Thế Giới

Nhật Bản đánh bắt quá nhiều cá voi

Friday, 31/03/2017 - 08:16:54

Tuy Tòa Án Quốc Tế ra lệnh từ năm 2014 là Tokyo phải ngưng lại vụ săn cá voi song vào năm 2016, Nhật “nài nỉ” chỉ đánh bắt có 1/3 sản lượng thông thường nên được cho phép. Những đoàn thể chống đối yêu cầu Nhật có quyền tham khảo khoa học, nhưng đừng giết cá voi như thế.


Chiếc Nisshin Maru, thuyền mẹ của một hạm đội đi săn cá voi, đang rời hải cảng Ishinomaki, Miyagi. (Getty Images)


Đoàn tàu đánh cá voi của Nhật từ Nam Băng Dương đã quay về hôm thứ Sáu, sau khi giết 333 con cá voi ở vùng biển này, hoàn thành liên tiếp qua năm thứ nhì con số giết cá voi ấn định nhằm “nghiên cứu khoa học.”
Bộ Ngư Nghiệp Nhật cho biết đoàn tàu gồm năm chiếc này đã trải qua bốn tháng ở Nam Cực và phải chống chỏi nhiều lần với các tàu của nhiều đoàn thể môi trường chống đối hành động giết cá voi của Nhật.
Từ năm 1986, một lệnh cấm giết cá voi trên toàn thế giới được ban hành, nhưng Nhật được hưởng một khoảng biệt lệ là đánh bắt cá voi để nghiên cứu khoa học, nhưng các đoàn thể tranh đấu môi trường thế giới tố cáo đây chỉ là trò che đậy vì toàn bộ số cá voi được Nhật đánh bắt sau đó đem bán ra trên các thị trường.
Tuy Tòa Án Quốc Tế ra lệnh từ năm 2014 là Tokyo phải ngưng lại vụ săn cá voi song vào năm 2016, Nhật “nài nỉ” chỉ đánh bắt có 1/3 sản lượng thông thường nên được cho phép. Những đoàn thể chống đối yêu cầu Nhật có quyền tham khảo khoa học, nhưng đừng giết cá voi như thế.

Úc: Số người chết vì bão Debbie có thể dâng cao
Hai tiểu bang của Úc bị bão lớn Debbie tàn phá nặng nề, và đã có hai phụ nữ đã thiệt mạng. Các viên chức Úc e ngại số người chết còn có thể tăng thêm. Thi thể của người phụ nữ vốn biến mất ở vùng thôn dã Upper Burringbar của tiểu bang New South Wales sát biên giới với bang Queenland đã được thân nhân của bà tìm thấy còn nạn nhân thứ nhì chết vì chiếc xe bà đang lái bị lũ quét cuốn phăng đi, cũng ở bang New South Wales.
Thị trấn Lismore nằm gần duyên hải của New South Wales được xem là bị tàn phá nặng nhất vì Debbie, khi nước lũ dâng cao đến 3 mét trong vùng này. Sau khi bão debbie đi qua vài giờ, mực nước lũ chỉ có dâng lên chứ không hạ xuống. Chỉ trong ngày mà bão Debbie tràn vào, các chuyên gia thời tiết cho hay lượng nước mưa đổ xuống gấp 3 lần lượng nước mưa rơi trong một tháng. Cho đến ngày thứ sáu vẫn còn hơn 2,000 trường học của Queenland vẫn còn bị đóng cửa vì nước lũ.

Ba người Bắc Hàn cuối cùng cũng rời Malaysia
Chính phủ Malaysia bằng lòng đưa xác Kim Jong Nam trả lại cho Bắc Hàn, trong các vụ thương lượng kín đáo với Bình Nhưỡng. Chưa có một công dân Bắc Hàn nào bị chính thức truy tố ở Malaysia vì vụ ám sát xảy ra vào ngày 13 tháng 2 cả. Ba nghi can Bắc Hàn vốn trốn tránh bên trong Tòa Đại Sứ Bắc Hàn từ nhiều tuần qua, đã lên đường rời Kuala Lumpur.
Trong số này có đệ nhị tham tán Hyon kwang Song và ông Kim Uk Il, vốn là nhân viên của hãng hàng không quốc doanh của Bắc Hàn. Còn người thứ ba tên Ri ji U, 30 tuổi, nghề nghiệp không rõ ràng.
Khi các ký giả hỏi ông Khalid Abu Bakar, Tổng Thanh Tra lực lượng cảnh sát Malaysia là liệu ba người Bắc Hàn này có làm gì sai hay không thì ông Bakar chỉ nói, “Chúng tôi không còn cần đến họ trong cuộc điều tra nữa.”

Trung Quốc sắp tung ra hàng không mẫu hạm tự đóng
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã xác nhận là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên hoàn toàn do các kỹ sư vẽ kiểu và lắp ráp đang đi vào giai đoạn xây dựng cuối cùng. Báo chí Trung Quốc đoán là chiếc hàng không mẫu hạm này có thể được hạ thủy vào ngày 23 tháng 4 là ngày đánh dấu 68 năm Bộ Hải Quân Cộng Sản Trung Quốc được thành lập.
Wu Qian, phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho hay, “Mọi chuyện diễn tiến rất suôn sẻ và giai đoạn lắp ráp sau cùng đang được hoàn thành, còn nói về ngày mà chiếc hàng không mẫu hạm này được hạ thủy, tôi tin là các bạn sẽ không phải đợi lâu nữa đâu.”
Hiện nay chiếc tàu mang tạm mã số 001A, báo South China Morning Post còn cho biết đích thân Chủ Tịch Tập Cận Bình sẽ dự khán lễ hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm này. Người ta cho là hình dạng của nó khá giống với chiếc hàng không mẫu hạm Liaoning mà Trung Quốc đã mua từ Ukraine và hiện đang hoạt dộng.

Nam Phi: Tổng thống sa thải cùng một lúc 10 bộ trưởng
Sau những ngày đồn đoán, hôm thứ Sáu Tổng Thống Jacob Zuma ra lệnh sa thảy cả chục Bộ Trưởng trong nội các, đến nỗi một đại sứ mới mãn nhiệm của Hoa Kỳ ở Nam Phi đã phải viết như sau, “Cuộc tàn sát các Bộ đang diễn ra ở Nam Phi.”
Trong lời giải trình trước dân chúng Nam Phi, Tổng Thống Zuma nói, “Cuộc cải cách là cần thiết nhằm mang lại những biến đổi căn bản về kinh tế-xã hội cho đất nước và bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nghèo và tầng lớp lao động của Nam Phi.”
Trong số những người phải ra đi có cả Phó Tổng Thống Mcebisis Jonas và Bộ Trưởng Tài Chính Pravin Gordhan. Vai trò của ông Gordahn rất nổi bật, ông đã giúp đắc lực cho việc mở mang kinh tế và doanh nghiệp cho Nam Phi từ khi ông lên làm Bộ Trưởng Tài Chính từ năm 2009.
Ông đã lên tiếng trước khi bị sa thải là “đất nước này đâu phải để mang ra bán đâu.” Từ nhiều năm qua, đã có đồn đoán là Tổng Thống Zuma tham nhũng nghiêm trọng và các quan sát viên cho tình hình Nam Phi đang rối loạn lớn lao.

EU chưa vội đàm phán mậu dịch với Anh
Sau khi Anh chính thức loan báo tiến trình rút ra khỏi khối Liên Hiệp Châu Âu EU vào giữa tuần thì hôm thứ Sáu Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk trình bày dự thảo là những cuộc đàm phán với London về tự do mậu dịch chỉ khởi sự, sau khi đã có tiến bộ trong các vấn đề còn phải thương thảo khác.
Những vấn đề này gồm có việc có khoảng 3 triệu công dân Châu Âu đang sinh sống ở Anh sẽ ra sao và khoảng 1 triệu cư dân Anh đang sống rải rác ở Châu Âu cũng sẽ có tương lai pháp định như thế nào. Cùng lúc một viên chức hàng đầu khác của EU cũng cho là “khối EU có thể tự lo về các vấn đề về quốc phòng và an ninh mà vẫn không cần Anh giúp đỡ.”
Trong cuộc họp báo, ông Tusk nhấn mạnh, “Nếu như mọi cuộc đàm phán đều tiến hành cùng lúc thì không thể được, chúng tôi chỉ bắt đầu bàn về tương lai của EU với Anh, một khi có tiến triển trong các cuộc điều đình khác mà thôi.”

Đức chống gia tăng ngân sách cho NATO
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã tìm cách trấn an các thành viên trong khối NATO khi ông khẳng định là NATO có vai trò hàng đầu trong việc chống lại Nga đang quấy nhiễu ở Châu Âu, nhưng khi ông đưa đề nghị tại hội nghị ở Brussels là các thành viên khác của NATO nên đóng góp thêm về tài chính thì Ngoại Trưởng Đức Sigmar Gabriel không đồng ý, ông Gabriel cho hay, “Mỗi nước đóng 2% tỉ lệ GDP của mình cho NATO, có nghĩa là một số tiền là 70 tỉ euros sẽ phải được chi thêm cho quốc phòng, tôi nghĩ không một chính khách nào của Đức thuận lòng đâu. Hoa Kỳ nên nghĩ cách làm sao quản lý tốt hơn nguồn tiền dành cho quốc phòng cho NATO, chứ không phải có càng nhiều tiền thêm thì càng tốt đâu.”
Ngày 25 tháng 5 sẽ có cuộc họp thượng đỉnh của NATO trong đó có sự hiện diện của Tổng Thống Donald Trump và chắc chắn vấn đề đóng góp tài chính của các thành viên sẽ càng “sôi động” hơn trong dịp này, dù các vấn đề khác như chống Nga và chống khủng bố sẽ nổi lên hàng đầu.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT