Người Việt Khắp Nơi

Tại sao người Cam Bốt ghét người Việt Nam?

Monday, 08/09/2014 - 08:15:39

Afril mô tả lối tri nhận ấy – mà trước đây anh không chia sẻ với ai – với một thái độ thẳng thắn bất thường đối với một chủ đề nhạy cảm như vậy. “Ở Cam Bốt, chúng tôi có một ấn tượng xấu về người Việt Nam.”

Hàng ngàn người Cam Bốt đã biểu tình chống người Việt Nam trong hai tháng qua. Họ đến các tòa đại sứ ngoại quốc, như trong hình, để trao thỉnh nguyện thư yêu cầu Tòa Đại Sứ Việt Nam phải xin lỗi về lời tuyên bố Việt Nam không chiếm đất của họ từ thời Pháp thuộc. (Hình: Omar Havana/Getty Images)


NAM VANG – Trong số ra ngày thứ Bảy, 6 tháng Chín vừa qua, một bài viết của Emily Wight đăng trên nhật báo Phnom Peng Post đã nói về một nỗ lực tạo nhịp cầu thông cảm giữa người Cam Bốt và người Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà thái độ bài Việt Nam đang gia tăng tại Cam Bốt. Bài viết bằng tiếng Anh được chuyển dịch như sau.
“Trong số các bạn của tôi, cứ 20 người thì có 17 người ghét người Việt Nam,” Tep Afril nói như vậy. Anh là một sinh viên 22 tuổi, học khoa công nghệ thông tin tại Viện Đại học Cam Bốt. Trong nhóm thanh niên tụ tập quanh anh, một người khác nhìn nhận mình từng tin rằng người Việt Nam đã có một “chương trình hành động bí mật” đối với Cam Bốt.
Nhiều người cũng đề cập đến thành kiến rằng những người Việt Nam làm việc tại Cam Bốt đang ở đây là để “xâm lăng”, như quân đội của họ đã làm trong năm 1979, đánh đuổi chế độ Khmer Đỏ và ở lại đây trong 10 năm.
Afril mô tả lối tri nhận ấy – mà trước đây anh không chia sẻ với ai – với một thái độ thẳng thắn bất thường đối với một chủ đề nhạy cảm như vậy. “Ở Cam Bốt, chúng tôi có một ấn tượng xấu về người Việt Nam.”
Thái độ khoan dung của anh chính là điều mà Chương Trình Giao Lưu Sarus đang cố gắng nhắm tới. Chương trình này tổ chức các dự án tạo những nhịp cầu nối kết dân Cam Bốt với những người thiểu số Việt Nam. Chương trình này được điều hành bởi tổ chức xây dựng hòa bình quốc tế Sarus.
Trong tháng Bảy, chương trình này chào đón 10 sinh viên Việt Nam sang Cam Bốt cho năm thứ tư trong bốn năm liên tiếp.
Cuộc đối thoại diễn ra sau khi xảy ra tràn lan những hành động có ác cảm và thậm chí bạo động chống người Việt Nam.
Trong tháng Hai, Trần Văn Chiến, một người Cam Bốt gốc Việt 30 tuổi, đã bị đánh đến chết bởi một đám đông ở Nam Vang. Vụ này xảy ra trong một cuộc đụng độ ở ngoài đường, mà một nhân chứng mô tả như là “Yuon. . . chống Khmer.” Nhân chứng này sử dụng “Yuon” để chỉ người Việt. Đây là một từ ngữ đượcnhiều người coi là có tính cách miệt thị.
Trong tháng qua, chính phủ mở một cuộc kiểm tra dân số, mà nhiều người xem như là nhắm mục tiêu vào người Việt Nam. Ít nhất hơn một chục người đã bị trục xuất.
Các nhà tổ chức nhấn mạnh rằng chương trình giao lưu này không có lịch trình chính trị. Chương trình này được thực hiện khác biệt trong năm nay. Điều phối viên Heng Sokchannaroath, còn gọi là Naroath, cho biết như vậy.
Trong ba năm qua, các nhân viên Sarus đã tổ chức một số sự kiện. Tuy nhiên, trong năm nay, họ mời những người tham gia được quyết định chung. Sau hai tuần, 10 sinh viên Cam Bốt đến Việt Nam lần đầu tiên cùng với họ, để làm việc trong một số dự án phục vụ. Trong số đó có việc tái trang hoàng các phòng học ở những làng xóm nghèo.
Chương trình này tìm cách chống lại các thành kiến, bằng cách định hình các thái độ của thế hệ mới, theo bà Naroath giải thích.
“Các sinh viên trẻ là những nhà lãnh đạo tương lai cho đất nước, vì thế họ có tiếng nói mạnh mẽ. Họ nói chuyện với bạn bè của họ và chia sẻ những kinh nghiệm của họ.” Bà Naroath nói như vậy trong một quán cà phê ở Nam Vang, trước khi kỳ giao lưu năm nay bắt đầu.
Đoàn sinh viên Việt Nam lưu lại trong hai tuần ở Cam Bốt. Họ làm việc trên các dự án phát triển cộng đồng tại một ngôi làng trong tỉnh Kandal. Làng này là nơi cư ngụ của nhiều người sắc dân Việt Nam và người Việt Nam di cư. Các đối tác Cam Bốt của họ tham gia cùng với họ.
Đối với nhiều người sắc dân Việt Nam ở Cam Bốt, cuộc sống là một cuộc đấu tranh hàng ngày để chèo chống trong một xã hội không chấp nhận họ. Thiếu quyền công dân có nghĩa là các trẻ em không thể đến trường. Cha mẹ không thể mua đất. Nhiều gia đình sống trôi nổi trên ghe làm nhà của họ. Nơi đó thiếu các điều kiện vệ sinh, và trong mùa mưa thì lũ lụt nặng nề gây ra bệnh tật.
“Nhiều người trong số họ không có giấy khai sinh, mặc dù họ ra đời tại Cam Bốt; họ không đi học; họ không được chính phủ chăm sóc; và thậm chí cả công chúng cũng chẳng quan tâm nhiều đến họ,” bà Naroath cho biết như vây. Bà hy vọng rằng trong tương lai Sarus sẽ đưa ra một chương trình giao lưu tương tự giữa người Miến Điện và người Bangladesh.
Một phần của sự căng thẳng bắt nguồn từ lịch sử gần đây của cuộc chiếm đóng, theo Naroath giải thích. Sự hiện diện của Việt Nam từ năm 1979 tới năm 1989 vẫn còn ám ảnh thế hệ già hơn, theo bà cho biết.
Bà nói, “Họ nghĩ rằng người Việt Nam đến để tiếp quản các cơ sở kinh doanh. Đó là vì lịch sử. Họ coi đó là một cuộc xâm lăng Cam Bốt của Việt Nam.”
Nhưng gốc rễ của tình trạng căng thẳng sắc tộc bắt nguồn từ xa hơn nữa, ngược tới tận thế kỷ 17, khi người Việt Nam bắt đầu tiến vào trong các vùng lãnh thổ Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Đến thế kỷ 19, Việt Nam xâm lăng Cam Bốt, và thậm chí chiếm Nam Vang dưới thời Hoàng Đế Minh Mạng. Ông vua này tin rằng người Khmer là lạc hậu, theo Joel Brinkley viết trong cuốn sách Lời Nguyền Của Cam Bốt.
Chỉ tới khi vua Norodom ký kết một hiệp ước với Đế Quốc Pháp, thì Cam Bốt mới thoát ra khỏi sự kiểm soát của Việt Nam. Mặc dù ngay cả dưới chế độ bảo hộ của Pháp, nhiều nhân viên và công chức là người Việt Nam, gây ra thêm những cảm giác ganh ghét.
Khi người Việt Nam đến đây trong năm 1979, họ đánh đuổi Khmer Đỏ, một chế độ có những chính sách giết chết gần 1.7 triệu người. Nhưng họ không được chào đón lâu dài như là những người giải phóng.
“Trong giai đoạn này, Việt Nam tìm cách du nhập nền văn hóa Việt Nam vào nước này, nhưng dân chúng Cam Bốt đã cự tuyệt.” Kok-Thay Eng cho biết như vậy. Ông là giám đốc nghiên cứu tại Trung Tâm Tài Liệu Campuchia (DC-Cam). Ông nói thêm rằng chuyện mất đi vùng Kampuchea Krom trong những thập niên trước đây làm cho căng thẳng tăng lên.
Theo ông cho biết, ngày nay nhiều người Cam Bốt cảm thấy rằng công ăn việc làm của họ đang bị đe dọa bởi những người Việt Nam di cư. Những người khác quy trách nhiệm cho người Việt khai thác gỗ bất hợp pháp và đánh bắt cá quá mức.
Ông giải thích, “Người Cam Bốt cũng nghĩ rằng các công ty lớn của Việt Nam thông đồng với các cơ sở kinh doanh địa phương và các chính trị gia, để khai thác hầm mỏ, đánh cá quá mức, và ăn cắp tiền du khách từ tay Cam Bốt.”
Một phần cốt lõi trong nỗ lực của Sarus nhằm chống lại những thái độ này là việc sản xuất ra một loạt nghiên cứu về người Việt Nam ở Cam Bốt.
Trong ba năm qua, những điều ấy đã được trình bày dưới hình thức các tài liệu nghiên cứu.
Cuộc nghiên cứu năm nay sẽ dẫn tới kết quả là làm một bộ phim tài liệu ngắn, sẽ được chiếu vào cuối tháng này. Phần lớn trong bộ phim tài liệu này được quay tại làng Kandal, và tập trung vào cách thức mưu sinh của những người sắc dân Việt Nam và những người Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Đại diễn của phim này là Porchhay Seng, 23 tuổi, một sinh viên của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế thuộc Viện Ngoại Ngữ. Seng cho biết anh đã nộp đơn xin tham gia chương trình giao lưu, vì anh có niềm đam mê làm những bộ phim ngắn và làm việc trong cộng đồng.
Anh nhìn nhận rằng trước khi anh bắt đầu tham gia giao lưu, anh đã chia sẻ quan điểm cho rằng người Việt Nam đến Cam Bốt với một hậu ý. Anh nói, “Đôi khi tôi nghĩ rằng có thể có một số loại chương trình hành động bí mật nào đó khi họ tới đây, vì chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm về chuyện mất lãnh thổ của chúng tôi. Nhưng bây giờ tôi biết điều đó không đúng."
Các thành kiến rập khuôn đều di chuyển theo cả hai hướng.
Phan Trần Hồng Trâm, 20 tuổi, sinh sống và theo học tại một trường đại học ở Sài Gòn. Chuyến viếng thăm trong tháng Bảy là lần đầu tiên cô sang Cam Bốt. Trong ngày đầu tiên của đợt giao lưu, cô giải thích rằng một số người Việt Nam nghĩ người Cam Bốt thực hành ma thuật, và cung cấp bùa yêu.
Cô nói, “Chẳng hạn, nếu bạn yêu một ai đó, bạn có thể sang Cam Bốt, và xin một số lá cây đem về cho người đó để uống, và sau đó người ấy sẽ yêu bạn.
“Chính vì tin như vậy, người Việt Nam cảm thấy khiếp hãi và sợ giao tiếp với người Cam Bốt. Người ta sợ sự khác biệt. Nhưng điều đó là sai: chúng ta phải thân thiện và cảm thấy thoải mái để làm bạn với nhau.” (vn)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT