Bình Luận

Bỏ mặc ObamaCare

Wednesday, 19/07/2017 - 08:54:12

Nguyên nhân đầu tiên tạo ra quyết tâm “giết” ObamaCare là -cũng như mọi chính khách Cộng Hòa, Tổng Thống Donald Trump quan niệm ObamaCare là một phung phí không cần thiết.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Sau lần thứ nhì Thượng Viện thất bại trong nỗ lực viết lại đạo luật ACA (Affordable Care Act-Luật ObamaCare), hôm thứ Ba, 18 tháng 7, Tổng Thống Donald Trump nói ông thất vọng, và đành để mặc tác phẩm chính trị đó của cựu Tổng Thống Barack Obama tự nó, nó chết.

Trump nói, “Giải pháp đó dễ hơn; không tội vạ gì mà ôm lấy nó, tôi sẽ không ôm nó, và tôi khẳng định là đảng Cộng Hòa cũng không ôm nó. Chúng tôi để mặc nó chết, đến lúc đó các chính khách Dân Chủ sẽ tìm đến xin chúng tôi giúp đỡ."

Câu “tôi sẽ không ôm nó,” dịch từ câu “Im not going to own it” chuyên chở ý định của tổng thống là ông sẽ không làm gì thêm, cũng không làm gì khác, liên quan đến chích sách y tế, mà chỉ chờ cho đến lúc chính sách ObamaCare bị trở ngại đến mức không đứng vững được nữa, lúc đó các chính khách Dân Chủ sẽ đến xin các chính khách Cộng Hòa giúp giải quyết bế tắc. Giờ phút đó ông mới ra tay giải quyết.

Ông giận oan các chính khách Dân Chủ, vì họ không can dự vào cái chết của dự luật Y Tế Thượng Viện Cộng Hòa viết ra để thay thế luật ACA.

Dự luật đó được phổ biến cho các nghị sĩ cũng vào hôm thứ Ba, phản ứng đầu tiên là hai nghị sĩ Cộng Hòa Jerry Moran (tiểu bang Kansas) và Mike Lee (Utah), tuyên bố không ủng hộ dự luật -dự luật chống đạo luật cũ ACA.
Chính phản ứng của hai nghị sĩ Cộng Hòa đó khiến đạo luật mới -TrumpCare- bị gác lại, không được đem ra biểu quyết, vì dù có biểu quyết, dự luật vẫn không đủ túc số để được thông qua.

Moran và Lee không đi tiên phong, mà cũng không phải là hai nghị sĩ Cộng Hòa duy nhất chống TrumpCare; trước họ đã có hai nghị sĩ Cộng Hòa khác -ông Rand Paul (Kentucky) và bà Susan Collins (Maine) - công khai khẳng định thái độ của họ chống TrumpCare.

Thật ra, tỷ lệ đa số Cộng Hòa tại Thượng Viện khá mong manh -52/100- chỉ có 52 nghị sĩ Cộng Hòa trong tổng số 100 nghị sĩ; chủ tịch khối đa số, Nghị Sĩ Mitch McConnell chỉ có thể mất hai phiếu Cộng Hòa, là đã đứng trên thế chênh vênh 50-50, tạo cơ hội cho phó tổng thống Mike Pence bỏ lá phiếu thứ 101 để đem chiến thắng về cho chính phủ Cộng Hòa; nhưng mất đến bốn phiếu là vô phương cứu chữa.


Jerry Moran và Mike Lee không đồng ý với đạo luật TrumpCare.


Rand Paul và Susan Collins cũng không đồng ý với đạo luật TrumpCare.

TrumpCare không được đưa ra biểu quyết, tổng thống không muốn thấy Thượng Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát lại bác bỏ đạo luật mà ông và toàn Đảng quyết tâm từ bảy năm nay soạn thảo để thay thế ObamaCare.
Tuy nhiên, mọi việc không chấm dứt với lần thất bại thứ nhì của TrumpCare; tổng thống không phải là người tốt nhịn; ông bảo phóng viên hãng thông tấn Reuters, “Chúng tôi đã đến chỗ phải buông bỏ cho ObamaCare chết; chừng đó các chính khách Dân Chủ sẽ chạy đến xin tôi giải quyết.”

Chủ tịch khối đa số Cộng Hòa -Nghị Sĩ McConnell- cho là Thượng Viện vẫn chưa bị dồn vào thế phải khoanh tay chịu trận; ông đòi tổ chức cuộc biểu quyết loại bỏ ObamaCare mà không cần viết một chính sách y tế khác thay thế -việc ông cho là toàn thể 52 nghị sĩ Cộng Hòa sẽ đồng ý.

Nhưng không ai muốn đối diện với phản ứng phẫn nộ của cử tri, 52 nghị sĩ Cộng Hòa đã thấm thía với khẩu hiệu “Dont Take Away Health Care From Me” mà họ vấp phải trong những buổi town home, gặp gỡ cử tri.
Giải pháp “bỏ mặc cho nó chết” cũng không dễ: có thể tổng thống chưa nghĩ đến việc ông sẽ bị các công ty bảo hiểm kiện vì không tài trợ cho các thân chủ nghèo của họ -những người mà theo luật họ có quyền được tài trợ. (Vì ngày nào chưa bị thay thế hoặc chưa bị hủy bỏ, ObamaCare vẫn là luật, đạo luật mà mọi người phải tuân hành).

Nói cách khác, tổng thống đang gặp khó khăn với di sản của người tiền nhiệm để lại, vì “bỏ mặc cho nó chết,” không những không phải là một lối thoát, mà còn là một nguy cơ khiến tổng thống có thể bị kiện vì phạm pháp, trong lúc giải pháp viết luật y tế khác thay cho ObamaCare cũng đã hai lần thất bại.

Bế tắc của tổng thống đưa đến chỗ quần chúng tò mò tự hỏi: thù ghét gì ObamaCare mà tổng thống nhất định giết nó?

Nguyên nhân đầu tiên tạo ra quyết tâm “giết” ObamaCare là -cũng như mọi chính khách Cộng Hòa, Tổng Thống Donald Trump quan niệm ObamaCare là một phung phí không cần thiết.

Quan niệm về “phung phí trong y phí” rất co giãn, mặc dù y phí tính bằng tiền, một loại trị giá có thể đếm từng đồng. Hình ảnh ông bố, bà mẹ không lui trước bất cứ y phí nào để chạy chữa cho đứa con bệnh hoạn là một điển hình về y phí không phải là “một phung phí không cần thiết.”

Giáo sư tâm lý học David Schneider nhận định, “Sai lầm to lớn nhất của ObamaCare là người chủ trương tạo ra nó: ông Obama. Nếu một vị lãnh tụ da trắng tạo ra nó, nó đã không òe oặt, không bị ngược đãi đến như vậy.
“Đầu năm 2008 đảng Cộng hòa đã quyết định mục tiêu của họ là đánh bại Obama bằng mọi cách có thể đánh. Khi họ kiểm soát của Quốc Hội sau năm 2010 cản trở Obama trở thành cương lĩnh đảng duy nhất mà họ có.
“Dĩ nhiên họ cũng có vấn đề với ACA. Va chạm có thể đã được ngăn chặn nếu có sự hợp tác giữa đôi bên trong lúc viết dự luật. Nhưng ông Obama không thành công trong nỗ lực tiếp cận với đảng Cộng hòa, hai bên không hòa thuận.

“Dù sao ObamaCare cũng thành công trên mức thành công mà các phê bình gia chấp nhận; và chỉ khi nào quốc hội đụng chạm tới nó, người ta mới biết nó mạnh cỡ nào. Đa số các kinh tế gia chuyên về y tế công nhận là ObamaCare đã làm chậm mức tăng giá y phí. Hủy bỏ ObamaCare là lập tức y phí sẽ gia tăng đến mức khiếp đảm.”

Không viết luật mới để giết Obamacare được, cúp tài trợ để mặc nó chết khô cũng không được, thì làm sao đây Trời? Tổng Thống Donald Trump ghét ObamaCare, ghét cái ngõ bí đó, cũng chỉ đúng thôi.
Nghĩ cũng thương tổng thống, nhưng người viết bài báo này (86 tuổi) vẫn xin chia vui với quý vị bạn già là ObamaCare vẫn chưa mất; chúng ta vẫn còn quyền được bác sĩ chăm sóc thường xuyên và định kỳ.
Tuổi này, thiếu bác sĩ là “đi” thôi.
(ndt)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT