Thế Giới

Nga vẫn bán khí đốt cho Liên Âu

Friday, 01/04/2022 - 05:50:51

Dòng chảy khí đốt vẫn ổn định qua 2 trong 3 đường ống chính đưa khí đốt của Nga vào Âu Châu.


Những bảng quảng cáo hãng khí đốt Gazprom của Nga tại cổng vào sân vận động Veltins Arena trong hình chụp ngày 28 tháng 2, 2022 tại Gelsenkirchen, Đức. (Frederic Scheidemann/ Getty Images)

 

MOSCOW – Cho đến nay khí đốt từ Nga vẫn tiếp tục được dẫn đến Âu Châu, bất chấp việc Moscow khuyến cáo sẽ cắt nguồn cung nếu không được trả tiền bằng đồng ruble. Thứ Sáu là thời hạn cuối cùng cho khách hàng từ các quốc gia mà Nga coi là "không thân thiện" phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble.

Nếu không, họ sẽ bị cắt nguồn cung, theo sắc lệnh đã được ký bởi Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, theo ghi nhận của truyền thôn, hiện chưa có dấu hiệu nào về sự gián đoạn nguồn cung khí đốt ngay lập tức.

Dòng chảy khí đốt vẫn ổn định qua 2 trong 3 đường ống chính đưa khí đốt của Nga vào Âu Châu. Đó là Nord 1 đi qua Biển Baltic, vào Slovakia qua Ukraine; và Yamal-Europe qua Belarus.

Dòng khí đốt có thay đổi điểm đến. Theo đó, khí đốt đến Đức chuyển sang Ba Lan. Tuy nhiên, việc này chỉ thỉnh thoảng xảy ra và không nhất thiết là do chính sách mới. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết họ đang tiếp tục cung cấp cho Âu Châu thông qua Ukraine, theo yêu cầu của khách hàng, với 108.4 triệu mét khối hôm thứ Sáu, giảm nhẹ so với 109.5 mét khối hôm thứ Năm.

Một nguồn tin cho biết một số hợp đồng bán khí đốt với Âu Châu là dạng giao hàng trước, trả tiền sau. Vì chưa đến hạn thanh toán, có thể van khí đốt chưa bị khóa ngay lập tức.

Sau khi sắc lệnh về việc thanh toán bằng ruble được tổng thống Nga ký hôm 31 tháng 3, Đức - nước tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất Âu Châu - cáo buộc hành động của ông Putin là "tống tiền chính trị.” Trong khi đó, Hoa Kỳ khẳng định biện pháp này cho thấy sự "tuyệt vọng" về tài chính của Điện Kremlin.

Thủ Tướng Đức Olaf Scholz và Thủ Tướng Ý Mario Draghi thì tin rằng sắc lệnh không áp dụng cho họ. Chính quyền Đức cho hay, trong cuộc điện đàm hôm 30 tháng 3, Tổng Thống Putin đã thông báo với Thủ Tướng Scholz về việc khí đốt phải được trả tiền bằng đồng ruble từ 1 tháng 4.

Tuy nhiên, đồng thời, ông Putin cũng khẳng định trong cuộc trò chuyện rằng sẽ không có gì thay đổi với hợp đồng đã có từ đối tác Âu Châu. Các khoản thanh toán sẽ tiếp tục được thực hiện bằng đồng euro như thường lệ cho Gazprombank của Nga - ngân hàng không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Sau đó, ngân hàng này sẽ chuyển số tiền đó thành ruble.

Doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga đóng góp khoảng 43% ngân sách liên bang của Điện Kremlin từ năm 2011 đến năm 2020. Việc này cho thấy nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò trung tâm đối với chính phủ Nga.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT