Bình Luận

Những chiếc bus xanh

Wednesday, 02/11/2016 - 11:15:49

Cô phóng viên The New York Time được độc giả chú ý khá nhiều qua bài phê bình cô viết về chiến lược 'starve-or-surrender' nhưng bài cô viết không 'nặng' bằng bài của những phóng viên Mỹ thời chiến tranh Việt Nam.

Nguyễn đạt Thịnh

Tại Hoa Kỳ, xe bus là một phương tiện chuyên chở rất thông dụng, tương đối tiện nghi và được sơn đủ mầu, nhiều chiếc bus coi rất đẹp mắt; quân đội Mỹ cũng sử dụng xe bus để chuyên chở quân nhân và nhân viên dân sự. Trên chiến trường ngoại biên, đôi khi họ còn dùng loại bus được cấu trúc kiên cố hơn để bảo vệ người ngồi trong xe.

Tại Syria chiếc bus giản dị hơn, nhập cảng từ Trung Quốc, và thường sơn mầu xanh lá cây; trong thời bình những chiếc bus mầu xanh đó chỉ chuyên chở người lớn đi làm, trẻ em đi học, hoặc đi chơi; nhưng mới đây những chiếc bus xanh nhận lãnh một vai trò quan trọng trong cuộc chiến đang mỗi ngày một ác liệt hơn.

                        Dân chúng lên xe bus xanh để được di tản ra khỏi những vùng ác chiến

Vai trò mới của những chiếc bus sơn xanh là chuyên chở cả thường dân lẫn quân chống chính phủ Syria ra khỏi những khu vực mà quân đội chính phủ và không quân Nga - đồng minh của họ- quyết định phong toả ngặt nghèo, oanh tạc tàn bạo để tái chiếm bằng mọi giá.

Trong bài phóng sự đăng trên tờ The New York Time ngày 29 tháng Mười 2016, hai phóng viên Anne Barnard va Hwaida Saad viết, “Nhiều ngàn người vốn ủng hộ lực lượng kháng chiến chống chính phủ al-Assad đang phải tuân lệnh chính phủ lên xe bus ra khỏi vùng ác chiến.” Ác chiến mang 2 hình thức: một là những cuộc oanh tạc tàn bạo hơn, và hai là nỗ lực ngăn chặn tiếp vận quyết liệt hơn.

Chính phủ al-Assad dùng truyền đơn rải bằng máy bay để thông báo cho dân chúng còn sống trong vùng ác chiến biết là vùng đó sẽ bị oanh tạc nặng nề, kể cả những bệnh viện, những trạm cứu thương, những phương tiện tản thương cũng sẽ bị tấn công.

Truyền đơn ra lệnh cho thường dân rời bỏ những vùng ác chiến được thả xuống nhiều quận thuộc tỉnh Aleppo.

Chính phủ Syria mệnh danh chiến lược di tản thường dân ra khỏi khu vực ác chiến là 'starve-or-surrender strategy' ; chiến lược bắt địch quân lựa chọn một trong 2 con đường đầu hàng hay chết đói.
Chiến dịch bóp chết mọi nguồn sống trong những vùng ác chiến bắt đầu bằng cuộc oanh tạc đoàn công voa 31 xe vận tải, tiếp vận thực phẩm, dược phẩm cho Aleppo hôm 20 tháng Chín 2016; đoàn công voa này được nhân viên Hồng Thập Tự tháp tùng, và được vẽ dấu hiệu chữ thập đỏ trên mui xe. Nhưng dấu hiệu nhân đạo đó không giúp đoàn xe tiếp vận khỏi bị tấn công; người trưởng toán Hồng Thập Tự địa phương, ông Omar Barakat cũng bị giết cùng với 12 thành viên khác của Hồng Thập Tự.
Liên Hiệp Quốc quyết định ngưng mọi nỗ lực tiếp tế nhân đạo; chủ tịch hội Hồng Thập Tự quốc tế, ông Peter Maurer lên án liên quân Nga-Syria vi phạm trắng trợn luật lệ quốc tế.

Mặc dù bị phản đối nhưng chính phủ Syria vẫn thành công trong việc tách lực lượng chống chính phủ ra khỏi cái mộc thịt người, cho đến ngày hôm nay vẫn che chở cho chúng được an toàn, và được tiếp tế tương đối đầy đủ.

54 NĂM TRƯỚC, một chiến lược tương tự chiến lược 'starve-or-surrender' đã được thực hiện trong chiến tranh Việt Nam cũng để bảo vệ người nông dân Nam Việt không bị du kích quân cộng sản ép buộc phục vụ cho chúng, nuôi dưỡng chúng, và làm bia đỡ đạn cho chúng. Chiến lược đó là 'Ấp Chiến Lược'.
Nông dân sống đơn lẻ trong đồng ruộng mênh mông trên khắp lãnh thổ Nam Việt được tập trung về sống trong những ấp chiến lược có rào cao, hào sâu bảo vệ.

Truyền thông Hoa Kỳ dành cho Ấp Chiến Lược một thái độ ác ý quái lạ; nhiều phóng viên Mỹ tiếp xúc với quần chúng, được những thành phần thân Việt Cộng trà trộn vào Ấp Chiến Lược kể lại những vụ hiếp dâm, hiếp dâm tập thể, tra tấn bằng điện, nhét lươn vào âm hộ phụ nữ, ... rồi tin tưởng viết lại những chuyện 'phong thần' đó lên như những sự thật mà họ khám phá ra được.

Trong số những phóng viên Mỹ đó có những thiếu niên mới tới tuổi trưởng thành 18 hoặc 20, vừa đủ tuổi thi bằng lái xe đã viết những bài chỉ trích chiến tranh Việt Nam. Điển hình là cậu Douglas Valentine và bài phê bình cậu viết năm 1967 về chiến dịch Phụng Hoàng.

Cậu viết, “CIA tạo ra chiến dịch Phụng Hoàng tại Sài Gòn vào năm 1967 để nhận diện những nhà lãnh đạo dân sự và những thường dân cảm tình viên của MTGPMN, rồi bắt giữ, tra khảo và giết họ bằng mọi phương tiện từ những vụ oanh tạc bằng B52, đến những danh sách sổ đen, những trung tâm tra tấn và những tiểu đội hành quyết.'

Cậu dẫn chứng lời một sĩ quan CIA, ông Lucien Conein; ông này bảo cậu, “nếu anh không làm vừa ý tôi, tôi bảo anh là Việt Cộng,” và cho đó là câu nói kinh nghiệm nhất về chiến tranh Việt Nam của Conein, người đã sử dụng 40,000 mỹ kim làm ngân sách thuê những ông tướng Việt Nam giết tổng thống Ngô Đình Diệm.

Khám phá ra sinh nhật của Valentine là ngày 19 tháng Chạp 1949, nhiều người đã bật cười, vì mới 18 tuổi cậu đã có tài sáng tác, đem trí tưởng tượng bôi bác một nỗ lực chiến lược vô cùng phức tạp và khó khăn.

Một phóng viên khác trên chiến trường Việt Nam -anh Neil Sheehan 27 tuổi- cũng có tài phóng đại dễ nể; anh tường thuật cuộc giao tranh tại Ấp Bắc năm 1963 với toàn bộ trận đánh bị đảo ngược hoàn toàn.
Shehan vinh danh anh trung tá cố vấn trưởng Sư Đoàn 7 bộ binh Việt Nam, người có tội lấn quyền chỉ huy của vị đại tá Việt Nam, tư lệnh Sư Đoàn 7, gây ra những tổn thất khá nặng, rồi bị tướng Paul Harkins, tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, cất chức, giải ngũ và đuổi trở về Hoa Kỳ.
Nhưng quyền hạn của tướng Harkins chỉ giới hạn trong quân đội, trong lúc ảnh hưởng những bài báo xuyên tạc sự thật về trận Ấp Bắc trải rộng trên khắp dư luận Hoa Kỳ, rồi vào đến Bạch Cung, làm tổng thống JF Kennedy liệt Ấp Bắc vào một trong 2 nguyên nhân chính khiến Hoa Kỳ phải đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm.

Cô phóng viên The New York Time được độc giả chú ý khá nhiều qua bài phê bình cô viết về chiến lược 'starve-or-surrender' nhưng bài cô viết không 'nặng' bằng bài của những phóng viên Mỹ thời chiến tranh Việt Nam.

Anh Douglas Valentine, anh Neil Sheehan, và những anh đồng nghiệp tiền bối của cô cũng không giỏi gì hơn cô, nhưng họ nói ra trong cái thế 'miệng có gang có thép', có sức nặng của đồng đô la xanh viện trợ.
Đó là lý do khiến chiến lược Ấp Chiến Lược thất bại, tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết, trong lúc chiến lược 'starve-or-surrender' thành công, và tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục trị vì Syria, bất chấp sự bất mãn của Hoa Kỳ.
Nguyễn đạt Thịnh

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT