Người Việt Khắp Nơi

Một người tỵ nạn từ California về thăm ân nhân tại Iowa

Sunday, 02/12/2018 - 10:10:32

Vì sợ bị nhà cầm quyền tuyên truyền tẩy não sau chiến tranh, ông Kỳ nói, cha ông đã gửi ông đến sống ở Sài Gòn, nơi một giáo viên dạy kèm cho ông học tiếng Nga, tiếng Anh, và tiếng Pháp ba lần mỗi tuần. Ông cũng biết nói tiếng Quan Thoại và tiếng Việt.



(Des Moines Register)


DES MOINES – Trong mùa lễ Tạ Ơn vừa qua, một người Việt sống tại Nam California đã đưa vợ và hai con đến tiểu bang Iowa, để thăm lại chốn xưa và những người Mỹ từng trợ giúp ông trong những ngày đầu tiên mới đến đất nước tự do này. Câu chuyện của ông Lương Phan Kỳ đã được nhật báo Des Moines Register viết trong số báo ra ngày 29 tháng 11 vừa qua. Sau đây là trích đoạn của bản tin khá dài đó.
*

Ông Lương Phan Kỳ (hay Phil Lương) đã sửng sốt với thời tiết giá lạnh, khi ông bước xuống từ một chiếc phi cơ ở Des Moines vào ngày 13 tháng 12, 1978.

Trước đó trong cùng năm, ông mới có 12 tuổi và vượt biển một mình để thoát khỏi chế độ cộng sản Việt Nam đã chiếm miền Nam năm 1975. Ông là một trong hơn 400,000 thuyền nhân đến nước Mỹ từ năm 1978 cho tới năm 1997, theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ước tính.

Ông nói, “Vì biết giá trị của tự do mà tôi đang tìm kiếm, nên tôi vượt qua mọi nỗi lo lắng, tôi không sợ hãi. Tôi muốn có một tương lai.”

Trong dịp Lễ Tạ Ơn vừa qua, Lương Phan Kỳ, 52 tuổi, đáp xuống phi trường Des Moines một lần nữa - lần này cùng với vợ, con gái và con trai.

Trong một chuyến thăm bốn ngày, họ thăm tòa nhà quốc hội Capitol gần Vườn Bách Thảo nơi ông sống ở tuổi thiếu niên, và Trung Tâm Nghệ Thuật, nơi từng trao cho ông một học bổng vào năm 1979.
Trong những thập niên sau đó, ông đến California làm những công việc lặt vặt trong khi học trung học, sau đó được một học bổng để học khoa kỹ thuật tại trường University of California ở Los Angeles. Ông nghiên cứu khoa học nhiệt hạch tại trường trong nhiều năm, phát triển những hệ thống tưới nước mới, làm kỹ sư cơ khí, và giúp cho nông dân trồng những thứ trái cây nhiệt đới.

Hiện nay ông nuôi cá và trồng rau trên miếng đất rộng 305 acre ở California.
Tuy nhiên ông vẫn cảm thấy khoảng thời gian ở Iowa giống “như thể mới ngày hôm qua.”
Ông nói, “Những hoài niệm về những người đã ra tay giúp đỡ chúng tôi sẽ luôn luôn còn mới trong tâm trí tôi.”
Sau cuộc chiến Việt Nam, chế độ cộng sản nhắm đánh tư bản vào cơ sở xây cất của gia đình ông Kỳ ở miền Nam Việt Nam.

Vì sợ bị nhà cầm quyền tuyên truyền tẩy não sau chiến tranh, ông Kỳ nói, cha ông đã gửi ông đến sống ở Sài Gòn, nơi một giáo viên dạy kèm cho ông học tiếng Nga, tiếng Anh, và tiếng Pháp ba lần mỗi tuần. Ông cũng biết nói tiếng Quan Thoại và tiếng Việt.

Sau bốn lần vượt biển thất bại, ông được một chiếc xe buýt chở một mình ông tới một căn chòi cạnh bãi biển, và trốn ở đó trong nhiều ngày. Trong bóng đêm, một chiếc xuồng đưa chú bé ra tới một chiếc thuyền đánh cá, nơi ông gặp lại một người chị em họ và con cái của bà.

Chuyến vượt biển kéo dài cả tuần, nhiều lúc xoay xở để tránh bọn hải tặc Thái Lan hung hăng. Cuối cùng họ đến một trại tị nạn ở Mã Lai Á, nơi ông chờ đợi trong sáu tháng kế tiếp.

Từ trên thuyền trong lúc còn trôi dạt giữa biển, nhóm người tỵ nạn đã thấy những con chim bay lượn trên trời, báo hiệu cho những người mệt mỏi và say sóng rằng họ đang ở gần bờ. Ông nói,. “Khoảnh khắc sung sướng nhất làm tôi lên tinh thần nhiều nhất là lúc nhìn thấy những con chim đang bay.”
Lương Phan Kỳ đã vẽ lại những con chim khi nhận học bổng tại trung tâm nghệ thuật Des Moines Arts Center. Tác phẩm “Two Birds Flying For Freedom” (Hai con chim bay đi tìm tự do) đã được tặng cho Thống Đốc Cộng Hòa Robert Ray tại quốc hội Capitol.



Thống Đốc Iowa, ông Robert Ray, cùng vợ đang tuyên bố sẽ không tái tranh cử vào năm 1982. Ông giữ chức thống đốc trong 5 nhiệm kỳ, lâu nhất trong các thống đốc tại Hoa Kỳ. Sau năm 1975, Iowa của ông đã mở rộng vòng tay để đón nhận hàng ngàn người tỵ nạn từ Việt Nam, trong đó có thuyền nhân Lương Phan Kỳ vào năm 1978. (Getty Images)



Ông Robert Ray đã qua đời trong năm nay. Ông từng chào đón hàng ngàn người tị nạn Đông Nam Á đến tiểu bang Iowa, nơi đa số dân chúng là người da trắng, trong năm nhiệm kỳ ông làm thống đốc. Như ông Lương Phan Kỳ, những người tỵ nạn tại Iowa đều đã biết ơn vị thống đốc này rất nhiều.

(Source: Des Moines Register Bấm vào đây)


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT