Hôm Nay Ăn Gì

Những món ăn Mồng Năm tháng Năm

Thursday, 25/06/2020 - 06:31:00

Với người Việt, Mồng Năm là ngày đánh dấu giữa năm cho dù tháng Sáu mới chạm nửa năm, và ngày này cũng chẳng phải Tết Đoan Ngọ của Tàu gì sất, đơn giản, đây là ngày Tết chống sâu bọ...


Cháo vịt (Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM

Với người Việt, Mồng Năm là ngày đánh dấu giữa năm cho dù tháng Sáu mới chạm nửa năm, và ngày này cũng chẳng phải Tết Đoan Ngọ của Tàu gì sất, đơn giản, đây là ngày Tết chống sâu bọ, ngày Tết mùa màng, ngày gặt hái mùa màng, gieo vụ cuối vừa xong, rảnh rang, nấu mâm cơm cúng tổ tiên, cúng thành hoàn khai canh, cúng tiền hiền mở đất và tưởng nhớ đến công ơn người xưa đã dạy hậu thế cách để làm ra hột cơm mà giữ ấm bụng. Đơn giản vậy thôi, và cũng vì đơn giản vậy làm món ăn ngày Mồng Năm tuy có thịnh soạn nhưng cũng đầy chất dân dã, gợi cảm giác yên bình, thổn thức mà không chộn rộn, ấm áp mà không quá bốc, sâu lắng mà không thê lương. Từ món cháo vịt cho đến bánh ú tro, chè hạt kê… Dường như mỗi món ăn đều mang một ý nghĩa, tâm trạng nào đó.

Nếu như cháo vịt với một ít đậu xanh, một ít gạo, một ít nếp và một chút muối bỏ vào nồi nấu thành cháo loãng, sau đó cho thịt vịt chưa qua xắt nhỏ vào, nấu sôi, đợi cho đến khi thịt vịt bay mùi thơm, cháo dẽo thơm thì vớt vịt ra rổ, để cho nguội, chặt thành miếng rồi giã gừng, ớt, chanh đường làm nước mắm để chấm. Thịt vịt ăn kèm với mắm gừng, rau ngổ điếc, rau thơm, chuối chát xắt mỏng, khế xắt lát và một ít húng, ngò, hành tây xắt mỏng, dưa leo…


Thịt vịt luộc, nước mắm gừng (Tom/ Viễn Đông)

Mùi thơm ngầy ngậy của thịt vịt, vị ngọt của cháo vịt có chút đậu xanh, mùi rau tháng năm đậm hương nắng và gừng cay muối mặn… Tất cả quyện vào thành một phức cảm mùa màng, quê kiểng, gợi nhớ thời cha ông mở cõi và gợi nhắc về những ngày nghèo khổ, nồi cháo vịt như một đại tiệc gia đình thì, bánh ú tro lạt lại cho cảm thức về mùa màng chay tịnh, về sự trân quí thiên nhiên, về âm dương ngũ hành, về trời tròn đất vuông, về màu hoàng thổ trong từng thớ bánh…

Mồng Năm ta nấu chè kê
Tổ cha thằng trọc không về mà ăn!

Hai câu ca dao nghe có chút gì đó dân dã nhưng cũng ẩn chất lòng người, tình người buồn tủi và đôi khi nghe cứ như đứt ruột đứt gan này đang nhắm vào điều gì? Muốn nói lên điều gì?

Có lẽ, bàn về chữ nghĩa của hai câu ca dao này, chắc phải giải mã đến vài trang giấy cũng chưa đủ. Và không chừng, đây là mã văn học của một thời lịch sử, một giai đoạn kinh tế và của cả một bức màn mà phía sau nó chứa chất sắc màu tôn giáo. Nhưng câu chuyện ấy không thuộc về những người viết các món ăn. Vấn đề nằm ở chỗ bốn chữ “tổ cha thằng trọc” nghe có gì đó vừa thân thương, vừa trách cứ, vừa nhớ nhung và cả đau xót. Mà tại sao không phải là tổ cha thằng nhỏ, tổ cha thằng con, tổ cha thằng quắn, tổ cha thằng ngọng… Mà là tổ cha thằng trọc? Liệu có phải đối tượng, nhân vật trữ tình trong cặp ca dao là một chú tiểu, hoặc một người sầu xa xứ (đói rụng râu rầu rụng tóc - trọc), mọi giả định đều có thể!

Vấn đề là cặp ca dao này chỉ mới xuất hiện trên dải đất miền Trung từ những năm 1978 đến nay, nghĩa là từ khi nền kinh tế tập trung bao cấp, kinh tế tập thể chi phối mọi thứ, đây cũng là giai đoạn mà gia đình dù đông con chừng nào vẫn lo nơm nớp và đau khổ mỗi khi đến kì tuyển nghĩa vụ quân sự. Bởi hầu hết thời đó, đi bộ đội cũng có nghĩa là đi đến chỗ chết, đi vào khói lửa, thậm chí đi một cách mơ hồ, chẳng rõ vì sao mình chết và chết vì cái gì? Nhất là các gia đình từng đổi máu xương nhiều thế hệ để lấy lý tưởng và cuối cùng, cái thứ lý tưởng ấy là một thứ gì đó không có thật, họ sợ phải tiếp tục đánh đổi nhân mạng vô cớ. Trốn bộ đội, đó là câu cách ngôn thời đại ở giai đoạn này.


Bánh ú tro chấm đường (Tom/ Viễn Đông)

Có người nghe tin chuẩn bị khám nghĩa vụ quân sự thì mổ một con tắc kè hoặc con rắn mối, úp phần bụng bị mổ của con vật vào da tay, sau đó quấn dây su cả tuần cho đến khi con vật hôi thối trên tay thì mới mở ra. Sau khi mở ra thì ngay chỗ úp xác thối con vật, da chuyển thành màu trắng như bạch tạng, khi đi khám, bị bạch tạng thì được miễn nghĩa vụ quân sự.

Ngoài cách tránh này, người ta còn cho con đi vào chùa để tu, đó là cách vừa tránh phải để con nối nghiệp cha bồng súng, lại là cách để con có chỗ mà nương tựa khi gia đình quá nghèo. Và cách này có vẻ rất phổ biến tại Việt Nam. Các chú tiểu hồi đó mỗi năm chỉ được về thăm gia đình đúng vào dịp Tết Nguyên Đán, dịp Mồng Năm thì ở lại chùa để cúng kính. Thử hình dung một gia đình vốn nghèo, mỗi năm chỉ có hai dịp Tết gồm Nguyên Đán và Mồng Năm, Tết Nguyên Đán thì được gặp con, để biết con mình tăng thêm một tuổi cao thấp ra sao, mập ốm như thế nào, và gọi con bằng “thầy,” bằng “cô.”

Dịp Mồng Năm cũng là dịp đoàn tụ gia đình, tưởng nhớ tổ tiên, tiền hiền khai canh… Nhưng giữa bữa cơm, giữa lúc con cái bưng chén chè kê, thiếu “thằng trọc,” tự dưng thấy buồn, buộc miệng chửi “tổ cha.” Tổ cha thằng trọc hay tổ cha cuộc đời khốn khó của mình? Tổ cha thằng trọc hay tổ cha cái thời đại đẩy đưa đứa con yêu dấu thành thằng trọc? Mọi thứ dường như mịt mù sương khói, và Mồng Năm trở nên ẩn mật bởi những câu ca dao.


Chè kê (Nguồn: Bếp nhà Béo)

Chè kê nấu đơn giản, món đơn giản đã dựng trời ca dao, chỉ một ít hạt kê, bóc, đãi cho sạch, sau đó cho vào nồi cùng với đậu xanh lòng, nấu như nấu cháo, sau đó cho đường vào, đợi sôi thì múc ra chén. Vị ngọt, thơm, bùi, có chút ngùi ngùi hương thơm trời đất, sương tháng năm càng khiến cho tâm hồn người ta trở nên sâu lắng hơn trước một món ăn, trước một ngày Tết mà cái dịp khói hương này đôi khi cũng mang thị phi, người ta gọi nó là Tết Tàu, tục Tàu… Nhưng vấn đề ở đây là người Việt đón, bằng tâm hồn Việt và cúng kính tổ tiên người Việt, ăn món Việt và đoàn tụ những đứa con Việt để suy tư nhiều hơn về dòng giống, tổ tiên người Việt giữa đất trời bao la, thời gian miên viễn!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT