Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Thế giới huyền ảo của những vũ công ba lê làm việc cật lực

Friday, 14/02/2020 - 09:16:59

Bài này dài 16 phút. Có nhiều bài múa ba lê cũng dài 16 phút. Ở đây chúng tôi chỉ có 6 người múa. Thông thường chúng tôi có 20 người để biểu diễn một bài dài như thế. Do đó đây là một thử thách lớn cho các vũ công.

Carla Korbes

Bài ANVI HOÀNG

Đi qua một hành lang ngắn, hai bên tường treo đầy hình ảnh múa ba lê và các poster đầy thông tin về múa ba lê đủ loại, tôi len lỏi qua các cặp chân của các sinh viên múa ba lê đang ngồi bệt trên thảm thư giãn hoặc chuẩn bị vào phòng tập. Bên phải là 3 phòng tập nối tiếp nhau, bên trong đèn sáng choá. Cuối hành lang phía bên trái là văn phòng của cô Trưởng Khoa, Khoa Ba Lê, nơi tôi gặp hai biên đạo múa của chương trình Ám Ảnh Phở.


Carla Korbes

Công việc của hai cô biên đạo múa trẻ đẹp, tuổi trên dưới 30, Carla Kưrbes và Sarah Wroth thật bận rộn. Cả hai đều là giáo sư chuyên ngành múa ba lê của Khoa Múa Ba Lê tại Trường Nhạc Jacobs thuộc Đại Học Indiana University, và Sarah Wroth hiện giữ chức Trưởng Khoa. Carla Kưrbes có một sự nghiệp sáng láng, múa solo với đoàn New York City Ballet và sau đó trở thành vũ công ba lê chính (principle dancer), là một thành tựu cao nhất trong sự nghiệp múa ba lê của một vũ công chuyên nghiệp, cho đoàn Pacific Northwest Ballet. Hiện cô vẫn tiếp tục tham gia múa mỗi năm trong đại hội Vail Dance Festival diễn ra tại Colorado vào mùa hè, nơi quy tụ các đoàn múa và vũ công ba lê tiếng tăm trên toàn thế giới. Và Sarah Wroth từng múa cho Boston Baller và múa solo trong các vở ba lê của Sir Frederick Ashton, George Balanchine, và August Bournonville. Cô được nhiều người biết đến với nỗi đam mê giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.
Sự hợp tác giữa hai cô với hội VASCAM trong chương trình Ám Ảnh Phở là một sự sắp đặt đầy may mắn. Là vì GS TS P.Q. Phan và hai cô dạy cùng trường. Đề nghị hợp tác để thực hiện chương trình VASCAM năm 2020 tại miền Nam California được hai cô hưởng ứng ngay. Với đầu óc cởi mở và tinh thần cầu tiến cao, không những hai cô đồng ý trước khi nghe nhạc, mà sau khi nghe qua nhạc không yêu cầu chỉnh sửa âm nhạc chút nào. Đây là bước khởi đầu thuận lợi và đầy hứa hẹn cho tất cả các bên.
Chương trình tập luyện của các vũ công cho buổi nhạc Ám Ảnh Phở đã bắt đầu từ trước tháng 12. Vì lịch làm việc của họ chật cứng, phải hẹn nhiều lần tôi mới có thể đến xem họ tập dợt vào tháng 12. Và cũng phải hẹn nhiều lần mới có được cuộc phỏng vấn với hai biên đạo múa này vào giữa tháng 1.
Trong căn phòng nhỏ, chật, không cửa sổ, kích thước 2.5mx3.5m—vâng, văn phòng của Trưởng Khoa Sarah Wroth nhỏ như thế, chỉ vừa đủ sắp một cái bàn, một cái tủ sắt, và hai cái ghế. Sarah ngồi một ghế, tôi một ghế, và Carla đứng ngồi dựa cái tủ sắt. Vị trí văn phòng thuận tiện gần phòng tập và tôi không biết cô Sarah có muốn đổi qua một văn phòng khác không, hoặc trường có sắp xếp để cô có một văn phòng rộng rãi hơn không. Với tình hình hiện tại cô cũng không than phiền gì.
Vì bên ngoài hơi ồn, chúng tôi đóng cửa và bắt đầu buổi nói chuyện. Mới được 7-8 phút, điện thoại cô Sarah vừa chớp lia lịa vừa bật lên tiếng leng keng vì tin nhắn. Đến khoảng phút thứ 10, cô phải chạy ra khỏi phòng để lo một việc khẩn cấp cho sinh viên. 5 phút sau cô quay lại phòng. Cô chạy ra chạy vào 2-3 lần như thế. Và 30 phút sau chúng tôi kết thúc buổi phỏng vấn mà có lẽ đã kéo dài hơn là hai cô mong đợi, vì nhiều việc đang đợi hai cô.
Sau đây là bài dịch tóm gọn một số điều biên đạo múa Carla Kưrbes và Sarah Wroth chia sẻ về quá trình sáng tạo của mình cho chương trình Ám Ảnh Phở.

Anvi Hoàng: Tại sao hai cô chọn tham gia vào dự án múa ba lê dùng nhạc mới như thế này?
Carla Kưrbes: Bởi vì khi âm nhạc đầy thách thức như thế này nó làm chúng tôi rất tò mò.
Sarah Wroth: Phải nói là cả hai chúng tôi đang ở trong giai đoạn đi tìm những thách thức về nghệ thuật, về biên đạo múa, như một cách diễn đạt mới cho cơ thể của mình trong phạm vi ngôn ngữ múa. Những tác phẩm âm nhạc mới, sáng tạo mới như thế này sẽ là thách thức để chúng tôi bước ra khỏi ngôn ngữ ba lê quen thuộc.

Ấn tượng ban đầu của hai cô khi nghe nhạc là gì?
CK: Tôi cảm thấy sợ hãi… (cả 3 cười lớn). Bởi vì đây không phải là nhạc mà chúng tôi quen thuộc, rất khó hình dung ra chuyển động sẽ ra sao. Ít nhất là ban đầu tôi cảm thấy như thế. Tôi pải nghe nhiều lần mới hình dung ra câu chuyện mà tôi tìm kiếm.

Quá trình sáng tạo ra các điệu múa diễn ra như thế nào?
CK: Cứ nghe, và nghe, và nghe nhạc. Nghe đến khi mình cảm nhận được hướng đi và rồi để trí tưởng tượng của mình làm việc.
SW: Chúng tôi may mắn là có đoàn 6 vũ công đều rất giỏi. Họ có khả năng tiếp nhận một điều đơn giản và biến nó thành đẹp mắt. Do đó tôi và Carla có thể bảo họ: giơ bàn tay lên và ngắm chúng, và chỉ như thế thôi đã tạo được một khoảnh khắc đẹp. Vì thế mà chúng tôi không cần phải bày vẽ quá mức cho điệu múa.
CK: Họ không ngại nhạc mới, họ không ngại cử động mới.
SW: Họ ở trong môi trường đại học nơi họ có thể cởi mở đón nhận tất cả những gì mới. Và sự sáng tạo của chúng tôi là không có giới hạn.

Múa ba lê hiện đại là như thế nào?
SW: Chúng tôi dùng ngôn ngữ múa ba lê cổ điển, rồi kéo dãn nó ra, thêm thắt vào, ví dụ chúng tôi sẽ dùng ngôn ngữ múa câm để giao tiếp. Ba lê hiện đại giống như là thay đổi các con chữ trong ngôn ngữ múa, nhưng vẫn giữ kỹ thuật múa ba lê cổ điển.

Bao nhiêu phần trong các điệu múa là ba lê cổ điển và bao nhiêu là ngôn ngữ mới?
SW: Chúng tôi dùng phần nhiều là ba lê cổ điển. Nhưng sẽ cộng thêm những cảm giác khác hơn để làm thay đổi sự chuyển tiếp từ cử động này qua cử động khác hoặc làm thay đổi cách cảm nhận những bước ba lê cổ điển.
CK: Ví dụ trong bài Thảm Cảnh Tại Rạp Hát (Tragedy at the Opera), người múa solo là hoàn toàn múa ba lê cổ điển, nhưng tất cả những người khác sẽ múa ba lê hiện đại hơn. Chúng tôi không dùng cấu trúc lỏng lẻo, hoặc bỏ cấu trúc. Tất cả các điệu múa của chúng tôi đều mang cấu trúc ba lê.

Khán giả chưa từng xem ba lê, không biết múa ba lê cổ điển và hiện đại là gì, họ có thể trông đợi điều gì từ các màn múa?
SW: Những điệu múa đẹp mắt. Họ sẽ nghe những diễn giải của chúng tôi về bài nhạc, và hy vọng rằng những gì họ mắt họ thấy sẽ là định hướng cho họ biết họ đang nghe cái gì.

Liệu trong chương trình sẽ có những cử động đẹp và đáng nhớ?
Cả hai: Hy vọng là thế! (Cả ba cười lớn).
CK: Bạn biết không, đôi khi trong lúc xem múa, bạn chợt có ý nghĩ, ồ trước đâymình không nghe thấy điều này trong bài nhạc. Nó giống như một sự hướng dẫn trong lúc nghe nhạc. Rất thú vị như thế.

Chuyên ngành của hai cô là ba lê cổ điển. Âm nhạc của Ám Ảnh Phở phần lớn là kể những câu chuyện Việtnam và mang thẩm mỹ và âm hưởng Việtnam. Có gì gay cấn hoặc rắc rối khi dùng múa ba lê phương Tây để diễn giải nhạc phương Đông?
CK: Ngay từ ban đầu P.Q. Phan đã cho chúng tôi tự do sáng tạo, không nhất thiết phải tìm hiểu xem người Việtnam múa ra sao, không phải sáng tạo những điệu múa theo đúng văn hóa Việtnam. Chúng tôi tự do dùng từ vựng múa của mình mà không phải lo sợ gì cả.

Các cô tuyển chọn vũ công như thế nào?
SW: Chúng tôi chọn những người có thể dùng tư thế hình thể để kể chuyện. CK: Chúng tôi muốn những người có thể kể chuyện. Kỹ thuật múa ba lê rất khó, nhưng phần biểu đạt cảm xúc còn khó hơn. Chúng tôi cần những vũ công có khả năng diễn đạt cảm xúc và không ngại thể hiện nó.

Hai cô có thể giải thích biểu hiện cảm xúc trong múa là như thế nào?
CK: Vì ba lê đòi hỏi nhiều kỹ thuật, nhiều người tập trung vào kỹ thuật mà bỏ quên phần cảm xúc. Cho nên chúng tôi luôn phải nhắc nhở vấn đề phải làm sao cho khán giả nhận được cảm xúc. Cuối cùng lại, điều quan trọng ngoài hình thể tuyệt hảo của cơ thể, của cái đưa chân cong vòm, bạn phải có cảm xúc với âm nhạc và có kết nối tình cảm với câu chuyện. Dạy điều này rất khó, vì nó phải xuất phát từ trái tim.
SW: Biểu hiện bên ngoài phải thành thật và đến từ bên trong. Nhiều khi vũ công ra sân khấu trong tâm trạng đau buồn nhưng phải tạo được nét mặt phù hợp với nhạc. Cần phải có sự luyện tập nhất định để làm được điều này. Ví dụ chúng tôi tập: Khuôn mặt cho chương 2 Bản Giao Hưởng Cung C là như thế nào? Khuôn mặt cho chương 3 Bản Giao Hưởng Cung C là như thế nào. (Cả 3 người cười).

Theo hai cô, đâu là những thách thức, hoặc điều đáng để ý, hoặc thú vị về mỗi bài nhạc?
SW: “six threads of silver moon silk from you to eternity”: Chúng tôi cùng sáng tạo điệu múa này. Chúng tôi sẽ dùng hai dải lụa màu đỏ và trắng hoặc trắng và xanh biển để diễn giải.

CK: Thảm Cảnh Tại Rạp Hát (Tragedy at the Opera) có những đoạn nhạc chậm. Sáng tạo động tác cho nhạc chậm là thách thức đối với tôi. Có những lúc nhạc ngân vang dài và trong đầu tôi nghĩ đến những vòng quay trên không. Tuy nhiên tôi phải nghĩ đến vấn đề là không phải lúc nào cũng phải theo nhạc hoặc theo nhịp điệu của nhạc mà tôi phải để mình được phép tạo ra những chuyển động chậm để diễn tả nhạc.

SW: Trò Chơi Trẻ Con (Childrens Game) đi nhanh lúc đầu và về sau trở nên êm ả. Tôi đang nghĩ đến những động tác miêu tả nhiều nhạc cụ khác nhau chơi những điệu nhạc khác nhau lúc ban đầu và rồi cuối cùng hoà hợp lại.

CK: NhữngĐam Mê Bất Ngờ (Unexpected Desires) rất thú vị, nó có nhiều nốt nhạc sắc mạnh mình có thể dùng làm chuẩn và tôi thích như thế. Đối với vũ công lại là thách thức vì nó dài 9 phút, là rất dài để 2 người múa. Do đó phải đi chậm vào lúc đầu. Vả lại, phải để người nam có chỗ nghỉ chứ không thể bế người nữ lên cao liên tục 9 phút. Do đó phải suy nghĩ nhiều về chuyện này. Các vũ công nam thường rất khoẻ và họ có thể thực hiện các động tác bế người ở mức thấp, trung bình và đưa lên cao. Nhưng bế lên cao 9 phút liên tục thì không thể. (Cười).

SW: Tiếng Khóc Trong Đêm (A Cry in the Night): là bài múa solo. Tôi tạo ra một chuyển động cho bản thân tiếng khóc và cô vũ công sẽ dùng nó xuyên suốt màn múa. Câu chuyện ở đây rất cảm động. Bạn nghe một âm thanh mà bạn không thể quên. Khi bắt đầu, tất cả các vũ công đều ở trên sân khấu nhưng ở phía sau. Như trong một giấc mơ, họ đều nằm, và bắt đầu thức dậy và nhúch nhích. Rồi tiếng khóc vang lên và người solo bước ra phía trước và múa cho đến cuối bài. Cô vũ công kết thúc và chồm người qua đám người đang nằm như thể một ám ảnh trong giấc mơ của họ.

SW: Lên Đồng (Raising Shadows): tôi dùng ý tưởng tìm một bộ phận của cơ thể và dùng nó để kể câu chuyện. Sẽ có 6 người trên sân khấu và họ sẽ thể hiện ý tưởng phân tích cơ thể con người và từ từ dẫn đến nhiều chuyển động cơ thể rất khác nhau. Trong trường hợp bài nhạc này tôi cho họ dùng bàn tay phải như biểu tượng một cái tay/chân bị mất hoặc một người đã mất.
CK: Bài này dài 16 phút. Có nhiều bài múa ba lê cũng dài 16 phút. Ở đây chúng tôi chỉ có 6 người múa. Thông thường chúng tôi có 20 người để biểu diễn một bài dài như thế. Do đó đây là một thử thách lớn cho các vũ công.
[Ghi chú: Bài Lên Đồng dựa vào kinh nghiệm của tác giả P.Q. Phan lúc nhỏ đi xem đồng bóng. Ông chứng kiến thân chủ đem đến một bộ phận cơ thể họ tìm được của người thân bị mất tích và nhờ cô/cậu đồng nhập hồn để tìm xác.]

Cô có thể cho biết chế độ luyện tập và ăn uống của vũ công ra sao?
CK: Mọi người có thể không biết là các vũ công phải tập luyện nhiều giờ như thế nào. Họ đến phòng tập lúc 10g sáng và về nhà lúc 6g chiều. Cả ngày tập luyện như thế. Đôi khi phải đến làm việc buổi tối nếu cần chụp hình, làm việc đến 10g khuya. Họ là những vận động viên và phải được đối đãi như thế. Nhiều người không biết hoặc không hiểu điều này. Họ thường xuyên phải đi therapy, ăn uống theo chế độ. Một cuộc sống nhiều kỷ luật. Để có thể thực hiện hoàn hảo một cử động như đưa chân, để tạo được hình dáng vòm của bàn chân như thế mất nhiều công sức. Họ phải tập mỗi ngày nhiều giờ động tác này mà nhiều người vẫn gặp khó khăn mỗi lần làm nó.
SW: Hoặc nhiều người không biết rằng vũ công cũng phải cẩn thận khi dang nắng. Để da cháy nắng thành nhiều màu thì đôi khi mặc trang phục để lộ phần da cháy nắng sẽ có vấn đề đấy.

Buổi phỏng vấn kết thúc, tôi nhớ được vài điều cốt lõi, để trả lời cho câu hỏi:
Tại sao chúng ta phải đi xem múa ba lê? Câu trả lời đơn giản là: bởi vì nó đẹp mắt. Cái đẹp sẽ là cái đọng lại trong tâm trí chúng ta.

Mời quý vị mua vé xem chương trình Ám Ảnh Phở tại báo Viễn Đông.
Obsessed Pho More. Ám Ảnh Phở
8 March 4PM
Musco Center for the Arts
415 North Glassell Street · Orange CA 92866

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT