Thế Giới

Phát hiện xe tải bị cài chất nổ tại Paris

Thursday, 05/10/2017 - 08:23:59

Trong bối cảnh gặp nhiều đe dọa an ninh, quốc hội Pháp hôm thứ Ba vừa qua đã phê chuẩn một dự luật chống khủng bố, tăng quyền hạn cho Bộ Nội Vụ, cho phép cơ quan này thiết lập các vùng an ninh mà không cần sự đồng ý của một thẩm phán.



PARIS - Một thiết bị nổ, gắn vào nhiều thùng dầu, đã được phát hiện bên dưới một xe tải ở vùng đông bắc Paris, theo nhà chức trách Pháp cho biết hôm thứ Năm. Chiếc xe tải được tìm thấy tại quận 19 của thủ đô nước Pháp, thuộc sở hữu của hãng xi-măng Lafarge, một công ty liên doanh Pháp – Thụy Sỹ. Xe tải đậu trong khuôn viên của một nhà máy xi-măng địa phương. Thiết bị nổ được gắn vào 6 thùng dầu, và được phát hiện bởi các công nhân đi làm buổi sáng. Toàn bộ khu vực lập tức bị phong tỏa. Một nhóm chuyên gia phá bom đã được điều đến hiện trường, và đã tháo gỡ ngòi nổ.
Giới truyền thông Pháp cho hay, Phòng công tố Paris đã mở cuộc điều tra sự việc, và cho đến nay, cảnh sát vẫn không cho rằng đây là một âm mưu khủng bố, mà chỉ gọi là một vụ âm mưu phá hoại tài sản. Sự việc xảy ra vào 2 ngày sau khi nhà chức trách Pháp tìm thấy một thiết bị nổ trong một chung cư ở quận 16 tại thủ đô Paris. Tuy nhiên, cảnh sát nói rằng hai sự việc này không liên quan. Ngoài ra, hãng xi-măng Lafarge cũng đang bị điều tra cáo buộc gián tiếp tài trợ Nhà Nước Hồi Giáo và các nhóm phiến quân khác ở Syria, nhằm duy trì hoạt động cho một nhà máy của họ đặt tại miền bắc quốc gia này.
Pháp hiện vẫn đang trong tình trạng báo động cao, sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố trong những năm gần đây khiến hàng trăm người thiệt mạng. Trong bối cảnh gặp nhiều đe dọa an ninh, quốc hội Pháp hôm thứ Ba vừa qua đã phê chuẩn một dự luật chống khủng bố, tăng quyền hạn cho Bộ Nội Vụ, cho phép cơ quan này thiết lập các vùng an ninh mà không cần sự đồng ý của một thẩm phán.

Tòa án Tây Ban Nha đình chỉ Quốc Hội Catalonia
MADRID – Tòa Hiến Pháp Tây Ban Nha hôm thứ Năm đã đình chỉ phiên họp sắp tới của Quốc Hội Catalonia, dự kiến diễn ra vào ngày 9 tháng 10. Hàng động này được cho là nhằm ngăn cản cơ quan này đơn phương tuyên bố Catalonia độc lập khỏi Tây Ban Nha. Chính phủ Madrid hôm thứ Năm cũng cho biết sẽ không chấp nhận lối cư xử theo kiểu "tống tiền" của chính quyền Catalonia, sau khi thủ hiến vùng tự trị này công bố kế hoạch tuyên bố độc lập trong cuối tuần này hoặc đầu tuần sau.
"Không có gì để thương lượng ở đây. Chúng tôi không làm việc với những kẻ âm mưu tống tiền đất nước,” Thủ Tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói. Người đứng đầu chính phủ Madrid bác bỏ khả năng hòa giải, sau khi có các thông tin cho thấy lãnh đạo Catalonia muốn giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị thông qua trung gian hòa giải. Ông Rajoy khẳng định, điều kiện tiên quyết cho bất cứ cuộc đàm phán nào đó là Catalonia phải "tôn trọng pháp luật,” tức từ bỏ kế hoạch tuyên bố độc lập của khu tự trị này.
Phản ứng của chính quyền Madrid được đưa ra, sau khi Thủ Hiến Carles Puigdemont cho biết sẽ yêu cầu quốc hội Catalonia tuyên bố độc lập ngay khi có kết quả kiểm phiếu của cuộc trưng cầu dân ý hôm 1 tháng 10. Các chuyên gia cho rằng, hành động đơn phương tuyên bố độc lập của Catalonia có thể gây ảnh hưởng vô cùng xấu tới nền kinh tế và chính trị của xứ tự trị này và toàn Tây Ban Nha. Điều này cũng có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm, tạo ra làn sóng đòi ly khai, vốn đang âm ỉ tại một số quốc gia châu Âu.

Quân đội Iraq chiếm thị trấn chiến lược từ tay ISIS
WAWIJA – Quân đội Iraq vừa giành lại thị trấn Hawija, gần một mỏ dầu lớn, từ tay phiến quân ISIS. "Các lực lượng thuộc sư đoàn thiết giáp số 9 của quân đội, cảnh sát liên bang, sư đoàn phản ứng nhanh và dân quân của Iraq, đã chiếm lại Hawija," tuyên bố của quân đội Iraq hôm thứ Năm cho biết. Hawija có vị trí chiến lược, nằm ở phía đông con đường nối giữa Baghdad với Mosul, gần mỏ dầu ở thành phố Kirkuk. Nhà Nước Hồi Giáo ISIS đánh chiếm và kiểm soát thị trấn này từ năm 2014.
Quân đội Iraq bắt đầu tấn công Hawija từ ngày 21 tháng 9, trong chiến dịch nhằm đánh bật hoàn toàn ISIS khỏi dọc tuyến biên giới phía tây giáp Syria. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch, các lực lượng Iraq đã tiêu diệt tổng cộng 557 tay súng IS và tái chiếm hơn 100 ngôi làng. Cuối tháng 8, quân đội Iraq cũng đẩy lùi ISIS khỏi một trong những thành trì cuối cùng của chúng ở nước này là Tal Afar. Theo các chuyên gia, với việc mất dần lãnh thổ ở Iraq và Syria, ISIS đang cố gắng mở rộng hoạt động sang Libya và tăng cường các hoạt động khủng bố ở phương Tây.

Tàu tặng Phi 3,000 cây súng trường
BẮC KINH – Chính phủ Trung Quốc đang dần dần mở rộng quan hệ quân sự với các nước Đông Nam Á, dựa trên các ảnh hưởng kinh tế mà Bắc Kinh đã thiết lập trong khu vực. Vào hôm thứ Năm, Trung Quốc đã giao 3,000 súng trường cho Phi Luật Tân, trong hành động được giới thiệu là nhằm thể hiện “quan hệ hợp tác và hữu nghị.” Đây là chuyến hàng vũ khí thứ hai từ Bắc Kinh chuyển tới Manila, và là dấu hiệu cho thấy quan hệ 2 nước vẫn đang phát triển rất tốt đẹp, kể từ khi Tổng Thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào năm ngoái.
Toàn bộ số súng trường, có giá khoảng $3.3 triệu Mỹ kim, sẽ được giao cho Cơ quan cảnh sát quốc gia Phi Luật Tân. Đây là hành động trái ngược với Hoa Kỳ, khi vào năm ngoái, Quốc Hội Hoa Kỳ đã ngăn cản việc bán 26,000 súng trường M4 cho Phi Luật Tân, vì lo ngại tình trạng vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng Thống Duterte.
Hiện tại, nhiều quốc gia khác tại Đông Nam Á cũng đang gia tăng liên lạc quân sự với Trung Quốc. Quân đội hoàng gia Thái Lan đang chuẩn bị nhận đợt giao hàng đầu tiên, của đơn đặt hàng 28 xe tăng VT4 từ Trung Quốc, với tổng giá trị $147 triệu Mỹ kim. Các xe tăng, được sản xuất bởi hãng China North Industries, dự kiến sẽ đến căn cứ Hải quân Sattaship của Thái Lan vào tuần tới. Ngoài ra, Malaysia cũng đã đồng ý mua 4 tàu tuần tra của Trung Quốc, khi Thủ Tướng Najib Razak đến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái. Chính phủ Kuala Lumpur đã tỏ ra thân thiện hơn với Trung Quốc, sau khi Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ nộp đơn kiện cho rằng, ông Najib có liên quan đến một vụ rửa tiền.

Bà Suu Kyi bị tước giải thưởng vì cách đối xử với người Rohingya
OXFORD – Lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi sẽ bị thành phố Oxford tước danh hiệu Freedom of the City, tạm dịch Sự Tự Do của Thành Phố, do các phản ứng của bà trước cuộc khủng hoảng Rohingya. Hội đồng thành phố Oxford đã cùng đồng thuận bỏ phiếu, phán quyết rằng việc tán thưởng lãnh đạo Myanmar là điều không còn phù hợp. Hội đồng sẽ mở một phiên họp đặc biệt vào ngày 27 tháng 11, để xác nhận việc tước danh hiệu của bà Suu Kyi. Lãnh đạo hội đồng Oxford, ông Bob Price, gọi đây là điều chưa từng có tiền lệ của nhà chức trách địa phương.
Trong những tháng gần đây, bà Suu Kyi đã liên tục bị chỉ trích, vì đã bảo vệ các chiến dịch của quân đội Myanmar nhắm vào cộng đồng thiểu số Rohingya, vốn bị Liên Hiệp Quốc gọi là hành động thanh lọc sắc tộc. Hội đồng Oxford trao danh hiệu Freedom of the City cho bà Suu Kyi vào năm 1997, khi bà bị giam giữ tại gia bởi chính quyền quân sự Myanmar. Quyết định tước danh hiệu của Hội đồng Oxford diễn ra không lâu sau khi trường đại học cộng đồng Oxford, nơi bà Suu Kyi theo học, cũng tháo bỏ ảnh chân dung của bà khỏi khu trưng bày công cộng. Một số học viện Anh quốc cũng nói rằng, họ đang cân nhắc việc thu hồi các danh hiệu từng được trao cho bà Suu Kyi, khi bà còn là nhà hoạt động dân chủ. Là lãnh đạo đảng đối lập Myanmar, bà Suu Kyi từng được cả thế giới ca ngợi, và được trao giải Nobel Hòa Bình vào năm 1991. Bất chấp việc bị cấm ra tranh cử tổng thống, bà Suu Kyi vẫn chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 của Myanmar. Bà sau cùng được trao chức vụ cố vấn quốc gia, và là lãnh đạo thực tế của Myanmar.

Người Thái Lan xếp hàng viếng Vua Bhumibol trước khi hỏa táng
BANGKOK – Vào ngày thứ Năm, hàng ngàn người đã xếp hàng tại khu vực gần sông Chao Phraya, trước cung điện hoàng gia ở thủ đô Bangkok, để được vào viếng Quốc Vương Bhumibol, trước khi thi hài ông được hỏa táng vào ngày 26 tháng 10. Ngày thứ Năm cũng là ngày cuối cùng công chúng được vào viếng thi hài. Nhà chức trách cho biết, hàng người đã kéo dài tới 2 cây số, trong đó nhiều người đã xếp hàng từ hôm trước, để vào viếng quốc vương lần cuối.
Lễ tang hoàng gia được tổ chức vào ngày 26 tháng 10, kết hợp giữa các nghi lễ của đạo Phật và đạo Bà La Môn. "Đối với nhiều người Thái Lan, đây sẽ là lần đầu tiên họ được chứng kiến tang lễ hoàng gia. Bởi vậy mọi người đều chuẩn bị để buổi lễ diễn ra long trọng và thành kính", Tonthong Chandransu, thành viên ban lễ tang, cho biết. Nhóm xây dựng đã làm việc trong nhiều tháng để lập đài hóa thân hoàng gia trong khuôn viên phía trước cung điện.
Hoàng cung cho biết, khoảng 250,000 người dự kiến sẽ tham gia lễ hỏa táng hoàng gia. Nhà chức trách Thái Lan đã yêu cầu du khách tôn trọng sự tôn nghiêm của người địa phương, trong khoảng thời gian thiêng liêng này. Vua Bhumibol qua đời hồi tháng 10 năm ngoái, hưởng thọ 88 tuổi. Ông được người dân coi là tấm gương đạo đức mẫu mực trong nhiều thập kỷ biến động do bất ổn chính trị ở Thái Lan. Hoàng gia Thái Lan cho biết gần 12 triệu người, tức 1 phần 6 dân số, đã viếng thăm hoàng cung ở Bangkok để tưởng nhớ vua Bhumibol Adulyadej kể từ khi ông qua đời.

Thái Lan phát lệnh bắt thứ ba với bà Yingluck
BANGKOK - Một tòa án hình sự Thái Lan đã ra lệnh bắt thứ ba đối với cựu Thủ Tướng Yingluck Shinawatra, vì tội vượt biên trái phép. Tòa hình sự khu vực phía nam thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày thứ Tư đã phát lệnh bắt cựu Thủ Tướng Yingluck Shinawatra, vì ra nước ngoài mà không đi qua cơ quan xuất nhập cảnh. Phó tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Srivara Ransibrahmanakul cho biết, lệnh bắt sẽ được gởi đến các sở cảnh sát toàn quốc, bao gồm cả những trạm kiểm soát xuất nhập cảnh.
Đây là lệnh bắt thứ ba được ban hành đối với bà Yingluck. Trước đó, vào ngày 25 tháng 8, Tối Cao Pháp Viện Thái Lan ra lệnh bắt đầu tiên, khi bà Yingluck không xuất hiện tại tòa để nghe phán quyết về vụ kiện liên quan đến chương trình trợ giá lúa gạo. Lệnh bắt thứ hai ký vào ngày 27 tháng 9, khi tòa tuyên án vắng mặt, phạt bà Yingluck Shinawatra 5 năm tù. Cựu thủ tướng Yingluck được cho là rời khỏi Thái Lan vào ngày 23 tháng 8. Cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra để tìm ra những người giúp bà Yingluck trốn thoát.

Tàu ngầm Nga phóng 10 hỏa tiễn diệt khủng bố ở Syria
DEIR-EL-ZOR - Bộ Quốc Phòng Nga hôm thứ Năm cho biết, 2 tàu ngầm Veliky Novgorod và Kolpino đã phóng 10 hỏa tiễn hành trình Kalibr từ Địa Trung Hải, nhằm hỗ trợ quân đội Syria trong các cuộc phản công tại tỉnh Deir-ez-Zor. Trước khi các tàu ngầm phóng hỏa tiễn, lực lượng Nga đã phát hiện các mục tiêu khủng bố của Nhà Nước Hồi Giáo ISIS ở tỉnh Deir-ez-Zor. Hỏa tiễn được phóng từ Địa Trung Hải đã tiêu diệt các trung tâm chỉ huy, kho đạn, và nhà đậu thiết giáp của các phiến quân.
Thông báo cho biết, để có thể đánh trúng các mục tiêu, hai tàu ngầm Nga phải thực hiện 2 đợt tấn công, và hỏa tiễn được phóng từ dưới mặt nước ở Địa Trung Hải. Hồi đầu tháng 8, 2 tàu ngầm Veliky Novgorod và Kolpino đã di chuyển từ biển Baltic và gia nhập lực lượng Hải quân thường trú của Nga tại Địa Trung Hải.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT