Thế Giới

Thủ Tướng Anh vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Wednesday, 12/12/2018 - 09:19:04

“Đây là một ngày dài và đầy thách thức, nhưng sau cùng, tôi rất vui vì nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp,” bà May nói. “Sau cuộc bỏ phiếu, điều cần làm tiếp theo là thực hiện Brexit cho người dân Anh.”

LONDON – Thủ Tướng Anh Theresa May vào chiều thứ Tư đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong đảng, tránh được viễn cảnh đảng của bà phải chọn lại lãnh đạo trong lúc thỏa thuận Brexit vẫn chưa hoàn tất. Các thành viên đảng Bảo Thủ của bà May đã bỏ phiếu ủng hộ bà tiếp tục lãnh đạo, với tỷ lệ phiếu 200 trên 117.
Theo quy định của đảng Bảo Thủ, bà May sẽ không phải đối mặt với bất kỳ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào khác trong vòng 1 năm. “Đây là một ngày dài và đầy thách thức, nhưng sau cùng, tôi rất vui vì nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp,” bà May nói. “Sau cuộc bỏ phiếu, điều cần làm tiếp theo là thực hiện Brexit cho người dân Anh.”
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đã khiến bà May phải hủy chuyến đi Ireland và hủy 1 cuộc họp nội các, để đi vận động sự ủng hộ từ các thành viên trong đảng. Từ sau khi Bộ Trưởng Brexit David Davis từ chức vào mùa hè này, bà May đã liên tục bị các đồng nghiệp trong nội các chỉ trích. Một số người đã từ chức để phản đối cách bà thực hiện các cuộc đàm phán với EU về việc rời liên minh. Nhiều người trong đảng Bảo Thủ muốn cắt quan hệ với EU mà không cần tiếp tục tham gia các thỏa thuận với tổ chức này.

Nam - Bắc Hàn kiểm tra việc tháo dỡ trạm gác của nhau
SEOUL - Các binh sĩ từ hai miền Nam Bắc Hàn đã lần đầu tiên đi vào lãnh thổ của nhau một cách hòa bình vào thứ Tư, để bắt đầu kiểm tra việc phá dỡ các trạm gác tại khu phi quân sự DMZ. Bắc Hàn với sự hỗ trợ của quân đội Trung Quốc đã xâm lược Nam Hàn vào năm 1950, gây ra cuộc chiến Triều Tiên. Xung đột chấm dứt bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953, khiến 2 miền về mặt kỹ thuật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, nhiều nỗ lực hòa giải đã diễn ra trên bán đảo Triều Tiên trong năm nay. Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đã đồng ý phá dỡ một số trạm gác nằm dọc theo biên giới hai miền, trong cuộc họp hồi tháng 9 tại Bình Nhưỡng.
Bắc Hàn đã cho nổ 10 trạm gác của nước này vào tháng 11, trong khi Nam Hàn phá dỡ 10 địa điểm tương tự bằng máy móc. Bộ Quốc Phòng Nam Hàn cho biết, các thanh tra của nước này đã ghé qua từng trạm gác của miền bắc vào thứ Tư, để bảo đảm rằng các cơ sở này đã bị phá hủy hoàn toàn và mọi vũ khí, binh sĩ, đều được di dời. Các thanh tra Bắc Hàn cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự ở phía miền nam vào trưa cùng ngày.
Hình ảnh tại hiện trường cho thấy các binh sĩ có vũ trang của Nam Hàn đã bắt tay với nhân viên miền bắc tại đường ranh giới ở trung tâm khu DMZ, trước khi bước qua để vào lãnh thổ Bắc Hàn. So với Seoul, Bình Nhưỡng có số lượng trạm gác nhiều hơn, với các kiến trúc trên mặt đất và cả các hầm ngầm. Theo ước tính, Bắc Hàn hiện có khoảng 150 trạm gác ở vùng DMZ, trong khi Nam Hàn chỉ có khoảng 50 cơ sở tương tự.

Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị chiến dịch quân sự phía đông bắc Syria
ANKARA - Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Tư tuyên bố, quân đội nước này sẽ mở một chiến dịch quân sự chống lại lực lượng dân quân người Kurd ở Syria ở bờ đông sông Euphrates trong một vài ngày tới. Đây là lực lượng người Kurd được Hoa Kỳ ủng hộ, và hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm tăng căng thẳng giữa 2 nước, vốn đều là thành viên NATO.
Trong những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã pháo kích nhiều vị trí của lực lượng người Kurd ở bên kia biên giới Syria, phía đông sông Eupharates, và đe dọa sẽ tiêu diệt lực lượng người Kurd có tên là Đơn vị bảo vệ người dân (YPG).
"Chúng tôi sẽ bắt đầu chiến dịch tại bờ đông sông Euphrates trong vài ngày tới. Mục tiêu của chúng tôi không phải là binh sĩ Hoa Kỳ, mà là tổ chức khủng bố đang hoạt động trong khu vực này,” ông Erdogan nói.
“Chúng tôi không bao giờ phản đối Hoa Kỳ và đồng minh của nước này ở khu vực, bởi Washington là đối tác chiến lược của Ankara. Những mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ xung quanh tình hình Syria không thể ngăn cản sự phát triển quan hệ giữa hai nước.”
Ông Erdogan cũng thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo cho Hoa Kỳ về chiến dịch quân sự.
YPG là thành phần chính trong lực lượng người Kurd tại Syria chống lại Nhà Nước Hồi Giáo, với sự hỗ trợ của liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu. Tuy nhiên, Ankara coi YPG là tổ chức khủng bố do sự liên hệ của nhóm này với phe ly khai người Kurd bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần thực hiện các hoạt động quân sự chống lại người Kurd ở Syria. Chiến dịch gần đây nhất có tên là "Cành olive" được tổ chức vào mùa đông năm ngoái.

Pháp truy lùng kẻ tấn công hội chợ Giáng Sinh
STRASBOURG – Vào thứ Tư, cảnh sát Pháp đang tìm kiếm khắp miền đông nước này, để truy tìm người đàn ông đã giết chết ít nhất 2 người trong vụ nổ súng tại hội chợ Giáng Sinh ở thành phố Strasbourg. Nghi được cho là đã bị cực đoan hóa khi bị giam trong tù. Các nhân chứng nói rằng nghi can đã hô lớn câu “Allahu Akbar” (Thượng Đế vĩ đại) khi bắt đầu tấn công. Nhà chức trách tin rằng nghi can chọn hội chợ Giáng Sinh vì đây là sự kiện mang tính biểu tượng tôn giáo. Nghi can được xác định là Cherif Chekatt, 29 tuổi, người có tên trong danh sách các đối tượng mang nguy cơ tiềm ẩn về an ninh.
Nghi can đang bị điều tra với cáo buộc sát nhân với mục đích khủng bố và bị nghi có liên hệ với mạng lưới khủng bố. Hai người đã chết trong vụ tấn công và một người thứ ba được xác định đã chết não, và đang được nối với các máy trợ sinh. Sáu người bị thương khác cũng đang được chữa trị tại bệnh viện. Pháp đã nâng mức báo động an ninh lên mức cao nhất, tăng cường kiểm soát biên giới với Đức, trong lúc các lực lượng đặc nhiệm truy tìm hung thủ. Chekatt là kẻ thường xuyên vào tù ra khám, đã bị kết tội hơn 20 lần tại Pháp, Đức, và Thụy Sỹ, và từng ngồi tù. Hiện chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm vụ tấn công của Chekatt. Thủ Tướng Pháp Edouard Philippe cho biết, thêm 1,800 binh sĩ sẽ được điều động để tuần tra, và đặc biệt chú ý bảo vệ cho các hội chợ Giáng Sinh.

Ả Rập Saudi muốn lập liên minh mới tại Biển Đỏ
RIYADH - Chính phủ Ả Rập Saudi đang muốn lập một liên minh với 6 quốc gia giáp với Biển Đỏ và Vịnh Aden, khu vực có tầm quan trọng chiến lược với ngành giao thương hàng hải toàn cầu và cũng là đấu trường của Riyadh với các đối thủ trong khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và Qatar.
Các đại diện từ Ai Cập, Djibouti, Somalia, Sudan, Yemen, và Jordan, đã tập trung tại Riyadh vào thứ Tư, để thảo luận về kế hoạch nhưng chưa đạt được thỏa thuận sau cùng. Các chuyên gia đàm phán dự kiến sẽ gặp gỡ một lần nữa tại Cairo để thương lượng về các điều khoản chi tiết.
Eritrea, quốc gia có một số đảo trên Biển Đỏ và đường bờ biển trên đất liền dài 715 dặm, đã không hiện diện trong cuộc họp. Tương tự, sự kiện này cũng thiếu Ethiopia, đất nước tuy không giáp với Biển Đỏ, nhưng là nước đông dân nhất tại vùng Horn of Africa.
Ngoại Trưởng Saudi, ông Adel al-Jubeir, cho biết kế hoạch mới là nỗ lực của Riyadh để bảo vệ lợi ích quốc gia và các nước láng giềng, đồng thời giúp ổn định khu vực và tạo ra một sức mạnh chung cho các nước. Ả Rập Saudi và đồng minh là Các tiểu vương quốc Ả Rập đang ngày càng coi vùng bờ biển Horn of Africa là khu vực an ninh phía tây, và lo ngại các quốc gia đối thủ có thể tạo được ảnh hưởng tại đây.
Một địa điểm quan trọng của Biển Đỏ là eo biển Bab al-Mandeb, nơi 3.2 triệu thùng dầu được vận chuyển ngang qua mỗi ngày để đến châu Âu, Hoa Kỳ, và châu Á. Trong những năm gần đây, tuyến đường biển này thường xuyên bị tấn công bởi hải tặc và phiến quân Houthi từ Yemen.

Trung Quốc lần đầu lên tiếng vụ bắt nhà cựu ngoại giao Canada
BẮC KINH - Trung Quốc vào hôm thứ Tư đã lần đầu lên tiếng về vụ nước này bắt giữ nhà cựu ngoại giao Canada Michael Kovrig, nói rằng ông Kovrig có thể đã vi phạm luật về tổ chức phi chính phủ nước ngoài của Bắc Kinh. Nhà chức trách Canada ngày thứ Ba nói rằng Trung Quốc đã bắt ông Michael Kovrig, nhà cựu ngoại giao, hiện là cố vấn cấp cao về vấn đề Đông Bắc Á cho tổ chức International Crisis Group (ICG).
Trong cuộc họp báo ngày thứ Tư tại Bắc Kinh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, nếu ông Kovirig thực hiện các hoạt động của tổ chức ICG mà không ghi danh hoặc không thông báo. Nhà cựu ngoại giao này có thể đã vi phạm luật về tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài của Trung Quốc.
ICG là tổ chức hoạt động độc lập, với mục tiêu hoạt động là giải quyết các vấn đề xung đột trên thế giới. Phía ICG ngày thứ Tư cho biết, họ chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ các viên chức Trung Quốc liên quan tới việc bắt giữ cố vấn của tổ chức, và hiện vẫn đang cố gắng tìm cách liên lạc với nhà cựu ngoại giao vì lo ngại về an toàn của ông. Trong thông cáo của ICG gởi truyền thông, tổ chức này nói rằng Cơ quan An ninh quốc gia Trung Quốc bắt giữ ông Kovrig vào tối ngày thứ Hai, giờ Trung Quốc. ICG cũng kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho ông Kovrig ngay lập tức.
Ông Kovrig từng là nhà ngoại giao Canada làm việc ở Bắc Kinh, nhưng ông đã nghỉ việc để hoạt động tại tổ chức ICG. Ông bị bắt 9 ngày sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính, phó chủ tịch hãng viễn thông hàng đầu Trung Quốc, Huawei. Hiện chưa có một nguồn thông tin chính thức nào xác nhận rằng liệu hai vụ bắt giữ ông Kovrig và bà Mạnh có liên quan tới nhau hay không. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nhiều khả năng hành động của Bắc Kinh là nhằm nhằm trả đũa việc Canada bắt người.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT