Hoa Kỳ

Phi thuyền thám hiểm của NASA bay vào quỹ đạo Mộc Tinh

Tuesday, 05/07/2016 - 10:26:06

Dòng chữ "Chào mừng tới sao Mộc" hiện lên trên các màn hình trong Phòng Thí Nghiệm Jet Propulsion của NASA tại thành phố Pasadena, tiểu bang California, vào tối ngày 4 tháng 7. Nhóm chuyên gia thực hiện sứ mạng Juno đã reo hò và ôm nhau vì quá vui mừng. "Đây là một kỳ tích", ông Geoff Yoder, một viên chức cấp cao của NASA, cho biết.

 Chiếc Juno và sao Mộc (NASA)

Vào đêm thứ Hai, cơ quan Không Gian Hoa Kỳ NASA thông báo phi thuyền thám hiểm Juno đã tiến vào quỹ đạo của Mộc Tinh, hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ. NASA tuyên bố đã nhận một tín hiệu ở khoảng cách hơn 860 triệu cây số từ Thái Dương Hệ. Tín hiệu đó xác nhận phi thuyền Juno đã tiến vào quỹ đạo sao Mộc thành công.

Dòng chữ "Chào mừng tới sao Mộc" hiện lên trên các màn hình trong Phòng Thí Nghiệm Jet Propulsion của NASA tại thành phố Pasadena, tiểu bang California, vào tối ngày 4 tháng 7. Nhóm chuyên gia thực hiện sứ mạng Juno đã reo hò và ôm nhau vì quá vui mừng. "Đây là một kỳ tích", ông Geoff Yoder, một viên chức cấp cao của NASA, cho biết.

Phi thuyền Juno đã phải thực hiện một động tác khó khăn khi giảm tốc độ để tiếp cận quỹ đạo sao Mộc. Động cơ chính của nó phải khởi động đúng thời điểm và hoạt động trong 35 phút để tàu giảm vận tốc xuống mức 542 mét/giây, để Juno trở thành tàu bay thăm dò thứ hai quay quanh sao Mộc. Nếu bất kỳ hoạt động nào ở trên bị sai lệch dù chỉ một chút, Juno có thể bị cạn năng lượng và không hoàn thành nhiệm vụ trị giá $1 tỷ Mỹ kim.
Lúc gần 9 giờ tối thứ Hai, tàu Juno chính thức bay vào quỹ đạo sao Mộc. Trong nhiệm vụ khoa học kéo dài 20 tháng, Juno sẽ bay theo quỹ đạo hình trứng. Mỗi vòng quỹ đạo kéo dài 14 ngày. Juno sẽ quan sát xuyên qua lớp mây dày bao phủ hành tinh, lập bản đồ từ trường khổng lồ của nó và thăm dò phía sau vùng khí quyển hỗn loạn để tìm dấu hiệu của lõi đặc bên trong. Con tàu cũng sẽ tìm kiếm nước trong khí quyển dày của sao Mộc, yếu tố chính để suy đoán hành tinh khí khổng lồ này hình thành cách Mặt Trời bao xa.

Theo dự kiến, chiếc phi truyền nhỏ bé do hãng Lockheed Martin chế tạo sẽ tồn tại trong 20 tháng. Ở vòng quay cuối cùng, Juno sẽ rơi xuống khí quyển sao Mộc, bị vỡ vụn và bốc hơi. Vụ phóng Juno được thực hiện gần 5 năm trước. Đây là phi thuyền đầu tiên bay quanh sao Mộc kể từ khi tàu Galileo lao xuống bề mặt hành tinh này vào ngày 21 tháng 9, 2003. Dữ liệu từ Galileo cho thấy, rất có thể một đại dương đang tồn tại trên Europa, vệ tinh của sao Mộc.

Là hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ, sao Mộc (tiếng Anh là Jupiter) là khối cầu khí khổng lồ có đường kính lớn gấp 11 lần và nặng gấp 300 lần Trái đất. Giới nghiên cứu nhận định nó là hành tinh đầu tiên hình thành trong hệ Mặt Trời và nắm những manh mối về quá trình tiến hóa của Thái Dương Hệ.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT