Đạo và Đời

TÂM THIỀN

Wednesday, 14/10/2015 - 07:25:22

Trạng thái tâm mà ta cần phát triển trong thiền đã được đức Phật mô tả rõ ràng. Hai đặc tính quan trọng đó là chánh niệm và các căn tĩnh lặng. Sự chánh niệm nội tâm đôi khi được hoán đổi với chánh niệm ở bên ngoài vì trong một số trường hợp đó là một phần quan trọng trong việc thực hành. Ta không thể chối bỏ việc thế giới quanh ta tác động đến ta như thế nào.

Ni Sư Ayya Khema
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

Người ta thường ngạc nhiên khi khám phá ra rằng thiền rất khó hành. Nhìn bề ngoài nó có vẻ là việc đơn giản, chỉ ngồi xuống chiếc gối nhỏ và theo dõi hơi thở. Vậy thì có gì là khó đâu? Cái khó nằm trong việc người ta không toàn tâm toàn trí chuẩn bị cho nó. Tâm ta, các giác quan, các cảm thọ chỉ quen ở nơi thị tứ, trong thế giới ta đang sống. Nhưng thiền không thể hành ở nơi thị tứ. Không thể nào. Không có gì để mua, để bán hay trao đổi, dàn xếp trong thiền, nhưng thái độ của phần đông thiền sinh giữ nguyên như cũ và vậy là không thành công rồi.

Chúng ta cần kiên nhẫn với bản thân. Cần có thời gian trước khi chúng ta có thể biến thiền thành một trạng thái tâm, có mặt trong mọi lúc vì chuyện thời gian không còn quan trọng nữa. Thị tứ không chỉ dành cho buôn bán. Nó bao gồm tất cả mọi thứ có thể được làm trên đời này: tất cả mọi liên kết, tư tưởng, hy vọng, ký ức, tất cả mọi phản kháng, chống đối, tất cả mọi phản ứng của chúng ta.

Trong thiền có thể có những giây phút thoáng chốc mà ta thấy định dường như trong tầm tay, nhưng không thể với tới. Nó luôn vượt thoát và tâm lại trở về ngay nơi nó xuất phát. Để thay đổi điều đó, ta phải quyết tâm biến cuộc sống của mình thành cuộc sống thiền; điều đó không có nghĩa là ta phải hành thiền từ sáng đến tối. Tôi chắc rằng không ai có thể làm thế. Và nó cũng không có nghĩa là ta không thể hoàn thành các bổn phận, các trách nhiệm của mình, vì chúng cũng quan trọng và cần thiết cho ta. Nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta phải quan sát bản thân thật kỹ càng trong mọi hành động hay phản ứng để chắc chắn rằng mọi thứ đều diễn ra trong ánh sáng của Pháp –ánh sáng của chân lý. Điều này ứng dụng vào những thứ nhỏ nhặt nhất như là thực phẩm ta dùng, những gì ta lắng nghe hay nói tới. Chỉ như thế thì tâm mới có thể ở trong tư thế sẵn sàng với chất lượng của thiền khi ngồi xuống gối. Có nghĩa là dầu chúng ta đang trong trạng thái nào, ta cũng soi rọi vào bên trong. Không có nghĩa là ta không thể tiếp xúc, chuyện trò với ai, nhưng ta phải xem xét mình đang nói điều gì.

Đó không phải là điều dễ làm vì tâm thường quên lãng. Nhưng ta phải nhận ra được sự chểnh mảng đó. Nếu không thì ta đang đi lệch ra khỏi chánh niệm và sự quan sát nội tâm, ta chưa đặt chân được đến con đường thiền. Nếu tâm có được tánh Pháp ở bên trong, thì việc hành thiền mới mong có kết quả.

Càng biết Pháp, ta càng có thể gìn giữ xem mình có thể tuân theo các quy luật không.Nếu ta có thất bại thì không có sự khiển trách hay hình phạt nào đi kèm. Tuy nhiên, ít ra ta cũng phải biết các quy tắc và biết mình đã phạm sai lầm ở chỗ nào. Sau đó ta sẽ tu tập để tiến đến gần hơn với thực tại tuyệt đối, cho đến một ngày chúng ta thực sựlàPháp.

Có sự khác biệt giữa kẻ biết và người thực hành. Kẻ biết có thể hiểu ngữ văn và lý thuyết nhưng người thực hành biết được một điều, đó là trở thành chân lý. Ngôn ngữ là những phương tiện tiện ích không chỉ cho việc trao đổi, giao tiếp, mà còn để củng cố tư tưởng. Đó là lý do tại sao ngôn từ không bao giờ hiển lộ chân lý, chỉ có sự trải nghiệm cá nhân mới có thể. Chúng ta đạt được kinh nghiệm qua việc nhận thức được điều gì đang xảy ra bên trong ta và tại sao nó lại như thế. Điều này có nghĩa là ta tổng hợp cái ta quan sát với sự tìm hiểu tại sao ta nghĩ tưởng, nói năng hay hành động như ta đang làm. Trừ khi chúng ta sử dụng tâm theo cách này, bằng không việc hành thiền của ta chỉ là chuyện làm lúc có, lúc không và sẽ vẫn luôn khó khăn, trở ngại. Khi việc hành thiền không mang lại niềm vui, đa số sẵn lòng bỏ nó sang một bên.

Không có tâm thiền và sự trải nghiệm, Pháp không thể phát khởi trong lòng ta, vì Pháp không nằm trong ngôn từ. Đức Phật có khả năng diễn đạt bằng ngôn từ những kinh nghiệm diễn ra bên trong Ngài vì lợi ích của chúng ta, để ban cho chúng ta những lời hướng dẫn. Có nghĩa là Phật chỉ cho ta phương hướng nhưng ta phải tự mình bước đi.

Để có được tâm thiền, ta cần phát triển một số đức tính nội tại quan trọng. Chúng ta đã có sẵn những hạt giống đó ở bên trong, nếu không, ta không thể vun trồng chúng.Ví như nếu muốn hoa mọc trong vườn, mà ta không có hạt giống, thì dù ta có tưới bao nhiêu nước, bón bao nhiêu phân, cũng không có hoa mọc lên. Việc tưới tẩm và bón phân cho tâm được làm trong lúc hành thiền. Việc nhổ cỏ phải làm trong sinh hoạt hằng ngày. Trong bất cứ khu vườn nào, cỏ dường như luôn mọc nhanh hơn hoa. Để bứng tận gốc rễ cỏ, ta cần rất nhiều công sức, nhưng cắt ngắn cỏ thì không khó lắm. Khi cỏ bị cắt đi, cắt lại, dần dần chúng sẽ trở nên mềm yếu và lúc đó việc bứng rễ chúng sẽ dễ dàng hơn. Khi cắt và bứng rễ cỏ, ta cần soi rọi lại bản thân cho kỹ, để biết đâu là cỏ, đâu là hoa. Chúng ta cần phải cẩn trọng, vì ta không muốn bứng nhầm hoa mà để lại toàn cỏ dại. Một khu vườn có quá nhiều cỏ dại không phải là thứ đáng ngắm nhìn chút nào.

Tâm trí con người thường chứa đựng cả hoa và cỏ. Ta sinh ra mang theo mình ba gốc rễ độc hại: tham, sân, si, và ba gốc rễ thiện: độ lượng, từ bi và trí tuệ. Vậy thì không có lý lắm sao khi ta phải diệt trừ ba loại rễ độc là nguyên nhân của tất cả mọi vấn đề, mọi trải nghiệm và mọi hành động bất thiện của ta?
Nếu muốn diệt trừ ba loại rễ độc này, ta phải quán sát xem chúng mọc ra gì. Chúng là gốc ẩn dưới lòng đất, nhưng chắc chắn là chúng cũng đâm chồi lên khỏi mặt đất. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó ngay nơi ta. Thí dụ, do si mê, ta biểu lộ ra ngoài tánh tham, sân. Có nhiều mức độ của tham, sân, nhưng vi tế nhất và thường gặp nhất là các phản ứng: “Tôi thích,” “Tôi muốn,” “Tôi không thích,” và “Tôi không muốn”.

Phần đông nghĩ những phản ứng như thế là hoàn toàn bình thường, tuy nhiên đó chính là tham và sân. Các gốc rễ độc hại đã nẩy mầm dưới nhiều hình thức đến nỗi ta có đủ loại cỏ dại mọc lên. Nếu quan sát một khu vườn có lẽ ta sẽ thấy ba mươi hay bốn mươi loại cỏ. Chúng ta cũng có thể có bấy nhiêu hay nhiều hơn thế nữa các tư tưởng hay xúc cảm bất thiện. Chúng có những hiện tướng và uy lực khác nhau nhưng tất cả đều từ cùng các gốc rễ độc hại sinh ra. Vì chưa bứng tận được các gốc rễ này, chúng ta phải giải quyết những gì hiện lên trên bề mặt. Khi ta vun trồng được các gốc rễ thiện lành, chúng sẽ mạnh mẽ, cứng cáp nên cỏ không còn có đủ dưỡng chất để mọc thỏa thích. Ngược lại, nếu ta để cỏ mọc đầy vườn, là ta đã tước đi dưỡng chất của các loài hoa, thay vì vun trồng chúng nhiều thêm. Chính sự tu tập, tiến bộ trong đời sống hằng ngày, giúp ta có thể thiền định như là một trạng thái tự nhiên do tâm sinh.
Ở thời điểm khi ta cố gắng để chuyển từ tâm bình thường sang tâm thiền, là điều khó thực hiện nếu ta thực hành chưa được bao lâu. Chúng ta chỉ có một tâm duy nhất và ta mang nó theo trong mọi hoạt động cũng như khi hành thiền. Nếu ta mơ hồ biết rằng thiền có thể mang đến cho ta bình an, hạnh phúc, thì ta cần chắc chắn một điều là ta mang theo tâm thiền khi ngồi xuống chiếu thiền. Thay đổi tâm lăng xăng, bận rộn sang bình yên, lắng đọng lúc đó quả là quá khó.

Trạng thái tâm mà ta cần phát triển trong thiền đã được đức Phật mô tả rõ ràng. Hai đặc tính quan trọng đó là chánh niệm và các căn tĩnh lặng. Sự chánh niệm nội tâm đôi khi được hoán đổi với chánh niệm ở bên ngoài vì trong một số trường hợp đó là một phần quan trọng trong việc thực hành. Ta không thể chối bỏ việc thế giới quanh ta tác động đến ta như thế nào.

Chánh niệm bên ngoài có nghĩa là nhìn đối tượng, thí dụ cái cây, trong cái nhìn hoàn toàn mới mẻ. Không phải với những ý nghĩ thông thường như, “Ồ, cây đẹp quá,” hay “Ước gì cây này ở trong vườn nhà tôi,” mà là ý thức rằng có những lá xanh, những lá vàng trên cây, rằng có những cây đang lớn, đang cỗi đi hay đang chết. Ta có thể minh chứng quá trình sinh, trưởng, rồi hoại diệt của tất cả mọi thứ quanh ta. Ta có thể hiểu được tánh tham rất rõ ràng khi quan sát loài kiến, muỗi, chó mèo. Ta không nên nhìn chúng như một thứ phiền não, mà như là những người thầy của ta. Kiến, muỗi và những con chó hay sủa là những người thầy không để cho chúng ta yên ổn cho đến khi nào ta đã học xong bài học. Khi chúng ta có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ trong ánh sáng của sự sinh, hoại, chết, tham, sân và si, là chúng ta đang nhìn vào gương soi tất cả sự sống quanh ta, như thế là ta có được Pháp đang trình diễn trước mắt. Tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy chân lý trong Pháp, chỉ là chúng ta không quan tâm đủ mà thôi.

Chúng ta có thể sử dụng chánh niệm để thấy rằng mọi thứ hiện hữu đều bao gồm bốn yếu tố: đất, nước, gió, lửa; để rồi sau đó xét xem điều gì là khác biệt giữa ta và tất cả mọi thứ khác. Khi ta xem việc thực hành là quan trọng và nhìn mọi thứ trong cuộc đời theo cách đó, thì ta sẽ tìm được chân lý quanh ta cũng như trong ta. Không có gì khác hiện hữu nữa.

Điều này giúp ta có thể rời bỏ chốn thị tứ lại phía sau, nơi tâm nhảy từ thứ này sang thứ khác, chẳng có phút giây yên tĩnh. Nó hoặc bất cần, ù lì hay ghét bỏ, tham lam. Nhưng khi chúng ta thực sự nhìn sự vật như chúng là, ta tiến gần hơn đến những điều Phật dạy, vì lòng từ bi đối với tất cả mọi chúng sanh đang luân chuyển trong luân hồi, đắm chìm trong khổ đau này đến khổ đau khác. Ngài dạy như thế, để các chúng sanh như chúng ta có thể thức tỉnh, trở về với chân lý.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT