Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 16)

Sunday, 17/12/2017 - 05:12:06

“Niềm vui của chúng tôi là cảm ơn những người sản phụ trong quá khứ đã từng đến và nghe lời khuyên chúng tôi, đã giữ con, không phá bỏ. Còn nỗi buồn là khi họ bất chấp tất cả, lòng họ đã chai đá, họ nhất định bỏ và bất chấp hậu quả, dù họ biết mang tội rất lớn.”

Bài BĂNG HUYỀN
Sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Công giáo (phần cuối)

Hội Cứu Mạng Thai Nhi Việt Respect-Life
Cũng như bao tín đồ Công Giáo khác, cô Phan Cẩm Nhung - hội trưởng của Hội Cứu Mạng Thai Nhi Việt Respect-Life, được Giáo Phận Công Giáo Orange công nhận - tin rằng sự sống vốn rất linh thiêng. Đó chính là sự sống trong bình an, vui tươi, là sự sống đời đời dành cho những ai yêu mến Chúa và tuân giữ các điều răn của Người. Mỗi người có nhiệm vụ làm cho sự sống ấy lớn mạnh mỗi ngày qua việc thực thi lời Chúa, sống bác ái yêu thương.


Logo chính của Hội Cứu Mạng Thai Nhi Việt Respect-Life. (Hình cung cấp)

Khi nhận ra sự cao quý của sự sống cũng là lúc người ta nhận thấy những quyền lợi chính đáng mà một mầm sống được thừa hưởng. Phá thai là tước mất quyền sống, gây nên sự bất công với các thai nhi. Điều này được củng cố dưới lăng kính Đức tin mà bản thân cô Phan Cẩm Nhung, các thành viên và thiện nguyện viên của Hội Cứu Mạng Thai Nhi, Việt Respect-life thấm nhuần được tinh thần của Chúa và Giáo hội trên con đường phục vụ và bênh vực sự sống.


Thánh Giana Molla Bổn Mạng Các Thai Phụ và Hội Cứu Mạng Thai Nhi Việt Respect-Life. (Hình cung cấp)

Trước đây cha linh hướng của Hội là cha Nguyễn Uy Sĩ, hiện nay là cha Thái Bảo (Cha đang ở giáo xứ St. Cecilia ở cộng đoàn Tustin), giúp những vấn đề tâm linh với người thai phụ (nếu thai phụ yêu cầu), hoặc những thắc mắc nào cần cha giải thích thì Hội liên lạc với cha. Mỗi 3 tháng, các thành viên họp với nhau một lần, nhưng nếu có những vấn đề đột xuất thì họp sớm hơn. Thường thành viên liên lạc với nhau bằng điện thoại, email. Những lần họp khi nào cần mời cha linh hướng, thì Hội sẽ mời cha dự chung.

Phò Sự Sống và lập Hội

Nhắc lại cơ duyên, cô Phan Cẩm Nhung kể, “Đầu năm 1990, trong một lần đi lễ, có một bà người Mỹ gặp tôi, nhờ tôi đến trung tâm phá thai, để giúp bà thông dịch, vì bà thấy có nhiều người gốc Việt đến đó lắm. Tôi cũng nghĩ là đi với bà cho biết thôi, chứ không nghĩ là mình sẽ làm được gì. Bà nói gì thì tôi dịch lại, bà muốn đưa cho họ một hướng đi khác thay vì vào nơi đó để bỏ đứa con đang mang. Lòng của bà cũng thương người Việt, bà muốn giúp đỡ. Khi đến đó rồi, thì hình ảnh người Việt bước vào nơi phá thai, nhất là những cô gái 16, 17 tuổi được mẹ dẫn đến hay bà hay bạn bè dẫn đến, họ mệt mõi sau khi phá thai, khiến tôi rất đau lòng. Nên tôi đã học theo bà người Mỹ ấy và quyết định mình phải có bổn phận giúp ngăn cản những thai phụ đi phá thai nhiều hơn nữa. Cũng nhờ trong buổi tĩnh tâm vài tháng sau, trong đầu tôi lúc đó luôn có câu nói là Đức Tin mà không có việc làm là đức tin chết, tôi mới xác tính rằng Chúa muốn tôi làm việc này, dù khi làm việc này rất mệt mỏi và buồn.”

Cô Nhung tâm sự, “Tôi tự đi vào những ngày thường tôi rảnh, chứ không còn đi theo bà người Mỹ làm thông dịch nữa. Tôi đứng dọc theo đường để bước vào trung tâm phá thai, để chặn những người muốn bước chân vào đó, khuyên răn họ không nên vào. Có một lần tôi gặp một bà cụ đưa cháu gái tới, bà không muốn cho cháu gái phá thai, nhưng con gái bà (là mẹ của cháu gái) buộc cháu bà phải phá để giữ danh dự gia đình, bà phải đi theo, tìm cách cản mà không được. Bà có nói với tôi, nếu biết rõ khi phá thai gặp những hậu quả nặng nề, thì bà sẽ kiên quyết phản đối không cho con gái bà đưa cháu đi phá thai. Vì khi cháu bà phá thai rồi, bà mới gặp tôi. Cuối năm 2003 tôi đã lập ra Hội.


Mỗi năm cứ vào Chủ Nhật đầu tiên trong tháng 10, trên toàn nước Mỹ là ngày Life Sunday bên Công Giáo. Những ai Phò Sự Sống đủ các sắc dân đã cùng nhau đứng ở các góc đường tại các ngã tư, cùng thinh lặng, cầm biểu ngữ xin Chúa tha thứ cho những người đã làm việc phá thai, xin Chúa thương xót cho đất nước chúng con, hãy ngưng việc phá thai, những ai lỡ phá thai thì hãy tĩnh tâm, sám hối vì Chúa là đấng thương xót, giàu lòng từ bi, nếu thật lòng ăn năn hối lỗi thì chúa tha thứ. (Hình cung cấp)

“Tôi là nhân viên làm việc cho chính phủ, không có dính gì đến y khoa hết, nhưng khi làm công việc này, tôi đã dự những buổi huấn luyện và học được rất nhiều, để có kinh nghiệm giúp các thai phụ, khuyên họ ngưng phá thai. Hội rất may mắn là vẫn còn nhiều chị em gắn bó từ thưở đầu đến nay, và có thêm những chị em mới, gia nhập vào Hội. Tất cả chúng tôi đều không có lương, mà còn bỏ thì giờ, sức lực, tiền bạc ra để duy trì việc giúp các thai phụ.


Mỗi năm cứ vào Chủ Nhật đầu tiên trong tháng 10, trên toàn nước Mỹ là ngày Life Sunday bên Công Giáo. Những ai Phò Sự Sống đủ các sắc dân đã cùng nhau đứng ở các góc đường tại các ngã tư, cùng thinh lặng, cầm biểu ngữ xin Chúa tha thứ cho những người đã làm việc phá thai, xin Chúa thương xót cho đất nước chúng con, hãy ngưng việc phá thai, những ai lỡ phá thai thì hãy tĩnh tâm, sám hối vì Chúa là đấng thương xót, giàu lòng từ bi, nếu thật lòng ăn năn hối lỗi thì chúa tha thứ. (Hình cung cấp)

“Sở dĩ Hội vẫn hoạt động suốt bao năm qua được là có nguồn tài trợ chính của Giáo Phận Orange để mướn nơi làm trung tâm của Hội (là nơi mời các thai phụ đến thử thai miễn phí, thành viên của Hội gặp thai phụ). Nhưng vẫn không đủ, vì nhiều khi hằng tháng có những chi phí thêm. Ví dụ tìm nơi trú ngụ cho thai phụ ở vài tháng đầu, hoặc người thai phụ không có phương tiện di chuyển, thì chúng tôi giúp tiền mua vé xe bus, hoặc giúp tiền ăn uống thời gian đầu khi họ chưa xin được trợ cấp chính phủ. Để có tiền giúp thì chúng tôi phải gây quỹ thêm, góp với nhau hoặc đến các buổi sinh hoạt của các cộng đoàn trong nhà thờ, xin bán những phiếu chợ Saigon city, Á Đông, chợ Đà Lạt, chợ Mom, Green Farm.


Mỗi năm cứ vào Chủ Nhật đầu tiên trong tháng 10, trên toàn nước Mỹ là ngày Life Sunday bên Công Giáo. Những ai Phò Sự Sống đủ các sắc dân đã cùng nhau đứng ở các góc đường tại các ngã tư, cùng thinh lặng, cầm biểu ngữ xin Chúa tha thứ cho những người đã làm việc phá thai, xin Chúa thương xót cho đất nước chúng con, hãy ngưng việc phá thai, những ai lỡ phá thai thì hãy tĩnh tâm, sám hối vì Chúa là đấng thương xót, giàu lòng từ bi, nếu thật lòng ăn năn hối lỗi thì chúa tha thứ. (Hình cung cấp)

“Khi quý vị mua các phiếu chợ này từ Hội, các chợ trên sẽ trích lại 7 phần trăm cho Hội. Hoặc có các mạnh thường quân rất rộng lượng nhưng không muốn nêu tên, đã cho Hội tiền hằng năm đều đặn. Chúng tôi dùng số tiền có được để trang trãi thêm, như mở đường hot line để trợ giúp thai phụ. Chúng tôi còn có những đồ dùng cho trẻ, giường cho trẻ, quần áo bầu, tã cho trẻ cũng có… Hoặc những chi phí ngoài dự liệu khác như những buổi huấn luyện của người Mỹ, để chúng tôi cùng học hỏi thêm kiến thức mới về y khoa và cách nói chuyện với các thai phụ. Ngoài ra chúng tôi còn giúp thai phụ xin medical, xin chương trình wic cho thai phụ và em bé, nếu thai phụ chưa tìm được bác sĩ nào chăm sóc trong quá trình mang thai chúng tôi sẽ giới thiệu họ gặp bác sĩ nữ chuyên phụ khoa, khám thai rất tận tâm.”

Bà Cecilia Phan (sinh hoạt tại giáo xứ Saddle Back, Irvine) kể, “Tôi trở thành thành viên của Respect-Life từ năm 2005. Tình cờ trong lần họp mặt của các thành viên Phong Trào Cursillo tại giáo xứ Saddle Back, Phan Cẩm Nhung cũng là thành viên của Phong trào Cursillo nhưng sinh hoạt tại cộng đoàn công giáo khác, đã đến dự trong buổi họp đó, có nói về Hội, thời gian này tôi vẫn đang còn đi làm, sắp nghỉ hưu, nên tôi quyết định phải làm thêm công việc cho Chúa, vì vậy tôi đã tham dự. Tôi được giới thiệu đến dự những khoa huấn luyện gồm những đề tài khác nhau. Ví dụ như đề tài về tâm linh, cách thực tập để nói chuyện với thai phụ như thế nào để có thể thuyết phục họ giữ thai không phá.

“Trong việc nói chuyện đó, mình phải có sự thân tình, để người ta cảm nhận được điều mình thuyết phục họ. Hoặc đề tài về y khoa, sự hình thành một phôi thai, uống thuốc này hay thuốc kia sẽ như thế nào, sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ ra sao, hoặc ảnh hưởng người mẹ như thế nào. Những hậu quả của thuốc phá thai, hậu quả những lần nạo phá thai trên thể lý và tâm lý của thai phụ. Nhờ đi dự những khóa huấn luyện như thế, tôi rất đau lòng khi thấy có quá nhiều trẻ em bị giết oan uổng từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Suốt bao năm qua tôi đã khuyên được rất nhiều trường hợp có ý định phá thai, đã giữ lại thai và sinh con. Tôi cảm thấy rất vui và thấy mình có ơn đặc biệt Chúa cho mình.”

Phan Cẩm Nhung cho biết, “Ngoài kiến thức cần có để giúp các thai phụ, điều mà chúng tôi quan trọng hơn hết là cái tâm và lòng thương của mình dành cho họ, đang cần sự giúp đỡ của mình. Những thiện nguyện viên mới, gia nhập vào Hội, sẽ được những người cũ giúp kinh nghiệm. Chúng tôi rất mong có thêm các thiện nguyện viên mới, nếu nói được tiếng Anh thì tốt, còn không thì không sao, vì Hội chỉ giúp người Mỹ gốc Việt trong cộng đồng người Việt mà thôi, có khi gặp những sản phụ còn trẻ không nói được tiếng Việt thì đã có một số chị biết rành tiếng Anh và tiếng Việt. Còn khi gặp những người nói tiếng Tây Ban Nha, thì chúng tôi có thể giới thiệu họ qua hội khác.


Chị Phan Cẩm Nhung (cánh trái) cùng các thiện nguyện viên, cảm tình viên trong buổi lễ cầu nguyện cho thai nhi. (Hình cung cấp)

“Trong hai mươi mấy năm qua, thì vẫn có những người còn liên lạc với chúng tôi, nhìn thấy những đước trẻ được ra đời nay đã trưởng thành, rồi lập gia đình và có con. Tôi có thể nói, những đứa con mà Hội chúng tôi giúp, những em trai, em gái không có em nào bị tật nguyền hay khiếm khuyết hết. Trời cho những em đó khỏe mạnh, thông minh nữa, học hành thành tài, ngoan hiền, là niềm vui cho gia đình. Cho nên càng nghĩ thì càng thấy đó là phần thưởng cho gia đình các em, và cho chính mình. Vì mình thấy những sinh mạng đó được cứu sống, lớn lên trở thành những người hữu ích cho xã hội. Điều đầu tiên là mang niềm vui đến cho gia đình các em đó.

“Tôi luôn khuyên những cha mẹ có con gái lỡ có thai ngoài ý muốn, thì không nên đưa con đi phá thai, vì những cô gái trẻ này đã phá thai một lần rồi thì sẽ tiếp tục phá nữa nếu lỡ dính bầu lần nữa. Hãy cho các em chịu trách nhiệm việc các em làm. Nhưng cha mẹ hãy luôn ở phía sau giúp các em. Nếu không muốn nuôi con vì có những cô gái trong độ tuổi còn đi học, không thể làm mẹ được, hoặc những single mom có quá nhiều con, thì hãy cho đứa bé cơ hội sống trong gia đình có cha mẹ nuôi, là những người có học thức, khả năng, tài sản. Đứa bé đó sẽ hoàn toàn thuộc gia đình đó, như thế sẽ tốt hơn.

“Trong cộng đồng Việt Nam mình có quan niệm sai lầm là cho con nuôi, nghĩa là mình bỏ con. Tôi muốn nhấn mạnh là không phải cho con nuôi là bỏ con, mà cho con nuôi là món quà quý báu dành cho con mình và cho gia đình cha mẹ nuôi. Hoặc nhiều người Việt Nam quan niệm cho con đi, sẽ bị cha mẹ nuôi bạo hành. Chương trình con nuôi của người Mỹ rất khắt khe, sở xã hội sẽ điều tra rất kỹ cha mẹ đó rồi mới cho, họ theo dõi gia đình xin con nuôi, thường đến thăm để xem đứa bé thế nào, có khỏe mạnh, phát triển bình thường và an toàn không. Trong Hội có 3 trường hợp cho con nuôi thành công, cha mẹ nuôi rất thương đứa bé và đứa bé đó sống hạnh phúc.

“Hoặc có nhiều người quan niệm là thà bỏ thai còn hơn là sanh xong cho con nuôi. Quan niệm đó thật tàn nhẫn. Chẳng lẽ giết một sinh mạng chưa thành hình tốt hơn là cho nó một cuộc sống hay sao? Nên cho nó cuộc sống và sau này nếu sanh ra, bế tắc quá, không nuôi nổi thì cho con nuôi. Có một trường hợp rất buồn, đó là một thai phụ còn trẻ, là single mom, khi định phá thai, được chúng tôi khuyên, nên đồng ý giữ thai. Nhưng đến khi biết tim thai, cô được báo là thai sinh đôi.

“Chúng tôi mừng lắm, nhưng bẵng đi một tuần lễ không thấy cô điện thoại nữa, sau đó liên lạc được thì cô cho biết đã bỏ thai rồi. Cô khóc nói cô sợ nuôi không nỗi, vì một đứa thì được, chứ hai đứa thì không thể. Điều đó làm chúng tôi đau lòng, nhưng tôi vẫn không ghét cô ấy, tôi vẫn thương cô, vẫn theo dõi, khuyên nhủ để cô ấy vượt qua thời gian dưỡng sức khỏe để trở lại bình thường. Hiện nay có rất nhiều cha mẹ đang muốn xin con nuôi, vì họ không có khả năng sanh con. Có cha mẹ gốc Việt, cha mẹ gốc Mỹ… Bao giờ cũng vậy, Hội luôn cho người thai phụ chọn cha mẹ nuôi và làm thủ tục với cơ quan chuyên về nhận con nuôi. Hai bên sẽ điều đình để công bằng và an toàn cho đứa bé.”

“Hoàn cảnh sống bên Mỹ khác bên Việt Nam nhiều lắm. Bên Việt Nam có thể vì nghèo đói, vì áp lực của xã hội, những người chung quanh họ hàng, bà con, nên phải phá thai khi có con ngoài ý muốn. Nhưng bên Mỹ thì vấn đề vật chất đã có chính phủ lo cho thai phụ và cho con chương trình wic, bảo hiểm y tế… Những người mẹ chỉ việc gắng nuôi giữ thai và sinh ra.

“Niềm vui của chúng tôi là cảm ơn những người sản phụ trong quá khứ đã từng đến và nghe lời khuyên chúng tôi, đã giữ con, không phá bỏ. Còn nỗi buồn là khi họ bất chấp tất cả, lòng họ đã chai đá, họ nhất định bỏ và bất chấp hậu quả, dù họ biết mang tội rất lớn.”

“Thời điểm này, không chỉ Hội chúng tôi, mà ở những Hội khác, số người phá thai đến với Hội đã bớt đi, do họ ý thức ngừa thai tốt hơn. Ngoài những công việc của Hội, thỉnh thoảng tôi còn giúp thêm dạy giáo lý tiếng Anh cho các em người Mỹ gốc Việt tại Giáo xứ Thánh Linh, thành phố Fountain Valley vào thứ Bảy. Khi dạy, tôi luôn tìm cách nói với các em về việc giữ chay tịnh thân thể trước khi kết hôn, vì sinh hoạt tình dục không an toàn có thể mang đến bệnh AIDS, bệnh phong tình hoặc không may có thai thì như thế nào. Tôi khuyên các em nếu chẳng may có thai, thì đừng nên tìm đến trung tâm phá thai, sẽ ân hận suốt đời về tâm lý và thân thể các em. Tôi còn mời thêm y tá dự chung để cung cấp thêm cho các em kiến thức. Tôi thấy nhiều phụ huynh gốc Việt không bao giờ nói về giới tính và cách giữ mình cho con mình. Xã hội này có nhiều thử thách lắm, con cái mình phải đối diện. Điều cần nhất là cha mẹ phải tỏ rõ tình thương cho các con, không bao giờ đuổi con đi, phải là nơi để con quay về nếu con có lỡ phạm sai lầm, hơn là để con đi tìm nơi khác để giải quyết hậu quả.”

Để biết thêm chi tiết về Hội, xin vào trang web www.vietrespectlife.com hoặc www.vietrespeclife.org.
Quý vị hảo tâm muốn giúp Hội về tài chánh, hay muốn làm thiện nguyện viên, hoặc những thai phụ cần trợ giúp, xin liên lạc chị Phan Cẩm Nhung, điện thoại (714) 721-2111, Email ncp.life@gmail.com. Diệu Phương Nguyễn (714) 724-5591, Trần Tuyết (714) 589-4807.
Quý vị muốn gửi check giúp Hội Cứu Mạng Thai Nhi Việt Respect-Life, xin gửi về địa chỉ P.O. Box 26392 Santa Ana, CA 92799.
(Còn tiếp)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT