Thế Giới

Tây Ban Nha dọa tước quyền tự trị của Catalonia

Saturday, 14/10/2017 - 07:44:46

Tuy nhiên, chính quyền của ông Puigdemont không thể giành được đa số phiếu trong quốc hội khu vực nếu không có sự ủng hộ của CUP. Đại diện của CUP hôm thứ Bảy cũng đã kêu gọi lãnh đạo Catalonia tuyên bố độc lập rõ ràng.



MADRID - Tây Ban Nha sẽ kiểm soát Catalonia nếu lãnh đạo khu vực không trả lời rõ ràng họ đã tuyên bố độc lập hay chưa. Lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont ngày 10 tháng 10 ký tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, nhưng hoãn thi hành nhằm đối thoại với Madrid. Chính phủ Tây Ban Nha cho ông Puigdemont thời hạn đến ngày 16 tháng 10, để xác nhận rõ họ đã tuyên bố độc lập hay chưa.
"Câu trả lời phải không mơ hồ. Ông ấy phải nói 'có' hay 'không'", Bộ Trưởng Nội Vụ Tây Ban Nha Juan Ignacio Zoido ngày thứ Bảy nói. "Nếu ông ấy trả lời một cách mơ hồ, điều đó có nghĩa là ông ấy không muốn đối thoại và chính phủ Tây Ban Nha sẽ phải hành động,” bộ trưởng nói thêm. Theo Điều 155 Hiến Pháp Tây Ban Nha, chính quyền trung ương có thể kiểm soát chính quyền các vùng tự trị, nếu cho rằng những vùng này có hành động vi hiến hoặc ảnh hưởng đến lợi ích chung. Điều khoản này chưa từng được sử dụng trước đây.
Ông Puigdemont đang tham vấn với các đảng địa phương để chuẩn bị câu trả lời. Ông đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu nói rằng ông đã tuyên bố độc lập, chính quyền trung ương sẽ can thiệp. Nếu nói rằng chưa tuyên bố độc lập, Puigdemont sẽ làm phật lòng các đồng minh, trong đó có đảng cực tả CUP. Đảng CUP chỉ có 10 ghế trong quốc hội Catalonia, trên tổng số 135 ghế. Tuy nhiên, chính quyền của ông Puigdemont không thể giành được đa số phiếu trong quốc hội khu vực nếu không có sự ủng hộ của CUP. Đại diện của CUP hôm thứ Bảy cũng đã kêu gọi lãnh đạo Catalonia tuyên bố độc lập rõ ràng.

Bắc Hàn hăm Úc sẽ gặp họa vì theo Mỹ
BINH NHƯỠNG – Chính phủ Bắc Hàn hôm thứ Bảy đã chỉ trích Úc vì những hành động “nguy hiểm” của nước này khi vào hùa với Hoa Kỳ để chống lại Bình Nhưỡng, đồng thời đe dọa “kết cục thảm họa” đối với Canberra. “Gần đây, Úc đang cho thấy những hành động nguy hiểm khi liên tục ủng hộ sự khiêu khích quân sự và chính trị của Hoa Kỳ chống lại Bắc Hàn,” hãng truyền thông nhà nước Bắc Hàn KCNA hôm thứ Bảy nói. “Đích thân Ngoại trưởng Úc đã tuyên bố ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ, trong đó cân nhắc tất cả các biện pháp, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực đối với Bắc Hàn. Nếu Úc tiếp tục đi theo Hoa Kỳ để gây sức ép về ngoại giao, kinh tế, quân sự với Bắc Hàn, bất chấp những lời cảnh báo liên tục của chúng tôi, họ sẽ không tránh khỏi kết cục thảm họa.
Bình luận của KCNA nhắc tới chuyến thăm của Ngoại Trưởng Julie Bishop và Bộ Trưởng Quốc Phòng Marise Payne tới làng đình chiến Panmunjom ở khu phi quân sự liên Triều (DMZ) ngăn cách biên giới Nam Hàn – Bắc Hàn, hôm 12 tháng 10. Chuyến thăm diễn ra một ngày trước cuộc họp của hai viên chức cấp cao Úc với những người đồng cấp Nam Hàn tại thủ đô Seoul. Trong chuyến thăm này, Ngoại Trưởng và Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc đã khẳng định sự cần thiết của việc “tăng cường áp lực ngoại giao tối đa” để kềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, trong thông báo chung sau cuộc họp, các viên chức Úc và Nam Hàn cũng cho biết hai bên đang thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” đối với Bắc Hàn để buộc nước này tuân thủ các quy định quốc tế.

Bắc Hàn điều động hỏa tiễn bị phát hiện
SEOUL – Nguồn tin của chính phủ Nam Hàn cho biết, Bắc Hàn có thể đang chuẩn bị phóng hỏa tiễn, trước cuộc tập trận chung lớn của Hải quân Hoa Kỳ và Nam Hàn. Các vệ tinh giám sát của Hoa Kỳ đã phát hiện hỏa tiễn của Bắc Hàn được vận chuyển tới nhiều địa điểm tại miền Bắc của Bắc Hàn. Viên chức tình báo Mỹ - Hàn tin rằng đây là dấu hiệu của một vụ phóng hỏa tiễn mới đang được chuẩn bị.
"Đó có thể là một vụ phóng đồng thời hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa và hỏa tiễn tầm trung,” nguồn tin từ chính phủ Nam Hàn cho biết hôm thứ Sáu. Hình ảnh vệ tinh cho thấy, nhiều hỏa tiễn được đưa tới các vị trí gần thủ đô Bình Nhưỡng và tỉnh Bắc Pyongan. Các chuyên gia cho rằng đây có thể là các hỏa tiễn Hwasong-14 và Hwasong-12. Các nguồn tin cho biết, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn, nhằm đáp trả việc Hoa Kỳ đưa chiến hạm và tàu ngầm hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên để tham gia tập trận từ ngày 16 đến 20 tháng 10.
Đầu tuần này, Hoa Kỳ cũng đã điều 2 máy bay ném bom siêu thanh hạng nặng đến bán đảo Triều Tiên, để tham gia các cuộc tập trận chung ban đêm đầu tiên với Nhật Bản và Nam Hàn. Việc Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp tục đe dọa hành động quân sự, nếu không kiểm soát được tham vọng vũ khí của Bình Nhưỡng đã làm dấy lên lo ngại về xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

Nga: IS chỉ kiểm soát 8% lãnh thổ Syria
MOSCOW - Quân đội Nga ngày thứ Sáu cho biết, lực lượng chính phủ Syria dưới sự yểm trợ của máy bay chiến đấu Nga đã giành lại phần lớn lãnh thổ Syria và hiện chỉ còn chưa đầy 8% diện tích quốc gia Trung Đông này đang nằm trong tay Nhà Nước Hồi Giáo. Theo người đứng đầu Trung tâm Chỉ huy trung ương, thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Nga Sergei Rudskoi, phần lãnh thổ Syria bị ISIS chiếm đóng đã giảm 5,841 cây số vuông trong tháng qua, và 142 khu dân cư đã được giải thoát.
Ông Rudskoi cũng cho biết, quân đội Syria đang đạt được nhiều tiến triển ở miền đông nước này và đã đẩy lui nhiều đợt tấn công của hàng ngàn tay súng ISIS. Tại miền Trung Syria, quân đội chính phủ đã tiêu diệt hoàn toàn các đơn vị ISIS xung quanh thành phố Akerbat. Chính phủ Syria và Không quân Nga sẽ tiếp tục các chiến dịch chống ISIS và các nhóm khủng bố khác cho đến khi chiến thắng hoàn toàn.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày thứ Bảy, giới truyền thông đưa tin thành phố Raqqa ở miền Bắc Syria đã không còn ISIS. Chỉ còn một số ít tay súng ISIS còn lại trong thành phố cũng đang bị Lực Lượng Dân Chủ Syria (SDF) được Hoa Kỳ hậu thuẫn bao vây. Theo liên minh chống khủng bố do Hoa Kỳ dẫn đầu tại Syria, việc quét sạch ISIS khỏi thành phố từng được tổ chức khủng bố này coi là "thủ đô" năm 2014 chỉ còn là vấn đề thời gian. SDF, liên minh gồm người Kurd, Arab, và Assyrian do Các đơn vị dân quân người Kurd (YPG) và Hoa Kỳ đứng đầu, bắt đầu cuộc tấn công tại Raqqa từ tháng 6.

Máy bay chở hàng cho quân đội Pháp bị rớt
ABIDJIAN - 4 người đã thiệt mạng khi máy bay chở hàng rơi ở vùng biển gần sân bay của thành phố Abidjan ở Bờ Biển Ngà. “Sáng thứ Bảy, một máy bay Antonov chở 10 người đã bị rơi,” ông Sidiki Diakite, Bộ Trưởng An Ninh của Bờ Biển Ngà (quốc gia ở Tây Phi) cho biết. Bốn công dân Moldova, quốc gia ở Đông Âu, thiệt mạng, bốn công dân Pháp và hai người Moldova bị thương.
Máy bay rơi xuống vùng biển gần sân bay của thành phố Abidjan, Bờ Biển Ngà. Quân đội Pháp vận hành một căn cứ hậu cần bên cạnh sân bay, để hỗ trợ chiến dịch Barkhane của họ, chống lại các chiến binh Hồi giáo ở khu vực Sahel của Tây Phi. "Đây là máy bay do quân đội Pháp thuê trong khuôn khổ chiến dịch Barkhane, nhằm thực hiện các nhiệm vụ hậu cần,” phát ngôn viên quân đội Pháp Patrick Straigger cho biết. Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến máy bay rơi. Các nhân chứng biết tai nạn xảy ra khi trời đang có bão.
Đây không phải là lần đầu tiên tai nạn hàng không xảy ra sau khi một chiếc máy bay cất cánh từ thành phố Abidjan. Năm 2000, 169 người thiệt mạng sau khi máy bay của hãng hàng không Kenya Airway đâm xuống biển. Chiếc máy bay gặp nạn không lâu sau khi khởi hành từ sân bay quốc tế Houphouet-Boigny, thành phố Abidjan.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT