Phóng Sự

Những lớp học dành cho người cao niên (kỳ 4)

Sunday, 10/08/2014 - 10:31:38

Vẽ là một trong những hình thức căn bản nhất của nghệ thuật vì hầu hết các tác phẩm nghệ thuật sẽ bao gồm sự thể hiện của một hình ảnh trên giấy hoặc vải, hoặc làm việc từ phác thảo của các tác phẩm. Người già học vẽ sẽ được cung cấp một số lợi ích không chỉ liên quan đến thế giới nghệ thuật. Khi được khuyến khích để vẽ



Cô Minh Hiếu khoe tác phẩm lồng đèn của mình
 
Lớp vẽ miễn phí cho người cao niên

Vẽ là một trong những hình thức căn bản nhất của nghệ thuật vì hầu hết các tác phẩm nghệ thuật sẽ bao gồm sự thể hiện của một hình ảnh trên giấy hoặc vải, hoặc làm việc từ phác thảo của các tác phẩm. Người già học vẽ sẽ được cung cấp một số lợi ích không chỉ liên quan đến thế giới nghệ thuật. Khi được khuyến khích để vẽ, đầu tiên học viên sẽ được học cách làm thế nào để lựa chọn. Học viên được giới thiệu với một quan cảnh sẽ khuyến khích họ quan sát mọi thứ trước mặt, cân nhắc những khía cạnh tích cực và tiêu cực của những thứ mà họ nhìn thấy, trước khi họ bắt đầu vẽ. Khi bắt đầu vẽ những gì nhìn thấy mà không cần rời mắt khỏi đối tượng đó, họ không chỉ bắt đầu học cách phối hợp tay và mắt, mà còn có thể nghiên cứu đối tượng của mình một cách cẩn thận, đây là cách để hình dung ý nghĩ trong đầu và có thể tương tác với những ý nghĩ đó. Giúp bộ não tiếp thu dữ liệu, giải quyết vấn đề, họ cứ vẽ và không cần phải quan tâm tới xấu hay đẹp, mà đây là cách dùng nó để tập trung và ghi nhớ. Chưa kể đến niềm vui khi họ lưu giữ thành một hồ sơ các tác phẩm của mình, sau một vài tháng, họ sẽ có thể nhìn lại và thấy các tác phẩm của mình đã tiến bộ nhiều như thế nào so với những cố gắng ban đầu.



họa sĩ Trinh Mai đang hướng dẫn học viên lớp học

Nhằm thăng tiến đời sống tinh thần cho quý vị cao niên, bắt đầu từ tháng Hai 2013, lớp vẽ miễn phí dành cho các vị cao niên thuộc dự án “Treasures” (được tài trợ bởi The James Irvine Foundation) do viện bảo tàng Bowers tổ chức trong cộng đồng Việt Nam, nhật báo Người Việt hỗ trợ bằng cách cho mượn địa điểm để mở những lớp vẽ, đã thu hút buổi đầu khoảng 20 học viên, đến nay lớp học đã lên đến 40 học viên ghi danh.



Khi chúng tôi ngồi vẽ, mọi ưu phiền đều quên hết, chỉ còn tập trung vào tranh vẽ

Lớp vẽ miễn phí mỗi khóa học kéo dài 6 tuần lễ, được tổ chức vào mỗi chiều Thứ Tư, từ 1:30 đến 3:30. Dự án “Treasures” tổng cộng gồm 8 khóa trong năm 2013 và 2014. Ngoài ra mỗi tháng các học viên lớp vẽ (và với cả những người cao niên không thuộc lớp vẽ vẫn có thể ghi danh tham dự) có hai chuyến đi thăm Viện Bảo Tàng Bowers ở thành phố Santa Ana, vào ngày thứ Năm tuần lễ đầu (từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều) và vào ngày thứ Năm tuần lễ thứ ba (từ 12 giờ đến 3 giờ chiều) trong tháng, tham dự chuyến đi này mỗi buổi là những đề tài khác nhau, được học ngoài khóa, được ăn trưa, thưởng thức nhạc jazz….

Họa sĩ trẻ Trinh Mai là một giảng viên của lớp vẽ cho biết trước khi đến với lớp vẽ, cô chưa từng sinh hoạt với cộng đồng Việt Nam. Cô sinh ra tại Pennsylvania, trước đây sống và làm việc ở San Jose, tình cờ vào năm 2010, được một thành viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ (VAALA) phát hiện và mời tham dự triển lãm tại Little Saigon. Kể từ đó cơ duyên gắn bó với cộng đồng Việt Nam thêm sâu đậm, giúp cô hiểu hơn về văn hóa và con người Việt Nam. Cũng qua lời giới thiệu của VAALA, họa sĩ Trịnh Mai được mời đến dạy cho chương trình lớp vẽ miễn phí của viện bảo tàng Bower dành cho cao niên Việt Nam bắt đầu từ tháng Năm 2013. Trước cô, lớp học do nữ hoạ sĩ Anh Trần phụ trách việc giảng dạy.



quang cảnh lớp học

Họa sĩ Trinh mai kể rằng, nếu các học viên thích thú khi đến lớp học và bày tỏ biết ơn cô đã truyền dạy cho họ những kiến thức về màu sắc, hội họa, thì cô lại vô cùng biết ơn các học viên lớn tuổi của mình đã giúp cô hiểu hơn về văn hóa, tâm tình của người Việt Nam. Ban đầu tiếng Việt của cô chưa giỏi, nhưng sau nhiều tháng gắn bó với lớp học, cô đã tự tin hơn về vốn liếng tiếng Việt của mình. Cô cho biết phần lớn các học viên ghi danh học, sau khi kết thúc khóa học, thường tiếp tục ghi danh tiếp khóa sau, vì ai cũng thích thú việc học tập này, thành ra lớp học mỗi ngày mỗi đông lên, chứ không hề giảm đi.

Họa sĩ Trinh Mai khen ngợi những học viên của mình, cô nói, “Có nhiều bác, khi mới vào học, chưa bao giờ cầm cọ vẽ, chẳng biết pha màu ra sau, vậy mà sau vài buổi học đã có thể hoàn thành một tác phẩm tuyệt đẹp. Trong lớp, mọi người đều đối đãi với nhau thân tình như trong gia đình, có cô Minh Hiếu là học viên của lớp ngay từ khóa đầu, cô rất năng động, luôn nghĩ ra nhiều trò để nối kết mọi người với nhau sau giờ học, chẳng hạn như tổ chức những buổi picnic tại công viên vào cuối tuần, chia các học viên theo từng nhóm cùng vẽ tranh ở ngoài công viên, hoặc mời đến nhà của cô để cùng vẽ tranh ngoài vườn… Đây là cách học thêm rất hay, giúp các học viên thêm nhiều kinh nghiệm thực tế hơn khi quan sát những hiện tượng thiên nhiên để đưa vào tranh vẽ của mình. Chính vì vậy, em đã mời cô Minh Hiếu làm trợ lý cho em trong lớp, các học viên khác đã tín nhiệm bầu cô Minh Hiếu làm lớp trưởng của lớp.”

Học vẽ giúp người già giải tỏa những áp lực trong đời sống

Học viên kiêm lớp trưởng Minh Hiếu cho biết bản thân bà chưa hề vẽ bao giờ, và không nghĩ là mình biết vẽ, nhưng sau khi học một thời gian ngắn, bà đã tự tin cầm cọ vẽ và rất thích thú với lớp học này. Vì muốn gắn kết mọi học viên với nhau, nên bà nghĩ cách này cách khác để mọi người cùng tham gia sinh hoạt với nhau sau buổi hằng mỗi tuần. Bà cho rằng các học viên trong lớp vẽ đều bước vào tuổi già hết rồi, rất dễ cô đơn, buồn tủi, có một số học viên sống cô độc không còn bạn đời, không con cái, ở share phòng, nên thời gian đến lớp học là những giây phút giúp họ tìm niềm vui. Khi chúng tôi ngồi vẽ, mọi ưu phiền đều quên hết, chỉ còn tập trung vào tranh vẽ.



Một số tranh vẽ của học viên lớp vẽ

Theo bà nhiều người đến lớp học, không chỉ để học mà còn để kết bạn với nhau. “Điều quý nhất của lớp học này, đầu tiên là không khí cởi mở, vui vẻ của các học viên, mọi người đều yêu quý nhau, không hề có tinh thần cạnh tranh trong lớp. Mỗi khóa học, chúng tôi lại thu thập cho mình thêm kiến thức bổ ích với nhiều bài học khác nhau. Chúng tôi được học từ tranh tĩnh vật, vẽ chân dung, tranh phong cảnh, tranh cắt dán, tới những tác phẩm tạo hình bằng những vật liệu khác nhau... Dịp tết chúng tôi vẽ bưu thiếp và trao tặng cho nhau. Sau khóa học 8 tuần, trong lễ bế giảng chúng tôi được dịp nhìn những tác phẩm được triển lãm do tự tay mình làm ra, chính chúng tôi cũng không ngờ tới tuổi này rồi mà mình vẫn còn sức sáng tạo tràn đầy. Lớp học được cung cấp đầy đủ các phương tiện và vật dụng để học viên có thể thực hành ngay tại lớp. Tất cả đều miễn phí.”

Ông Phạm Quang Chiểu cho biết ưu điểm của lớp học là đem lại những sinh hoạt linh động cho người lớn tuổi gốc Việt, nhờ ghi danh lớp vẽ mà mỗi học viên cao niên có dịp khám phá được khả năng của mình vẫn có thể vẽ được những tác phẩm ưng ý, tuy nhiên theo ông mong lớp học sẽ có những phần dạy lý thuyết căn bản một cách hệ thống về Mỹ thuật.

Ông nói, “dù chúng tôi là những người già, nhưng phần lớn đều là người có học, có một số kiến thức chứ không phải mù chữ, đa phần học viên nam trong lớp đều là các sĩ quan VNCH, đều có trình độ đại học, nếu coi chúng tôi chỉ là những người già, dạy thấp quá, giản đơn quá, thì vô tình xem nhẹ chúng tôi.”

Ông Phạm Quang Chiểu cho biết ưu điểm của lớp học là đem lại những sinh hoạt linh động cho người lớn tuổi gốc Việt, nhờ ghi danh lớp vẽ mà mỗi học viên cao niên có dịp khám phá được khả năng của mình vẫn có thể vẽ được những tác phẩm ưng ý, tuy nhiên theo ông mong lớp học sẽ có những phần dạy lý thuyết căn bản một cách hệ thống về Mỹ thuật. Ông nói: “dù chúng tôi là những người già, nhưng phần lớn đều là người có học, có một số kiến thức chứ không phải mù chữ, đa phần học viên nam trong lớp đều là các sĩ quan VNCH, đều có trình độ đại học, nếu coi chúng tôi chỉ là những người già, dạy thấp quá, giản đơn quá, thì vô tình xem nhẹ chúng tôi.”

Ông Chính Lê được các học viên trong lớp khen ngợi là học viên có tranh vẽ đẹp nhất thì chia sẻ, “Hồi nhỏ đi học tiểu học, có giờ học vẽ, tôi rất mê, nhưng gia đình không khuyến khích học vẽ mà chỉ bắt học chữ thôi. Không có điều kiện học những kiến thức kỹ thuật của vẽ, mà chỉ vẽ bản năng mà thôi. Niềm đam mê vẽ vẫn còn, khi đọc báo biết về lớp học, mừng quá, ghi danh để học để thỏa mãn giấc mơ hồi trẻ. Có nhiều bạn học không biết vẽ, hoặc biết vẽ chút chút như tôi, được giáo viên dạy tận tình, dù mình học không phải để trở thành họa sĩ, nhưng thỏa mãn được giấc mơ vẽ. Ngoài ra lớp học giúp tôi bớt sự cô đơn của tuổi già, đến lớp lúc nào cũng vui tươi, cười đùa với các bạn học đồng tuổi như trẻ lại mấy chục tuổi.”

Ông cũng là người nhận đưa một số học viên trong lớp không có phương tiện di chuyển, phải đi xe bus đến lớp, về thì ông đưa về, ông nói, “Tôi tình nguyện chở về giúp, vì thấy họ không có phương tiện di chuyển, nhưng có tinh thần ham học hỏi. Bà xã tôi vẫn còn đi làm, nên không đi học chung, nhưng những buổi sinh hoạt ngoại khóa như đi bảo tàng, hoặc ra vẽ ngoài cộng viên, đến nhà chị Minh Hiếu vẽ… tôi đều đưa bà đi cùng, bà thích lắm. Tôi thấy Nhiều người đến lớp học điều thích nhất là tình gắn bó với nhau thân thuộc. Xa nhau thì nhớ, mà gần nhau thì cười. Theo tôi, già rồi, nên tìm những sinh hoạt hữu ích như thế này để sinh hoạt, thay cho việc đến sòng bài ngồi kéo máy để giải trí. Ngồi chơi như vậy hại sức khỏe tuổi già lắm, chẳng giúp mình giảm stress tuổi già, chẳng làm minh mẫn đầu óc chút nào, chính những lớp học như lớp vẽ này, giúp người già tốt lắm, tinh thần mình tốt, mình cũng trở nên dễ chịu, con cháu cũng sẽ dễ gần gũi với mình hơn.”

Còn bà Nguyễn Kim Thoàn thì kể rằng trước đây bà phải bắt 4 chuyến xe bus từ West Covina đến lớp học, nay thì vợ chồng bà xin được housing chuyển về Santa Ana sống rồi. Bà rất vui khi học, vừa tạo được những bức tranh, là cách bà làm quà cho 3 đứa cháu của mình, chưa kể hồi trước bà bị cao máu, nhưng nhờ theo lớp học, mà nay sức khỏe bà tốt hơn, theo bà có lẽ nhờ tinh thần vui vẻ, đã giúp sức khỏe của bà cũng cải thiện hơn!

Ông Nguyễn Ngọc Thiệp và vợ là Nguyễn Mai mới nghỉ hưu biết lớp vẽ đã ghi danh học, dù nhà ở xa, phải lái xe free way hơn 30 phút, nhưng tuần nào hai vợ chồng ông bà cũng đến lớp, theo ông đây là cách giải trí rất tốt với người già, những lần đi viện bảo tàng, học thêm những cách như vẽ tranh trên lụa, làm lồng đèn và vẽ trang trí cho lồng đèn, không chỉ được cung cấp nguyên vật liệu để làm, mà sau khi hoàn thành tác phẩm, được đem về để kheo với người thân, ông chỉ mong lớp học kéo dài hoài, đừng kết thúc, để ông và các học viên khác có nơi học tập và tìm được niềm vui của tuổi già.” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT