Thế Giới

Nam Hàn bắt tàu hàng bị nghi chuyển lậu dầu cho Bắc Hàn

Wednesday, 03/04/2019 - 07:33:33

Một viên chức thuộc lực lượng cảnh sát biển Nam Hàn hôm thứ Tư tiết lộ tàu P-P IONEER trọng tải 5,160 tấn đã bị cấm rời khỏi cảng nội địa Busan,

Nam Hàn bắt tàu hàng bị nghi chuyển lậu dầu cho Bắc Hàn

SEOUL - Một viên chức thuộc lực lượng cảnh sát biển Nam Hàn hôm thứ Tư tiết lộ tàu P-P IONEER trọng tải 5,160 tấn đã bị cấm rời khỏi cảng nội địa Busan, Nam Hàn, từ tháng 10, 2018 sau khi bị nghi ngờ vận chuyển lậu dầu cho Bắc Hàn. Seoul cáo buộc tàu P-P IONEER được dùng để vận chuyển và bơm dầu cho tàu Bắc Hàn trên hải phận quốc tế thuộc biển Hoa Đông hồi tháng 9, 2017.

Viên chức này cho biết tàu đã chuyển lậu dầu diesel, nhưng không xác nhận nó chở bao nhiêu dầu. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nghiêm cấm hoạt động vận chuyển trái phép dầu thô và dầu tinh lọc cho Bắc Hàn dưới mọi hình thức, nhằm trừng phạt chương trình hỏa tiễn và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Một viên chức ẩn danh của Bộ Ngoại Giao Nam Hàn cho hay đây là lần đầu tiên một tàu Nam Hàn bị bắt với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bắc Hàn. Seoul cũng đang giữ 3 tàu nước ngoài vì cung cấp dầu trái phép cho Bắc Hàn, hoặc mua than đá có nguồn gốc từ Bắc Hàn. Vào tháng trước, Hội Đồng Bảo An cho biết Bắc Hàn vẫn tiếp tục tìm cách lách lệnh trừng phạt bằng cách tăng cường hoạt động trung chuyển dầu, than đá quy mô lớn từ tàu này sang tàu khác trên biển.


Cựu thủ tướng Malaysia ra tòa vì tội tham nhũng
KUALA LUMPUR - Cựu Thủ Tướng Malaysia Najib Razak, 65 tuổi, hôm thứ Tư đã tới Tòa thượng thẩm ở Kuala Lumpur để đối mặt với phiên tòa xét xử ông vì tội tham nhũng quỹ đầu tư chính phủ 1MDB, trong vụ bê bối tài chính trị giá nhiều tỷ Mỹ kim. Ông Najib bị truy tố với các tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ để nhận hối lộ và rửa tiền liên quan đến 42 triệu Ringgit (hơn $10 triệu Mỹ kim) từ SRC International, chi nhánh cũ của 1MDB.

Ông Najib tỏ ra khá thoải mái khi xuất hiện tại tòa, dừng lại chào hỏi nhóm người ủng hộ, trước khi bước vào tòa án cùng luật sư Muhammad Shafee Abdullah. Sau khi ngồi vào khu vực bị cáo, Najib tuyên bố ông vô tội đối với 7 cáo buộc về tội tham nhũng và rửa tiền. Vợ của ông Najib, bà Rosmah Mansor, người cũng đang bị truy tố vì tội rửa tiền và trốn thuế, không đến cùng ông, trong khi con trai ông là Norashman Najib tới tòa trước cha mình. Hàng chục người ủng hộ ông Najib đã tập trung bên ngoài tòa án khi phiên xử diễn ra, tuyên bố ông là "lãnh đạo chân chính" và là "thủ tướng thật sự của Malaysia.”

Phiên tòa ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 2, nhưng bị hoãn vài lần do đơn kháng nghị của nhóm luật sư bào chữa cho cựu thủ tướng. Luật Sư Shafee Abdullah thậm chí đã tìm cách hoãn phiên xử lần này với lý do thân chủ của ông "bị chó cắn" nhưng không được tòa chấp nhận. Ông Najib cũng bị cáo buộc 25 tội danh về rửa tiền và lạm quyền, liên quan đến $2.6 tỷ Mỹ kim được cho là bị chuyển từ quỹ 1MDB vào trương mục cá nhân của ông.

Viên chức tình báo Israel bỏ quên tài liệu mật ở nhà hàng
JERUSALEM - Một viên chức an ninh của Israel đã để quên tài liệu mật về nhiều hợp đồng vũ khí tại nhà hàng, ngay trước khi phái đoàn của ông lên đường sang Ấn Độ vào tháng 1. Theo truyền thông, vị viên chức "đãng trí" là một phụ tá của Cố vấn An ninh quốc gia Israel Meir Ben Shabbat. Phái đoàn của ông đến Ấn Độ vào tháng 1 vừa qua để gặp Thủ Tướng Narendra Modi. Trước khi lên máy bay đến thủ đô New Delhi, phái đoàn của ông Shabbat ghé ăn tối tại một nhà hàng. Người phụ tá đã để quên tài liệu tại đây. Những văn bản bị thất lạc liên quan đến một số thỏa thuận mua vũ khí giữa Ấn Độ và Israel.

Số tài liệu mật này được phát hiện bởi người phục vụ bàn. May mắn cho phái đoàn của ông Shabbat là nhân viên nhà hàng vô tình có quen một người bạn có mẹ làm việc tại tòa đại sứ quán Israel ở Ấn Độ. Bộ hồ sơ sau đó được chuyển đến New Delhi và đưa đến tòa đại sứ Israel, giao cho các nhân viên an ninh tại đây. Cơ quan an ninh Israel đã điều tra sự việc. Những tài liệu bị thất lạc trong thời gian ngắn đã không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Viên phụ tá đãng trí của ông Shabbat cũng bị cảnh cáo.
Israel từng gặp sự việc hy hữu làm lộ dữ liệu mật vào năm ngoái. Một chiếc xe của viên chức quân sự Israel bị đánh cắp vào tháng 7, 2018 tại châu Âu. Lực lượng an ninh Israel sau đó tìm lại được chiếc xe nhưng phát hiện một số vật dụng trong xe đã thất lạc, bao gồm cả 1 laptop chứa nhiều dữ liệu nhạy cảm.

Lãnh đạo chính trị Thái Lan bị truy tố tội xúi giục nổi loạn
BANGKOK - Một đảng ủng hộ dân chủ tại Thái Lan, vốn vừa tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử đầy tranh cãi của nước này, vào ngày thứ Tư đã đối mặt với một khủng hoảng mới, khi 2 lãnh đạo của đảng này cho biết họ đang đối mặt với các cáo trạng hình sự và có thể sẽ bị phá hủy sự nghiệp chính trị. Các cáo trạng chống lại ông Thanathorn Juangroongruangkit, lãng đạo đảng Future Forward, và phó lãnh đạo là ông Piyabutr Saengkanokkul, đã dẫn đến các tin đồn cho rằng Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha, lãnh đạo chính quyền quân sự hiện nay tại Thái Lan, sẽ dùng mọi cách để phá hủy Mặt Trận Dân Chủ - một liên minh gồm nhiều đảng nhỏ vừa tuyên bố đã đánh bại chính đảng thân quân đội trong cuộc bầu cử ngày 24 tháng 3.

Các cuộc thăm dò hiện nay cho thấy, đảng Future Forward, được ủng hộ bởi giới trẻ, hiện đang xếp thứ 3 trong cuộc bầu cử. Kết quả bỏ phiếu chính thức vẫn chưa được công bố, nhưng theo các số liệu ban đầu, đảng Pheu Thai ủng hộ dân chủ hiện xếp thứ nhất, và kế tiếp là đảng Palang Pracharat của Thủ Tướng Prayuth.

Trên các mạng xã hội Twitter và Facebook, ông Thanathorn đã đăng hình chụp thư triệu tập của cảnh sát, yêu cầu ông đến trình diện vào ngày thứ Bảy để đối mặt với cáo trạng về tội xúi giục nổi loạn. Cảnh sát nói cáo trạng này liên quan đến việc ông Thanathorn từng tham dự cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự vào năm 2015, 3 năm trước khi đảng của ông được thành lập. Ông Thanathorn gọi sự việc là có động cơ chính trị, vì e ngại trước chiến thắng bất ngờ của đảng Future Forward. Phó lãnh đạo Piyabutr của đảng Future Forward cũng bị thẩm vấn vào ngày thứ Tư, vì tội truyền bá thông tin về vụ giải tán đầy tranh cãi của đảng Thai Raksa Chart, cũng là một đảng chống chính quyền quân sự.

Phi công máy bay Ethiopia đã làm theo hướng dẫn xử lý khẩn cấp trước khi rơi
ADDIS ABABA - Sau vụ rơi máy bay Lion Air ở Indonesia vào tháng 10, 2018, hãng Boeing đã đưa ra một bản hướng dẫn cho phi công về cách tắt Hệ thống Tăng cường khả năng điều khiển bay (MCAS) – hệ thống tự động chúc mũi máy bay xuống để giúp phi cơ tránh bị thất tốc (tình trạng máy bay nghiêng lên quá cao khiến cánh bị thiếu lực nâng).

Theo đó, phi công cần sử dụng các công tắc trong bảng điều khiển trung tâm để ngắt nguồn điện cho hệ thống MCAS, và các công tắc đó nên bị tắt trong suốt phần còn lại của chuyến bay.

Theo các nguồn tin ẩn danh đã được báo cáo về kết quả điều tra ban đầu, các phi công trên chuyến bay 302 của hãng Ethiopian Airlines ngày 10 tháng 3 ban đầu làm đúng theo hướng dẫn của Boeing. Họ đã khóa công-tắc để vô hiệu hóa MCAS khi hệ thống này liên tục khiến máy bay chúc mũi xuống. Các nỗ lực của phi công đã giúp máy bay tăng lại độ cao gần 600 mét.

Tuy nhiên, MCAS sau đó đã khởi động lại 4 lần và liên tục khiến máy bay chúi mũi xuống, trước khi rơi xuống gần Bishoftu, khiến 157 người thiệt mạng. Các chuyên gia nghi ngờ hệ thống MCAS đã tự khởi động lại mà không có hành động của phi hành đoàn. Boeing từ chối bình luận về thông tin này vì cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.

Chính quyền Ethiopia cho biết báo cáo ban đầu về vụ tai nạn có thể được công bố trong tuần này. Theo quy định, báo cáo đầu tiên phải được đưa ra trong vòng 30 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn. Những phát hiện trong báo cáo không phải là kết luận cuối cùng và có thể thay đổi khi cuộc điều tra tiếp tục.

Quốc vương Brunei khẳng định nước này công bằng và hạnh phúc
BANDAR SERI BEGAWAN - Quốc vương Brunei hôm thứ Tư đã bảo đảm với thế giới rằng Brunei là một "quốc gia công bằng và hạnh phúc," nơi du khách có thể mang về một "kỷ niệm ngọt ngào" nhờ Hệ tư tưởng Hồi giáo, bất chấp việc quốc gia này đang phải đối mặt với sự chỉ trích toàn cầu về luật Hồi giáo Sharia, trừng phạt tội dâm ô, ngoại tình và cưỡng hiếp, bằng hình phạt ném đá đến chết, và phạt tội trộm cắp bằng việc chặt tay.

Quốc Vương Hassanal Bolkiah nói, “Hệ thống tư tưởng Quân chủ Hồi giáo Malaysia (MIB) là một hệ tư tưởng thành công của một quốc gia công bằng và hạnh phúc. Hệ tư tưởng MIB cũng đã được chứng minh là thân thiện với thế giới. Bất cứ ai đến nước này đều sẽ được tận hưởng môi trường an toàn và những dịch vụ tốt từ chúng tôi. Đây mới là Brunei thật sự. Không có hệ tư tưởng MIB, đó sẽ không phải là Brunei.”

Hoa Kỳ vào ngày thứ Ba đã chỉ trích quyết định của Brunei về việc ban hành đạo luật, và kêu gọi quốc gia này phê chuẩn và thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn. Giám đốc nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet vào ngày thứ Hai cũng nói rằng Brunei sẽ có bước lùi đáng kể về nhân quyền nếu đạo luật có hiệu lực. Bài diễn văn của Quốc Vương Hassanal Bolkiah được đưa ra nhân dịp kỷ niệm một ngày lễ Hồi giáo vào ngày thứ Tư, và không nhắc gì tới đạo luật Sharia, vốn đã có hiệu lực vào cùng ngày. Brunei, nước láng giềng với 2 bang của Malaysia trên đảo Borneo, áp dụng giáo lý Hồi giáo nghiêm ngặt hơn so với Malaysia và Indonesia, các quốc gia Hồi giáo khác ở Đông Nam Á. Tại Brunei, việc bán rượu và truyền bá các tôn giáo khác đều bị cấm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT