Bình Luận

Ngày đại hội chính trị

Wednesday, 05/02/2020 - 07:07:43

Cả hai đảng chính trị của Mỹ -Dân Chủ và Cộng Hòa- cùng chọn ngày thứ Ba, mùng 4 tháng Hai, 2020 làm ngày bắt đầu cuộc vận động tranh cử tổng thống.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Cả hai đảng chính trị của Mỹ -Dân Chủ và Cộng Hòa- cùng chọn ngày thứ Ba, mùng 4 tháng Hai, 2020 làm ngày bắt đầu cuộc vận động tranh cử tổng thống.
Tổng Thống Donald Trump phát động cuộc tranh cử bằng bài diễn văn thường niên the State of the Union của ông; bài diễn văn đó -đúng ra là bản báo cáo của vị thủ lãnh đảng cầm quyền trình bày với quốc dân, đồng bào về những việc chính phủ làm trong năm vừa rồi.
Tổng Thống Trump đọc bài diễn văn thường niên the State of the Union của ông cũng vào tối thứ Ba; nhiều người khen bài diễn văn viết rất khéo, nhưng cũng nhiều người chê là ông không giấu được thái độ thù nghịch đối với bà Nancy Pelosi; thái độ đó của ông đi ngược lại nhiều điều ông nói trong bài diễn văn.
Trump ca tụng những thành công kinh tế của ông, so sánh thành quả giữa việc ông đang làm với việc những vị tiền nhiệm của ông đã làm; ông còn trách là trong lúc ông tận tụy lo cho dân giầu, nước mạnh, thì thành viên Dân Chủ tại Hạ Viện đang tâm tìm cách hạ bệ ông.
Ông mô tả nước Mỹ ngày ông lên cầm quyền - ba năm trước- là 'American carnage' (cảnh tàn sát của Mỹ), rồi đem so sánh nước Mỹ ngày đó, với nước Mỹ hôm nay rực rỡ, sáng chói (blazing bright), dưới sự lãnh đạo của ông.

Tổng Thống nói, “Chỉ trong ba năm ngắn ngủi, chúng ta đã phá vỡ cái tâm lý 'Hoa Kỳ xuống dốc' và bác bỏ quan điểm nước Mỹ tự bó hẹp lại. Chúng ta đang tiến bộ với một tốc độ, mà không ai có thể tin là chúng ta có khả năng đạt được."
Một mình một chợ, Trump tha hồ vận động, trong lúc các ứng cử viên Dân Chủ mới bắt đầu màn 'đảng cử' -màn thứ nhất trong hai màn 'đảng cử' và 'dân bầu'; tổng thống khởi đi với cuộc vận động đầu tiên của giai đoạn chót - giai đoạn dân bầu. Một vài người tham dự cuộc trình bày State of the Union lần thứ ba đã hô hoán khẩu hiệu “Four more years,” mà ông đang bắt đầu vận động.
Về phía đảng Dân Chủ, thì hiện tượng lạ là ứng cử viên Pete Buttigieg -người Mỹ gốc Malta (Âu Châu)- ông này chiếm được 26.8% tổng số SDE (state delegate equivalents -tổng số đại biểu của tiểu bang); trong cuộc bầu cử tại Iowa, ông Buttigieg đứng đầu danh sách toàn bộ ứng cử viên Dân Chủ, và đang hứa hẹn sẽ trở thành vị tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ.

Điểm đặc biệt của Buttigieg: ông ta là con của một người di dân mới từ hải đảo Malta đến Mỹ 40 năm nay.
Trước khi ứng cử tổng thống, ông Buttigieg làm thị trưởng thành phố South Bend, tiểu bang Indiana; ứng cử viên theo bén gót ông là Nghị Sĩ Bernie Sanders, với 25.2% tổng số SDE - con số đại biểu đó -ba năm trước đã giúp ứng cử viên Trump thắng ứng cử viên Hillary Clinton, mặc dù tổng số phiếu của bà Hillary nhiều hơn ông Trump đến gần 3 triệu phiếu. (Trump: 62,984,828. Hillary: 65, 853,514).
Chữ equivalent có nghĩa là 'tương đương', những phân số tương đương này -26.8% của tổng số đại biểu tại mỗi tiểu bang sau này sẽ được tính thành những con số thật, số chẵn của mỗi tiểu bang.



Ứng cử viên Pete Buttigieg (Getty Images)



Và hải đảo Malta - quê hương ông

Trở lại với hòn đảo Malta -cố quốc của ứng cử viên Buttigieg- để nói thêm là tổng số cư dân trên hòn đảo bé nhỏ đó chi có 383,000 người, (một tài liệu khác lại cho là dân số Malta có thể lên đến 457,267 người, nếu tính cả những người không còn cư ngụ trên đảo Malta nữa).
Dù đúng như vậy thì nước Malta cũng vẫn rất nhỏ, và tổng số người Malta vẫn không nhiều bằng cư dân trong một thành phố Việt Nam; vậy mà một thanh niên gốc Malta đang được cử tri tiểu bang Indiana bầu làm ứng cử viên Dân Chủ đứng ra tranh ghế tổng thống với đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tôi nghĩ thành tích đó quả là một vinh dự lớn cho người Malta, mà cũng còn là một trường hợp khiến người gốc Việt chúng ta nên thảo luận tìm cho ra nguyên nhân nào kềm giữ thanh niên, phụ nữ Việt Nam, khiến họ chỉ thành công rất giới hạn trong ranh giới tiểu bang.

Bài báo này, viết vào lúc sáng sớm ngày thứ Tư, mùng 5 tháng Hai, trong lúc kết quả kiểm phiếu mới được 71% -chưa thật sự chung cuộc- tuy nhiên số chưa được chính thức kiểm điểm cũng không đủ quan trọng để thay đổi kết quả đã được công bố vào lúc 3 giờ sáng.
Theo kết quả dưới đây, ông Buttigieg dẫn đầu với 26.8%, có 1.6% điểm hơn người thứ nhì - ông Bernie Sanders- 25.2%; ông Biden với 15.4%, đứng sau bà Elizabeth Warren với 18.4%. Số điểm của từng ứng cử viên, sẽ tăng thêm, nhưng không đủ quan trọng để làm thay đổi bảng sắp hạng dưới đây, được ghi nhận vào lúc 12 giờ 01 phút sáng 2/5/2020.

Ông Buttigieg đồng ý với việc Hạ Viện vận động truất phế ông Trump; nhưng vẫn nói, “Chính ông Trump làm cho mọi người thấy là ông ta đáng bị truất phế.”
Tuy nhiên, Buttigieg lại cho là cứ để Trump ứng cử, và để cử tri sa thải ông lại tốt hơn giải pháp truất phế. Buttigieg còn tin là cử tri sẽ sa thải nhiều nghị sĩ, dân biểu đồng lõa với Trump.
Tháng 5 năm ngoái, Buttigieg đã lên tiếng cảnh cáo tổng thống là giải pháp 'thượng tôn người Mỹ trắng' là phương thức kiến hiệu nhất để tạo chia rẽ trầm trọng trong khối 328.2 triệu công dân Mỹ
Đối thủ của ông Trump sẽ là ai? 'Cậu' thanh niên Buttigieg hay ông lão 78 tuổi Bloomberg? Hoặc bà nghị sĩ Elizabeth Warren?

Trump bảo những người 'xem' ông đọc diễn văn qua TV, “Đối với quý vị khán giả đang ngồi nhà vừa ăn tối, vừa theo dõi quốc sự, tôi xin quý vị biết một điều là không bao giờ tôi cho phép bọn 'xã hội chủ nghĩa' phá nát hệ thống y tế của Hoa Kỳ.”
Cái hệ thống y tế đó quý lắm, và thái độ của tổng thống -tận tụy chống ObamaCare- để giúp người nghèo chúng ta đi bác sĩ đã được ông thực hiện từ ba năm nay rồi.
Xin mỗi người một phiếu để chúng ta cùng mời ông Trump ngồi lại với chúng ta, giúp đỡ chúng ta.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT