Hoa Kỳ

Sản phẩm kỳ lạ cho ngày Black Friday

Wednesday, 22/11/2017 - 09:51:56

Chiếc lều này sẽ được bán với giá $10,000 Mỹ kim, sau khi đã giảm từ mức giá $96,485.34 Mỹ kim, nhân dịp Black Friday. Trước đây, KFC cũng từng làm nhiều người ngạc nhiên khi bán các sản phẩm không liên quan đến fastfood, như vớ chân, tiểu thuyết, sơn móng tay, và kem chống nắng.



KENTUCKY - Sắp tới dịp giảm giá lớn nhất trong năm - Black Friday và Cyber Monday, hãng KFC bất ngờ tung ra thị trường một sản phẩm vô cùng kỳ lạ - lều chống Internet. Hệ thống cửa hàng fastfood KFC vừa tung ra chiếc lều độc đáo có khả năng cách ly người dùng khỏi… mạng Internet. Lều có vòm tròn, màu đen và được trang trí bằng hình nộm của ông Colonel Sanders, người sáng lập KFC. Thiết kế tạo cảm giác những người trong lều đang được ông Sanders bảo vệ.

Chiếc lều có tác dụng chắn sóng điện thoại và đủ cho 4 người ngồi. Khung vòm được làm từ thép không rỉ. Vải bọc có cấu tạo đặc biệt để cản Internet (Wi-Fi lẫn sóng 3G, 4G) từ cả ngoài lẫn bên trong lều. Hình nộm Colonel Sanders được làm từ bọt xốp đặc dùng trong xây dựng, phủ sơn men và nặng 3.6 ký. Theo ông George Felix, giám đốc quảng cáo KFC, mục đích của chiếc lều này là giúp người dùng hưởng thụ một cuộc sống thật sự. Các hãng sản xuất ngày nay đang cạnh tranh nhau để đưa ra những công nghệ mới hiện đại hơn. KFC muốn đi ngược lại xu hướng đó, và tạo ra một sản phẩm chống lại công nghệ, bằng chính công nghệ.
Chiếc lều này sẽ được bán với giá $10,000 Mỹ kim, sau khi đã giảm từ mức giá $96,485.34 Mỹ kim, nhân dịp Black Friday. Trước đây, KFC cũng từng làm nhiều người ngạc nhiên khi bán các sản phẩm không liên quan đến fastfood, như vớ chân, tiểu thuyết, sơn móng tay, và kem chống nắng.

Tục ném gà sống từ máy bay gây phẫn nộ
ARKANSAS - Lễ hội Turkey Trot diễn ra hàng năm ở Yellville, Arkansas, đã khiến nhiều người phẫn nộ, do tục lệ ném những con gà tây sống từ máy bay xuống đất. Cơ quan Hàng không liên bang FAA đã mở cuộc điều tra, nhưng cho biết tục lệ này không vi phạm quy định hàng không. "Các quy định của FAA không cấm việc thả động vật sống từ máy bay một cách rõ ràng, có thể vì những người viết luật ban đầu không lường trước được tình huống này. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi tán thành tục lệ này," phát ngôn viên của FAA nói.
FAA sẽ xem xét các luật hoặc quy định mà lễ hội Turkey Trot tại Yellville có thể vi phạm. Lễ hội năm nay được tổ chức vào ngày 14 tháng 10 và chưa có báo cáo chi tiết về số lượng gà tây chết. Dù còn nhiều hoạt động khác diễn ra trong suốt lễ hội, nhưng tục lệ "thả gà tây" được nhiều người biết đến nhất. Trong đó, những con gà tây còn sống sẽ được thả từ máy bay đang bay cao hơn 150 mét. Người tham gia lễ hội sẽ đuổi và bắt những con gà sống sót. Năm ngoái, người ta ném xuống 12 con gà tây, hai con sau đó đã chết.
Theo phát ngôn viên FAA, cơ quan này không thể giải quyết những vấn đề về bảo vệ động vật. "Các quy định của chúng tôi chỉ liên quan đến 'vật thể,' và cho phép có thể thả chúng xuống từ máy bay, miễn là không gây nguy hiểm cho con người và tài sản trên mặt đất," phát ngôn viên FAA giải thích. Trong trường hợp của lễ hội Turkey Trot, phi công không vi phạm quy tắc an toàn của FAA, vì những con gà tây được thả xuống phía trên một con sông và trong công viên, cách xa đám đông ở lễ hội. Nhà chức trách sẽ giải quyết những vấn đề liên quan đến ngược đãi động vật, phát ngôn viên FAA cho biết. Tuy nhiên, việc chấm dứt tục lệ thả gà có lẽ sẽ mất khá nhiều thời gian.

Máy bay gặp nạn khi tới hàng không mẫu hạm
OKINAWA - Một máy bay của Hải quân Hoa Kỳ, chở 11 người, đã rơi ở vùng biển phía đông bắc quần đảo Okinawa của Nhật Bản vào chiều thứ Tư, giờ địa phương, theo thông cáo của Hạm đội 7 Hoa Kỳ - Thái Bình Dương. Theo thông cáo, máy bay gặp nạn lúc gần 3 giờ chiều, khi đang chở 11 người trên đường tới hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, hoạt động ở biển Philippines.
Hiện danh tính những người trên máy bay vẫn chưa được công bố. Tàu USS Ronald Reagan đã tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Trong khi đó, truyền thông Nhật cho biết, có 8 người đã được cứu, nhưng chưa rõ tình trạng của những người này, 3 người còn lại vẫn mất tích. Máy bay gặp nạn là loại máy bay vận tải C2-Greyhound, đã được sử dụng trong Hải quân từ hơn 50 năm qua, và dự kiến sẽ được thay thế bằng máy bay tầm xa Osprey. Máy bay C-2 Greyhound thường được dùng để chở người, bưu phẩm và các hàng hóa khác, từ căn cứ trên đất liền đến hàng không mẫu hạm trên biển
Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera cho biết, nguyên nhân vụ tai nạn có thể do trục trặc động cơ. Đây là vụ tai nạn mới nhất trong hàng loạt tai nạn của Hải quân Hoa Kỳ kể từ đầu năm nay. Cách đây chưa đầy 1 tuần, khu trục trạm Hoa Kỳ đã va chạm với một tàu kéo của Nhật Bản ở vịnh Sagami, vùng biển phía đông Nhật Bản.

Bộ Tư Pháp dọa kiện trường Harvard
WASHINGTON DC - Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đang gây áp lực để buộc trường Đại học Harvard cung cấp nhiều hồ sơ, nhằm phục vụ cho một cuộc điều tra về cách thức thu nhận sinh viên của trường này. Trong lá thư đề ngày 17 tháng 11, Bộ Tư Pháp đã đe dọa sẽ kiện trường Harvard, nếu trường này không cung cấp toàn bộ hồ sơ mà Bộ yêu cầu, trước hạn chót là ngày 1 tháng 12.
Viên chức Bộ Tư Pháp cáo buộc trường Harvard đang dùng chiến thuật trì hoãn, và chưa hề giao ra bất kỳ hồ sơ nào cho đến nay. Cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp liên quan đến một đơn kiện liên bang, do một nhóm sinh viên nộp vào năm 2014, cáo buộc trường Harvard giới hạn một cách bất hợp pháp số lượng sinh viên người Mỹ gốc Á mà trường này nhận vào mỗi năm. Bộ Tư Pháp hiện đang kiểm tra xem, liệu trường Harvard có tuân thủ điều 6 của Luật dân quyền 1964 hay không. Theo đạo luật này, các cơ sở nhận tài trợ liên bang sẽ bị cấm kỳ thị dựa trên chủng tộc, màu da, và quốc gia xuất thân.
Trong thông cáo báo chí, đại học Harvard nói rằng trường này chắn chắn sẽ thực hiện các nghĩa vụ cần thiết, nhưng cũng cần phải bảo vệ sự riêng tư của sinh viên. Harvard nói, trường này muốn được hợp tác với Bộ Tư Pháp theo cách tốt nhất cho cả hai bên. Trong năm nay, trường Harvard đã nhận số đơn ghi danh cao kỷ lục là 39,506 đơn, và 2,056 sinh viên đã được nhận nhập học. Theo trang web của trường, trong nhóm tân sinh viên, có 22.2% là người Mỹ gốc Á, 14.6% là người Mỹ gốc Phi, và 11.6% là người Latinos.

Hoa Kỳ chỉ trích Myanmar thanh lọc sắc tộc
WASHINGTON DC - Chính phủ Hoa Kỳ vào hôm thứ Tư đã chỉ trích gay gắt Myanmar, cáo buộc lực lượng an ninh nước này đã gây ra những hành động khủng khiếp chống lại người Rohingya, và có thể coi là một cuộc thanh lọc sắc tộc nhắm vào cộng đồng Hồi giáo thiểu số này.
Thông điệp của Ngoại Trưởng Rex Tillerson, người vừa đến Myanmar vào tuần trước, là lời chỉ trích nặng nề nhất từ trước đến nay của Hoa Kỳ đối với các cuộc đàn áp của quân đội Myanmar nhắm vào người Rohingya. Ông Tillerson nói, sau khi phân tích cẩn thận các bằng chứng hiện có, tình hình hiện nay tại miền bắc bang Rakhine có thể coi là một cuộc thanh lọc sắc tộc chống lại người Rohingya. Không có sự khiêu khích nào từ phía người Rohingya có thể dùng để biện hộ cho các hành động khủng khiếp mà quân đội Myanmar đã thực hiện. Hơn 600,000 người Rohingya đã rời bỏ đất nước để đi lánh nạn tại nước láng giềng Bangladesh, kể từ khi quân đội Myanmar tung ra chiến dịch chống phiến quân tại bang Rakhine vào cuối tháng 8 năm nay.
Tuy quân đội khẳng định họ chỉ nhắm vào các phiến quân Rohingya, nhưng những người tị nạn cho biết, lực lượng an ninh và những người Phật giáo đã gây ra vô số vụ giết người, cưỡng hiếp, và đốt phá nhà cửa. Ông Tillerson nói, cách thức chính phủ Naypyitaw giải quyết cuộc khủng hoảng Rohingya, sẽ là yếu tố quan trọng nhất để xác định mức độ thành công của việc chuyển đổi sang xã hội dân chủ tại Myanmar. Quân đội Myanmar và chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vẫn luôn bác bỏ các cáo buộc tội ác, và từ chối không cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến bang Rakhine để mở cuộc điều tra.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT