Văn Nghệ

Nét độc đáo của đàn Bầu (kỳ cuối)

Friday, 26/10/2018 - 08:20:03

Trên trang web www.diendangiaodan.us, giới thiệu, “Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự xuất hiện của cây Đàn Bầu trong kho tàng văn hoá dân gian.

Độc huyền cầm (Tushuenkin) Trung Quốc

Bài BĂNG HUYỀN (sưu tầm và tổng hợp)

Đàn Bầu là cây đàn sinh ra trong chốn nhân gian, trong quá trình lao động của người Việt Nam xưa. Là một nhạc cụ đơn giản dùng để đệm cho hát, cây đàn đã theo những người hát rong đi khắp các làng quê, và cả chốn thị thành. Hầu như, không một nhóm hát Xẩm nào lại không sử dụng đàn Bầu.Với cấu tạo và cách diễn tấu đặc biệt khiến cho âm thanh đàn Bầu gần với âm điệu, tiếng nói của con người nên dễ dàng chuyển tải được những tâm tư, tình cảm mà con người muốn nói. Là cây đàn sinh ra trong cuộc sống lao động khốn khó của tầng lớp thấp trong xã hội, nên đàn Bầu cũng thường tấu lên nỗi lòng ai oán, giai điệu thường chậm rãi da diết nhưng không quá bi ai, vật vã. Dù đến nay chưa có đủ tài liệu xác định chính xác đàn Bầu có từ bao giờ, nhưng nhiều nhà nghiên cứu trong nước khẳng định đàn Bầu là nhạc cụ bản địa của người Việt đã có từ lâu đời, ít nhất cũng phải có trước thế kỷ 19.


Tonkin - Musiciens aveugles - Hai người nhạc sĩ mù chơi đàn Bầu. (Wikipedia)

Trên trang web www.diendangiaodan.us, giới thiệu, “Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự xuất hiện của cây Đàn Bầu trong kho tàng văn hoá dân gian. Chỉ từ trò chơi trống đất của trẻ em đồng bằng Bắc Việt là đào hố và căng dây qua lỗ đất, khi đập nghe tiếng bung bung mà các cụ ngày xưa đã cho ra đời nhạc cụ mang tên Đàn Bầu, được làm từ ống tre và quả bầu khô. Từ thời Nhà Lý, Đàn Bầu đã xuất hiện, nhưng thời ấy nhạc cụ này chỉ được dùng để đệm cho những người hát xẩm. Thời gian qua đi cây đàn dần được cải tiến, đàn được làm từ những chất liệu tốt hơn như gỗ, sừng. Ông Đỗ Văn Thước, một nghệ nhân làm Đàn Bầu nói: "Cuộc sống và mọi sinh hoạt của nông dân Việt Nam đều bắt nguồn từ cây tre: ống nước, ống cơm, rổ rá, đòn gánh. Bởi vậy, để bảo vệ bụi tre họ lấy dây thừng buộc quanh gốc tre, thấy âm thanh phát ra từ đó như những cuộc giao lưu tình cảm khiến người nông dân xưa nghĩ đến việc hạ tre thành cọc căng dây tơ cho âm thanh hay hơn, rồi sử dụng vỏ quả bầu dài làm hộp cộng hưởng.” Song có lẽ tất cả cũng chỉ là những giả thuyết. Còn thực tế thì Cây Đàn Bầu đã gắn bó với làng quê con người Việt Nam từ bao đời nay còn chưa ai biết. Cái độc đáo ở đây là cây đàn cấu trúc rất đơn giản. Chỉ với một dây nhưng nó diễn tả được mọi cung bậc của âm thanh và tình cảm. Âm thanh cũng mang sức quyến rũ lạ kỳ, gần với âm điệu tiếng nói của người Việt, bởi vậy mà Đàn Bầu trở thành nhạc cụ được mọi người ưa thích.”

Trên trang web nhaccudantoc.com.vn, ghi, “Lịch sử ra đời và rong ruổi của cây Đàn Bầu truân chuyên theo năm tháng, mặc dù từ thời Lý đã phổ biến trong tầng lớp chúng dân nhưng đến năm 1892 Đàn Bầu mới được những người hát xẩm phía Bắc đưa vào xứ Huế để ca khúc đệm đàn cho một số bộ phận vương quan tiến bộ yêu thích thanh âm trong trẻo, nỉ non đó. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Vua Thành Thái – một trong ba vị vua yêu nước thời Pháp thuộc, ông yêu tiếng đàn Bầu như hơi thở quê hương xứ An Nam, lúc đó Đàn Bầu mới được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt tranh-tỳ-nhị-nguyệt và bầu. Và nấc thang mới sáng sủa của Đàn Bầu đã có đề tựa, nhạc cụ này được có mặt trong dàn nhạc dùng để hòa tấu, nhưng chỉ một số nhạc sĩ tài tử đam mê sử dụng chứ không phải đại đa phần giới cầm ca.”

Truyền thuyết về đàn Bầu

Nhiều truyền thuyết về cây đàn Bầu cũng đều xuất phát từ Việt Nam mà không tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Sự ra đời của đàn Bầu thường gắn liền với nhiều giai thoại, giả thuyết khác nhau. Trang web www.hoinhacsi.vn/dan-bau-linh-hon-dan-toc-viet, ghi rằng, “Theo lời kể của cố GS. TS. Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu tiền bối Nguyễn Xuân Khoát trong một bài tham luận về đàn bầu tại Bulgary đã kể lại câu chuyện truyền thuyết gắn liền với sự ra đời của cây Đàn Bầu, được tóm lược như sau: “Cây Đàn Bầu trong câu chuyện dân gian là món quà của một bà Tiên ban cho nàng dâu hiếu thảo. Vì chiến tranh mà người con trai tên là Trương Viên phải ra trận, do loạn lạc họ đã cách xa nhau. Để tận hiếu với mẹ già và trọn tình nghĩa phu thê mà nàng dâu đã chịu móc mắt mình để tế hung thần trên đường đưa mẹ về quê lánh nạn. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo sắt son, Tiên trên trời bèn hiện ra và tặng nàng cây đàn một dây. Cây đàn ấy đã cứu sống hai mẹ con nàng qua những tháng ngày cực khổ và cuối cùng giúp gia đình họ được đoàn tụ.”


Đàn Mạc Ý A

“Bên cạnh đó, trong thư tịch và hiện vật khảo cổ học cũng như lịch sử chữ viết, có một số sách sử quan trọng đã đề cập đến Đàn Bầu. Theo An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa, Đại Nam thực lục tiền biên thì “cây Đàn Bầu ra đời xuất phát điểm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ sau đó được người Kinh Việt Nam mang sang Quảng Tây Trung Quốc. Đàn Bầu được lấy cảm hứng từ trò chơi dân gian “trống đất” của trẻ nhỏ là đào hố và căng dây qua lỗ đất, khi đập nghe tiếng bung bung mà các cụ ngày xưa đã có sự quan sát tinh tế và cảm thụ thanh âm nhanh nhạy nên những tiếng kêu “bung bung” từ dây căng kéo trên lỗ đất ấy đã kết tạo ý tưởng hình thành cây đàn làm từ ống tre và quả bầu khô với một dây duy nhất.”

Trang web https://tranquanghai1944.com đưa ra một giai thoại khác, “Đó là cuộc đời hát Xẩm của thái tử Trần Quốc Đĩnh. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên kể lại trong bài viết của nhà nghiên cứu Hoàng Kiều thì Đàn Bầu chính là báu vật mà Bụt ban cho thái tử Trần Quốc Đĩnh làm kế sinh nhai, làm nhạc cụ định an tinh thần trong hoàn cảnh bơ vơ, gia biến. Dường như cha ông ta đã dành nhiều ưu ái cho thi sử của cây Đàn Bầu. Có hình ảnh bà Tiên hiền hậu, có hình ảnh ông Bụt nhân từ, có những con người sống cơ cực nhưng được viên mãn hậu vận, đã làm cho cây Đàn Bầu mang thanh âm da diết, mủi lòng, nhưng cũng đầy niềm tin và khát khao hạnh phúc. Qua đó để thấy rằng một nhạc khí giản đơn như Đàn Bầu được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian là thể hiện sự yêu thích, sự trân trọng lớn, biểu đạt tâm ý nỗi niềm và “bản sắc” âm nhạc dân tộc Việt. Số phận cây đàn Bầu Việt Nam cũng bấp bênh như chính cuộc đời cơ cực của người nông dân xưa. Hình ảnh người nghệ nhân mù lòa, cùng chiếc Đàn Bầu hành khất khắp nơi, mang tiếng đàn của mình nuôi sống bản thân. Lời ca tiếng nhạc thánh thót nhưng ai oán, ẩn chứa sâu thẳm là mong ước đơn sơ nhưng khó nhọc về cuộc sống đủ ăn đủ mặc và thanh tịnh.”

Trung Quốc muốn chiếm đoạt chủ quyền đàn Bầu Việt Nam

Nhưng thời gian gần đây, những nhà nghiên cứu âm nhạc, những người chơi đàn Bầu trong nước đang lo lắng Việt Nam có thể sẽ mất chủ quyền đối với cây đàn Bầu- cây đàn vốn được coi là nhạc cụ thuần Việt hiếm hoi của Việt Nam. Vì tại Trung Quốc, nhất là ở vùng Quảng Tây, người ta đã đưa đàn Bầu vào dạy trong một số trường phổ thông; còn tại Trường Đại học Dân tộc tỉnh này có phân khoa đàn Bầu. Theo đó, một số học giả Trung Quốc cố gắng tìm chứng cứ để cho rằng cây đàn Bầu có nguồn gốc từ Trung Quốc, là cây đàn của Trung Quốc.

Trước thông tin ấy, một số nhà nghiên cứu âm nhạc, người chơi đàn bầu Việt Nam đã lên tiếng khẳng định cây đàn Bầu là của Việt Nam và cho rằng cần phải có biện pháp để thế giới công nhận điều đó. Đây cũng là điều mà các tham dự viên của hội thảo khoa học Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam do Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức ngày 21-10 năm 2016 tại Hà Nội, bày tỏ mong muốn Việt Nam nhanh chóng được xác lập chủ quyền với cây đàn Bầu.

https://tranvankhe-tranquanghai.com, có đăng bài viết “Tản Mạn Chuyện Đàn Bầu” của tiến sĩ Đặng Hoành Loan, nguyên Viện Phó Viện Âm nhạc Việt Nam. Bài viết ghi, “Trung Quốc là nước có nền văn hóa âm nhạc từ rất sớm đương nhiên họ phải có đàn một dây. Chứng cứ, Maurice Courant viết trong Lịch sử âm nhạc Trung Quốc và Triều Tiên xuất bản tại Paris năm 1913 thì “Dưới triều Tống (968-1293) và nhà Nguyên (1314-1369), trong dàn nhạc cung đình, người ta còn thấy loại đàn Độc huyền cầm.”

“Độc huyền cầm là cách gọi của Trung Quốc để chỉ cây đàn một dây của họ. Những người có tí chữ nghĩa Hán Nôm ở Việt Nam gọi gán cho đàn Bầu Việt Nam cái tên “Độc huyền cầm” của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu có gọi là “Độc huyền cầm” thì cũng phải hiểu đây là “Độc huyền cầm” chơi theo cách đánh vào các điểm có bồi âm được sáng tạo vào những năm 1770 triều Nguyễn thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777), chứ không phải đánh dây bấm như cây đàn “Độc huyền cầm” của Trung Quốc viết trong sách của Maurice Courant .

“Cách đánh vào các điểm có bồi âm trên một dây đàn, cách sáng tạo ra vòi đàn mềm để dễ kéo căng dây nhằm mục đích tạo ra các cao độ khác nhau trên một âm, dễ luyến láy các âm ; cách làm ngắn que gảy đàn là sáng tạo lớn của người Việt Nam trên cây đàn bầu. Làm cho đàn Bầu từ chức năng đệm hát sang chức năng nhạc cụ hòa tấu, độc tấu.

Trong bài viết, tiến sĩ Đặng Hoành Loan nhận xét, “Đến nay dường như có ai đó đang có ý định đánh tráo nơi xuất xứ và nguồn gốc đàn bầu. GS. Trần Quang Hải ở Paris gửi cho chúng tôi bài viết “Đàn bầu của Việt Nam hay của Trung Quốc” qua trang mạng. Bài viết có câu “Đối với việc muốn lấy đàn Bầu là nhạc cụ của Trung quốc với lý do là Trung Quốc có một bộ lạc người Kinh sống ở xứ họ.” Theo chúng tôi, rất có thể bộ lạc người Kinh sống ở Trung Quốc còn bảo lưu được cây đàn một dây của họ và cũng rất có thể cây đàn một dây của bộ lạc này mới được Trung Quốc “phát hiện” gần đây theo một dụng ý nhất định. Còn trước đấy các bộ sử nhạc Trung Quốc không thấy viết về đàn Bầu. Còn đàn một dây mà Maurice Courant viết trong Lịch sử âm nhạc Trung Quốc và Triều Tiên xuất bản tại Paris năm 1913 là cây đàn “Độc huyền cầm” (Tushuenkin) .
“Độc huyền cầm” được mô tả như sau “Phía dưới bầu đàn bằng phẳng như mặt đất, mặt đàn cong cong như vòm trời, đầu đàn rộng và vuông góc, đuôi đàn thon thon và tròn như hình trứng ngỗng, hai bên thân đàn có hai chỗ lõm vào là bụng đàn và cổ đàn, ngựa đàn gọi là “núi tiên”, hai chỗ ở dưới thân đàn được coi như ao rồng và tổ phượng hoàng” Đây là cây đàn một dây, có phím bấm gắn trên mặt đàn.

“Theo mô tả, thì cây đàn Tushuenkin có hình dáng khác với cây đàn bầu Xẩm và đàn Bầu cách tân của Việt Nam. Cách đánh đàn chắc chắn cũng khác chứ không thể là cách đánh bồi âm như đàn Bầu Việt Nam được vì nó có phím bấm, không có vòi đàn để tạo cao độ khác nhau trên một dây đàn. Vậy, không biết vô tình hay hữu ý mà đàn Bầu cách tân của Việt Nam lại có trong cuốn “Từ điển Âm nhạc Trung Quốc” và lại được coi là đàn một dây của một bộ lạc người Kinh sống ở xứ Trung Hoa với tên gọi là Đàn mạc ý ai và được mô tả gần gũi với đàn bầu xẩm và đàn bầu cách tân của Việt Nam. Xin dẫn ra đây đoạn mổ tả về đàn một dây Đàn mạc ý ai do nhà nghiên cứu Hán Nôm Đinh Văn Minh dịch trong cuốn Từ điển Âm nhạc Trung Quốc: “Độc huyền cầm (đàn một dây) là nhạc khí gẩy của dân tộc Kinh. Tiếng Kinh gọi đàn này là “Đàn mạc ý ai.” Thân đàn bằng ống tre chẻ dọc làm đôi, lấy một nửa, dài khoảng 1 mét. Cũng có cây đàn làm bằng hộp gỗ dài hình khối chữ nhật. Đầu đàn phía tay trái, gắn cần đàn chất liệu tre hoặc sừng. Giữa cần đàn, buộc sơi dây thiếc nối với đầu bên phải thân đàn. Ở giữa cần đàn, tại nơi tiếp xúc với dây đàn, gắn hộp khuếch âm (cộng hưởng) bằng gỗ hình chiếc mũ cói. Khi diễn tấu cầm mẩu tre, gẩy vào những điểm phiếm âm tương ứng trên dây đàn, tay trái tiếp xúc cần đàn, lắc sang phải hoặc trái, làm thay đổi độ căng chùng của dây đàn, tạo ra nhiều âm sắc khắc nhau và có thể làm đẹp thêm cho các làn điệu. Âm sắc loại đàn này du dương, trong trẻo, dịu dàng, giàu chất ca xướng.

“Âm vực của đàn là : d1 – c3. Sau khi kéo đẩy dây đàn, âm vực có thể đạt tới c1-g3. Những năm gần đây, cây đàn này được cải tiến, người ta gắn thêm một miếng ván gỗ hình thang lên mặt đàn, có thể diễn tấu thực âm, vừa đàn được cả phiếm âm. Thêm nữa người ta còn dùng kĩ thuật khuếch đại âm thanh, càng làm phong phú thêm kĩ xảo diễn tấu và khả năng biểu hiện của loại nhạc khí này”

“Xem cây đàn Đàn mạc ý ai trên đây, được in trong từ điển Âm nhạc Trung Quốc, do Nxb Âm nhạc Nhân Dân, ấn hành năm 1985 ở Bắc Kinh, chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì đàn Bầu Việt Nam đã được biến thành Đàn mạc ý ai của Trung Quốc ít nhất từ năm ra đời của cuốn từ điển này. Ngẫm ra, khi Trung Quốc đã tự cho mình có Đàn mạc ý ai thì cớ gì vào những năm 60 thế kỉ XX các nghệ sỹ của họ lại phải theo học đàn Bầu Việt Nam của nghệ sĩ đàn Bầu Đức Nhuận và nghệ sĩ đàn Bầu Đoàn Anh Tuấn (?!)”

Tiến sĩ Đặng Hoành Loan kết luận, “Trong lịch sử, việc dân tộc này, quốc gia này tiếp thu nhạc cụ của quốc gia khác là chuyện thường xảy ra. Giống như, các triều đại phong kiến Việt Nam tiếp thu các nhạc cụ Nhã nhạc của các triều đại Phong kiến Trung Hoa là chuyện đã xảy ra. Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam lại tiếp thu mẫu mã cây đàn nhị cải tiến của Trung Quốc, tiếp thu cách bấm dây trên đầu ngón tay khi chơi đàn nhị của Trung Quốc là chuyện bình thường của giao lưu và tiếp thu văn hóa. Chỉ có điều cần chân thật và minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng chủ quyền văn hóa của các quốc gia, không “mập mờ đánh lận con đen.”

Gíao sư Trần Quang Hải, CREM (Research Center of Ethnomusicology), là một chuyên gia về âm nhạc châu Á, sống tại Pháp Quốc, tác giả của bài viết “Đàn bầu của Việt Nam hay của Trung Quốc” đăng trên trang web https://tranvankhe-tranquanghai.com/, giới thiệu những nhạc cụ một dây ở các quốc gia khác, “Trung Quốc có Độc Huyền Cầm, Nhật Bản có Ichigenkin (nhứt huyền cầm). Ấn độ có Gopi Yantra, Cao Miên có Sadiou. Tất cả những cây đàn một dây đó không có cây nào sử dụng bồi âm như Đàn Bầu của Việt Nam.
Theo Giáo sư Trần Quang Hải, “Nhìn chung, cây đàn Bầu là nhạc cụ “đặc hữu” của Việt Nam từ rất xa xưa. Trong Đại Nam thực lục tiền biên (bộ sử của nhà Nguyễn) ghi cây đàn Bầu đã được sáng tạo từ năm 1770, trải qua gần 250 năm , đặc biệt là từ năm 1956 (ngày thành lập Học Viện âm nhạc quốc gia Hà Nội), đàn Bầu được phát triển nhanh chóng với những khóa dạy đàn Bầu ở học viện, những nghệ nhân trình diễn trong và ngoài nước, cải tiến đàn bầu từ hình dáng tới kỹ thuật, sáng tác bài bản mới, tạo một chỗ đứng cao cấp cho nhạc cụ này (được coi là “hoàng tử” nhạc cụ Việt Nam). Cây đàn Bầu cũng từng được các nghệ sĩ mù ở Hà Nội dùng phụ đệm hát xẩm ở các chợ trời từ cuối thế kỷ thứ 19. Do đó đàn này còn được gọi là “đàn Xẩm.” Đàn Bầu được đưa vào dàn nhạc cung đình Huế từ cuối thế kỷ 19 và xuất hiện trong dàn nhạc tài tử Nam bộ từ năm 1930.”

Giáo sư Trần Quang Hải nêu ra những dẫn chứng, “Việc Trung Quốc muốn chiếm đoạt nhạc cụ đàn Bầu là của họ là việc họ thường làm với những truyền thống khác như “hát đồng song thanh Mông cổ khoomi” mà họ đã trình UNESCO cho là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2009, làm cho xứ Mông cổ phản đối kịch liệt vì theo truyền thống Mông cổ , kỹ thuật này chỉ phát nguồn từ vùng Tây Bắc của xứ Mông cổ (Folk Republic of Mongolia) chứ không thể có ở Nội Mông như Trung Quốc tuyên bố. Năm 2010 xứ Mông Cổ trình hồ sơ hát đồng song thanh khoomii cho UNESCO và được nhìn nhận là của xứ Mông cổ. Một chuyện khác là bản ARIRANG của Hàn Quốc đã bị Trung quốc dự định trình UNESCO để được tuyên dương là di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc vì họ có người Triều Tiên là sắc tộc sống ở Trung Quốc . Nhưng ban nghiên cứu xứ Hàn Quốc đã phản ứng kịp thời và tổ chức hội thảo tại Seoul và tôi được mời tham dự hồ sơ này vào năm 2012. Và bản ARIRANG được UNESCO nhìn nhận là của Hàn Quốc vào năm 2014. Đối với việc muốn lấy đàn Bầu là nhạc cụ của Trung quốc với lý do là Trung Quốc có một bộ lạc người Kinh sống ở xứ họ. Nhưng việc chuẩn bị để tước lấy đàn Bầu đã được nghĩ đến từ lâu. Họ mới gởi nhạc công sang Viêt Nam học đàn Bầu, mời một số nhà nghiên cứu sưu tầm tài liệu để viết về đàn Bầu và đưa lên wikipedia để tuyên bố là đàn Bầu là nhạc cụ Trung Quốc chứ không phải Việt Nam. Nếu các ban nghiên cứu của Việt Nam không phản ứng (viện âm nhạc, và những nhà nghiên cứu Việt Nam) thì không sớm thì muộn nhạc cụ đàn Bầu sẽ thuộc quyền “sở hữu” của Trung Quốc đứng về mặt pháp lý.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT