Thế Giới

Ô nhiễm không khí khiến 4.2 triệu người chết trẻ mỗi năm

Monday, 03/09/2018 - 11:17:51

Bụi mịn hình thành chủ yếu từ khí thải giao thông, công nghiệp và nông nghiệp. Để giảm nồng độ bụi đến mức vô hại với sức khỏe người, lượng khí thải từ các nguồn này cần phải giảm đi.

THỤY SỸ - Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, ô nhiễm không khí khiến 4.2 triệu người chết trẻ mỗi năm, trong đó gần 60% do đau tim và đột quỵ. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn gây tử vong vì các bệnh như tắc nghẽn phổi mãn tính (18%), nhiễm trùng phổi (18%) và ung thư phổi (6%).

Trước các con số đáng báo động này, giới khoa học đã phân tích ảnh hưởng của các thành phần khác nhau trong không khí ô nhiễm, bao gồm ozone, nitrogen dioxide, carbon monoxide, sulfur dioxide. Kết quả phát hiện, các hạt bụi mịn (particulate matter – pm) chính là thành phần lớn nhất phá hủy mạch máu trong cơ thể người.

Bụi siêu mịn hay còn gọi là bụi PM 2.5 (đường kính nhỏ hơn 2.5 micron) tồn tại trong khí thải diesel. Bụi có kích thước bằng virus và có thể dễ dàng đi qua phổi để xâm nhập vào máu, dẫn đến tình trạng sưng viêm trong mạch máu, gây xơ vữa động mạch, làm tắc mạch máu, đau tim, suy tim và loạn nhịp tim.
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Ấn Độ. Nước này có 14 thành phố bị ô nhiễm nặng nhất thế giới do nồng độ bụi PM đáng báo động. Theo báo cáo toàn cầu về các loại bệnh (Global Burden of Disease), năm 2015 Ấn Độ có 1.1 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí do bụi PM2.5.

Tiến Sĩ Ravi R Kasliwal, trưởng khoa Tim Mạch tại bệnh viện Medanta, Gurugram, Ấn Độ, cho biết: “Hít phải bụi PM2.5 gây tăng huyết áp, kháng insulin, rối loạn chức năng nội mạc dẫn đến giãn mạch (cứng động mạch), viêm tĩnh mạch, đông máu, đau tim và đột quỵ.” Các nghiên cứu cho thấy, những người sống trong phạm vi 2 cây số xung quanh đoạn đường ô nhiễm có thể gia tăng nguy cơ bị bệnh tim và một số bệnh nguy hiểm khác.

Bụi mịn hình thành chủ yếu từ khí thải giao thông, công nghiệp và nông nghiệp. Để giảm nồng độ bụi đến mức vô hại với sức khỏe người, lượng khí thải từ các nguồn này cần phải giảm đi.

Tiến Sĩ Kasliwal cũng cho biết, chính phủ cần có các chính sách mạnh tay để giảm khí thải, đầu tư cho giao thông sạch, nguồn cung cấp điện thân thiện môi trường và quản lý chất thải hiệu quả. Mỗi người dân cũng cần chống lại ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, bằng cách sử dụng các biện pháp lọc khí cá nhân, tập thể dục trong nhà hoặc trong khu vực cây xanh.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT