Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 31)

Sunday, 01/04/2018 - 02:45:02

Thầy còn du hành nhiều đạo tràng ở các tiểu bang xa tại Mỹ để chia sẻ niềm an lạc hiểu sâu về Phật Pháp cho tất cả những ai muốn đi theo con đường Thiền Định của Đức Phật.

Bài BĂNG HUYỀN

Tìm hiểu Phật Pháp với Đại Đức Thích Tánh Tuệ (phần 1)

Đại Đức Thích Tánh Tuệ, là một trong những vị thầy được Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng mời đến Hoằng Pháp trong các khóa tu của Sợi Nắng, đã được các Phật tử Sợi Nắng nhắc đến nhiều qua những bài viết trước, không chỉ là một Đại Đức có kiến thức uyên bác, hiểu biết nhiều tông phái Phật học, biết giảng Pháp, mà còn là một nhà thơ có rất nhiều bài thơ thiền, được phổ biến trên các trang mạng internet và có rất nhiều độc giả yêu thích.


Đại Đức Thích Tánh Tuệ hướng dẫn trong ngày tu Thọ Bát Quan Trai nhân mùa Vu Lan 2017 do Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng tổ chức tại Tu Viện Đại Bi. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Người viết có duyên dự một buổi trong ngày tu Thọ Bát Quan Trai do Sợi Nắng tổ chức với sự hướng dẫn của thầy Thích Tánh Tuệ, không quên được những tràng cười thoải mái của thính chúng mỗi khi nghe thầy nói những câu chuyện dí dõm, hài hước để minh họa bài giảng. Thầy Tánh Tuệ còn có giọng ca rất truyền cảm đã hoan hỉ hát tặng cho các Phật tử dự buổi tu học. Từ vẻ ngoài cho đến cách thầy Tánh Tuệ giảng Pháp hay trò chuyện với Phật tử, cho thấy thầy là một biểu tượng của “an lạc và hạnh phúc trong buông xả tận cùng.”
Ngoài Sợi Nắng, thầy Thích Tánh Tuệ còn nhận lời đi Hoằng Pháp với nhiều đạo tràng khác nhau trong cộng đồng người Việt tại Nam California, như với Thiền Đường Mây Từ của Mắt Thương Nhìn Đời, Hội Phật Học Đuốc Tuệ, vân vân. Thầy còn du hành nhiều đạo tràng ở các tiểu bang xa tại Mỹ để chia sẻ niềm an lạc hiểu sâu về Phật Pháp cho tất cả những ai muốn đi theo con đường Thiền Định của Đức Phật.

Thầy Tánh Tuệ cho biết thầy không trụ trì nơi từ viện nào hết, mà thầy chỉ trú xứ, là giáo thọ, là lãnh đạo tinh thần cho chùa Vạn Phước tại San Diego, sau những chuyến đi hoằng pháp của thầy ở khắp nơi. Thầy Thích Tánh Tuệ biết Phật Pháp từ năm thầy 19 tuổi, lúc đó thầy còn ở Việt Nam, xuất gia tại chùa với Hòa Thượng Trúc Lâm. Thầy đã qua Mỹ định cư 25 năm rồi, bố thầy là sĩ quan VNCH, bị tù cải tạo, qua Mỹ theo diện H.O. Qua bên này thầy là đệ tử của Hòa Thượng Thích Mãn Gíac (Chùa Việt Nam, Los Angeles). Sau khi Hòa Thượng Thích Mãn Giác viên tịch, thầy Tánh Tuệ có tu bên Làng Mai với sư ông Thích Nhất Hạnh. Sau khi tu mấy năm thì có tâm nguyện học chuyên sâu về Phật Pháp.


Thầy Thích Tánh Tuệ tặng vật phẩm cho người nghèo tại Ấn Độ nhân ngày Lễ Phật Thành Đạo năm 2017. (Hình cung cấp)

Thầy Tánh Tuệ nói, “Vì thầy của thầy là người khoa bảng, cũng muốn các đệ tử của mình có chút trình độ Phật học căn bản. Nên thầy du học Ấn Độ tám năm, học chương trình Phật học tại Đại Học Navanda và xong bằng tiến sĩ về Phật học cách nay hai năm. Trước khi thầy xong vấn đề học hành, thì thầy đã đi giảng Pháp trong cộng đồng người Việt rồi. Thầy cứ đi đi về về bên Mỹ. Một năm học bên đó khoảng bảy tháng, tám tháng. Về đây khoảng ba, bốn tháng. Sau này thầy tốt nghiệp rồi, bà con biết thầy nên mời thầy giảng nhiều nơi hơn.”


Thầy Thích Tánh Tuệ tặng vật phẩm cho người nghèo tại Ấn Độ nhân ngày Lễ Phật Thành Đạo năm 2017. (Hình cung cấp)

Tu tập để giải thoát

Theo thầy Thích Tánh Tuệ, điều mà thầy đặt ưu tiên nhiều nhất khi hướng dẫn các Phật tử tìm đến những khóa tu có thầy hướng dẫn chính là giúp cho những vị đi vào ngôi nhà Phật Pháp với tâm thức, tinh thần tu hành để giải thoát. “Đó là điều mà thầy ưu tiên với những người có mục tiêu tu tập, giác ngộ để giải thoát. Có rất nhiều dạng Phật tử đi chùa, với rất nhiều tâm thức khác nhau, nhưng tựu trung có hai dạng. Đó là những Phật tử đến chùa với tâm thức hướng thiện, tìm môi trường trong sáng, lành mạnh để mình sinh hoạt, nó tốt hơn những môi trường bên ngoài cuộc đời, nhiều khi đằng sau những cuộc vui trong nhóm tổ chức ngoài đời, để lại những mệt mỏi, những hậu quả gì đó đáng tiếc. Vì vậy có một số Phật tử đến chùa với tâm thức hướng thiện, để thay đổi hình thức sinh hoạt của mình.


Thầy Thích Tánh Tuệ tặng vật phẩm cho người nghèo tại Ấn Độ nhân ngày Lễ Phật Thành Đạo năm 2017. (Hình cung cấp)

“Nhưng những người như vậy chưa hẳn là họ đặt vấn đề tu giải thoát, mà chỉ thay đổi hình thức sinh hoạt cho đời sống mình lành mạnh. Họ là những người hướng về chân thiện mỹ, chưa hẳn là có nhu cầu khát khao tìm hiểu đào sâu giáo lý để giác ngộ giải thoát. Điều đó họ không thích, chỉ dừng lại đi chùa để vui với những niềm vui trong đạo. Nhưng bản sâu thực tập thì họ không thích lắm.”

Thầy Tánh Tuệ cho rằng thật ra hướng thiện chưa đi đến cốt tủy mà đức Phật muốn, Ngài muốn chúng ta tu theo giáo Pháp của Ngài là để giải thoát. Nhưng điều đó không phải ai cũng làm được, mà không phải ai cũng có nhu cầu giải thoát, vì có nhiều chúng sanh vẫn coi cuộc đời này là cứu cánh, là tất cả. Đại Đức nói, “Họ hỏi tại sao phải giải thoát, niết bàn, cực lạc là gì đó không thực tế, cuộc đời này có rất nhiều cái đẹp mà sao tôi phải từ bỏ. Những người về tu tập với thầy, thầy luôn muốn hướng họ thực hành để nhìn lại chính mình. Tức là muốn nhìn lại chính mình thì phải có khả năng thiền tập.

“Chính cái thiền làm người ta sâu lắng. Người ta lắng đọng thì mới biết được mình kẹt ở đâu, mới biết được nguồn gốc của nỗi khổ, niềm đau, khuyết điểm của mình, và rõ hơn là biết lỗi của mình, biết cái ưu cái khuyết của mình, chính thiền tập giúp nhìn nhận lại chính mình một cách khách quan. Tức là khả năng của thiền giúp mình đứng ra ngoài con người của mình nhận định lại con người của mình, không có bao biện nếu đó là lỗi lầm, là điều chưa đúng. Khả năng đó mình nhận diện được sâu hơn tật, tánh, nghiệp của tôi, tham hay sân nhiều, nhiều chuyện.

“Chính thiền cho mình nhận định lại rõ chính mình. Mà thấy rõ được con người mình thì mình mới chuyển hóa được. Không thấy rõ thì không vượt qua được. Tại vì mình nghĩ, bao giờ cũng nghĩ là mình tốt hết, ít bao giờ nghĩ mình có những mặt khuyết. Thiền sẽ giúp mình có khả năng nhìn lại mình rõ rệt, cho mình khả năng là thiết lập được sự cân bằng trong đời sống bận rộn bên Mỹ này. Thiền giúp thiết lập lại quân bình giữa động và tĩnh. Người ta nói thân muốn khỏe, thân phải hoạt động, nhưng giữa thân và tâm có nghịch lý, nghĩa là tâm muốn khỏe thì thân phải nghỉ ngơi.”

Thầy Tánh Tuệ giải thích, “Gốc thiền là chánh niệm, tỉnh giác, chưa nói gì về giải thoát, giác ngộ, niết bàn gì trong tương lai, thiền mang đến kết quả ngay đời sống này rất thiết thực. Thiền có tính chất phi tôn giáo, đi ra ngoài phạm vi tôn giáo, các tôn giáo đều có thể thiền được, chứ không riêng gì là Phật giáo. Đầu tiên của thiền là quay trở về với hơi thở của mình. Mà hơi thở thì ai cũng thở hết, đâu có tôn giáo gì đâu. Mình hít vào thở ra mười hơi, hai mươi hơi, nhẹ nhàng, thư giãn, nghĩa là mình đang tiếp xúc với thiền, thiết lập được bình an nội tại. Đây là những gì Phật giáo có thể cống hiến một cách thiết thực cho tâm thức của chúng sanh, của con người trong xã hội bây giờ.”


Đại Đức Thích Tánh Tuệ và các thành viên thiện nguyện viên của Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng.

Nhắc lại mối duyên với Sợi Nắng, thầy Tánh Tuệ kể, “Thầy đi giảng ở Thiền Đường Mây Từ lâu rồi, khoảng bảy, tám năm trước, có vài vị của Sợi Nắng đi nghe giảng, chắc các vị nghe thấy được, nên bàn nhau mời thầy. Mấy năm trước thầy đến với Sợi Nắng nhiều hơn, năm 2016 thầy có lời tạ từ với Sợi Nắng vì thầy muốn có khoảng thời gian để lắng đọng, tự nghiên cứu, đào sâu vào Phật Pháp, nên năm 2017 ít sinh hoạt hơn mọi năm. Tuy nhiên vẫn giữ liên lạc với nhau.

“Trong Phật giáo thì cái gì cũng do nhân duyên cả. Duyên với Sợi Nắng thì khá bền. Điều duy nhất giữa thầy và đại chúng ở đây là dìu dắt nhau tu học đúng trong tinh thần chánh Pháp của đức Phật thôi, ngoài ra không có nhu cầu gì khác. Nhóm Sợi Nắng không phải đệ tử của thầy mà của Hòa Thượng Thích Tịnh Từ (Tu viện Kim Sơn), do những năm sau này, ngài đa đoan Phật sự, lớn tuổi, lại ở xa, còn thầy ở gần hơn. Thầy có năng lượng tương đối trẻ nên thích hợp với họ. Cho nên cách hướng dẫn tu học của thầy đối với Sợi Nắng, tuy nói là nhóm Thiền Sinh nhưng với thầy là hướng dẫn theo cách Thiền Tịnh Song Tu.”


Đi Kinh Hành trong ngày tu Thọ Bát Quan Trai do Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng tổ chức tại Tu Viện Đại Bi.

Thiền Tịnh song tu

Trên trang nhà của Thư Viện Hoa Sen, có phổ biến bài viết của Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh giới thiệu về Thiền Tịnh Song Tu rất chi tiết. Xin được phép trích lại những điều căn bản của Pháp môn này trong bài viết.
“Thiền Tịnh Song Tu không phải là một pháp môn mới mẻ. Trong Kinh Lăng Nghiêm, ngài Đại Thế Chí đã bạch Phật rằng: Chỗ bổn nhơn tu hành của con là do tâm niệm Phật mà ngộ vô sanh nhẫn, nguyện ở cõi này để nhiếp hóa mọi người niệm Phật vãng sanh Tịnh độ. Nay Phật hỏi Viên thông, con vốn không lựa chọn, chuyên thông nhiếp cả sáu căn khiến cho tịnh niệm nối luôn, được vào Tam-ma-địa, ấy là thứ nhất.
“Ngài Đại Thế Chí trong khi tu pháp niệm Phật, đã nhiếp phục cả sáu căn. Cả sáu căn đều quy về nơi Nhất niệm niệm Phật, không để tán loạn rong ruổi theo ngoại duyên. Tịnh niệm thường nối luôn, không xen một niệm gì khác, nên chứng đặng niệm Phật Tam-muội. Đây là mẫu mực của Thiền Tịnh song tu vậy. Vì sao?
“Nhiếp tâm niệm Phật là Tịnh, quy cả sáu căn về nhất niệm, không để chúng tán loạn rong ruổi theo trần cảnh, ấy là Thiền. Thiền Tịnh song tu thì mau chứng đặng Tam-muội, vì dùng tất cả năng lực vào một mục tiêu duy nhất, vì xoay trần cảnh vào Phật tâm. Tự lực đã sung mãn lại thêm Phật lực thường hộ trì nên sự thành công rất mau chóng và trọn đủ.”

Cũng trong bài viết này, Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh khẳng định Thiền và Tịnh bổ sung cho nhau.
“Thiền bổ sung cho Tịnh
“Tịnh độ là pháp tu rất phổ cập trong dân gian. Nhưng thường lệ cái gì quá phổ thông thì dễ đi tới chỗ bị xem thường hay tu qua loa lấy có. Thời nay nghiệp lực chúng sanh sâu dày, căn khí yếu ớt, tánh hay giải đãi, nếu chỉ hoàn toàn dựa vào tha lực mà tu thì tự nhiên phát sanh ra sự ỷ lại hay chần chờ. Nhất là họ viện cớ rằng: Kinh A Di Đà nói: "Lúc lâm chung chỉ cần niệm mười tiếng danh hiệu A Di Đà Phật thì dù trước đó có tạo nhiều nghiệp tội cũng được vãng sanh Cực Lạc". Nếu hiểu lầm như vậy thì đáng tiếc thay, vì lẽ tâm họ thường nghiêng về đường ác thì lúc lâm chung đâu dễ cất lên tiếng niệm Phật cầu vãng sanh, đâu dễ hướng về cõi Tịnh. Ấy chỉ vì nghiệp lực chiêu cảm kéo họ đi vào ngõ tối tăm chớ không phải vì Phật không cứu.
“Kinh đã nói rằng: Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhơn duyên, đắc sanh bỉ quốc. Nghĩa là không thể dùng một chút ít công đức mà cầu xin Cực Lạc được. Phật A Di Đà tuy sẵn sàng tiếp độ, nhưng trước nhất tự mình phải độ mình, tạo đủ tư lương Phước Trí rồi hồi hướng Tịnh độ mới bảo đảm. Tu Thiền song song với Tịnh độ thì tránh được sự biếng nhác giải đãi nêu trên. Phải tự mình nỗ lực, gắng gỏi công phu, phải phát tâm bỏ nhiễm về tịnh, bỏ ác theo thiện, tức là tự mình phải có ý hướng muốn giải thoát thì mới ứng hợp cùng bi nguyện độ sanh của Đức Phật A Di Đà. Tha lực dù mạnh mẽ đến đâu mà không có sự tích cực của tự lực thì cũng phí uổng thôi.

Hơn nữa, người có khuynh hướng và khả năng tu Thiền thường có thể vượt qua sự tướng mà vào lý tánh. Nếu thực hành Thiền Tịnh song tu, hành giả không cần áp dụng sự niệm Phật mà tu Lý niệm Phật hay Thiệt Tướng niệm Phật. Pháp tu này viên mãn thì vãng sanh hàng thượng phẩm. Ở cõi ngũ trược ác thế này mà gia công tu tập đến mức ấy thì thâu ngắn con đường đi đến quả vị Phật. Như Đức Phật Thích Ca phát tâm Vô thượng Bồ-đề cùng lúc với ngài Di Lặc, nhưng Đức Thích Ca thành Phật trước chỉ vì Ngài chọn phương tiện Nan hành đạo nơi cõi Ta-bà đầy nghịch duyên chướng ngại, còn ngài Di Lặc hiện giờ còn là vị Nhất Sanh Bổ Xứ (phải tu thêm một kiếp nữa mới thành Đạo) vì Ngài chọn Dị hành đạo.

Vả lại Thiền gia thường có định lực tập trung rất mạnh, nếu dùng lực này mà chấp trì hồng danh A Di Đà thì sự chấp trì rất bền chắc, sâu nhiệm. Trong pháp môn Tịnh độ, Tín ví như đôi mắt, Nguyện là chỗ đến, còn Chấp trì là đôi chân. Có đôi chân vững vàng mạnh mẽ rồi, cứ nhắm hướng mà đi thì chỗ nào không đến được? Chấp trì là pháp hành căn bản, nếu thêm năng lực Thiền vào thì chẳng khác nào thêm động cơ cho hành giả tiến nhanh đến đích.

Như vậy tha lực kết hợp với tự lực sẽ đưa đến hoàn bị, kết quả tốt và bảo đảm vậy.
“Tịnh bổ sung cho Thiền
Thiền tông hay dùng phương tiện phá tướng hiển tánh, là pháp tu thẳng tắt để vào pháp tánh Không. Nhưng vì luôn luôn phải phá tướng mà vào nên nhiều người bị rơi vào chỗ chấp không. Khi vướng vào chấp không rồi thì không còn kiêng sợ gì nữa, Giới luật không cần giữ, vì cho rằng địa ngục không, Niết-bàn không, Cực Lạc cũng không. Thế là tha hồ buông lung càn bướng, chạy theo dục vọng, làm bại hoại kỷ cương, làm suy đồi Phật pháp, tội lỗi không thể nào kể ra cho xiết. Nếu những người này biết tu Tịnh độ, biết cầu vãng sanh Cực Lạc thì lúc đang sa rớt như vậy còn có thể nhờ Tín, Nguyện kềm chế lại được, rồi kịp thời sám hối thì sự nghiệp tu hành có cơ cứu vãn bằng không cứ nhắm mắt lao đầu xuống vực thẳm mà tự cho là hay, là giỏi.
Thiền nặng về lý, Tịnh nghiêng về sự. Đó là vì phương tiện mà phân chia ra như vậy chứ thật ra bao giờ cũng phải viên dung sự lý, tánh tướng thì mới hợp đạo mầu.

“Đây là câu chuyện có thật chứng minh điều ấy:
Thuở xưa, mỗi khi tổ Bách Trượng đăng đàn thuyết pháp đều có một ông già vào dự thính. Bữa nọ, chờ cho mọi người đều lui ra, ông lão tiến đến đảnh lễ và thưa:

- Tôi xưa vốn là một Thiền sư, chỉ vì dạy lầm một câu mà bị đọa làm thân chồn 500 kiếp. Nay cầu xin Tổ chỉ dạy cho để thoát khỏi thân súc sanh.

Tổ hỏi:
- Ngươi lầm lạc ra sao?
- Dạ thưa, xưa có người hỏi: khi ngộ rồi có còn bị nhân quả không? Tôi đáp: Không. Vì bác bỏ nhân quả nên tôi bị đọa.
Tổ bảo:
Ngươi hãy hỏi lại câu ấy.
Khi ngộ rồi còn có bị nhân quả chăng?
Tổ đáp:
Bất muội nhân quả! (Không lầm nhân quả!).
Ông già lễ tạ lui ra. Đêm đó, Tổ thấy cụ già ban sáng đến đảnh lễ, nói: "Nhờ Tổ khai thông, tôi thoát khỏi kiếp chồn. Ngày mai xin cho người đến khe suối phía Nam lượm xác. Xin được trà tỳ như một vị Tăng". Sáng ngày hôm sau, quả tìm được một xác chồn to lớn nằm chết ở suối. Tổ làm y theo lời thỉnh nguyện của ông già.
“Câu trả lời của tổ Bách Trượng, vừa công nhận luật nhân quả vừa vượt lên trên sự tướng.
“Cái gì hữu hình đều là giả, đừng lầm cái ấy với lý thể tánh Không! Nhưng cũng đừng xem thường nó! Đấy là cách dung thông tánh tướng, sự lý rất hoàn hảo mà người tu Thiền nếu được bổ sung bằng Tịnh sẽ có thể đạt được.”
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT