Thế Giới

Trung Quốc xây trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng trong 10 năm tới

Friday, 26/04/2019 - 05:52:57

Hãng Tân Hoa Xã vào hôm thứ Tư dẫn lời ông Zhang Kejian – người đứng đầu Cơ quan không gian quốc gia Trung Quốc - tiết lộ rằng nước này đang đặt mục tiêu xây dựng một trạm nghiên cứu ở cực Nam của Mặt Trăng trong 10 năm tới. Bên cạnh đó,

Trung Quốc xây trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng trong 10 năm tới

BẮC KINH – Hãng Tân Hoa Xã vào hôm thứ Tư dẫn lời ông Zhang Kejian – người đứng đầu Cơ quan không gian quốc gia Trung Quốc - tiết lộ rằng nước này đang đặt mục tiêu xây dựng một trạm nghiên cứu ở cực Nam của Mặt Trăng trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng tàu thăm dò Hằng Nga-5 lên Mặt Trăng để lấy mẫu vật và quay trở lại Trái Đất vào cuối năm 2019. Thị trấn Shaoshan thuộc tỉnh Hồ Nam sẽ là nơi đặt trung tâm lưu trữ dài hạn các mẫu vật lấy từ Mặt Trăng.

Ông Zhang cũng nói rằng Trung Quốc dự định phóng tàu thăm dò Sao Hỏa trong năm 2020. Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã chọn 24 tháng 4 là ngày Không gian quốc gia, kỷ niệm ngày phóng vệ tinh đầu tiên Dong Fang Hong I lên quỹ đạo năm 1970. Sự kiện này đánh dấu việc Trung Quốc là quốc gia thứ 5, sau Liên Xô, Hoa Kỳ, Pháp và Nhật Bản phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo. Theo truyền thông, ban đầu Hằng Nga 5 được dự định phóng lên Mặt Trăng trong năm 2017. Tuy nhiên, nhiệm vụ này bị tạm hoãn do trục trặc động cơ đẩy. Hằng Nga 5 dự định sẽ kế thừa người tiền nhiệm Hằng Nga 4, vốn đã làm nên lịch sử vào ngày 3 tháng 1 năm nay khi hạ cánh ở vùng tối của Mặt Trăng.

Sau đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cũng công bố hình ảnh hạt giống nảy mầm trên Mặt Trăng. Giáo sư Charles Cockell tại Đại học Edinburgh, Anh quốc, nói rằng sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên con người khiến cây sinh trưởng trên Mặt Trăng.

Dân biểu Nam Hàn bị đối thủ nhốt trong phòng làm việc 6 tiếng

SEOUL - Một dân biểu Nam Hàn đã bị các chính trị gia đối lập nhốt nhiều tiếng đồng hồ để ôngkhông thể tham dự cuộc họp trước một cuộc bỏ phiếu quan trọng. Dân biểu Chae Yi-bai, thuộc đảng Bareunmirae, và 4 phụ tá vào hôm 24 tháng 4 đã bị nhốt trong phòng làm việc tại tòa nhà quốc hội Nam Hàn suốt 6 tiếng, sau khi 11 dân biểu thuộc đảng Tự do Nam Hàn (LKP) dùng ghế sofa chặn cửa và ngồi bên ngoài canh từ 9 giờ sáng. Vào 5 tiếng sau đó, ông Chae đối phó bằng cách tổ chức một cuộc họp báo với phóng viên đứng ngoài cửa sổ. Dân biểu này bàn đến phương án phá cửa sổ để thoát thân và gọi lực lượng cứu hỏa trợ giúp. Đến 3 giờ chiều, khi cảnh sát đến nơi, ông Chae và các phụ tá mới ra được bên ngoài.

Dân Biểu Chae vừa được lãnh đạo của đảng Bareunmirae bổ nhiệm vào một vị trí quan trọng trong một ủy ban, nơi vừa phê chuẩn một dự luật cho phép mở rộng hình thức đại diện theo tỉ lệ trong bầu cử ở Nam Hàn. Dự luật này dự kiến được quốc hội bỏ phiếu trước đợt bầu cử vào tháng 4, 2020. Đảng LKP phản đối dự luật này vì cho rằng hình thức đại diện theo tỉ lệ bỏ phiếu trong bầu cử sẽ xé quốc hội ra làm nhiều mảnh, và sẽ "cho phép tổng thống làm bất cứ điều gì mà ông ấy muốn.” Đây không phải là lần đầu tiên các chính trị gia Nam Hàn đụng độ với nhau. Năm 2004, các dân biểu đã đánh nhau trong buổi bỏ phiếu phế truất Tổng Thống Roh Moo-hyun. Năm 2011, một chính trị gia đối lập đã ném lựu đạn khói để ngăn quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn hiệp ước thương mại tự do với Hoa Kỳ.

Phát hiện phân tử cổ xưa nhất trong vũ trụ

ĐỨC - Các nhà khoa học vừa tìm được dạng phân tử cổ xưa nhất trong vũ trụ, một lần nữa củng cố giả thuyết về Big Bang và cách thức các chất hóa học thời sơ khai phát triển và tiến hóa sau vụ nổ khai sinh vạn vật. Phân tử helium hydride (HeH+) được cho là đóng vai trò chiếu sáng cho vũ trụ thời kỳ đầu, hình thành khi một nguyên tử helium chia sẻ electron với proton của khí hydrogen. Helium hydride không chỉ được xem là kết nối phân tử đầu tiên của vũ trụ, xuất hiện vào giai đoạn vũ trụ nguội đi sau sự kiện Big Bang, mà còn mở đường cho việc hình thành các phân tử hydrogen.

Dù con người đã tạo được helium hydride trong điều kiện phòng thí nghiệm từ cách đây gần 1 thế kỷ, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn không tìm được tung tích của nó trong không gian. Trong một phát hiện đáng mừng gần đây, các chuyên gia cho hay họ cuối cùng cũng đã phát hiện helium hydride trong một tinh vân hành tinh 600 năm tuổi, được đặt tên NGC 7027, cách trái đất khoảng 3,000 năm ánh sáng và nằm lẫn trong chòm sao Thiên Nga.

Dù helium hydride ở đây được hình thành theo cách thức hoàn toàn khác với vũ trụ thuở ban đầu, nhưng Tiến Sĩ Rolf Gsten của Viện Thiên văn học vô tuyến Max Planck ở Bonn, Đức cho hay sự hiện diện của nó vẫn đóng vai trò to lớn trong việc ủng hộ giả thuyết về điều gọi là “bình minh của hóa học.” Tiến sĩ Jérôme Loreau của Đại học Libre de Bruxelles, Bỉ đánh giá cao páht hiện mới, vì helium hydride vô cùng khó tìm trong vũ trụ bao la. “Một lý do khác mà chúng ta cần phải ăn mừng: HeH+ là phân tử đầu tiên được hình thành trong vũ trụ này, khoảng 380,000 năm kể từ sự kiện Big Bang,” Tiến Sĩ Loreau giải thích. “Sự xuất hiện của nó dẫn đến sự hình thành của các ngôi sao và thiên hà, và vì vậy có vai trò then chốt cho sự khai sinh vạn vật.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT