Thế Giới

Nhật muốn bán chiến đấu cơ cũ của Mỹ cho các nước Đông Nam Á

Monday, 24/12/2018 - 08:11:43

Giới phân tích cho rằng, việc bán “đồ cũ” này sẽ dập tắt các chỉ trích về việc Nhật tăng chi tiêu quốc phòng. Hoa Kỳ sẽ đảm nhận việc thương lượng giá cả với khách hàng, vì Tokyo không có nhiều kinh nghiệm trong việc bán vũ khí cho bên thứ 3.

TOKYO - Chính phủ Nhật đang muốn bán các chiếc chiến đấu cơ F-15 cũ cho các nước Đông Nam Á, nhằm bù đắp chi phí cho hợp đồng mua 100 chiến đấu cơ tàng hình F-35 từ Hoa Kỳ. Theo các viên chức Nhật, Washington và Tokyo đang thảo luận chi tiết về số lượng, đơn giá của những chiếc F-15 sẽ bán cho bên thứ 3.
Giới phân tích cho rằng, việc bán “đồ cũ” này sẽ dập tắt các chỉ trích về việc Nhật tăng chi tiêu quốc phòng. Hoa Kỳ sẽ đảm nhận việc thương lượng giá cả với khách hàng, vì Tokyo không có nhiều kinh nghiệm trong việc bán vũ khí cho bên thứ 3.
Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) đang có khoảng 200 chiếc F-15J, những chiến đấu cơ này là cốt lõi trong năng lực phòng vệ trên không của Nhật Bản. Khoảng một nửa số lượng F-15 đã được nâng cấp với hệ thống điện tử tiên tiến.
Các chiếc F-15 bị đem bán được cho là thuộc phiên bản cũ không thể nâng cấp. Tokyo đánh giá rằng họ không có nhiều kinh nghiệm trong việc xuất cảng thiết bị quốc phòng, do đó sẽ hợp lý hơn khi giao dịch gián tiếp thông qua Hoa Kỳ, nước xuất cảng vũ khí hàng đầu thế giới.
Những chiếc F-15 cũ nhất của Nhật đã hoạt động vào đầu những năm 1980. Chúng có thể ở trong tình trạng tốt nếu các bộ phận quan trọng được thay thế khi cần thiết. Washington nói với Tokyo rằng họ sẽ xem xét bán những chiếc F-15 cho quốc gia có lực lượng không quân yếu.
Thỏa thuận này sẽ cho phép Hoa Kỳ cung cấp chiến đấu cơ cho các nước Đông Nam Á với giá phải chăng, trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Hiện chưa rõ nước Đông Nam Á nào sẽ mua lại những chiếc F-15 cũ của Nhật Bản.

Mexico hứa sẽ bảo vệ an toàn cho di dân
MEXICO CITY - Chính phủ Mexico vào ngày thứ Hai đã cam kết sẽ chấm dứt những “điều kinh khủng” mà các di dân phải đối mặt khi băng qua nước này để đến biên giới Hoa Kỳ, và yêu cầu Washington cho biết thêm chi tiết về kế hoạch gởi người xin tị nạn sang Mexico, trong khi đơn xin tị nạn của họ đang được xem xét.
Chính quyền Trump vào ngày thứ Năm tuần trước đã công bố một chính sách mới, theo đó, các di dân bất kể từ nước nào sẽ được gởi sang Mexico trong khi chờ đợi được xét duyệt đơn xin tị nạn. Hầu hết những người di cư đến Hoa Kỳ đều từ các nước nghèo và bạo lực ở Trung Mỹ.
Nhiều người đang nghi ngờ về khả năng đáp ứng của Mexico, do số di dân bị kẹt lại ở nước này lên tới hàng ngàn người, và hồ sơ của họ có thể phải chờ nhiều năm mới được xem xét.
Ngoại Trưởng Mexico Marcelo Ebrard nói rằng nước này sẽ không ký kết thỏa thuận để trở thành “quốc gia an toàn thứ 3” cho Hoa Kỳ. Thỏa thuận này yêu cầu các di dân phải xin tị nạn tại Mexico, nếu đến nước này trước thay vì Hoa Kỳ.
Ông Ebrard nói, Mexico sẽ thay đổi “lớn” trong chính sách di trú, để bảo đảm rằng cách đối phó của nước này trước dòng người di cư hàng loạt đáp ứng đúng yêu cầu về nhân đạo. “Hiện tại, những người di dân đi băng qua quốc gia chúng ta chỉ đối mặt với một điều, đó là sự kinh khủng. Sự sỉ nhục, ngược đãi, tấn công, và phẫn nộ,” ông Ebrard nói.
Để tránh những lời chỉ trích về việc không kiểm soát di dân lậu, Mexico lâu nay vẫn thường cố gắng giúp đỡ di dân bằng cách hứa cung cấp việc làm và visa để di dân ở lại hợp pháp tại nước này.

Israel sẽ tổ chức bầu cử sớm vào tháng 4
JERUSALEM - Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày thứ Hai thông báo sẽ tổ chức bầu cử trong vòng 4 tháng nữa, với hy vọng các cử tri sẽ giúp ông tránh khỏi các cáo trạng liên quan đến tham nhũng. Chính phủ nói rằng, lý do tổ chức bầu cử sớm là vì sự bất đồng trong liên minh của ông Netanyahu về một dự luật quân sự mới, có các điều khoản miễn trừ cho người Do Thái Chính Thống giáo.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Thủ Tướng Netanyahu, người đang bị cáo buộc nhiều tội tham nhũng, đang muốn tổ chức bầu cử trước khi Bộ Trưởng Tư Pháp quyết định có nên làm theo đề nghị của cảnh sát để truy tố thủ tướng hay không. Cuộc bầu cử tại Israel lẽ ra sẽ diễn ra vào tháng 11, 2019.
Quyết định truy tố Thủ Tướng Netanyahu vốn được dự kiến sẽ công bố trong vòng vài tuần, tuy nhiên, truyền thông Israel đưa tin rằng, Bộ Trưởng Tư Pháp có thể sẽ hoãn việc truy tố để tránh ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Trong khi đó, Bộ Tư Pháp Israel nói rằng, việc điều tra về vụ án tham nhũng của thủ tướng sẽ diễn ra độc lập với các sự kiện chính trị.
Ông Netanyahu cho tới nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc và không tỏ ra có ý định từ chức nếu ông bị truy tố. Các lãnh đạo trong liên minh cầm quyền đã họp với ông Netanyahu trong ngày thứ Hai và thông báo quyết định yêu cầu quốc hội giải tán. Việc bỏ phiếu để giải tán quốc hội dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này.
Ông Netanyahu, người đang trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4, đang cầm quyền với thế đa số mỏng manh 61 trên 120 ghế tại quốc hội. Ông cũng là lãnh đạo đảng cánh hữu Likud. Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Netanyahu sẽ có nhiều lợi thế để chống lại việc bị truy tố.

Thổ Nhĩ Kỳ hứa diệt ISIS sau khi Mỹ rút quân
ANKARA – Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã hứa với Tổng Thống Donald Trump rằng, Ankara sẽ tiếp tục chiến đấu chống Nhà Nước Hồi Giáo sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Syria. "Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định với tôi rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xóa sổ những gì còn lại của Nhà Nước Hồi Giáo ISIS tại Syria. Ông ấy là người có thể làm được điều này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm ngay bên cạnh Syria. Các binh sĩ của chúng ta đang trở về nhà,” Tổng Thống Trump hôm thứ Hai viết trên mạng xã hội Twitter.
Tuyên bố này được đưa ra sau hàng loạt cuộc điện đàm giữa ông Erdogan và ông Trump, trong đó lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hứa sẽ tiêu diệt lực lượng ISIS tại Syria nếu Hoa Kỳ rút quân về nước. "Ông Erdogan nói với tổng thống rằng 'tôi hứa với ngài về vấn đề này với tư cách là một người bạn,” một viên chức Tòa Bạch Ốc tiết lộ.
Theo văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan và ông Trump cũng đồng ý hợp tác trên lĩnh vực ngoại giao và quân sự, nhằm tránh xảy ra tình trạng khoảng trống quyền lực tại Syria sau khi các binh sĩ Hoa Kỳ rời đi.
Vào Chủ Nhật, hàng trăm phương tiện quân sự Thổ Nhĩ Kỳ gồm xe tăng, súng pháo, xe chở lính đặc nhiệm, đã di chuyển từ tỉnh Hatay về khu vực biên giới Kilis giáp Syria. Một số khác đã băng qua biên giới để vào khu vực Elbeyli, cách thành phố Manbij của Syria khoảng 35 cây số về phía tây bắc. Việc điều quân của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng Thống Erdogan tuyên bố hoãn việc tấn công lực lượng người Kurd ở bờ đông sông Euphrates. Quyết định này được đưa ra sau quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump.

Số lượng trẻ sơ sinh ở Nhật giảm thấp nhất trong 120 năm
TOKYO - Số trẻ em được sinh ra tại Nhật Bản trong năm nay dự kiến sẽ ở mức thấp nhất trong gần 120 năm qua. Theo ước tính của Bộ Y Tế Nhật, số trẻ em được sinh ra trong năm 2018 là 921,000 em. Số liệu này được ước tính dựa trên số thống kê từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay.
Con số này giảm 25,000 em so với năm 2017 và là mức thấp nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 1899. Số trẻ em sinh ra đã giảm gần 30% kể từ năm 1989. Trong khi đó, Bộ Y Tế cho biết số người qua đời dự kiến sẽ ở mức khoảng 1.37 triệu người. Con số này tăng 29,000 người so với năm ngoái và có thể là mức cao kỷ lục sau chiến tranh.
Do vậy, dân số Nhật Bản sẽ giảm 448,000 người, là sự sụt giảm năm thứ 12 liên tiếp. Theo nhà chức trách, cấu trúc gia đình và lối sống của người dân Nhật đã thay đổi trong 30 năm qua, và điều này một phần giải thích lý do tại sao dân số Nhật Bản ngày càng giảm và già hóa.
Trong khi đó, số người trên 100 tuổi ở Nhật Bản tăng lên đến gần 70,000 người. Đây là nguyên nhân chính khiến Nhật Bản ngày càng thiếu nhân lực. Mới đây, Quốc Hội Nhật Bản đã phê chuẩn dự luật cho phép chính phủ nhận thêm người lao động nước ngoài.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT