Pháp Luật

Phán quyết về việc giữ con có thay đổi được không?

LS. Trần Khánh Hưng Wednesday, 21/03/2012 - 10:12:11

Tuy duyên nợ đã dứt, nhưng hai bên sẽ vẫn còn những mối quan hệ trong tương lai vì những đứa con của mình.

LS. Trần Khánh Hưng

Trong những cuộc hôn nhân bị đổ vỡ và có con cái, những xung đột không hẳn sẽ chấm dứt sau khi ly dị. Tuy duyên nợ đã dứt, nhưng hai bên sẽ vẫn còn những mối quan hệ trong tương lai vì những đứa con của mình. Một trong những điều có thể xẩy ra là sự thay đổi trong đời sống của hai bên, đưa đến việc điều chỉnh phán quyết về giữ con hay thăm nuôi con.

Trong thời gian nào thì tôi có quyền xin thay đổi phán quyết về việc giữ con hay thăm nuôi con (modification of child custody/visitation orders)?

Những phán quyết về giữ hay thăm nuôi con cái có thể xin thay đổi trong khoảng thời gian con cái còn ở tuổi vị thành niên. Nếu có lý do chính đáng, vì lợi ích cho con cái (childs best interests) thì toà án sẽ cho thay đổi, ngay cả khi đã có phán quyết ly dị hay ly thân (legal separation).

Hai vợ chồng có thể thỏa thuận với nhau về việc giữ con và không cần sự can thiệp của toà án California không?
Trong hợp đồng ly dị (Marital Settlement Agreement), hai bên có quyền thỏa thuận về việc giữ con, nhưng không được tước đi thẩm quyền của toà án tiểu bang California trong việc giám sát sự thăm nuôi con cái. Những điều khoản nào trong hợp đồng dùng để hạn chế quyền giám định của tiểu bang California sẽ bị vô hiệu hóa và huỷ bỏ.

Nếu vợ cũ của tôi được giữ con nhưng qua đời thì sao?
Trong trường hợp này, người bố sẽ đương nhiên được quyền giữ con (sole custody) trừ khi những người thân nhân khác có thể chứng minh cụ thể (clear and convincing evidence) là việc người bố giữ con sẽ làm tổn hại cho con em. Người phụ huynh sống sót (surviving parent) sẽ có toàn quyền định đoạt về vấn đề sức khỏe y tế, học vấn và đời sống cho con em của mình.

Điều gì sẽ xẩy ra khi người phụ huynh (non-custodial parent) qua đời khi con còn vị thành niên?
Giống như trường hợp nêu trên, tất cả quyền hạn về việc giữ con sẽ thuộc về một mình của người phụ huynh còn sống sót. Trong những trường hợp khi con cái ở với mẹ, bố có quyền thăm nuôi con (visitation rights), nhưng nếu người bố bị bệnh mất đi, con cái có thể sẽ mất liên lạc với gia đình thân nhân bên họ nội. Vì vậy, nếu cần thiết, gia đình hay ông bà nội có thể đứng đơn để xin toà án cho thăm nuôi cháu của mình. Đây sẽ là một thủ tục riêng biệt chứ không thể xin tòa sửa đổi phán quyết cũ về việc giữ con, vì người bố nay không còn nữa.

Tôi muốn để lại tài sản cho con tôi, nhưng nếu tôi mất lúc con còn nhỏ, mà tôi không muốn tài sản về tay người vợ cũ thì tôi phải làm sao?
Cách tốt nhất là bạn nên thành lập một tín quỹ (living trust) và để lại tài sản cho con cái. Bạn nên chọn những người quản trị viên dự bị (alternate trustees) mà bạn tin tưởng, thường là những người thân trong gia đình, hay bạn bè thân tín. Nếu bạn qua đời mà con còn tuổi vị thành niên, người quản trị viên (trustee) sẽ tiếp tục giữ gìn di sản cho đến khi con bạn đến tuổi trưởng thành (21 tuổi) để trao lại gia tài. Trong thời gian con bạn còn nhỏ, người quản trị viên sẽ lo về phương diện tài chánh cho con em nếu cần thiết, và gia tài sẽ không về tay của người vợ hay chồng cũ.

Tôi có thể đề cử người alternate trustee là người giám hộ (legal guardian) cho con tôi khi tôi mất được không?
Như đã đề cập ở trên, khi một phu huynh mất đi thì toàn quyền giữ con sẽ thuộc về người phụ huynh sống sót. Tuy nhiên, người phụ huynh sống sót thì có quyền chỉ định người giám hộ cho con mình, và người giám hộ cũng có thể là người alternate trustee cho living trust.

Trong thời gian tiến hành thủ tục ly dị, tôi có thể mang con cái qua tiểu bang khác sinh sống được không?

Khi bắt đầu thủ tục ly dị tại California, người đệ đơn (Petitioner) phải nộp và tống đạt đơn ly đi và trát toà (Summons and Petition) đến cho người phối ngẫu (Respondent). Kể từ lúc đó, cả hai bên điều phải tuân theo những luật cấm (automatic restraining orders) được liệt kê ở trang 2 của trát toà (page 2 of Summons) chẳng hạn không được mua bán, đổi chác, tẩu tán tài sản, mượn nợ, hay mang con ra ngoài tiểu bang California mà không có sự đồng ý của bên kia. Trong những trường hợp đặc biệt vì nhu cầu kinh te, hay lợi ích của con em chứ không vì mục đích trả thù hay cố tình không cho con gặp người vợ hay chồng cũ, tòa sẽ cứu xét và chấp thuận cho việc dọn đi, nếu điều này có lợi cho con em (childs best interests).
Thí dụ: con bị bệnh, cần phải cư ngụ gần bác sĩ chuyên môn để tiện việc chữa trị.

Nếu sau khi có phán quyết ly dị cho tôi giữ con, tôi có quyền mang con đi tiểu bang khác sinh sống không?
Người phụ huynh giữ con có quyền dọn đi tiểu bang khác sinh sống, nếu có lý do chính đáng về tài chánh, sức khoẻ, v.v.. Tuy nhiên, người phụ huynh với quyền thăm nuôi con có thể chống lại việc dọn đi bằng cách nộp đơn xin toà án California xin thay đổi phán quyết thăm nuôi vì có những thay đổi đáng kể, hay những nguy hại sẽ xẩy ra (substantial change of circumstance or detriment). Những nguy hại có thể là môi trường sống của con em tại địa điểm mới, và những thay đổi đáng kể có thể là việc cách trở thăm viếng con cái, vì đường sá xa xôi. Lúc đó, quan tòa sẽ đặt quyền lợi của con em lên hàng đầu để quyết định cho thay đổi chỗ ở hay không.
Ngoài ra, người phụ huynh không giữ con, mà chỉ thăm nuôi con có quyền xin tòa thay đổi phán quyết thăm con cho phù hợp với hoàn cảnh, để con cái vẫn duy trì mối liên hệ với cả hai cha mẹ.
Thí dụ: Sau khi ly dị, Mẹ vì công việc phải dọn đi Texas. Bố lúc trước có quyền thăm con mỗi cuối tuần, có thể xin tòa thay đổi lịch trình thăm nuôi con, thay vì mỗi tuần, sẽ là suốt thời gian những tháng nghỉ Hè. Trong một số trường hợp, tòa án có thể bắt người phụ huynh dọn đi phải trang trải chi phí di chuyển hằng năm (visitation costs) hay là sẽ giảm số tiền chu cấp hàng tháng cho những trường hợp đặc biệt này.

Nếu người phụ huynh với quyền thăm nuôi con là người dọn đi xa thì sao?
Nếu sau khi dọn đi, người phụ huynh không còn thăm nuôi con cái theo lịch trình ấn định, thì người phụ huynh giữ con có quyền xin tòa thay đổi phần trăm thăm con của người phụ huynh thăm nuôi, hay thay đổi lịch trình thăm nuôi cho thích hợp với hoàn cảnh hiện thực. Nếu người phụ huynh thăm nuôi không còn giữ liên lạc với con cái trong thời gian lâu dài, người phụ huynh giữ con có quyền xin tòa án cho họ toàn quyền giữ con (sole custody).

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về vấn đề thay đổi phán quyết ly dị, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA 92683.


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT