Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 23)

Sunday, 04/02/2018 - 06:05:40

“Nếu tham thiền đến kiến tánh, dứt hết tập khí phiền não từ từ cái dụng hiện ra, cuối cùng bằng như Phật Thích Ca. Lúc đó không có cái gì không biết, không lúc nào mà không biết, chứ không phải cái biết của bộ óc có hạn chế và không chân thật.

Bài BĂNG HUYỀN

Chùa Duy Pháp và Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền (phần 1)

Trong hoạt cảnh “Đức Phật Thành Đạo” do chúng A Dục Vương Chùa Khánh Hỷ (là các nam nữ Phật tử tham gia vào sinh hoạt của chùa Khánh Hỷ) trình diễn trong buổi lễ Phật Thành Đạo do chùa Khánh Hỷ tổ chức chiều Chủ Nhật, ngày 28 tháng 1, 2018 vừa qua tại Saigon Performing Art (thành phố Fountain Valley), kể lại: Sau sáu năm tu khổ hạnh cùng với năm anh em Kondana (Kiều Trần Như), Bhadhya (Bạt Đề Lợi Gia), Vappa (Ác Bệ), Mahanama (Ma Ha Câu Nam) và Asaji (A Xá Bệ Thê), cơ thể chỉ còn da bọc xương, đi đứng không vững, sức khoẻ kiệt quệ, Ngài thấy rằng khổ hạnh không thể giải quyết được vấn đề. Năm người bạn đồng tu cho rằng Thích Ca đã thoái chí, họ nói rằng, Thái tử Siddhartha đã trở về với cuộc sống tiện nghi và dục lạc vật chất, họ đã rời bỏ Ngài. Ngài lấy lại sức, nhờ uống bát sữa, do một thôn nữ tên là Sujata cúng dường. Sau 49 ngày đêm, Ngài ngồi dưới cội cây Bồ Đề, chuyên sâu vào thiền quán, tu tập tâm ly dục, ly ác pháp, đức Thích-Ca chiến thắng nội chướng lẫn ngoại ma, nào tham luyến, dục vọng, phiền não, sân hận, đói khát, cô đơn v.v...luôn hiện đến quấy nhiễu Ngài. Để rồi đến ngày 49, Ngài đã đoạn trừ hết mọi tham ái, vô minh, đã được Giải thoát, Giác ngộ, và thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ngài đã thành Phật (người giác ngộ).

Lời Phật nói đầu tiên khi vừa Thành đạo đã được ghi lại trong Kinh Pháp Cú, và đã được diễn lại trong hoạt cảnh Phật Thành Đạo: “Ta lang thang trong vòng luân hồi trải qua bao kiếp sống. Ta đi tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Cứ lập đi lập lại đời sống quả thật phiền muộn. Này hỡi kẻ làm nhà, nay ta đã khám phá ra ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy đổ, kèo cột bị phá tan. Mọi ái dục Như lai đã đoạn trừ. Như lai đã chứng quả Vô sanh Bất diệt.”


Thượng Tọa Thích Trung Duệ, trụ trì chùa Duy Pháp. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Qua việc thiền định của Đức Phật dưới cội Bồ Đề để Thành Đạo, có thể thấy rằng thiền là phương pháp tu hành chủ yếu của nhà Phật. Khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, các đệ tử của Ngài đều lấy việc hành thiền làm căn bản. Các phương pháp hành thiền này đều nương theo các kinh, luật và luận đã thuyết; như thiền quán niệm hơi thở, thiền tứ niệm xứ, thiền na ba la mật v.v.. Tu các pháp thiền này được chứng nhập tuần tự theo thứ bậc, tuy theo trình độ và thời gian hành trì của hành giả. Loại thiền này được gọi là Như Lai Thiền. Còn Tổ Sư Thiền thì ngược lại không có thứ bậc, là pháp trực tiếp chỉ thẳng vào bản thể chân tâm Phật tánh.


Hoạt cảnh Phật Thành Đạo trình diễn trong buổi lễ do chùa Khánh Hỷ tổ chức. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Pháp Môn Tổ Sư Thiền

Từ Tổ truyền xuống nên gọi là Tổ sư thiền. Thiền này do đức Phật Thích Ca đích thân truyền, không qua văn tự lời nói, tất cả Phật nói trong kinh điển đều qua văn tự lời nói. Trong hội Linh sơn, Phật đưa cành hoa lên, Ca Diếp ngộ chỉ mỉm cười, Phật không nói gì nên pháp môn này là “giáo ngoại biệt truyền bất lập văn tự.”
Trang Thư Viện Hoa Sen có ghi, “Ma Ha Ca Diếp là một trong mười đại đệ tử của đức Phật, được mệnh danh là đầu đà đệ nhất, người đã được đức Phật vời tới chia một nửa tòa sen cho ngồi bên cạnh mà ngài Ca Diếp không dám nhận cái vinh dự ấy. Phật pháp còn là do ngài Ca Diếp đã gìn giữ để trao truyền. Ma Ha Ca Diếp là vị Tổ Sư Thiền tông đầu tiên được đức Phật truyền y bát, nối truyền giáo pháp, nên cũng gọi Ngài là vị Tổ sư thứ nhất của Thiền tông, là người giữ vai trò đặc biệt nối tiếp chánh pháp của Phật, nhiếp giữ đại pháp cho đến hơn trăm tuổi, không hề buông lơi một bước.

“Khi nói đến Ma Ha Ca Diếp, người ta thường nhắc đến pháp Nhãn tạng. Chỉ có ông Ma Ha Ca Diếp nhận ra được chánh pháp nhãn tạng Niết bàn diệu tâm, đây là pháp môn mầu nhiệm mà Như Lai dạy nơi thế giới này. Ma Ha Ca Diếp là vị Tổ thứ nhất Thiền tông tại Ấn Độ. Sau đó Tổ Ma Ha Ca Diếp truyền cho Nhị Tổ A Nan, đến Tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma thì Ngài qua Trung Hoa truyền pháp nên được coi là Tổ thứ nhất Thiền Tông Trung Hoa. Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền y bát cho đến Tổ Huệ Năng, là tổ thứ sáu tại Trung Hoa. Việc truyền y, bát tới tổ Huệ Năng thì chấm dứt.

“Sau đó Thiền Tông chia thành năm phái: Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng và Vân Môn. Mỗi phái đều có phương tiện cơ xảo riêng để khế hợp với từng cơ duyên của đệ tử. Tùy mỗi đương cơ mà chư Tổ, hoặc nói, hoặc không nói, hoặc dùng gậy đánh hay dùng tiếng la, tiếng hét. Lâm Tế và Tào Động là hai phái Thiền Tổ Sư còn tồn tại truyền qua Việt Nam, Cao Ly, Nhật Bản và Hoa Kỳ.”
Tại Việt Nam, Thiền Tông được du nhập vào năm 580 vào thời vua Lý Phật Tử nhưng đến thời đại nhà Trần mới cực thịnh. Tổ Sư thiền Việt Nam đã thất truyền trên hai trăm năm. Đến năm 1977, thiền sư Hòa Thượng Thích Duy Lực là đời thứ 89 (kể từ Tổ Ma Ha Ca Diếp) chuyên tu Tổ sư thiền, đã hoằng dương Tổ Sư Thiền và tổ chức Thiền thất đầu tiên tại Việt Nam.


Hoạt cảnh Phật Thành Đạo do chúng A Dục Vương Chùa Khánh Hỷ trình diễn trong buổi lễ do chùa Khánh Hỷ tổ chức. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Về tiểu sử, trên trang tuanthienduong.com ghi, “Hòa Thượng Thiền Sư Thích Duy Lực đã theo tu học với các bậc thiện tri thức thuộc cả hai tông Lâm Tế và Tào Động, và trong suốt thời gian hoằng pháp, đã hướng dẫn tứ chúng tu tập pháp môn Tổ Sư Thiền khán thoại đầu.

“Ngoài việc trực tiếp thuyết pháp và hướng dẫn tu pháp môn Tổ Sư Thiền, Hòa Thượng còn biên soạn lại một số kinh sách và trước tác một số sách tiếng Hoa, tựa đề lên tới hơn 10 tác phẩm. Sư cũng đã dịch kinh Phật và ngữ lục của chư Tổ từ tiếng Hoa sang tiếng Việt, và trước tác một số sách bằng tiếng Việt, tổng số gần 30 tác phẩm. Những sách này đã được xuất bản và phát hành tại Đài Loan, Việt Nam và Mỹ.

“Ngoài những kinh sách kể trên, những chỉ dạy cùng hướng dẫn của Hòa Thượng Duy Lực cũng còn được lưu truyền lại trong những đĩa thu âm và đĩa thu hình, ghi lại những buổi nói pháp cùng những câu Hào Thượng trả lời các câu hỏi đủ loại của thính chúng. Nội dung những điều này cũng đã được một số đệ tử của Hòa Thượng chép lại và xuất bản thành một bộ sách mang tên Duy Lực Ngữ Lục.

“Năm 1988 Hòa Thượng Duy Lực đến Hoa Kỳ lập Thiền đường Từ Ân và hoằng pháp nơi đây, còn đi thuyết pháp Thiền tông trên thế giới, như các nước Canada, Đài Loan, Úc, Việt Nam, đầu năm 2000, ngài viên tịch tại Hoa Kỳ.”

Thượng Tọa Thích Trung Duệ là trụ trì của chùa Duy Pháp (địa chỉ 14851 Wilson St., Midway City, CA 92655. Điện thoại (714) 988-8883, (714) 622-9307. Email: chuaduyphap@gmail.com). Ngoài việc học hành bài bản giáo lý nhà Phật, từ sơ cấp, trung cấp và đã tốt nghiệp Đại Học Vạn Hạnh (Đại Học về Phật giáo tại Việt Nam), thầy còn tu tập theo Pháp Môn Tổ Sư Thiền là Tham Thoại Đầu và Khán Thoại Đầu do Cố Hòa Thượng Duy Lực (1923 – 2000) hoằng dương. Thượng Tọa Trung Duệ và chùa Duy Pháp cũng đã tổ chức thành công hai khóa tu thiền, Khóa Tu “Ma Ha Ca Diếp” năm 2016 và 2017.

Theo Thượng Tọa Trung Duệ, dẫu rằng trong tất cả các tông phái của đạo Phật, tông phái nào cũng có tu Thiền, xét về nội dung và ý nghĩa thì hoàn toàn giống nhau, chỉ có khác nhau về phương pháp hay nói đúng hơn là hình thức tổ chức tu Thiền.

“Bởi vì Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, đây chỉ là con số ước lượng tượng trưng trên cái khổ của chúng sanh. Những người tu tùy theo pháp môn mà mình tin nhận, thọ trì, đều có thể thực hành thiền định theo những cách khác nhau. Thứ nhất là Tham Thiền (Tổ sư thiền, hay thiền tông), thứ nhì Niệm Phật (người tu theo phái Tịnh độ tông có thể lấy việc niệm Phật làm phương tiện thiền định), thứ ba Trì chú (phái Mật tông lấy việc trì chú để thiền định), thứ tư là Thiền quán tưởng. Nói về khác biệt, thì có nhiều khác biệt. Ba thiền kia có thể giống nhau, dùng ý thức phân biệt, suy tưởng để tu. Nhưng chỉ có mỗi Tham Thiền (Pháp Môn Tổ Sư Thiền) lại không dùng ý thức quán tưởng. Nếu phân tích kỹ ra thì có sự khác biệt nhiều lắm. Đơn cử một điều về hai mặt của bộ não chúng ta, một mặt là bộ não biết, một mặt là bộ não không biết. Pháp Môn Tham Tổ Sư Thiền dùng bộ mặt không biết của bộ não để tu, còn tất cả các pháp môn của thiền Phật giáo dùng bộ mặt biết của bộ não để tu.”

 
Thượng Tọa Thích Trung Duệ và Phật tử nhỏ tuổi tại khóa tu thiền do Thượng Tọa và chùa Duy Pháp tổ chức. (Hình cung cấp)

Thượng Tọa nói, “Cho nên mặt không biết của bộ não sẽ tu nhanh hơn, còn mặt biết phải chạy theo duyên, nên mình nhiếp tâm rất khó, cần phải trải qua một thời gian dài mới đạt được. Thêm một khác biệt, thiền theo Pháp Môn Tổ Sư Thiền chỉ chú trọng có một chữ Nghi thôi. Nghi rồi thì đến Ngộ. Nếu Ngộ được thì là Ngộ, còn không Ngộ được thì là Nghi. Cho nên, Thiền tông gọi là Tổ sư thiền với bốn chữ từ Nghi đến Ngộ.
“Nghi là nhân, ngộ là quả; có nghi mới có ngộ, nên nói bất nghi bất ngộ; nghi nhỏ ngộ nhỏ, nên nói tiểu nghi tiểu ngộ; nghi lớn ngộ lớn, nên nói đại nghi đại ngộ. Muốn ngộ phải có nghi, nếu không có nghi thì không được ngộ; không những pháp xuất thế gian có nghi có ngộ, mà pháp thế gian cũng vậy.

“Như chư Tổ dạy, có nghi có ngộ, không nghi không ngộ, tiểu như tiểu ngộ, đại nghi đại ngộ, không nghi thì không ngộ. Thiền Tông rất chú trọng nhân “Chánh Nghi,” thì ngộ được “Chánh Quả.

“Vậy đức Phật Bổn Sư Thích Ca nhân nghi gì tham thiền mà ngộ được Phật Quả? Đức Phật Thích Ca đã nghi cái sanh tử, sau này từ nhân nghi đó mới được giác ngộ. Từ Nghi đó mà sau 49 ngày ngồi thiền dưới cội Bồ Đề và Ngài đã ngộ đạo. Phá vỡ được tiền đề sanh tử từ đâu mà có. Để rồi sơ Tổ Ca Diếp, tổ Huệ Khả, tổ Hoài Nhượng, tổ Lâm Tế,… đến thời cận đại gần đây, như tổ Hư Vân, tổ Lai Quả, Tổ Nguyệt Khê, Thiền sư Hòa Thượng Duy Lực… đều do Tham Thiền mà chứng ngộ giải thoát.”

Thượng Tọa Thích Trung Duệ cho rằng, “Chúng ta đời nay, muốn giác ngộ giải thoát cũng gieo nhân Chánh Nghi, Nhân Chánh Nghi đã gieo thì đưa đến giác ngộ giải thoát, nếu chúng ta siêng năng tinh tấn tu hành, thì con đường giác ngộ sẽ đến.”

Tham thiền là gì?
Trên trang Thienphatgiao, trong Mục “Vấn Đáp Thiền và Phật Pháp” do Hòa Thượng Duy Lực giải đáp, có ghi: “Trong Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền có năm câu Thoại Đầu, tự mình chọn một câu nào thấy khó hiểu nhất để tham, cuối cùng Phật tánh hiện lên gọi là kiến tánh thành Phật. Vì trực tiếp từ địa vị phàm phu thẳng chứng quả Phật còn gọi là pháp thiền trực tiếp.

“Tham thiền là phát hiện bản năng của mình đem ra dùng, không phải thành một vị thần linh. Tham thiền cứ hỏi thầm câu thoại đầu trong bụng cảm thấy không biết là tham được rồi. Con nít sáu, bảy tuổi cũng thực hành được, bà già tám, chín chục tuổi đều tham thiền được. Bởi vì việc thế gian muốn biết rất khó, việc không biết ai cũng làm được. Nhưng tin tự tâm rất khó, phải tin tự tâm là tất cả năng lực thần thông trí huệ bằng như Phật Thích Ca, không có kém hơn một chút.

“Nếu tham thiền đến kiến tánh, dứt hết tập khí phiền não từ từ cái dụng hiện ra, cuối cùng bằng như Phật Thích Ca. Lúc đó không có cái gì không biết, không lúc nào mà không biết, chứ không phải cái biết của bộ óc có hạn chế và không chân thật.

“Nói tham thiền để trừ vọng là sai lầm, vì vọng tưởng là vô minh mới có; chứ không phải Phật tánh có vọng tưởng, Phật tánh là bất nhị, siêu việt số lượng. Bản thể Phật tánh cùng khắp không gian thời gian. Nếu nổi vọng tưởng là có số lượng, có nổi tâm trừ vọng tưởng là hai lớp vọng. Cho nên tu hành trừ vọng tưởng là sai lầm lớn. Tụng kinh là mục đích để biết ý của Phật dạy, mình theo đó để tu, chứ không phải tụng kinh để cho Phật nghe, mà nói là có công đức. Kinh là lời Phật dạy nên Phật đâu cần nghe!

“Dùng niệm Phật, niệm chú để trừ vọng tưởng sẽ phát lên nguy hiểm, vọng tưởng được trừ, có sức định cao thì sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, phát điên, ói máu. Sự thật tôi gặp người tu ở Việt Nam rất nhiều trong những trường hợp này. Những người không biết ý của Phật dạy, tưởng là tu để trừ vọng tưởng, đó là sai lầm rất lớn; mà bây giờ rất phổ biến trong giới Phật tử, ấy rất nguy hiểm. Tu hành uổng công, có quả không tốt.
“Phật dạy mình tin tự tâm, tất cả thần thông trí huệ bằng như Phật, không kém hơn Phật một chút nào. Tham thiền là phát hiện cái mình sẵn có cùng khắp không gian thời gian, không có cái nào mà làm không được. Con dơi có ra-đa là bản năng đầu thai thành con dơi phải có ra đa, con ong có kiến trúc, nhà kiến trúc học kiến trúc của con ong. Kiến trúc của con ong không phải do học mà có, nó theo nghiệp mà có.
“Tham thiền không phải để tiêu nghiệp, nghiệp vốn không có, vì tâm mình tạo mới có. Ngưng tâm không tạo nữa thì nghiệp ở đâu? Khỏi cần tiêu mà nó tự tiêu. Tâm tạo rồi tiêu, tiêu rồi tạo nữa, khi nào mới tiêu hết! Tu hành không phải để tiêu nghiệp, nghiệp khỏi cần tiêu, vọng tưởng khỏi cần trừ. Tự tánh mình là bất nhị, không có vọng tưởng, không có nghiệp chướng. Thiền tông nói nghiệp chướng bổn lai không (nghiệp chướng vốn là không).”
(Còn tiếp)




Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT