Người Việt Khắp Nơi

Nữ thi sĩ Dương Hồng Anh, 89 tuổi, vẫn sáng tác thơ

Sunday, 08/03/2020 - 11:19:28

Những bài thơ đầu tay của Dương Hồng Anh được đăng trên báo Cậu Ấm Cô Chiêu năm 1949. Sau đó có thơ đăng rải rác trên các báo Cải Tạo, Hồ Gươm, Sinh Lực, Giang Sơn, Giác Ngộ …

Nữ thi sĩ Dương Hồng Anh

Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Nữ thi sĩ Dương Hồng Anh sinh năm 1931 tại Hà Nội, hiện đang cư ngụ tại thành phố Westminster, Nam California, dù đã 89 tuổi thi sĩ vẫn không ngừng sáng tác, và những dòng thơ của bà vẫn dạt đào tình yêu quê hương, yêu nguồn cội. Nữ thi sĩ rất nặng lòng với quê hương dân tộc, và trân qúy bè bạn nên:
“..Nâng niu bút thảo từng chương
Ra thơ để tặng bốn phương bạn bè “ (Bóng Hình Quê Hương)
Trước đây, thi sĩ Dương Hồng Anh đã xuất bản chung với các tác giả Minh-Tân, Hồng-Anh, Minh - Đức tập thơ Hương Mùa Chinh Chiến tại Hà Nội. Từ năm 2010 đến nay, hầu như mỗi năm thi sĩ Dương Hồng Anh đều xuất bản một tập thơ như: Từ Phương Trời Xa (2010), Chiều Bến Đợi (2012), Tiếng Thầm (2013), Đôi Bờ Thương Nhớ (2014), Màu Trăng Thuở Ấy (2015), Sợi Nhớ Sợi Thương (2016), Tình Thu (2017), Vương Vấn Hồn Quê (2018), và Nguồn Cội (2019). Mỗi tập thơ có gần 100 bài thơ, mỗi bài đều nói lên tâm sự thương nhà, nhớ nước như bài “Việt Nam” trong tập thơ Sợi Nhớ Sợi Thương, thi sĩ viết:
Việt Nam ơi! Việt Nam ơi!
Hơn bốn mươi năm cách biệt rồi
Mảnh đất quê hương xa vạn dặm
Biển Đông ngời sáng trái tim tôi…


Ba trong số các tác phẩm của nữ thi sĩ Dương Hồng Anh (Thanh Phong/ Viễn Đông)

hay

Ngắm Bức Dư Đồ lòng xao xuyến
Sông Hồng đưa tiễn bước tôi đi
Mùa Thu năm ấy, Thu lưu luyến
Ánh mắt chia tay lệ ướt mi
(Bức Dư Đồ)
Mặc dù là người con gái Hà Thành nhưng thi sĩ Dương Hồng Anh đã có thời gian sinh sống tại Saigon, thủ đô của miền Nam tự do nên trong bài Nhớ Saigon, trong 40 câu thơ có những câu như: Saigon ơi! Thương nhớ
Đường về đầy sương gió
Quê nghèo mấy sót sa
Bao thu rồi trăn trở
Tha hương trên xứ Mỹ,
Nửa vòng trái đất xa
Mang mang sầu thế kỷ
Hỏi thầm, ai hiểu ta?
Định cư trên đất nước Hoa Kỳ cũng có nắng ấm như nắng Saigon thuở nào nhưng người thi sĩ vẫn nặng lòng nhớ thương quê hương trong từng hơi thở:
Phố vắng một mình đi lững thững
Nắng Ca Li nhớ nắng Saigon
Con hẻm nhỏ đường ngang ngõ dọc
Bình minh rộn rã guốc khua ròn
Ôi bao kỷ niệm êm đềm ấy
Xếp hàng trong góc trái tim tôi
Để thương để nhớ từng hơi thở
Vương vấn bao thu giấc mộng đời…
Thi sĩ Dương Hồng Anh sinh năm 1931 tại Hà Nội là cháu nội trực hệ cụ Dương Khuê, Vân Đình, Hà Đông. Thân phụ là cụ Dương Tự Tám, Hiệu Trưởng Trường Tiểu Học Nhật Tiến, Hà Nội trước năm 1945, một nhà giáo thanh bạch song rất ưa chuộng thi ca. Những bài thơ đầu tay của Dương Hồng Anh được đăng trên báo Cậu Ấm Cô Chiêu năm 1949. Sau đó có thơ đăng rải rác trên các báo Cải Tạo, Hồ Gươm, Sinh Lực, Giang Sơn, Giác Ngộ …
Nữ thi sĩ Dương Hồng Anh tên tộc là Dương Nguyệt Anh. Tên hiệu là Dương Hồng Anh, bà chính là cháu nội của thi hào Dương Khuê (1839 -1902). Cụ Dương Khuê, một nhà thơ Việt Nam nổi tiếng ở thế kỷ 19. Xuất thân trong một gia đình Nho gia vọng tộc. Theo nhà văn Trần Việt Hải cho biết, thi sĩ Dương Khuê là con cả của Đô Ngự Sử Dương Quang và là anh ruột của danh sĩ Dương Lâm (1851-1920) từng giữ chức Phó Tổng Tài Quốc Sử Quán nhà Nguyễn. Cụ Dương Khuê đỗ Cử Nhân năm 1864 cùng khoa này có Nguyễn Khuyến đỗ Giải Nguyên. Ông đỗ Tiến Sĩ năm Mậu Thìn (1868) thời vua Tự Đức, được bổ làm Tri Phủ Bình Giang (Hải Dương). Năm 1897, toàn quyền Paul Dumer xóa bỏ điều 7 của Hòa Ước Giáp Thân 1884, đặt cơ sở chia guồng máy cai trị của chính phủ bảo hộ, cụ Dương Khuê xin cáo quan, lúc 58 tuổi, được tặng hàm Thượng Thư Bộ Binh. Khi nghe tin ông mất ngày 6 tháng 3 năm Nhâm Dần 1902, Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ bất hủ “Khóc bạn Dương Khuê”. Bài thơ được ghi vào Văn Học Sử và có thể xem đây là bài Văn Tế, thể thơ song thất lục bát, giọng thơ réo rắt thấm đầy lệ lòng, gồm 38 câu thơ. Mở đầu bài thơ là một tiếng than thở xót xa bùi ngùi:
Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm gùi lòng ta…
Người đời thường nói “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, nữ thi sĩ Dương Hồng Anh, cháu nội thi hào Dương Khuê, bảo sao thơ bà không làm xao xuyến lòng người?
Cám ơn thi sĩ Dương Hồng Anh đã tổ điểm vẻ đẹp cho đời qua những vần thơ tuyệt diệu.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT