Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Như ngày và đêm: truyền thống chèo Việt và opera Tây

Anvi Hoàng/Viễn Đông Monday, 10/09/2012 - 08:32:34

Chả thế mà người nghệ sĩ trên sân khấu đình làng được quyền thêm bớt ngẫu hứng, một điều không thể chấp nhận trong opera Tây. Do đó mà tuần bản mới của P.Q. Phan phải ngắn gọn và hợp logic Tây.

Hành trình một vở opera (kỳ 4)

Anvi Hoàng/Viễn Đông


Tranh kỹ thuật số của Hoàng Ngọc Biên

Sáng tạo ngẫu hứng là một phần của truyền thống chèo Việt Nam, vì vậy tuần bản của vở chèo "Quan Âm Thị Kính" có nhiều phiên bản khác nhau. Điều đáng mừng là chúng tương đối giống nhau. Mỗi tác giả của tuần bản chỉ chọn thêm hoặc bớt một vài chi tiết nhỏ. Khi viết tuần bản mới cho vở opera "Chuyện Bà Thị Kính"/"The Tale of Lady Thị Kính" của mình, nhà soạn nhạc P.Q. Phan đọc qua nhiều phiên bản của "Quan Âm Thị Kính" rồi kết hợp chúng thành một bản riêng cho mình sao cho câu chuyện có được tính cách mà ông muốn.

Phân tích tuần bản
Sau khi đã có một tuần bản riêng, P.Q. Phan đọc đi đọc lại nhiều lần tuần bản này. Ông muốn hiểu cặn kẽ từng mẩu đối thoại, từng câu, từng chữ trong tuần bản. Vấn đề rắc rối là nếu dùng tuần bản này mà đem phổ nhạc thì vở opera sẽ dài 4 tiếng đồng hồ. Người xem thời buổi này sẽ không tài nào chịu nổi độ dài này.
Hồi xưa, nhà soạn nhạc Richard Wagner viết vở opera dài 4 tiếng được là vì lúc đó không có TV và cũng không có chuyện gì làm để giải trí như ngày nay. Do đó có opera để xem trong 4 tiếng đồng hồ là một thú vui xa xỉ, và người nào được như thế thì phải cám ơn trời đất mà thưởng thức. Ngày nay, chúng ta có quá nhiều yếu tố chi phối cuộc sống, và cũng có nhiều lựa chọn trong chuyện giải trí. Bỏ ra 2 tiếng để xem opera là quý lắm. Trên thực tế, đó sẽ là gần 3 tiếng nếu tính luôn cả nghỉ giải lao giữa buổi và thời gian đi về. Có nghĩa là một buổi giải trí bắt đầu từ 8 giờ và kết thúc khoảng 11 giờ khuya. Thử nghĩ xem, người ta ngồi trong rạp mà không được ăn bắp nổ hay bắp nướng, đậu phụng rang, vậy cũng là lâu rồi.
Sau khi tính toán như thế, bước tiếp theo là P.Q. Phan phải cắt bỏ bớt những chi tiết không quan trọng của câu chuyện. Trong chèo Việt Nam, giáo đầu là đoạn dài có thể bỏ được. Đó là đoạn kể cho người ta biết chuyện gì sắp xảy ra và câu chuyện kết thúc như thế nào. Truyền thống opera Tây cũng có thứ mang vai trò tương tự gọi là overture (mở màn). Trong vở opera của mình, P.Q. Phan muốn có một đoạn mở màn ngắn thôi, để chuẩn bị tinh thần cho khán giả trước khi vở "Chuyện Bà Thị Kính" thật sự bắt đầu.

Xử lý truyền thống Ta và Tây trong tuần bản mới
Thế là tuần bản bằng tiếng Việt của "Chuyện Bà Thị Kính" tương đối có hình có dạng rồi. Nhưng lại phải nhớ rằng bên Tây người ta gọi là grand opera – có nghĩa là họ đòi hỏi một dàn diễn viên đông đảo, là điều tốt vì "Chuyện Bà Thị Kính" có nhiều vai; một dàn nhạc lớn trên 60 nhạc công, cái này thì lớn hơn chèo nhiều vì chèo chỉ có 5 đến 7 nhạc cụ; và quan trọng nhất là dàn đồng ca trên 10 người mà trong chèo Việt Nam hầu như không có. Thỉnh thoảng trong hát chèo người xem có nghe tiếng hát vọng từ sau sân khấu ra nhưng đó chỉ là tiếng hát của một vài người. Theo truyền thống xưa, biểu diễn chèo là do vài ba gia đình nông dân họp lại mà làm trái mùa. Họ không đủ diễn viên và cũng vì lý do kinh tế nên không có dàn đồng ca. Ở Tây mà không có dàn đồng ca thì không xong bởi vì văn hóa phương Tây nhấn mạnh yếu tố hoành tráng trên sân khấu, nếu không thấy nhiều người trên sân khấu thì không đủ xôm tụ.
Với những khác biệt kể trên, P.Q. Phan buộc phải viết thêm lời và nhạc cho dàn đồng ca. Đây là sự thay đổi đáng kể thứ nhất buộc ông nghĩ đến chuyện phải viết lại tuần bản cho "Chuyện Bà Thị Kính". Sự khác biệt thứ hai là về cách suy nghĩ (logic) của người phương Tây so với người Việt Nam. Với Tây thì logic phải chặt chẽ, mọi chi tiết trong câu chuyện phải liên quan và kết nối với nhau một cách chính xác. Những chi tiết không liên quan được xem là rườm rà và phải bỏ đi. Trong khi đó logic không phải là yếu tố quan trọng nhất trong chèo Việt Nam, thay vào đó là làm sao giải khuây cho khán giả suốt đêm thâu với một câu chuyện hấp dẫn. Chả thế mà người nghệ sĩ trên sân khấu đình làng được quyền thêm bớt ngẫu hứng, một điều không thể chấp nhận trong opera Tây. Do đó mà tuần bản mới của P.Q. Phan phải ngắn gọn và hợp logic Tây.
Thứ ba, cách cư xử của người Tây mang tính khẳng định và quyết đoán cao (assertive), thể hiện qua cách họ đối đáp. Họ không phải chờ người kia nói xong để đến lượt mình, mà cắt ngang nếu thấy cần thiết. Nhiều khi hai người còn nói cùng một lúc nữa là đằng khác. Ngược lại văn hóa Việt Nam hồi xưa quan trọng chuyện phải nhún nhường (unassertive). Trong chèo Việt Nam, người ta chỉ hát chung khi đồng ý với nhau chứ không hát khi không đồng ý, đó là triết lý Đông phương. Các mẩu đối thoại cũng lần lượt tiếp nối nhau chứ không cắt ngang nhau. Như thế thì không hợp Tây. Người ta không những không hiểu mà còn cho là nhàm chán bởi vì thực tế đối với họ nghĩa là cắt ngang khi không đồng ý, và 2 người cùng hát một lúc là thể hiện sự hài hòa hoặc là sự xung đột ở đỉnh cao.
Vì ba sự khác biệt chính kể trên mà P.Q. Phan phải thay đổi và thêm vào tuần bản mới rất nhiều. Điều ông muốn là tuần bản mới vẫn giữ cốt truyện về một cô gái giả trai trở thành Phật bà và người xem vẫn thấy, nghe và hiểu được những nét văn hóa Việt Nam riêng biệt trong câu chuyện này.
Đi vào chi tiết, kỳ 5 sẽ bàn đến những thêm bớt trong Màn I của "Chuyện Bà Thị Kính"/"The Tale of Lady Thị Kính".

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT