Người Việt Khắp Nơi

Sách giáo khoa tiếng Việt dùng trong đại học (tiếp theo)

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 18/03/2012 - 08:20:50

... trường đại học tại Hoa Kỳ không chỉ định giảng viên dùng sách giáo khoa nào. Khi họ đã mời giáo sư nào dạy một lớp tại trường rồi, thì họ để cho giáo sư đó quyền được soạn chương trình giảng dạy và chọn sách giáo khoa phù hợp với giáo trình đó.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 12)

Băng Huyền/Viễn Đông


Hệ thống giáo dục tại Hoa Kỳ không có khái niệm “sách giáo khoa chính thức”, không có nghĩa là không cần có sách giáo khoa. Điểm khác biệt chỉ nằm ở chỗ họ thay đổi quan niệm về thế nào là “sách giáo khoa” mà thôi. Theo lời ông Quyên Di, giáo sư thỉnh giảng Khoa Văn Hóa và Ngôn Ngữ Đông Nam Á tại đại học University of California Los Angeles (UCLA) và đại học California State University Long Beach (CSULB) thì: “Các trường đại học tại Hoa Kỳ không chỉ định giảng viên dùng sách giáo khoa nào. Khi họ đã mời giáo sư nào dạy một lớp tại trường rồi, thì họ để cho giáo sư đó quyền được soạn chương trình giảng dạy và chọn sách giáo khoa phù hợp với giáo trình đó. Trừ trường hợp của đại học Cal state Fullerton thì Tiến Sĩ Trang Lê là người phối trí viên điều hợp và biên soạn chương trình tiếng Việt của trường. Cô có liên lạc với tôi để xin ý kiến và cho cô mượn một số sách giáo khoa để cô xem có thể sử dụng được không. Và theo tôi biết, cô đã chọn sách cho trình độ trung cấp là quyển Chào Bạn! An Introduction to Vietnamese [tác giả là TS. Trần Chấn Trí và TS. Trần Minh Tâm, như đã giới thiệu trong bài trước].


Các sinh viên đại học ngoài việc học tiếng Việt trong lớp, còn sinh hoạt trong các hội sinh viên và tổ chức những chương trình giới thiệu văn hóa, như Đêm Văn Hóa của VSA Cal State Fullerton lần thứ 23 tại Westminster hồi năm 2011 - ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông

Ông Quyên Di cho biết: “Hiện nay, tại UCLA có các lớp tiếng Việt sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Lớp sơ cấp do một giáo viên khác dạy, sử dụng sách Lets Speak Vietnamese của Nguyễn Bích Thuận và Lê Phạm Thúy Kim. Đại học Washington State University hiện đang dạy cuốn sách này. Lớp trung cấp thì tôi dạy, sử dụng sách Ngôn Ngữ và Văn Hóa - A Course in Intermediate Vietnamese do thầy Trần Chấn Trí và cô Trần Minh Tâm soạn. Lớp cao cấp thì tôi phụ trách và dùng sách Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam do tôi soạn dành riêng cho lớp cao cấp, do nhà xuất bản Tuổi Hoa hợp tác với cơ quan CLMER”.
Ông Quyên Di chia sẻ thêm: “Tôi có may mắn làm thanh tra đại học, là công việc đưa các giáo trình giảng dạy tại các trường công lập. Trước đây tôi được mời làm cố vấn cho học khu East Side Union High School District tại San Jose, Bắc California. Học khu đó có hơn 10 trường trung học có chương trình tiếng Việt, học 4 năm không thua gì trên đại học. Chính vì vậy, tôi đã có kinh nghiệm về soạn sách giáo khoa như thế nào hợp với trình độ và tâm trạng của các em sinh viên người Mỹ gốc Việt đang học tại Mỹ. May mắn tôi là người cầm bút viết lách trong thời gian khá lâu, nên tôi đã có nhiều tác phẩm. Khi viết sách giáo khoa này, tôi đã trích lại những đoạn văn đã có đưa vào sách. Trong vòng 4 tháng, tôi đã tập hợp lại những bài vở đã có để hoàn chỉnh quyển sách”.
Theo Giáo Sư Quyên Di, hiện nay lớp tiếng Việt cao cấp khá hiếm hoi, chỉ có tại đại học UC Berkeley và đại học UCLA.
Lớp tiếng Việt cao cấp tại UCLA được GS. Quyên Di dạy kèm theo sách giáo khoa của ông cùng một số giáo trình văn chương Việt Nam.
Chương trình có 3 mùa học, mùa thứ nhất (mùa Thu) ông dạy về văn chương truyền khẩu, tục ngữ ca dao, truyện cổ tích như quả dưa đỏ, Mỵ Châu-Trọng Thủy, Chuyện Trầu Cau…
Mùa thứ hai (mùa Đông) học văn chương chữ Hán, văn chương chữ Nôm. Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du…
Mùa thứ ba (mùa Xuân) dạy văn chương chữ quốc ngữ, và giai đoạn chính từ 1930-1945, Tự Lực Văn Đoàn, những tác phẩm của nhà văn Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng…
Sách Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam được GS. Quyên Di soạn gồm 3 phần: “Đất nước và con người Việt Nam”, “Gia đình và cộng đồng”, “Tuổi trẻ và lý tưởng”.
Trong phần “Đất nước và con người Việt Nam”, tác giả khơi gợi nơi sinh viên tình yêu dân tộc Việt Nam và tự hào mình là người Việt Nam, vì vậy các bài học chú trọng về văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, các bài học giúp sinh viên trau dồi thêm cách đọc, cách viết, cách nói chuyện. Trong phần này, có từ 3 đến 5 bài tập đọc.
Phần “Gia đình và cộng đồng” có những bài về gia đình Việt Nam, những bữa ăn của người Việt, tính chất cộng đồng. Tình người cha với con như thế nào. Tình người mẹ với con như thế nào…
Trong sách này, thỉnh thoảng tác giả có trích của vài tác giả khác, nhưng phần lớn là do ông viết ra hoặc trích từ những tác phẩm trước đây của ông.
Mỗi một chương học luôn luôn được mở đầu bằng bài khái niệm, ví dụ như chương “Việt Nam - đất nước con người Việt Nam”, có bài khái niệm. Mỗi bài học đều có bài tập đọc, có phần từ vựng, giải thích những từ khó. Tiếp theo là một số câu hỏi cho sinh viên thảo luận trên lớp.
Phần phân tích từ vựng, giúp cho sinh viên viết đúng chính tả. Ví dụ khi nào thì viết vằn vặt, khi nào viết là dằn dặt, khi nào là mãnh, khi nào là mảnh….
Phần phương ngữ, cho biết người miền Bắc dùng từ gì, người Miền Nam dùng từ gì. Ví dụ, miền Bắc nói xấu hổ, thì trong Nam nói là mắc cỡ. Miền Bắc gọi là bốc, trong Nam gọi là hốt. Ngoài Bắc gọi là thú vị, trong Nam nói là thích thú…
Những phương ngữ đó được kê ra thành 2 cột song song để sinh viên biết rằng tiếng Việt phong phú, nhiều chữ để diễn tả một ý, để khi họ nghe người khác nói, họ có thể hiểu được.
Tiếp theo là phần ngôn ngữ và văn hóa. Giải thích những câu “tre già măng mọc”, “địa linh nhân kiệt”…
Trong phần ngữ pháp, mỗi một bài có những cấu trúc câu, gạch đích từng chữ một để áp dụng vào bài học, phân biệt từ đó khi nào là danh từ, khi nào là tính từ… Quyển Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam được viết hoàn toàn bằng tiếng Việt.
GS. Quyên Di nói: “Tôi có cảm nhận sách giáo khoa bậc đại học không thiếu. Những vị soạn sách giáo khoa trên đại học cũng là những vị có nhiều kinh nghiệm dạy và soạn sách giáo khoa. Khó lòng tôi đưa ra những thiếu sót hay cần bổ túc gì. Tôi chỉ thấy có cuốn thì khô khan, có cuốn thì tươi mát nhờ kiến thức về văn hóa…
“Tuy nhiên dù là sách giáo khoa nào, nhưng khi vào tay một giáo sư thì còn tùy thuộc vào khả năng và phương pháp dạy học của vị giáo sư đó có hấp dẫn được sinh viên hay không. Tôi nghĩ chúng tôi cần mỗi ngày hoàn hảo công trình sách giáo khoa càng tốt đẹp hơn, sách giáo khoa của Mỹ cũng vậy thôi. Khi viết sách giáo khoa tiếng Việt, chúng tôi luôn luôn phải so sánh với các sách ngoại ngữ khác để xem họ soạn ra sao, đối chiếu với nhau, để sách dạy tiếng Việt của mình cũng tương đương với các ngoại ngữ khác. Phương pháp thì học hỏi lẫn nhau trong cách soạn sách giáo khoa, nhưng tôi vẫn cẩn trọng trong cách soạn sách và cách chọn từ ngữ, phương pháp cũng như phần ngữ pháp cho nó theo Việt Nam, chứ không phải khuôn theo kiểu Âu Mỹ, dù gì ta vẫn phải giữ nét đặc thù của sách giáo khoa Việt Nam, luôn luôn có những bài học về vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam”.
GS. Quyên Di cho biết lớp tiếng Việt cao cấp ông dạy theo hình thức giảng giải và thảo luận. Khi các sinh viên nêu ý kiến thảo luận, ông thấy còn thiếu sót gì, thì mới bổ sung thêm. Vì trình độ cao cấp khá cao, nên ông cố gắng hướng dẫn nhiều, nhưng vẫn dành thời giờ cho sinh viên nói những suy nghĩ của mình nhiều hơn.
Theo ông, dù dạy bất kỳ một ngôn ngữ nào, thì người dạy cũng phải cho người học thực hành 4 kỹ năng, nghe, nói, đọc, viết. Nếu sau một mùa học, nếu sinh viên không tiến bộ 4 kỹ năng trên, thì xem như người dạy đã thất bại. Do đó ông thường xuyên chú ý bằng mọi cách cho sinh viên của mình phát triển những kỹ năng đó. Ông cho biết, các sinh viên học lớp tiếng Việt cao cấp đa phần là sinh viên gốc Việt, nhưng cũng có 2 sinh viên người Mỹ, 1 sinh viên người Israel. Anh sinh viên Mỹ thì viết giỏi, nói kém, còn cô người Mỹ thì viết được, nói giỏi, nói giọng Sài Gòn và nói được giọng Huế, vì từng có bạn trai người gốc Huế. Cô đang lấy chương trình tiến sĩ về Đông Nam Á. Đề tài của cô là “Chế độ phân chia đất đai tại Việt Nam”. Cô người Israel làm luận án về chữ tình và chữ nghĩa của người phụ nữ Việt Nam.

Một số ngành học khác về văn hóa Việt Nam
Ngoài chương trình dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, hiện nay tại đại học UCLA có lớp dạy về đề tài về phim ảnh, văn chương Việt Nam, dạy bằng tiếng Anh.
TS. Trần Chấn Trí, giáo sư thỉnh giảng khoa Ngôn Ngữ Nhân Văn, đại học University of California, Irvine (UCI), cho biết tại đại học UCI thỉnh thoảng ông cũng có dạy môn ngôn ngữ học tiếng Việt, văn chương tiếng Việt dịch sang tiếng Anh, thu hút khoảng 40 sinh viên ghi danh theo học, vì theo TS. Trí cho biết các em quan niệm học văn hóa Việt thông qua tiếng Anh “thì dễ thở hơn”. Ông chọn truyện ngắn Việt Nam dịch qua tiếng Anh do người Mỹ dịch, truyện ngắn của Duyên Anh, Nhật Tiến…
Năm 2010, ông có dạy lớp học với chuyên đề truyện ngắn của các tác giả Việt Nam lớn lên ở Mỹ viết bằng tiếng Anh, 35 sinh viên ghi danh, gồm có 25 em người gốc Mỹ. Vì đây là lớp học có 2 nhãn hiệu, sinh viên nào học lớp này, cũng vừa có điểm tín chỉ (credit) cho chuyên ngành Văn Chương Anh, vừa có điểm cho môn tiếng Việt.
Niên học 2011-2012 hiện nay, ông đang dạy truyện Kiều bằng tiếng Anh (dùng bản dịch của GS. Huỳnh Sanh Thông do đại học Yale in). Lớp có 25 sinh viên, trong đó có 24 em gốc Việt và 1 em gốc Philippines. Rõ ràng các em gốc Việt có nhu cầu tìm hiểu văn hóa Việt, nhưng các em bị rào cản ngôn ngữ mà thôi.
Tuy nhiên, TS. Trần Chấn Trí cho biết, ông đã chia sẻ với sinh viên, em nào biết tiếng Việt thì sẽ phụ cho các em hiểu phần tiếng Anh. Ông nói: “Khi dùng bản dịch của GS. Huỳnh Sanh Thông, tôi thấy ông dịch rất hay, kiến thức tiếng Anh của ông thật thâm sâu. Nhưng nó vẫn không thể chuyển tải hết được tinh hoa của câu chữ tiếng Việt của cụ Nguyễn Du. Ví dụ như Nao nao dòng nước uốn quanh, hay như câu Cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa… Ông dịch rất hay phần tiếng Anh, nhưng vẻ đẹp của câu tiếng Anh không thể nào so sánh vẻ đẹp câu tiếng Việt. Khi dạy, tôi cũng nói cho các em biết mình phải chấp nhận điều đó. Dù ít dù nhiều, các em cũng học được nhiều. Ví dụ Thanh minh trong tiết tháng ba. Các em cũng biết rõ tục lệ tiết thanh minh, lễ đạp thanh cho nam nữ chơi Xuân. Mục đích của bản dịch này cũng đem lại được nhiều hiệu quả”.
TS. Trần Chấn Trí chia sẻ thêm: “Trước đây tôi có dạy ngôn ngữ học tiếng Việt, môn học này khô khan lắm, gồm công thức như toán vậy. Chỉ dạy được 2 năm. Những năm trước tôi có dạy lớp văn chương tiếng Việt, dạy bằng tiếng Việt, rất kén học trò, chỉ có 11 em ghi danh. Duy trì được 2 năm. Nhưng năm thứ ba chỉ có 1 em ghi danh, nên bị hủy. Lớp học đó tôi chọn các tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn, Nguyễn Công Hoan… Học 10 tuần. Hết khóa học, tôi cho các em đóng phim ngắn mỗi nhóm 10 phút, như phim cô giáo Minh, Đoạn Tuyệt… các em đóng rất hay. Có mời thầy Quyên Di và cô Kim Oanh đến làm giám khảo.
Các em học lớp này, phần lớn là ở Việt Nam qua, tiếng Việt giỏi, mới học nổi. vì nếu các em sanh và lớn lên ở Mỹ, thật khó mà học được tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn… Tuy nó hay, nhưng khó có học viên lắm. Vì vậy lớp học này đã bị trường cắt rồi”.

Chương trình du học ngắn ngày tại Việt Nam
Tuy Hoa Kỳ là nước đi sau nhiều quốc gia khác như Pháp, Úc… về dạy tiếng Việt cũng như Việt Nam học, nhưng hiện nay, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam. Ngoài những người không phải gốc Việt có nhu cầu học tiếng Việt, số người Mỹ gốc Việt muốn học tiếng Việt và giữ gìn văn hóa Việt nơi xứ người mỗi ngày càng tăng thêm. GS. Quyên Di cho biết hiện nay trường Cal State Long Beach có “chuyên khoa nghiên cứu về người Á Châu và người Mỹ gốc Á”, giáo sư của trường sẽ đưa sinh viên đến nơi khởi thủy ra ngôn ngữ đó, nơi xã hội đang dùng ngôn ngữ đó để học và tìm hiểu về văn hóa của đất nước đó. Khoa này cộng tác với một trung tâm về giáo dục quốc tế, đã gửi sinh viên đi học khoảng 30 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, chương trình học đưa sinh viên về Việt Nam do GS. Quyên Di phụ trách và được bắt đầu từ năm 2007 đến nay.
Giáo sư Quyên Di giải thích: “Đại học Cal State Long Beach trả tiền cho Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn tại Hà Nội, và tại Sài Gòn, bên đây chúng tôi xem qua chương trình bên Việt Nam cung cấp có thuần túy văn hóa hay không? Nếu trong giáo trình của họ có điều gì chúng tôi không bằng lòng, thì chúng tôi yêu cầu họ bỏ ra, nếu không, thì sẽ không thực hiện hợp đồng với 2 trường đó nữa. Nhờ vậy, mới đảm bảo phẩm chất và nội dung chương trình dạy của mình.
“Lớp học này được tính là 3 unit. Sinh viên đóng tiền cho đại học Cal State Long Beach, gồm 5 tuần học, 2 tuần đầu học tại Cal State Long Beach, sau đó học 3 tuần tại Việt Nam. Tiền học phí bao gồm tiền học tại Long Beach, vé máy bay, khách sạn tại Việt Nam, chi phí của chuyến đi di chuyển đến các thành phố lớn tại Việt Nam… Đây là lớp học mở rộng cho tất cả mọi người, cho những ai muốn tìm hiểu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, sinh viên trường khác vẫn có thể ghi danh để học, hoặc người đã học xong, không còn là sinh viên nữa, vẫn có thể ghi danh học lớp này. Mỗi lần chỉ nhận khoảng 20 sinh viên. Sau 2 tuần học tại Cal State Long Beach, sẽ về Hà Nội trước, học tại đây khoảng 10 ngày, mỗi ngày học 3 tiếng. Tôi luôn luôn ngồi nghe các vị giáo sư tại đây dạy cho sinh viên, nếu có điều gì chưa chính xác, thì sau buổi học, tôi họp các sinh viên và giảng lại.
“Các sinh viên được đi thăm Quốc Tử Giám, Văn Miếu, thăm đền thờ An Dương Vương, thăm chùa thờ Chữ Đồng Tử - Tiên Dung, làng gốm Bát Tràng, nghe hát Quan Họ trên thuyền, thăm Vịnh Hạ Long. Sau đó vào Sài Gòn, có năm lên Pleiku-Kontum, vào thăm các giáo phận tại cao nguyên Nam Trung phần, đi Vũng Tàu, Cần Thơ, Vĩnh Long, đưa các em về Đồng Bằng Sông Cửu Long, những huyện sâu như Măng Thít (ở Vĩnh Long), người dân rất nghèo khổ… đi tới đâu, các em sinh viên lại gầy dựng lớp dạy tiếng Anh cho các em nhỏ tại đó”.
GS. Quyên Di cho rằng: “Khi các sinh viên về Việt Nam, tự dưng các em hấp thụ cách nói tiếng Việt nhanh hơn, có dịp nói tiếng Việt nhiều, nên các em tiến bộ hơn và thường các em hấp thụ cách nói ở miền Nam, gần với các em hơn. Các em cho biết về Sài Gòn nghe người Sài Gòn nói không khác gì ra Phước Lộc Thọ. Còn khi ra Hà Nội, họ nói khác lắm, dù tôi là người gốc Hà Nội mà còn thấy lạ tai”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT