Đời Sống Việt

Những bản "tâm khúc" của Mẹ Việt Nam (1)

Thursday, 20/08/2015 - 12:03:01

Năm trước mẹ còn khỏe, mỗi buổi sáng khi tới sở làm là con gọi điện thoại về cho mẹ, lúc đó bên Việt Nam là giờ mẹ sắp sửa đi ngủ.

Viết cho những ai đang còn "bông Hồng cài áo"

Phượng Vũ

Mẹ ơi, nhớ chờ con về mẹ nhé!

Trời Cali chiều nay bỗng nhiên đổ cơn mưa, nhìn từng dòng mưa rơi tự nhiên con liên tưởng tới hôm nào năm xưa con tình cờ bắt gặp những dòng lệ rơi âm thầm của mẹ; con chưa kịp hỏi câu nào thì mẹ đã vội kéo tay áo lên chùi rồi nhoẻn miệng cười nói lấp:
- Chiều nay mưa to, gió thổi mạnh quá làm bụi bay cả vào mắt mẹ!
Con sà vào lòng mẹ để được mẹ âu yếm xoa đầu con trai yêu của mẹ. Mẹ ơi! Con thương mẹ vô vàn, con thừa biết mẹ khóc nhưng không muốn ai thấy, không ai biết mình đau khổ, khóc để vơi những nỗi buồn đè nặng lòng mình vì không có cách giải quyết.
Bố luôn đi hành quân xa lâu lắm mới về nhà một lần vài ba bữa rồi lại đi biền biệt. Mẹ ở nhà quán xuyến mọi việc trong gia đình từ trong ra ngoài. Đã vậy ở những chốn xa xăm ấy để giải khuây bố lại có những mối tình “lẻ” mà bố tự cho mình có cái quyền làm như vậy, vì xã hội vẫn chấp nhận “Trai có quyền 5 thê, 7 thiếp”. Mà đàn ông lạ lắm họ lại thường xem đó là những "chiến tích" không thể thiếu trong cuộc đời đàn ông oanh liệt của mình? Càng có nhiều bồ càng chứng tỏ mình "đào hoa", có sức lôi cuốn mạnh, càng tự hào! Con thật không hiểu nổi sao lại tự hào khi mình làm tổn thương người vợ đầu ấp tay gối của mình? Con thấy tội nghiệp phụ nữ VN lúc nào cũng chịu nhiều thiệt thòi! Mẹ âm thầm chịu đựng, lúc nào cũng một bề cam chịu và nhẫn nhịn. Mẹ hiền lành coi gia đình là lẽ sống, con cái là gia tài của mẹ. Nhiều lúc con thấy bố độc tài quát tháo khi mẹ làm điều gì không như ý bố, trong nhà lúc nào bố cũng như là "Vua"! Những lúc ấy con thấy mẹ lại âm thầm chịu đựng, mẹ không muốn gia đình bất hòa, mẹ luôn thầm thì “1 câu nhịn, 9 câu lành”. Lắm lúc con thấy ấm ức giùm mẹ, nhưng mẹ bảo “không sao, mẹ nhịn riết quen rồi con ạ!” Có lẽ đó là yếu điểm của hầu hết phụ nữ Việt Nam, chỉ nhằm bảo vệ để con cái có một gia đình yên vui. Cứ nghĩ đến đừng để các con buồn là mẹ có thể chịu đựng tất cả, nhịn nhục tất cả. Con thắc mắc chẳng lẽ "xâu chuỗi hạnh phúc" của những bà mẹ Việt Nam là gồm những "hạt lệ" rơi âm thầm vì nhịn nhục, chịu đựng. Biết bao mái ấm gia đình đến lúc con cái trưởng thành, mà lại không bắt đầu bằng những đêm khóc thầm của các bà mẹ. Hình ảnh "mẹ buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya" luôn ám ảnh con. Hình như mục đích cuộc đời của mẹ là để chờ nhìn các con thành danh yên ấm, lúc đó mẹ mới mãn nguyện mỉm cười hạnh phúc để đi nốt cuộc đời hiu quạnh của mình. Có lẽ đối với mỗi bà mẹ, tình thương yêu thật sự không nằm trong những việc đã làm, đã được biết đến, nó hiện hữu nơi những gì đã thực hiện trong thầm lặng. Người xưa nói trái tim đàn ông thường có nhiều ngăn: bạn bè, công việc, lý tưởng...; riêng ngăn đàn bà họ mong muốn có 3 người đàn bà trong cuộc đời: vợ, người tình, và hồng nhan tri kỷ. Con thấy đàn ông thật là tham lam và ích kỷ! Trong khi đó trái tim phụ nữ Việt Nam hầu như chỉ có một ngăn duy nhất là Gia Đình, nên lúc nào cũng toàn tâm, toàn ý lo cho cha mẹ, chồng con vui vẻ hạnh phúc thì đó cũng chính là Hạnh Phúc đời mình rồi.
Mẹ lặn lội buôn thúng bán bưng, tảo tần nuôi các con khôn lớn vì đồng lương lính của bố cứ "rày đây mai đó", nên cũng chẳng còn dư được bao nhiêu. Mỗi lần bố về tiền đưa mẹ chỉ đủ mẹ đi chợ làm những bữa cơm thịnh soạn cho bố con ngồi ăn chung với nhau cho vui. Mỗi lần làm gà, mẹ để riêng 2 cái phần đùi to, ngon cho bố, rồi cái ức nhiều thịt mẹ chia cho các con, mẹ lúc nào cũng chỉ gặm cái đầu, cái cổ và 2 cái chân, mẹ bảo mẹ thích ăn như vậy. Ngày xưa còn bé, con cứ tưởng thật, nên thản nhiên ăn những phần ngon, con lại là con trai nên mẹ luôn ưu tiên phần đặc biệt cho con. Riết rồi con quen coi như mình thuộc loại "nhất nam viết hữu" nên phải nghiễm nhiên được hưởng ưu tiên như vậy. Lớn lên đi học xa nhà con phung phí ăn chơi với bạn bè, mỗi lần về nhà mẹ lại cho tiền, đồng tiền mẹ ky cóp "một nắng hai sương" mới có được, nhưng con thì cứ tiêu thoải mái mà chẳng cần biết nó kiếm được cực khổ thế nào. Mẹ lúc nào cũng lo chu cấp đầy đủ, sợ con trai mẹ thiếu thốn, sợ con trai mẹ "thua bạn, kém bè". Con thì cứ vô tư sống trong tình thương yêu bao bọc, chăm sóc của mẹ và xem đó là lẽ đương nhiên vì con là "gia tài quý báu" của mẹ như lời mẹ thường nói.
Những năm cuối trung học ở Sài Gòn, con cúp cua trốn học rủ bạn đi chơi, đi xi nê, nhiều hơn đi học. Con siêng vào các quán cà fê nghe nhạc Trịnh hơn là vào lớp học Anh văn, rồi con tập tành theo bạn hút thuốc lá phì phèo để làm “người lớn”. Con suy tư thế sự thăng trầm, chơi vơi mất phương hướng rồi con chán đời bỏ học nhập ngũ đăng vào lính không quân cho có vẻ “hào hoa” để được tiếng “Anh là lính đa tình”. Ngày xưa con ghét thói đa tình của bố làm khổ mẹ, nhưng hình như bây giờ con lại nối gót cái thói đa tình đáng ghét ấy? May là sau này binh chủng không quân cho con đi học bên Mỹ... Con làm và quyết định mọi việc theo cảm hứng của riêng mình mà chẳng hề quan tâm mẹ đã đổ bao nhiêu giọt lệ vì con! Những mối tình đến rồi đi, những bóng hồng vây quanh đời con quan trọng hơn những nỗi buồn của mẹ...

Mẹ ơi, bây giờ trên đầu con đã có 2 thứ tóc, chiều mưa hoàng hôn ngồi nhớ mẹ , ngẫm nghĩ lại cuộc đời mình, con mới cảm nhận ra mẹ đã hy sinh cả cuộc đời vì con! Mẹ ơi, Mẹ đã hy sinh bòn nhặt từng đồng cho con ăn học, mẹ chưa hề bước chân vào một tiệm ăn, chưa hề đi chợ dám ngồi xuống ăn quà, nhưng mẹ luôn mua về đồng bánh tráng nướng mà con thích, những ổ bánh mì ngon để chia cho các con, rồi mẹ lục cơm nguội ăn. Mẹ ơi! Con được như ngày hôm nay là nhờ công ơn của mẹ, con xin lỗi mẹ vì những phung phí khi mẹ cho con đi học xa nhà. Nơi thành phố con vui chơi ăn xài với các bạn, về nhà là mẹ lại cho tiền mà con chẳng hề nhớ mua cho mẹ đồng quà, tấm bánh những khi về thăm mẹ. Sao mà con trai mẹ vô tâm quá, người ta nói vô tâm có khi là tội ác, có lẽ đúng đấy mẹ ạ! Giờ đây con muốn mua bao nhiêu quà bánh về biếu mẹ... nhưng mẹ chẳng còn ăn được nữa! Con thật tệ quá, mẹ tha lỗi cho con mẹ nhé, vì ngày xưa mẹ cứ hay nuông chiều con vì con là con trai! Bây giờ trải qua bao sóng gió cuộc đời, nhìn lại chung quanh con thấy lũ con trai “quý tử” đa số là bất hiếu, là vô tâm giống như thằng con mẹ đây, chỉ có đám con gái hay bị coi rẻ trong gia đình, thuộc loại “Nữ sanh ngoại tộc” nhưng cuối cùng lại là những người chịu thương, chịu khó chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già sức yếu, như là mẹ đang ở với em gái con vậy.
Năm trước mẹ còn khỏe, mỗi buổi sáng khi tới sở làm là con gọi điện thoại về cho mẹ, lúc đó bên Việt Nam là giờ mẹ sắp sửa đi ngủ. Hai mẹ con đọc kinh thật ngắn cầu nguyện cho nhau, rồi con chúc mẹ ngủ ngon và con bắt đầu một ngày làm việc mới Bây giờ mẹ không còn nghe được nữa, lúc trước tai mẹ còn thính, còn nghe rõ, sao con ngại ngần nói tiếng "Con thương mẹ nhiều lắm". Bây giờ con tha thiết muốn nói, nhưng mẹ chẳng thể nào nghe được nữa rồi! ! Hình như cái gì đã mất thì người ta mới biết quý!
Mẹ ơi, con đã sắp xếp việc nhà, việc sở để về thăm mẹ lần nữa, dù rằng mẹ chỉ nằm không còn ngồi được như lần con về thăm mẹ năm ngoái, mẹ chẳng còn nhớ ngày giờ, năm tháng, chẳng còn biết tên ai... Mẹ như ngọn đèn đã cạn dầu leo lét, có thể tắt bất cứ lúc nào, nhưng ánh sáng tình yêu thương các con của mẹ lại rực sáng trong lòng con hơn bao giờ hết. Con vẫn nhớ tấm lòng của mẹ luôn chứa đầy yêu thương qua bao nhiêu nhọc nhằn vất vả vì các con. Ngay cả khi con đã "già" rồi mà mỗi lần con về thăm, mẹ vẫn quan tâm từ miếng ăn, cái uống cho con như thuở con còn bé dại. Quả thật "trái tim người Mẹ là kỳ công tuyệt vời nhất của Tạo Hóa". Mẹ ơi! Hy vọng mẹ còn sống đến ngày con về thăm mẹ lần nữa Mẹ ơi, nhớ chờ con về mẹ nhé! Mỗi lần con nghe lời hát :
Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay Mẹ rụng, con rày mồ côi.
con lại cảm thấy lo sợ, nước mắt tự nhiên lại ứa ra! Mẹ ơi nhớ chờ con về mẹ nhé!, mẹ thương yêu vô vàn của con. Nhớ chờ con mẹ ơi!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT