Bình Luận

Ngoi Lên

Wednesday, 26/08/2015 - 07:40:48

Có thể Cooper thất vọng với cuộc sống và với con người ngoài đời, vì cuộc sống tự do phức tạp hơn, giả dối hơn cuộc sống trong khám đường -nơi mà con người, sau tội lỗi và trừng phạt- không còn gì để che dấu nữa.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Điểm giống nhau trong cuộc sống của mọi người là ai cũng nỗ lực ngoi lên, tìm một chỗ đứng thoải mái hơn vị trí mình đang sống; người gốc Việt chúng ta kiên nhẫn làm mọi thủ tục đem thân nhân sang Mỹ, trong lúc thân nhân kiên nhẫn chờ đợi được phỏng vấn, được visa để rời bỏ quê hương, đổi đời, ngoi lên khỏi cuộc sống thiếu tự do, không tương lai, trong nước.
Gần 12 triệu người Mễ đang sống bất hợp pháp trên lãnh thổ Mỹ cũng là một hiện tượng ngoi lên của nhân loại. Chúng ta khuyến khích, dìu dắt con cái trên đường học vấn, cũng do kỳ vọng ngoi lên để "con hơn cha, nhà có phúc."
Nỗ lực ngoi lên chỉ là hiện tượng tự nhiên của con người, nhà triệu phú muốn ngoi lên mức tỉ phú, vị chân tu muốn ngoi lên Niết Bàn; ngoi lên cao hơn là hướng đi đúng, là chuyện vui của mọi người, trừ chuyện cô Paula Cooper.

                                                                 Paula Cooper.

Cô thất bại đau đớn trong nỗ lực ngoi lên, dù cô chỉ muốn ngoi lên để được sống bình thường như mọi người.
Thảm kịch đời cô bắt đầu năm cô 15, đang học trung học tại quận Gary, bang Indiana; thiếu sự giáo dục của một người cha chín chắn, biết yêu thương con, Paula và cô chị chỉ biết sợ bố như sợ roi vọt, trốn tránh bố để trốn đòn bọng.
Mẹ cô cũng sợ chồng như chị em cô sợ bố; một lần bà đã cố gắng ngoi lên, tìm cách đưa 2 đứa con gái -Paula và cô chị- đi trốn người chồng hung dữ, trốn bằng con đường trốn nợ đời: bà và 2 con ngồi trong xe hơi nổ máy, xe xuống kiếng, cửa garage đóng kín.
Cuộc tự tử không thành, 3 mẹ con tiếp tục cuộc sống thiếu ăn, thiếu an toàn, 2 cô gái vị thành niên thiếu giáo dục, lớn lên như 2 sinh vật không khuôn khổ, thiếu mọi tương quan với xã hội.
Một hôm, Paula Cooper và 3 người bạn cùng lớp, uống rượu chát, hút cần sa; say rượu, say thuốc, chúng rủ nhau đi đánh bạc trong sòng bạc địa phương.
Ba đứa trẻ tin tưởng là chúng sẽ thắng chủ sòng bạc, sẽ có tiền mua quần áo đẹp, mua xe hơi mới. Có tiền, mọi việc sẽ diễn tiến dễ dàng; nhưng khó khăn đầu tiên trên con đường giầu có vẫn là "tiền đâu?"; chúng không có đồng bạc nào làm vốn để đánh bạc.
Chúng -bốn học sinh trung học- bàn nhau chuyện đánh cướp để có vài trăm bạc vốn hầu lập nghiệp bằng "nghề" cờ bạc. Cướp nhà nào an toàn nhất? Toàn nhóm đồng ý chọn nhà bà cụ 78 tuổi Ruth Pelke, người dạy Kinh Thánh. Cụ già cả, yếu đuối lại sống một mình, và -đám trẻ hy vọng- cụ có một hũ bạc dấu dưới giường.
Chúng kéo đến nhà cụ, gọi cửa và bảo cụ là chúng đến học Thánh Kinh; cụ Pelke tin tưởng, mở cửa cho tử thần. Vào nhà, một trong 4 đứa học trò vác bình hoa trên kệ đập vào đầu cụ; Cooper tìm được con dao bếp, đâm cụ 33 nhát, trong lúc 3 đứa kia đứng nhìn. Giết bà cụ xong, chúng lục tìm hũ bạc; chúng lục tung nhà cụ, dựng đứng cái giường lên, nhưng chỉ tìm được tờ giấy bạc 10 đồng, và chùm chìa khóa xe.
Chúng kéo nhau ra chiếc xe Plymouth cổ lỗ của bà cụ già, khoan khoái chạy quanh thành phố, giúp cảnh sát khỏi tìm thêm bằng cớ chứng minh là chúng giết cụ Pelke. Vài tháng sau Cooper đoạt chức nữ tử tội trẻ nhất năm 1986. Cô nhận tội và chờ ngày lên ngồi ghế điện. Ba cô nữ sinh đồng lõa lãnh án tù dài hạn.
Câu chuyện buồn thảm làm mọi người -nhất là người Mỹ Đen- xúc động, nhưng không ai ngạc nhiên; họ ý thức được việc họ chiếm địa vị đa số tuyệt đối trong mọi khám đường. Mặc dù chỉ là 12% dân số trên 300 triệu người Mỹ, họ chiếm đến 60% tổng số 2.3 triệu người đang ở tù. Tổ chức NAACP (National Association for the Advancement of Colored People - Hiệp Hội Mưu Cầu Tiến Bộ cho Người Da Mầu) nhìn nhận số tù nhân Mỹ Đen lên đến trên 1 triệu người.
Nói cách khác, nếu bị đem hành quyết, Cooper chỉ trở thành người tử tù trẻ nhất đền tội, trong số những người đồng chủng với cô, phạm tội đông đảo gấp 5 lần những người Mỹ khác. Nhưng nhân vật tạo ra khúc quanh bất thường của câu chuyện lại là ông Bill Pelke, cháu nội cụ Ruth Pelke, bà cụ bị cô Cooper giết.
Bill Pelke vận động phong trào không hành quyết đứa trẻ đã giết bà nội ông, vì chính cụ Ruth Pelke cũng đã suốt đời chống việc hành quyết tử tội. Bill Pelke viết thư nói ông tha thứ cho Cooper, vào khám thăm cô, và phát động một phong trào giảm án cho cô.
Bill Pelke thiết lập và làm chủ tịch của tổ chức Journey of Hope: From Violence to Healing (Lộ Trình Hy Vọng: Điểm Khởi Hành 'Hung Bạo', Điểm Đến Đích 'Hàn Gắn') - một tổ chức chống hành quyết tử tội.
Việc Pelke -đứa cháu nội của bà cụ nạn nhân- tích cực chống hành quyết cô Cooper -một hung thủ vị thành niên- gây xúc động lớn cho cả thế giới. Trên 2 triệu người -đa số là cư dân Âu Châu- cùng ký thỉnh nguyện xin đừng hành quyết Cooper. Người Ý tổ chức nguyên một chiến dịch hưởng ứng, với hàng chục ngàn người xuống đường, mặc T-shirts in hình Cooper đòi Hoa Kỳ không hành quyết cô nữ tử tù. Cuối cùng chính Giáo Hoàng cũng lên tiếng thỉnh nguyện.
Năm 1989, Tối Cao Pháp Viện Indiana quyết định giảm án cho Cooper -từ tử hình, cô chỉ còn bị giam 60 năm.
Tình thương của nhân loại trở thành một khám phá mới cho cô thiếu nữ sát nhân Cooper, tù nhân mang đính bài số 864800, và biến cô thành một người khác -thánh thiện hơn. Cô mượn sách của thư viện, và nhờ chị cô mua sách học -chương trình đại học- cho cô.
Cô tình nguyện làm bếp trong khám đường, tình nguyện dạy học cho tù nhân, bận rộn suốt ngày trong niềm vui trả ơn xã hội -cái ơn tha chết cho cô; và bận học. Năm 2005, cô dự thi và được chấm đậu cử nhân (Bachelor of Art).
Nhiều người vui mừng trước sự thành công của cuộc hành trình Journey of Hope mà Bill Pelke đã dắt Cooper đi. Tháng Sáu 2013 cô được ân xá không phải trả đủ 33 năm tù còn lại trong bản án 60 năm.
Mọi người mừng cho cô, nhưng chính bản án ân xá đã giết cô: 27 năm sống bên ngoài xã hội, Cooper trở thành lạc lõng; 2 chữ 'lạc lõng' đúng cả trong nghĩa bóng, lẫn nghĩa đen -cô thường xuyên lạc đường, và dù không lạc cô cũng lọng cọng không biết phải đi đâu, phải làm gì, vì không như cuộc sống tù nhân, không ai ra lệnh cho cô đi đâu, hay làm gì cả.
Có bằng cử nhân, nhưng cô vui mừng khi xin được việc phụ bếp trong tiệm hamburger Five Guys; vài tháng sau, cô được văn phòng Indiana federal community defender (Tư Pháp Bảo Trợ) mời cộng tác.
Cô tâm sự với nhiều người là cô vẫn tiếp tục cuộc hành trình Journey of Hope mà Bill Pelke đã dắt cô bước vào; tiếp tục bằng cách giúp những bị cáo không đủ tiền mướn luật sư. Mọi chuyện tưởng như đang trở lại bình thường, thì ngày 26 tháng 5/2015 cô đột ngột tự tử.
Cô Rhonda LaBroi -chị ruột của Cooper- nói với truyền thông là trong bức thư tuyệt mạng cô Cooper khuyên những người mới gặp khủng hoảng tinh thần nên đi bác sĩ, đừng để khủng hoảng trầm trọng quá đáng như cô.
Có thể Cooper thất vọng với cuộc sống và với con người ngoài đời, vì cuộc sống tự do phức tạp hơn, giả dối hơn cuộc sống trong khám đường -nơi mà con người, sau tội lỗi và trừng phạt- không còn gì để che dấu nữa.
Và cũng có thể việc cô mới lấy chồng tạo cho cô nhiều thất vọng hơn; vì người chồng bình thường không thể nào là hình ảnh trung thực của cái nhân loại bác ái, cảm thông đã tha tội giết người cho cô.
Rhonda LaBroi mếu máo nói, “40 năm trước, vì khiếp sợ cuộc sống tàn bạo mà mẹ tôi dắt 2 chị em tôi chạy trốn; giờ này nó chạy trốn một mình.”
Năm nay cô Cooper 46 tuổi; cô giết người trong một cơn say, năm mới lên 15. Cô nhận tội, nhận án tử hình, buông tay, tuyệt vọng không còn chút ý chí ngoi lên nữa.
Nhưng rồi cháu của bà cụ Ruth Pelke, tuân hành ý nguyện chống tử hình của bà nội, phát động được phong trào xin giảm án cho cô; việc cả thế giới thương cô -đứa trẻ thiếu giáo dục- đánh thức ý chí ngoi lên của cô. Cô ngoi lên được tới học vị cử nhân, trình độ học mà cô không thể đạt tới được nếu cô không ở tù.
Và nếu không được ân xá, để cứ nấu ăn, cứ dạy học cho bạn tù thì cô đã không tự tử, vì cô vẫn thành công trong nỗ lực ngoi lên, và đạt tới một tâm trạng an bình hơn những người tù khác.
Cuộc sống tự do, nhưng giả dối ngoài đời không giống hình ảnh cô nuôi dưỡng về tình nhân loại của hàng triệu người đã đưa tay kéo cô ngoi lên khỏi vực thẳm tù tội.
Cooper chết vì thất vọng, chết vì bố cô, một trong những người đàn ông Mỹ Đen thích tạo ra trẻ con, nhưng lại không thích gánh vác trách nhiệm làm bố, nuôi dưỡng, giáo dục của con mình.
Nguyễn đạt Thịnh

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT