Thế Giới

Quân đội Anh kích nổ trái bom thời chiến tranh

Wednesday, 17/05/2017 - 07:41:35

Trung sĩ Paul Daniel, thuộc Đội xử lý thiết bị nổ 721, nói rằng "đây là lần giải quyết thiết bị nổ tại chỗ lớn nhất trong lịch sử gần đây.”



BIRMINGHAM - Quân đội Anh vừa cho nổ có kiểm soát một trái bom từ thời Đệ Nhị Thế Chiến, nặng khoảng 226 ký, nằm suốt 70 năm qua dưới một con đường ở Birmingham. Trái bom được phát hiện ngày 15 tháng 5 tại một công trường xây dựng ở Aston, phía bắc trung tâm thành phố Birmingham. Cảnh sát xác định đây là vũ khí từ thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Đội chuyên gia phá bom đã được điều đến hiện trường, để dựng một bức tường ngăn và kiểm tra khu vực. Trái bom được xác định là khó có thể tháo gỡ an toàn, nên nhà chức trách quyết định cho nổ có kiểm soát. Quân đội đã chuyển 250 tấn cát đến để chận phía trên trái bom và khu vực xung quanh. Quá trình này diễn ra liên tục trong 28 giờ. Quả bom sau đó được kích nổ an toàn. Trung sĩ Paul Daniel, thuộc Đội xử lý thiết bị nổ 721, nói rằng "đây là lần giải quyết thiết bị nổ tại chỗ lớn nhất trong lịch sử gần đây.”

Hacker tống tiền tự giải mã cho nạn nhân nghèo
ĐÀI LOAN – Vào đầu tháng này, nhiều máy điện toán ở Đài Loan từng bị chương trình điện toán tống tiền ThunderCrypt tấn công. Đây là một ransomware hoạt động tương tự như chương trình WannaCry đang hoành hành hiện nay, tức chúng sẽ mã hóa dữ liệu của người dùng và đòi tiền chuộc. Những máy điện toán bị nhiễm ThunderCrypt đã bị đòi tiền chuộc gần $600 Mỹ kim, trả bằng tiền Bitcoin, nếu muốn lấy lại dữ liệu. Tuy nhiên, hầu hết nạn nhân không trả tiền, do đây là số tiền khá lớn.
Một nạn nhân trong đó đã thử gởi thư đến hacker thông qua địa chỉ trên bảng thông báo. Người này nói rằng, anh chỉ kiếm được $400 Mỹ kim mỗi tháng, nên không đủ tiền để trả tiền chuộc. Do đó, anh hy vọng hacker sẽ "cởi trói" cho dữ liệu của mình. Tưởng chừng đây chỉ là một bức thư “cầu may,” nhưng dữ liệu của người dùng này sau đó đã được giải mã mà không tốn tiền. Điều này cũng xảy ra đối với một số người khác bị ThunderCrypt "giam" dữ liệu.
Trong email trả lời, hacker cho biết: "Chúng tôi đã đánh giá quá cao thu nhập của người dân Đài Loan. Chiến dịch này xem như thất bại. Bạn không phải trả khoản tiền nào cả, bởi chúng tôi sẽ giải mã dữ liệu cho các bạn. Quá trình này hoàn toàn tự động khi máy điện toán kết nối Internet.” Hiện nay, ransomware WannaCry đang tấn công hơn 100,000 máy điện toán ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, không may mắn như các nạn nhân của ThunderCrypt ở Đài Loan, nạn nhân của WannaCry phải trả tiền chuộc nếu muốn lấy lại dữ liệu

Hòn đảo bằng nửa sân banh, có 1,500 người sinh sống
MIGINGO – Mặc dù chỉ là một hòn đảo nhỏ bé, nhưng thống kê dân số của đảo Migingo ở châu Phi đã khiến cả thế giới phải giật mình. Migingo là một hòn đảo nhỏ nằm ở hồ Victoria - hồ nước ngọt lớn nhất châu Phi. Hòn đảo này có diện tích chỉ khoảng 2,000 mét vuông, nhưng có tới hơn 1,500 người sinh sống. Con số này khiến Migingo trở thành hòn đảo có mật độ dân cư cao nhất trên thế giới.
Để ngăn chặn tình trạng bùng nổ dân số trên đảo, chính phủ Kenya đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dân số. Tuy nhiên, do đảo nằm khá xa so với đất liền, nên sự tuyên truyền không có hiệu quả. Sau vài năm, hòn đảo đã chật chội đến mức không có lối đi lại giữa các túp lều.
Cuộc sống ở Migingo khá bình yên, nhưng do là một hòn đảo nằm giữa hồ, nên không thể tránh được tình trạng bị bọn cướp đến gây rối. Các chính phủ Kenya và Uganda vẫn thường gởi cảnh sát đến đây để bảo vệ người dân. Hiện tại, Migingo vẫn đang là hòn đảo có mật độ dân số cao nhất thế giới, nhưng danh hiệu này có lẽ sẽ không còn duy trì lâu nữa. Do nạn đánh bắt cá quá mức, nguồn tài nguyên giảm dần, nên cư dân tại đây đang bắt đầu chuyển đến những nơi khác có cách sinh tồn tốt hơn.

Vua Hòa Lan lái máy bay chở khách trong 21 năm
AMSTERDAM - Trong 21 năm qua, Vua Hòa Lan Willem-Alexander đã làm phi công phụ trên các chuyến bay thương mại cho hãng hàng không KLM Cityhopper, và trước đó là Martinair. Nhà vua Willem-Alexander, 50 tuổi, hiện đang được huấn luyện thêm để lái Boeing 737, nhằm tiếp tục làm việc cho KLM, vì loại phi cơ Fokkers mà ông thường lái đã bị cho ngừng hoạt động.
Nhà vua học làm phi công sau khi tốt nghiệp trung học năm 1985. Ông hiện lái máy bay 2 lần 1 tháng cho hãng KLM, nhằm có đủ số giờ bay yêu cầu là 150 giờ một năm, để giữ giấy phép. "Điều quan trọng nhất là tôi có một sở thích mà tôi có thể tập trung vào nó hoàn toàn,” ông nói. "Tôi có máy bay, hành khách, phi hành đoàn và phải chịu trách nhiệm cho sự an toàn của họ,” ông nói.
Trước khi vụ khủng bố 9/11 xảy ra, cửa buồng lái trên máy bay thường được mở, và các hành khách thường rất ngạc nhiên khi thấy ông Willem-Alexander, khi đó còn là Hoàng tử, đang điều khiển máy bay. Nhà vua này lên ngôi năm 2013. Hiện giờ, khi cửa buồng lái luôn được đóng kín, một số người vẫn nhận ra giọng nói của Nhà vua khi ông thông báo tin tức với hành khách trong chuyến bay.

Mẹ nuôi dạy con bại não vào đại học Havard
HỒ BẮC – Anh Ding Ding sinh năm 1988, bị bại não do biến chứng ngạt thở khi sinh. Khi đó, bác sĩ trong bệnh viện tỉnh Hồ Bắc đều khuyên người mẹ là bà Zou Hongyan nên bỏ con. Họ cho rằng cứu sống đứa trẻ là vô ích vì cậu bé sẽ bị khuyết tật trí tuệ khi trưởng thành. Ngay cả cha Ding Ding cũng khuyên vợ bỏ con, với lý do đứa trẻ sẽ là gánh nặng cho gia đình suốt cuộc đời. Tuy nhiên, bà Zou kiên quyết giữ con, và quyết định này khiến 2 người ly dị không lâu sau đó.
Để nuôi con khôn lớn, bà Zou phải làm 3 công việc, gồm công việc chính là nhân viên ở đại học Vũ Hán, và 2 công việc bán thời gian. Dù bận rộn như vậy, bà vẫn cố gắng dành thời gian để đưa Ding Ding tới những khóa vật lý trị liệu. Bà học cách xoa bóp cho con, dạy Ding Ding các trò chơi kích thích trí thông minh và giải đố. Bà Zou cho rằng, con trai cần học cách khắc phục khuyết tật bằng việc luyện tập thường xuyên. "Tôi không muốn con cảm thấy xấu hổ vì bị khuyết tật,” bà nói. "Bởi vì con bị chậm hơn người khác về nhiều mặt, nên đôi lúc, tôi đã rất nghiêm khắc bắt con tập luyện để vượt qua.”
Anh Ding Ding tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, tại đại học Bắc Kinh năm 2011 và học tiếp bằng luật trong trường. Sau đó, anh đi làm 2 năm để giúp đỡ mẹ. Tuy nhiên, với sự khuyến khích của bà Zou, anh đã nộp đơn xin học tại đại học Havard, và được nhận vào học. Cuối năm ngoái, Ding Ding đã lên đường đang Hoa Kỳ để tiếp tục việc học. Anh cho biết anh luôn nhớ về người mẹ ở Trung Quốc, nói rằng mẹ là "người bạn tinh thần" của anh, còn bà Zou luôn tự hào vì "hai mẹ con rất thân thiết.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT