Q. Phan giữ lại tích này, nhưng chỉ nhắc qua chứ không giải thích dài dòng trong tuần bản tiếng Anh.

Thể thơ

Năm mươi phần trăm tuần bản của "Quan Âm Thị Kính" là được viết bằng thể thơ có vần có điệu hẳn hoi, rất cân xứng. Tuy nhiên, tuần bản của một vở opera thì không thể có vần có điệu được vì người Tây phương thời này rất ghét thơ có vần có điệu. Hơn nữa, hình thức thơ với một số chữ nhất định trong mỗi câu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc viết nhạc, nó sẽ đóng khung âm nhạc và làm cho âm nhạc không được tự do. Vì những lý do này mà P.Q. Phan phải dịch và viết lại tuần bản cho vở opera "Chuyện Bà Thị Kính" theo thể thơ tự do. Như thế vừa giữ được tính chất trữ tình của thơ vừa mang tính hiện đại và thiết thực cho việc viết nhạc. P.Q. Phan bảo nếu tuần bản mới mang chất văn chương trữ tình như một tác phẩm văn học thì càng tốt, nhưng đây không phải là mục đích chính. Cái chính là tuần bản mới kể đúng câu chuyện Thị Kính đồng thời phục vụ cho việc sáng tác âm nhạc của vở opera.

Văn hóa Việt Nam
Trong nguyên bản vở chèo "Quan Âm Thị Kính", cách chơi chữ và cách đối đáp giữa các nhân vật cho thấy ngôn ngữ sắc sảo của vở chèo. Liệu tuần bản mới có chuyển tải được yếu tố này hay không? Như đã đề cập ở trên, các yếu tố điệp âm điệp vần, hoặc chơi chữ thì hầu như không dịch sang tiếng Anh được, nhưng P.Q. Phan cho biết những thiếu sót này được bù đắp bởi những yếu tố khác làm cho ngôn ngữ của tuần bản mới cũng đầy hình ảnh sống động. Ví dụ, theo tuần bản do Vũ Khắc Khoan sưu tầm, cảnh cuộc sống lứa đôi của Thiện Sĩ và Thị Kính được miêu tả như sau:

Ông tơ nguyệt ngồi se chỉ đỏ
Se thiếp vào bạn với lang quân.
Đôi lứa ta duyên đẹp Tấn Tần.
Dây tơ đỏ càng se càng thắm.


Ở đây chỉ dùng một động từ “se”, một màu “đỏ”, và một hình ảnh “dây tơ” và lập lại nhiều lần để miêu tả cuộc sống hạnh phúc của Thiện Sĩ và Thị Kính. Tại sao chỉ dùng màu đỏ để nói đến đám cưới và hạnh phúc lứa đôi? P.Q. Phan cho rằng có lẽ do ảnh hưởng của Tàu mà phải dùng màu đỏ, chứ thật ra văn hóa Việt Nam không chuộng màu đỏ đến thế. Hơn nữa, tiếng Anh không thích sự lập lại nhiều lần, vì vậy P.Q. Phan thêm vào và dùng ba động từ: stitch (may vá), weave (dệt), knit (đan), và tạo ra hình ảnh Thị Kính đang ngồi thêu, dùng cả chỉ màu đỏ và màu vàng – vàng tượng trưng cho sự giàu sang và quyền lực, và đỏ tượng trưng cho sự đam mê và tình cảm trìu mến.

Sitting here I concentrate on stitching,
Weaving threads of gold and red.
Threads of life I weave and knit,
Dream of the glorious time to come.


Thị Kính ngồi thêu thật, nhưng nghĩa bóng ở đây cũng là thêu dệt bức tranh hạnh phúc giàu sang trong tương lai của cả hai khi mà Thiện Sĩ thi đỗ và ra làm quan. Như vậy, ở đây tuần bản mới có nhiều chi tiết hơn, tạo ra hình ảnh sống động hơn, và thú vị hơn tuần bản tiếng Việt. Đó chỉ là một ví dụ điển hình.

Nam mô a di đà Phật
Một sáng tạo khác trong tuần bản mới là cách xử trí nhóm chữ “Nam mô a di đà Phật”. Trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính", nhóm chữ này chỉ được dùng với một ý nghĩa xuyên suốt tác phẩm: đó là chúc lành (blessing). Trong vở opera "Chuyện Bà Thị Kính", P.Q. Phan dùng nhiều cách diễn tả bằng âm nhạc khác nhau để tạo ra nhiều ý nghĩa khác nhau cho nhóm chữ “Nam mô a di đà Phật” – tương tự như trong khi nói, người ta có thể thay đổi giọng điệu để thay đổi ý nghĩa của cùng một câu nói. Như vậy, khi người ta hát “Nam mô a di đà Phật” theo nhiều cách khác nhau thì ý nghĩa của những chữ này cũng thay đổi để trở thành hoặc là chúc lành, hoặc là thiêng liêng, hoặc là gợi tình (sexual), đôi khi có nghĩa mỉa mai, đôi khi có nghĩa tội lỗi (sinful). Trên trang giấy thì “Nam mô a di đà Phật” nào nhìn cũng như nhau, nhưng khi nhạc trỗi lên thì ý nghĩa của nó thay đổi đi. Đây là một sáng tạo lớn của P.Q. Phan làm cho "Chuyện Bà Thị Kính" đã sẵn là một câu chuyện súc tích, trở thành một vở opera rất súc tích cả về lời lẫn về nhạc.
Kỳ 8 sẽ bàn về mối liên hệ giữa nhạc và lời.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT