Đạo và Đời

Thiền: Đoạn khách trần phiền não

Wednesday, 02/03/2016 - 09:14:13

Do đó, chúng ta một mặt phải tập ngồi tĩnh lặng, bất động; nhưng mặt khác khi đứng lên ra khỏi thiền thì chúng ta phải nhớ mình cần có một sức lực mạnh mẽ, một năng lượng tích cực, lạc quan. Hai điều này cần được kết hợp với nhau.

Bài giảng trên chương trình Radio Khai Tâm của Thầy Hằng Trường

Một đặc tính rất quan trọng của chuyện tu hành là khi ngồi thiền, ta trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, trong kinh Lăng Nghiêm gọi là khắc phục hay khách trần phiền não. Giai đoạn thứ hai là tịnh trừ hay tận trừ vô minh.

Trong kinh Lăng Nghiêm nói rằng khi ta muốn khắc phục khách trần phiền não, thì bước đầu là làm cho nhẹ bớt đi phiền não. Ví dụ một ly nước có bụi trong đó. Ta hãy để ly nước lắng yên thì từ từ bụi hay chất cáu bẩn sẽ lắng xuống, ly nước từ từ trong ra. Đây là tiến trình đầu tiên của sự khắc phục hay chế phục, làm giảm bớt đi những phiền não gọi là khách trần. Khách tức là tới rồi đi, không tồn tại. Trần tức là bụi, giống như bụi trong không gian. Khi có ánh nắng chiếu rọi vào không gian, ta thấy bụi bay lung tung, hay trong ly nước để yên thì bụi từ từ lắng xuống. Nếu ta động đậy ly nước thì những bụi đó lại tung bay lên.



Cho nên muốn khách trần phiền não lắng xuống thì ta cần có thời gian và không gian. Thưa các bác, chúng ta tu luyện, nên coi thân thể của mình giống như cái ly nước đó. Cái ly đó cần để đứng yên, do đó chuyện đầu tiên khi ta tu luyện, tu thiền hay tu bất cứ cái gì cũng vậy, là hãy làm cho thân ta bất động, nhẹ nhàng. Thân bất động bằng cách nào? Là làm cho thân được thư giãn theo một thứ tự. Trước hết thả lỏng đỉnh đầu, rồi thả lỏng từ từ vầng trán, tới lông mày, hai mắt, da mặt, hai tai, môi, lưỡi, thả lỏng hàm dưới, tới cổ, rồi vai, tới cánh tay, bàn tay, trước ngực, hoành cách mô rồi tới bụng. Từ từ ta thấy nhẹ lần, nhẹ lần. Các bắp thịt phía sau lưng ta cũng từ từ thả lỏng ra. Nếu ta ngồi trên ghế, hai chân thòng xuống đất thì ngồi một hồi, máu chạy xuống khó lên trở lại. Vì vậy nên ngồi xếp bằng hay ngồi bán già, kiết già v.v.. thì không cảm thấy chân nặng. Nhưng nếu các bác nghĩ rằng mình chỉ ngồi thiền chừng 15 phút hay nửa giờ thôi, thì các bác cứ ngồi trên ghế, hai chân thõng xuống. Nếu các bác nói, “Thưa thầy, con muốn tu chuyên nghiệp, muốn ngồi thiền 3 tiếng, 5 tiếng.” thì nên tập từ từ ngồi hai chân xếp lại với nhau, lúc đầu gọi là bán già, sau thì gọi là toàn già hay kiết già. Ngồi như vậy thì khó hơn một chút, nhưng ta cứ từ từ tập luyện, cho cái chân được thư giãn, tập yoga hay lạy lên lên xuống cho chân được thư giãn, thì bắt đầu các bác ngồi được dễ dàng hơn.

Thân thể chúng ta giống như cái ly, để yên bất động một hồi thì tự nhiên chúng ta nhập thiền được. Cho nên khi ngồi thiền ít khi nào chúng ta động đậy, lắc qua lắc về. Có nhiều người đã báo cáo như vầy, ”Thưa thầy, con thấy có những người ngồi thiền một hồi thì tự nhiên người họ lắc lư, có khi là cái đầu lắc qua lắc lại, hoặc gục lên gục xuống.” Thưa các bác đó là những trạng thái nghiệp chướng hiện tiền làm cho thân mình không thể nào bất động được. Hoặc nhiều khi có những phương pháp tà giáo, tà thuật mà người ta gọi là Linh Động. Linh tức là thần linh, làm cho mình lay động. Đó là một ngụy biện, ngụy thuyết để nói rằng ta đã bị khống chế bởi những thế lực vô hình bên ngoài, làm cho thân thể động, không thể lắng được. Chúng ta không nên theo, không nên học theo phương pháp này, làm cho thân thể lắc lư, động đậy, có những động thái khó coi. Có những người lên đồng bị ma nhập hay bị cái vong nhập khiến họ có những động thái hoàn toàn trái với khả năng của con người, như con mắt nháy liên tục, đầu gục lên gục xuống liên tục, người động đậy liên tục; hoặc khi đứng lên thì tay chân múa máy.

Thưa các bác, những động tác đó làm cho cái ly không còn yên tịnh nữa. Động đậy không phải là phương pháp mà kinh Lăng Nghiêm dạy, cũng không phải cái pháp mà đức Phật dậy. Nhiều người có thể nói, “Thưa thầy con bị nghẹt chân khí, khi con động đậy như vậy thì cảm thấy thoải mái vô cùng”. Các bác có thể có sự thoải mái nhưng không phải là nhập định. Cho nên thiền định là phải bất động. Định thì không thể nào lắc lư như vậy được. Lắc lư sẽ không trường tồn và không phải là nhập định. Cho nên chúng ta phải suy nghĩ lại trước khi đi theo những phương pháp không đúng với những gì đức Phật dậy.

Sau khi các bác ngồi thư giãn một hồi, thân bắt đầu lắng xuống. Các bác bắt đầu cảm nhận được máu, tim đang chảy đang đập trong người mình. Rồi các bác thấy nhịp tim đập nhẹ hơn. Nếu các bác muốn đi vào sự bất động như cái ly có bùn lắng xuống, thì chìa khóa là làm sao hơi thở của ta phải thật nhẹ. Hơi thở nhẹ là thế nào? Nghĩa là hơi thở càng lúc càng chậm và vi tế hơn. Tới lúc mà ta cảm nhận được sự thư giãn của thân thể.

Nếu hơi thở không vi tế thì ta sẽ cảm nhận lung tung, tức là bây giờ cái ly bị động, bùn có thể tung lên vì có cái muỗng hay chiếc đũa quậy bùn lên. Đó chính là vì hơi thở của mình động, đương nhiên tư tưởng của mình cũng bị khuấy động theo. Cùng với hơi thở nhẹ nhàng là sự bất động của tâm thức. Hơi thở càng nhẹ tức là tâm ta càng lúc càng vi tế. Tư tưởng của ta càng lúc càng bớt giao động lần lần. Ta cũng nên nhớ thả lỏng cái lưỡi ra, hoàn toàn thư giãn, thì từ từ não bộ của ta đổi làn sóng não. Nếu các bác nhắm mắt nữa thì sóng não sẽ đổi từ Beta thành Alpha; và lưỡi lỏng ra nữa thì sẽ thành Theta. Sóng não của người thiền đang ở trạng thái Theta, sự tập trung trong lúc này cũng rất quan trọng. Nếu chúng ta không tập trung thì sóng não đang từ Theta sẽ nhảy lên, các bác sẽ trở về trạng thái tán loạn.

Có bác nói, “Thưa thầy con chờ khi nào hết tán loạn thì con bắt đầu tu thiền”. Thưa các bác, không cách nào chúng ta hết tán loạn được vì não bộ còn đó thì tư tưởng của chúng ta còn chạy. Sở dĩ nó chạy lung tung là vì chúng ta không biết cách để làm cho cái não thay đổi. Muốn cho não thay đổi, thì từ ngàn xưa tới nay, người ta dùng một phương pháp rất cổ điển và lý thú, đó là theo dõi hơi thở. Theo dõi hơi thở tức là làm cho bùn trong ly nước lắng đọng xuống. Hơi thở của ta nhẹ dần, nhẹ dần. Ta chú ý hơi thở vào đan điền. Muốn vậy ta phải điều khiển hoành cách mô để nó mở ra, nhẹ đi, rồi từ từ nó không còn co giãn mạnh mẽ nữa mà co giãn nhẹ dần. Ta dùng cơ bụng đẩy ra đẩy vào để cho hoành cách mô được chuyển động dễ dàng hơn. Hơi thở của mình sẽ từ từ sâu hơn. Chúng ta tập làm sao để hơi thở càng nhẹ, càng chậm hơn. Lý tưởng là bốn hơi thở trong một phút mà thôi. Ta có thể thở nhiều hơn như vậy, nhưng bắt đầu thì 10 hơi thở trong một phút, rồi giảm dần số hơi thở trong một phút. Tiến trình giảm số hơi thở như vậy mất từ 6 tháng tới một năm. Nhưng xin các bác hãy kiên tâm, bởi khi thở nhẹ hơn một chút thôi thì sự sống hay tâm thức của mình đi liền với hơi thở. Ta thở càng sâu, càng vi tế thì tư tưởng của ta càng vi tế hơn. Hơi thở của ta càng chậm, càng nhẹ lần thì cuộc sống của ta càng ngày càng thư thả. Các bác thấy khi ta giận thì hơi thở hồng hộc, khi ta buồn thì dường như thở không nổi. Cho nên hơi thở quan trọng lắm. Nếu ta thở nhẹ nhàng, vi tế thì cuộc sống của ta cũng nhẹ nhàng, tâm thức ở trong trạng thái cũng rất nhẹ nhàng, tinh vi.

Chỉ nội hơi thở không thôi, nếu ta biết thở sao cho nhẹ nhàng, vi tế, thật chậm thì đời sống của ta cũng thay đổi ngay lập tức. Các bác biết tại sao ta phải thở cho nhẹ không? Bởi nếu ta thở mạnh thì những tư tưởng hung dữ, mạnh bạo, xông xáo làm chuyện này chuyện kia bắt đầu nổi lên.

Khi nói đến tu thiền, thầy muốn cắt một phần nhỏ ngay chỗ này để nhắc thêm cho các bác nghe là: tu thiền là muốn ngồi tĩnh lặng, nhưng khi mở mắt ra thì ta phải làm sao để cho thân thể được khỏe mạnh. Trong Càn Khôn Thập Linh hay tập Yoga, chúng ta thở Lửa, tức là thở mạnh như lửa để làm cho năng lượng người chúng ta khởi lên. Có hơi thở mạnh như vậy để làm gì? Để chúng ta ra giúp người việc này việc kia, làm chuyện này chuyện nọ, làm một người rất tích cực trong xã hội, không nghĩ bậy, nghĩ xấu cho người khác, không nghĩ hại ai cả, không nghĩ tham danh tham lợi, mà làm sao để hơi thở của ta tức là sức sống của ta lan tỏa, đủ sức mạnh để ta truyền năng lượng tích cực tới những người xung quanh.
Cho nên khi ta ra khỏi thiền định thì ta nên thở mạnh. Ngược lại với trong lúc thiền là lúc ta thở nhẹ nhàng, vi tế. Ra khỏi thiền, ta nên có hơi thở mạnh, tích cực, sung mãn để truyền năng lượng tích cực của mình cho những người xung quanh. Ai gặp mình cũng cảm thấy sự tích cực, một thái độ sống lạc quan và cởi mở.

Thưa các bác, đó là hai yếu tố quan trọng của người tu, của đạo Bồ Tát. Bởi khi tu nếu ta chỉ chú trọng vào một mặt thôi, thí dụ chỉ tập trung vào việc thở cho mạnh khỏe không thôi, thì chúng ta đã quên rằng tâm thức của chúng ta cũng cần sâu, cần hòa bình. Tâm thức hòa bình là một tâm thức nhẹ nhàng vô cùng, rất vi tế, không khởi lên tư tưởng muốn chém giết, hận thù hay sân giận ai cả. Tâm thức hòa bình đó chỉ xảy ra khi ta tập luyện hơi thở cho thật vi tế, nhẹ nhàng. Vì hơi thở, tâm thức, và cuộc sống là một. Hơi thở nhẹ nhàng thì tâm thức nhẹ nhàng và cuộc sống cũng nhẹ nhàng. Tâm thức nhẹ nhàng là gì? Là ta không có những tư tưởng gây tổn hại, náo động, dữ dằn.

Do đó, chúng ta một mặt phải tập ngồi tĩnh lặng, bất động; nhưng mặt khác khi đứng lên ra khỏi thiền thì chúng ta phải nhớ mình cần có một sức lực mạnh mẽ, một năng lượng tích cực, lạc quan. Hai điều này cần được kết hợp với nhau.

Thầy xin đóng lại ở đây và trở lại ví dụ ly nước. Khi thân thể của ta bất động và hơi thở bắt đầu nhẹ nhàng rồi, thì chuyện rất quan trọng là sự tập trung trí tưởng của mình. Khi không chú ý thì ta bắt đầu nghĩ lung tung. Thói quen nghĩ ngợi ảnh hưởng tới tâm thức của mình. Ta bắt đầu nghĩ tới chuyện này chuyện kia, vấn đề này vấn đề kia. Những chuyện ta đang nghĩ tới làm xáo động tâm thức ta, khiến ta ngồi không yên, ta muốn đứng lên làm chuyện đó cho xong, cho rồi. Nếu ta không làm được thì cứ ngồi đó nghĩ ngợi lung tung. Hoặc ta có thói quen hay text trên phone, email này nọ; khi ngồi thiền thói quen ấy khiến ta phải nghĩ đến những việc đó, ta cứ rờ rờ vào phone để xem có email, message cho ta hay không v.v... Đó là những cái được gọi là hiện nghiệp hay tập khí bắt đầu nổi lên khiến ta không cách chi ngồi lâu được. Nhưng nếu các bác cứ nhẫn nại, cứ chuyên chú vào hơi thở, cứ chuyên chú vào đan điền hay nhân trung, hay chóp lưỡi, trước ngực của mình, ngay chữ Vạn hay Tâm Oa. Tập trung hơi thở vào những điểm đó, đưa sự chú ý vào đó thì tự nhiên những hiện nghiệp đó từ từ mất đi. Chỉ trong vòng một tuần thôi, các bác sẽ thấy không còn bị quấy rầy nữa, phone không cần đụng tới, những chuyện chưa làm bác cũng sẽ không cần để ý tới nữa. Cái đó phải mất cả tuần, hay hai tuần hoặc cả tháng.
Sau đó hết những cái xáo trộn này rồi nhưng óc ta vẫn còn tán loạn. Óc ta bình thường nếu không được huấn luyện thì nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác, nhất là khi thân thể ta không khỏe thì cái não sẽ nghĩ lung tung. Cái não giống như thân thể, cũng cần được huấn luyện. Cũng như bác cần có một cuốn sách để chuyên chú đọc từ đầu đến cuối, quen rồi, phải có một mục tiêu để lúc nào bác cũng chú ý vào. Hãy coi một em bé đi học, nó phải chú ý học thuộc lòng bài này hay chú ý vào một bài toán từ đầu đến cuối. Em phải tập trung suy nghĩ vào bài toán, không được nghĩ tới chuyện khác. Lúc đó não làm việc rất tốt, thực sự làm việc. Nhưng nhiều khi, đối với những người tu thiền hay trong tôn giáo, ta lại không để ý tới mặt chuyên chú đó. Ta cứ nghĩ niệm Phật là đủ rồi, ngồi thiền sơ sơ như vậy là đủ rồi, ngồi hít thở sơ sơ nhẹ nhàng như vậy là đủ rồi. Không, chúng ta phải phát triển cái năng lượng, tập trung năng lượng vì giống như đối với thân thể, hàng ngày chúng ta đi bộ, tập thể dục thì bắp thịt mới khỏe. Cũng vậy, não bộ của chúng ta cần có sự tập trung thì mới khỏe được. Nếu ta cứ nghĩ lung tung, tán loạn cả thì từ từ não bộ sẽ mất lần khả năng của trí tuệ.

Ở phần này, thầy xin cắt ra để nói thêm một chút. Khi chúng ta không ngồi yên được thì não bộ cần có một cuốn sách gì đó để đọc, có thể là một cuốn sách tâm linh, triết lý hay tinh thần gì đó để đọc, hoặc có chuyện gì để ta làm, ta chú ý vào. Các bác có nhớ không? Người ta thường dạy mình nên có một cái nghề gì để làm, một nghề nho nhỏ thôi, một tiểu công nghệ, thí dụ học cách đóng bàn, đóng ghế, chăm sóc hoa, cách trồng bonsai để làm cho não bộ ta có khả năng tập trung, chuyên chú và nhờ vậy chúng ta có mối liên hệ với những người xung quanh thân mật hơn. Nhưng đây lại là đề tài khác. Đề tài mà chúng ta đang nói tới là làm sao để não bộ được tập trung. Nhiều khi trong cuộc sống chúng ta chỉ muốn được an lạc, nhẹ nhàng. Chúng ta định nghĩa an lạc, nhẹ nhàng là không làm gì cả. Cứ đi vô đi ra, uống ly trà, ngắm cái hoa, không làm gì cả. Thưa các bác, đời sống như vậy không đủ sức lành mạnh cho não. Người ta nói “nhàn cư vi bất thiện”, bởi vì cái an nhàn này không phải là điều tốt. Não bộ của ta không có thử thách, không làm cho trí tuệ phát huy được. Nó cần có sự tập trung, có chủ đề, đối tượng thì cái não của ta mới sáng suốt được. Ở đây chúng ta dùng chữ Não mà không dùng chữ Trí Huệ. Không. Não là một vật thể, như một hardware, phần cứng. Phần cứng này cần có một đối tượng để làm việc.
Khi chúng ta có đối tượng để làm việc, để suy nghĩ rồi, thì việc ngồi thiền chúng ta cũng cần có một đối tượng để chú ý vào thì những những vùng khác của não được thư giãn, từ từ sự chú ý của ta được vi tế hơn. Việc chú trọng vào sự vi tế của tư duy đó người ta gọi là thiền.
Thiền là gì? Là tư duy tu, là tu cái cách sử dụng não bộ của ta. Sự sử dụng óc não này cần được tinh vi, chú ý vào những triết lý rất sâu sắc mà ta không thể nhìn thấy, vì đối tượng của ta ngày càng sâu sắc.
Đây mới chỉ là phần đầu của thiền, phần sơ khởi nhất của thiền định, là sự tập trung. Đầu tiên là thân thể, rồi tới hơi thở, qua tới sự chú ý. Sự chú ý này rất quan trọng. Các bác chú ý vào hơi thở hay chỗ mà hơi thở ngừng lại nơi đan điền. Sự chú ý này khiến tâm ta từ từ lắng xuống. Trái tim không ngừng tạo ra những luồng điện gửi lên não. Bốn tín hiệu từ trái tim bắn lên não thì có một tín hiệu từ não đi xuống tim. Muốn cho tim lắng xuống thì hơi thở phải càng lúc càng nhẹ. Nếu chúng ta có một máy đo tim, tâm điện đồ, sẽ thấy nhịp tim từ từ chậm lại và người càng thư giãn. Sự hài hòa giữa tim và não quan trọng lắm. Hễ ta nghĩ vẩn vơ là nhịp tim sẽ đập lung tung. Muốn cho tim đập nhẹ lại thì não bộ phải chuyên chú. Chuyên chú vào đâu? Vào một điểm nào trên thân thể hoặc một đề tài nào rất vi tế, đề tài mà não không ở trong vùng thượng tầng bên trên tâm trí mà phải cho phép từ trường của trái tim, năng lượng của tim có thể ảnh hưởng tới.

Nhiều người quên rằng khi ngồi thiền là phải làm cho con tim mình hài hòa, con tim mình làm chủ mới được. Nhiều người nghĩ rằng ngồi thiền là chuyên chú, vậy ta cứ chuyên chú mà quên rằng tim ta không được hài hòa. Cho nên người ta có cách để tim được nhẹ nhàng, cởi mở, máu chạy điều hòa trong người, làm cho sóng não đi vô trong một nhịp sóng hài hòa với con tim. Cả con người của ta đi vào trạng thái flow. Flow là trạng thái mà tim, não và thân xác của chúng ta hoàn toàn hòa điệu, hợp nhất.
Đây là yếu tố quan trọng để những cái mà ta gọi bùn trong ly nước lắng đọng. Khi bùn quậy lên một chút tức là ta đang nghĩ vẩn vơ, tim sẽ đập tầm bậy, không hài hòa. Bùn quấy lên là vì thân thể ta động đậy. Bùn lại quấy lên nữa vì hơi thở của ta không điều hòa. Bốn yếu tố này rất quan trọng: não suy nghĩ, tim đập cho đàng hoàng, hơi thở phải nhẹ và thân thể cần bất động. Ba trong yếu tố này ta có thể kiểm soát dễ dàng vì ta có thể thấy nó nhưng con tim khó có thể được điều khiển cho đến lúc nào ta buông ra tất cả tâm tư, tình cảm khó chịu trong lòng. Lúc ấy tự nhiên tim sẽ hài hòa, nhẹ nhàng trở lại. Thí dụ các bác đang ngồi thiền, tự nhiên những hình ảnh trong quá khứ, lúc nói xấu, nói bậy thì tự nhiên tim bác đập loạn xạ liền, hoặc nhiều khi trong lòng ta có chuyện gì buồn, trạng thái tình cảm này làm cho ta ngồi thiền không yên. Cái tâm thái, cảm xúc hay cảm tình lúc đó rất quan trọng, làm cho ta có thể hay không thể lắng tâm xuống.

Vì vậy, trước khi ngồi thiền ta nên chú ý những động thái này. Trước khi ngồi thiền hãy tập tha thứ, tập thương người ta một chút, tập nói những lời lẽ ý tứ, tập viết những email nhẹ nhàng. Chúng ta hãy tập tha thứ kẻ thù của mình, bớt đi những giận dữ trách móc. Nhiều khi chúng ta ghét, tức, hận thù, giận quá nên muốn làm cái gì cho hả giận. Những hành động này chỉ hại trái tim. Những lời nói xẵng, những tư tưởng dữ dằn cần phải được thay đổi, buông bỏ thì con tim mới nhẹ nhàng được, mới chịu lắng nghe chúng ta, bằng không con tim sẽ không chịu lắng nghe theo chúng ta, sẽ đập lung tung và lúc đó chúng ta ngồi một chút là muốn đứng dậy đi chỗ khác.

Thưa các bác, đó là những chuyện rất thông thường giúp chúng ta có thể ngồi được. Khi ra ngoài nói chuyện với người khác, chúng ta nên nhớ nói những lời nhẹ nhàng, nên bày tỏ tình thương và tập làm sao tha thứ được. Không nên lúc nào cũng muốn hả giận, hả tức, trả thù, làm cho người ta khổ
sở, đe dọa người ta, làm người ta đau khổ. Khi những tâm thái đó từ từ thay đổi thì bùn ít quậy lên.
Thưa các bác, cả một tiến trình hàng phục khách trần phiền não thầy vừa trình bày chỉ là khởi đầu của việc tu thiền mà người ta gọi là cửu đề thiền định: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Lên tứ thiền làm cho ta đi vào tâm thức thiền định chưa tới đâu cả, nhưng đó là những bước căn bản, sơ bản. Nếu các bác cho là khó quá thì nên đi học những lớp với các anh em đồng đạo, đồng tu thì dễ tu hơn. Với những anh em, bạn bè xung quanh cùng sức tu với ta, ta sẽ nhờ vào sức mạnh của tập thể, làm cho ta dễ dàng thâm nhập hơn.

Nhưng thiền có khó không các bác? Đây mới là bước đầu thôi, chỉ là bước làm cho khách trần phiền não, bụi bậm lắng xuống thôi. Bản ngã của ta vẫn còn đó, cái bùn vẫn còn đó. Trong phần sau, thầy xin trình bày với các bác cách lấy bùn ra. Phần sau này mới là phần chân chính tu hành, là phần Đặc Tính của Tam Ma Địa. Bây giờ chỉ mới là phần lắng bùn mà thôi.
Xin cám ơn các bác đã lắng nghe.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT