Thế Giới

Serbia có thủ tướng đồng tính nữ đầu tiên

Saturday, 17/06/2017 - 08:51:30

Chính phủ Serbia không ưu tiên bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT. Tại Serbia, cộng đồng LGBT vẫn còn bị kỳ thị và quấy rối.



BELGRADE - Bà Ana Brnabic đã trở thành thủ tướng đồng tính nữ đầu tiên trong lịch sử Serbia, bất chấp những thành kiến ở quốc gia châu Âu này. Bà Ana Brnabic, 41 tuổi, vừa được Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic bổ nhiệm nắm giữ vị trí đứng đầu chính phủ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Serbia có nữ thủ tướng, và lại là một người đồng tính công khai. Tổng thống Aleksandar Vucic, người theo đường lối thân Nga và chủ nghĩa dân tộc, đã miêu tả bà Brnabic là một người “làm việc chăm chỉ, chuyên nghiệp.”

Trong những năm tới, dưới sự lãnh đạo của bà Brnabic, Serbia sẽ gia nhập Liên Âu EU, đồng thời vẫn giữ quan hệ gần gũi truyền thống với Nga, và gia tăng quan hệ với Trung Quốc. Bà Brnabic mới tham gia chính trường vào năm ngoái. Khi đó, bà giữa chức Bộ trưởng hành chính và chính quyền địa phương. Nữ thủ tướng này từng học tập ở Hoa Kỳ và tốt nghiệp thạc sĩ trường đại học Hull, ngành Quản trị kinh doanh, vào năm 2001. Trước khi trở về quê nhà, bà làm việc trong ngành công nghiệp điện gió và phụ trách nhiều dự án phát triển do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.

Tuy nhiên, một số chính trị gia Serbia cũng tỏ ra nghi ngờ, vì cho rằng bà thiếu kinh nghiệm chính trị và không có nền tảng hậu thuẫn vững chắc. Nhiều người cho rằng, quyền lực thật sự vẫn sẽ nằm trong tay tổng thống. Serbia là quốc gia thứ 5 trên thế giới có người đứng đầu chính phủ công khai đồng tính, sau bà Johanna Siguroardottir, từng là thủ tướng Iceland; Elio Di Rupo, cựu thủ tướng Bỉ; Xavier Bettel, thủ tướng Luxembourg đương nhiệm, và ông Leo Varadkar, thủ tướng mới đắc cử của Ireland. Chính phủ Serbia không ưu tiên bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT. Tại Serbia, cộng đồng LGBT vẫn còn bị kỳ thị và quấy rối.

Phi Luật Tân: Quân đội gia tăng tấn công phiến quân
MARAWI - Quân đội hôm thứ Bảy đã điều thêm nhiều binh sĩ và thực hiện các đợt không kích và pháo kích nhằm vào nhóm phiến quân Maute, đang cố thủ tại thành phố Marawi ở miền nam. Các trực thăng tấn công MG-520 và chiến đấu cơ FA-50 đã được huy động, trong khi nhiều binh sĩ sử dụng súng máy tấn công liên tục vào những mục tiêu của phiến quân, cho thấy độ dữ dội của cuộc chiến.
Theo truyền thông, 400 binh sĩ đã được điều động bổ sung đến Marawi từ miền trung Phi Luật Tân. Giao tranh tại Marawi, nơi gần như toàn bộ dân số 200,000 người theo Hồi giáo, bắt đầu từ 23 tháng 5, sau khi lực lượng an ninh Phi Luật Tân bố ráp một ngôi nhà để tìm Isnilon Hapilon. Hapilon là một thủ lãnh phiến quân Maute và Abu Sayyaf, và đứng đầu chi nhánh Nhà Nước Hồi Giáo ở Phi Luật Tân.
Nhà chức trách cho biết, đã có 310 người chết trong cuộc chiến, gồm 59 binh sĩ, 255 phiến quân và 26 dân thường, sau 3 tuần giao tranh ở Marawi. Thiếu Tướng Restituto Padilla, phát ngôn viên quân đội, cho hay các chỉ huy bộ binh ước tính vẫn còn hơn 100 tay súng Hồi giáo cực đoan đang ẩn náu tại ít nhất 4 ngôi làng ở Marawi.

LHQ: Bắc Hàn cần giải thích vụ sinh viên bị hôn mê
GENEVA - Tổ chức Liên Hiệp Quốc hôm thứ Bảy đã kêu gọi Bắc Hàn giải thích việc sinh viên Hoa Kỳ được phóng thích trong tình trạng hôn mê. “Tôi ca ngợi việc Bắc Hàn thả Warmbier. Tôi rất quan tâm đến tình trạng của anh ấy. Nhà chức trách Bình Nhưỡng phải có lời giải thích rõ ràng về việc trả tự do cho Warmbier trong tình trạng hôn mê,” ông Tomas Ojea Quintana, điều tra viên về nhân quyền của LHQ cho biết. Ông Quintana yêu cầu Bình Nhưỡng cho biết nguyên nhân và hoàn cảnh khi Warmbier được thả, đồng thời nhấn mạnh sự việc này là lời cảnh báo về hậu quả của tình trạng tù nhân nước ngoài ở Bắc Hàn không được hưởng các dịch vụ y tế đúng tiêu chuẩn.
Anh Otto Warmbier là sinh viên Đại học Virginia, bị bắt đầu năm 2016 khi đang du lịch Bắc Hàn. Anh bị kết án 15 năm tù khổ sai hồi tháng 3 năm ngoái, sau khi nhận tội định lấy trộm một tờ poster tuyên truyền tại khách sạn ở Bình Nhưỡng. Warmbier được trao trả trong tình trạng hôn mê, và đang được chữa trì ở bệnh viện Đại học Cincinnati, tiểu bang Ohio.
Truyền thông Bắc Hàn nói rằng nước này thả Warmbier ví lý do nhân đạo. Cha mẹ Warmbier nói rằng, viên chức Bắc Hàn giải thích sinh viên này hôn mê là do bị ngộ độc thực phẩm, và được cho uống một viên thuốc ngủ. Tuy nhiên ,nhóm bác sĩ Hoa Kỳ đang chữa trị cho Warmbier tuyên bố, họ không phát hiện dấu hiệu ngộ độc thực phẩm trong cơ thể sinh viên này.

Đức: Diễn hành hòa bình của Hồi gây thất vọng
COLOGNE - Một cuộc tuần hành của người Hồi giáo, vì mục tiêu hòa bình và chống chủ nghĩa khủng bố, đã được tổ chức tại thành phố Cologne của Đức vào hôm thứ Bảy. Tuy nhiên, số người tham dự sự kiện này ít hơn nhiều so với kỳ vọng của ban tổ chức. Giới truyền thông cho biết, ban đầu, chỉ khoảng vài trăm người tụ tập tại địa điểm tuần hành, với các biểu ngữ như “Cùng nhau chống khủng bố,” và “Sự thù ghét biến trái đất thành địa ngục.” Đám đông sau đó đã dần dần tăng lên khoảng 1,000 người.
Tuy nhiên, trước đó, ban tổ chức đã hy vọng sẽ có vài ngàn người tham dự sự kiện. Hiệp hội Hồi giáo lớn nhất nước Đức đã từ chối tham dự tuần hành. Tổ chức Liên Đoàn Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, cuộc tuần hành này sẽ gởi đi một thông điệp sai lầm rằng, tình trạng khủng bố quốc tế là một vấn đề của người Hồi giáo. Tổ chức này cũng nói, nhiều người Hồi giáo đang nhịn ăn trong tháng chay Ramadan, nên sẽ không thể tuần hành trong nhiều giờ dưới trời nắng. Chính phủ Đức đã ca ngợi cuộc tuần hành, đồng thời cũng chỉ trích quyết định của Liên đoàn Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT